Thứ sáu, 31/08/2018, 09:25 AM

Nghệ sĩ Lê Bình, diễn viên Mai Phương: "Nương tựa Phật, con thấy bình an"

Nhìn bức ảnh nghệ sĩ Lê Bình tay lần chuỗi hạt nâu khi ngồi trên giường điều trị bệnh ung thư, bất giác tôi nhớ tới bà ngoại. Bà tôi cũng từng như vậy, những tháng ngày phải hóa trị đầy đau đớn trong bệnh viện, lúc nào bà cũng cầm cuốn kinh nhỏ trên tay.

Ngày bé, tôi luôn tự hỏi: Vì sao khi bị bệnh tật người ta lại tìm tới đạo Phật? Đức Phật liệu có lắng nghe được lời cầu nguyện của mình không? Niệm Phật mầu nhiệm lắm sao?

Sau này, khi đã nếm trải dư vị ngọt đắng của cuộc sống tôi đã hiểu được: Lúc khó khăn người ta tìm đến đạo Phật để cõi tâm được an bình. Giống như bà tôi - một người phụ nữ bé nhỏ mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối - mỗi tối vẫn luôn đọc kinh dưới ánh đèn leo lắt. Bà đọc kinh Phật không phải cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến với mình: những tế bào ung thư sẽ biến mất. Đơn giản chỉ là những phút giây được ở bên Phật, bà thấy yên lòng, vơi bớt nỗi đớn đau trên cơ thể và tâm trí không còn quá lo lắng về cơn bạo bệnh có thể đánh gục mình bất cứ lúc nào.
 
Những ngày qua, báo chí đưa tin nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương - hai diễn viên từ trước đến nay luôn nhận được sự mến mộ của khán giả đang bị ung thư phổi. Mọi người đều rất đau lòng khi nhìn hình ảnh hai người nghệ sĩ - một già một trẻ - nằm cùng một khoa trong bệnh viện đến thăm và động viên lẫn nhau cùng mạnh mẽ vượt qua tật bệnh.
 Hai nghệ sĩ động viên nhau trên giường bệnh. Ảnh: news.zing.vn
Tôi thấy trân quý cách nghệ sĩ Lê Bình đối mặt với căn bệnh ung thư của mình. Khi con nuôi ông ngỏ ý muốn chia sẻ với báo chí để nhận sự giúp đỡ từ công chúng, ông chỉ nói: “Ung thư thì người thường cũng mắc chứ có phải nghệ sĩ mới bị đâu. Ba cũng như người thường, sao lại được ưu ái? Nhiều người còn khó khăn hơn mình chứ, có phải ai cũng được giúp đâu?”, “Tuổi già trôi qua và bệnh tật ập đến là chuyện thường. Tôi còn chịu đựng được, còn có thể lo cho bản thân nên số tiền quyên góp hãy giúp diễn viên Mai Phương. Cô bé đáng thương, con gái mới 5 tuổi. Nhìn nụ cười tươi tắn của hai mẹ con, tôi như có ai cứa vào tim mình. Mai Phương đang chống chọi với bệnh nên cần sự giúp sức hơn”.

Ông giấu mọi người về bệnh tình của mình hơn 3 tháng, nhập viện lặng lẽ vì không muốn đồng nghiệp lo lắng cho mình, phần vì tự trọng không cho phép than nghèo kể khổ. Suốt thời gian điều trị, ông vẫn ra ra vào vào bệnh viện vừa chữa bệnh, vừa tham gia đóng phim để tự kiếm tiền chữa bệnh. Hơn 30 năm theo nghề, ông luôn nhận được sự quý mến và kính nể từ bạn bè và đồng nghiệp nhờ nhân cách sống rất chân thành và tự trọng. Người nghệ sĩ luôn hết mình vì nghệ thuật, dành tình cảm cho vô số những vai diễn, chia sẻ giây phút hạnh phúc nhất của đời ông chính là khi sân khấu đóng màn, khép lại suất diễn trọn vẹn. 

Chính trong lúc bạo bệnh, người nghệ sĩ với khuôn mặt khắc khổ cùng cuộc sống lận đận từ trong phim cho đến ngoài đời đã thấy vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến tình cảm yêu mến từ khán giả và đồng nghiệp. “Lê Bình muốn gửi lời cảm ơn đến anh em đồng nghiệp, các khán giả biết mặt hoặc không biết mặt nhưng quý mến và quan tâm đến Lê Bình. Đó là điều Lê Bình không bao giờ quên”. Dù đau đớn về thân thể nhưng tôi lại thấy nét mặt của ông có sự bình an lạ kì.

Với diễn viên Mai Phương, cô may mắn khi có cơ duyên được gặp một vị sư cô. Có lẽ nhờ những lời chỉ dạy đầy tâm tình của sư cô, người mẹ trẻ của cô con gái Lavie - Thiên Như 5 tuổi sẽ vững tâm để chiến thắng bệnh tật. 
 
Tuy trải qua những lần xạ trị đầy đau đớn nhưng cả hai nghệ sĩ vẫn luôn lạc quan và nụ cười luôn thường trực trên môi. Phải chăng nhờ có lòng tin Phật nên họ cũng phần nào hiểu được kiếp sống con người vô thường biến đổi, sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình của thế gian. Chính nghệ sĩ Lê Bình cũng tâm sự: “Đời bây giờ như cõi tạm. Bà cụ nằm kế phòng tôi, tôi qua ngủ một giấc, sáng dậy thấy y tá hô hấp cấp cứu liên tục. Sau đó thấy người ta đẩy bà cụ đi ra khỏi phòng, nói một câu nhỏ nhẹ: Bà cụ đã đi rồi... Đời vốn phù du là thế!”.
 Dòng chia sẻ đầy tình cảm của nghệ sĩ Lê Bình. Ảnh chụp từ facebook
Kinh Pháp cú có viết: “Không bệnh là lợi nhất, biết đủ là giàu nhất, bạn lành là thân nhất, Niết bàn là an vui nhất”. Bệnh là một trong bốn nỗi khổ lớn của đời người: Sinh - lão - bệnh - tử.

Ngay cả các vị Bồ Tát do nguyện lực độ sinh mà sinh ra trong cõi đời này, khi đã mang thân tứ đại vẫn phải chịu cảnh sinh - lão - bệnh - tử như mọi người khác trên thế gian. Các ngài không phải do nghiệp lực mà thọ sinh nhưng vẫn không tránh khỏi sự biến dịch vô thường. Bởi vì các vị ấy mang thân do duyên giả hợp thành, có hợp sẽ có tan, hữu hình hữu hoại như lời đức Phật dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng” hay “Tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, như ảo tưởng, ảo giác, ảo thuật; như bọt nước, như hình như bóng; như sương, như ánh chớp” (Kinh Kim cang Bát nhã).

Chỉ khác là cũng mang thân tứ đại, phải chịu cảnh biến hoại vô thường do các duyên tan hợp, nhưng các bậc Thánh đã giác ngộ, giải thoát thì khác. Thân thể dù bệnh tật nhưng tâm các ngài không phiền não khổ đau, thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Các bậc Thánh giải thoát có thể nhờ định lực cao thâm mà xả ly hoàn toàn khổ thọ, an trú trong trạng thái tịnh lạc vi diệu. Từ hàng Thánh A la hán có thể nhập diệt thọ tưởng định để vào trạng thái không còn cảm thọ và tri giác. Tuy nhiên ra khỏi định, thân thể vẫn phải chịu đau nhức, nhưng nhờ tâm xả ly không chấp thủ, luôn nhiếp tâm chánh niệm, có định lực và tuệ giác mà các ngài vẫn tự tại, an lạc, vượt thoát khổ não.

Vì thế, người tu học không phải cầu không bệnh tật mà là cầu không khổ não khi bệnh tật. Có nghĩa là tu sao để đối trước cảnh vô thường, biến hoại, tâm vẫn an nhiên bất động, không phiền não đau khổ như thế nhân thường tình.

Muốn được như thế cần phải có công phu tu hành do lúc bình thường huân tập và công phu đó được duy trì tốt, vững chắc trong lúc bệnh tật. Pháp hỷ, pháp lạc có được trong quá trình nghe pháp, ôn lại giáo pháp, quán niệm và hành trì, an trú trong chánh định và tuệ quán sẽ giúp người bệnh vượt qua những nỗi đớn đau thể xác hoặc làm giảm thiểu những nỗi đau đó; đồng thời tâm không rơi vào các trạng thái khổ não.

Trong Tương ưng bộ kinh III (chương I, phần Nakulapità), đức Phật dạy vị gia chủ già nua đang quằn quại trong bệnh khổ như sau: “Này gia chủ, quả thật là thân ông bệnh hoạn, ốm đau. Ai mang cái thân này lại cho là không bệnh, dù chỉ trong giây phút, người ấy là người ngu si. Do vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập như sau: 'Dù cho thân tôi có bệnh, tâm tôi sẽ không bị bệnh'. Này gia chủ, ông cần phải tu tập như thế”. Lời dạy của đức Phật không chỉ dành cho gia chủ mà còn dành cho tất cả chúng ta, giúp chúng ta chuẩn bị tâm thái để vững vàng vượt qua bệnh khổ.

Mong sao nghệ sĩ Lê Bình và diễn viên Mai Phương sẽ gặp mọi điều an lành và mạnh mẽ chiến thắng tật bệnh. Nhân đây, mỗi người chúng ta cũng tự nhắc nhở bản thân cần sinh hoạt khoa học, luôn giữ thân tâm an lạc. Bởi tài sản lớn nhất của đời người chính là sức khỏe và trí tuệ.

Tuệ An

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm