Nghị lực của Đức Thích Tôn
Ý chí sắt đá trí tuệ cao siêu, lòng bi mẫn vô biên, đức vị tha phục vụ chúng sanh vô tận, sự thoát ly thế tục chưa từng có trong lịch sử, đời sống gương mẫu đến độ thánh thiện, những phương pháp mà Ngài đã áp dụng để truyền bá giáo pháp và sự thành công vang dội trong truyền bá Chánh pháp…
Tất cả những yếu tố đó khiến cho hơn một tỷ người trên thế giới tôn sùng Ngài – Đấng Giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là đấng giáo chủ siêu việt nhất trong tất cả các vị giáo chủ của nhân loại từ trước đến nay. Và cũng có thể nói rằng tất cả những sự thành công phi phàm của Đức Phật cũng đã phản ảnh được nghị lực vĩ đại và sức nhẫn nại vô biên trong sự nghiệp phục vụ chúng sanh suốt thời gian trụ thế của Ngài.
Quan sát cuộc đời của Đức Phật từ thuở thiếu thời cho đến năm hai mươi chín tuổi, chúng ta có thể thấy được nơi Đức Phật là một con người đặc biệt so với bao nhiêu con người khác. Cuộc sống của Ngài có được tất cả những gì mà hết thảy mọi người đều ham muốn và suốt đời tìm kiếm nhưng những thứ đó không bao giờ cám dỗ được Ngài.Thái tử Siddhartha sanh thành trong một gia đình vua chúa thuộc dòng họ lớn Sakya ở giai cấp thượng lưu Sát-đế-lỵ. Bản thân Ngài là một vị hoàng tử thông minh tuấn tú, sức khỏe hơn người, trong tay Ngài có đủ quyền uy và thế lực tột bực, xung quanh Ngài, ngày cũng như đêm kẻ hầu người hạ tấp nập có đến số ngàn.
Ngài sống trong cảnh giàu sang nhung lụa, ở thì lầu các nguy nga tráng lệ mỗi mùa nóng lạnh tùy theo thời tiết có một lầu riêng, ăn toàn sơn hào hải vị, chả phụng nem công, mặc toàn những thứ gấm vóc lụa báu từ xứ dệt lụa nổi tiếng thủ phủ Kasi chở về.
Tuy sống trong cảnh vương giả vật chất sung mãn trong tay quyền uy và thế lực như thế nhưng Đức Phật không phải là một con người tầm thường như bao nhiêu con người khác; không những đối với những thứ đó Ngài không sanh tâm tham muốn mà xem nó như là mũi tên độc như là ngục tù, như là một nơi ẩn náu của bụi trần cần phải xa lánh chúng càng sớm càng tốt. Thật hy hữu thay!
“Đời sống tại gia rất tù túng chật hẹp là chỗ ẩn náu của bụi trần ô trược. Nhưng đời sống của bậc xuất gia quả thật là cảnh trời mênh mông bát ngát! Người đã quen với nếp sống gia đình ắt thấy khó mà chịu được đời sống đạo hạnh thiêng liêng với tất cả sự hoàn hảo và trong sạch của nó”.
Đến năm 29 tuổi là tuổi trưởng thành sự nghiệp và đẹp nhất trong đời người, thế mà Ngài lại từ bỏ cung thành Ca-tỳ-la-vệ, xa lánh sự giàu sang phú quý của hoàng cung, hy sinh tất cả những sự vinh quang của đế chúa, chối từ tất cả mọi hạnh phúc khao khát của đời người, một mình một bóng an nhiên đi đến Khổ hạnh lâm tầm sư học đạo. Từ một vị Đông cung thái tử được mọi người trên từ vua chúa quan lại dưới đến hàng dân dã thảy đều yêu kính ngưỡng mộ, sống trong cảnh nhung lụa lầu son gác tía, giữa vợ đẹp con xinh và tương lai sẽ là người kế thừa vương vị, cai trị cả một vùng trù phú Ca-tỳ-la-vệ, Ngài hốt nhiên trở thành một con người không chút quyền uy thế lực, không bà con thân thích, không sở hữu bất cứ vật chất nào, rày đây mai đó sống nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người.
Dưới gốc cây cao hay bên lăng mộ là chỗ che mưa đỡ nắng thay cho lầu cao cửa rộng trước đây. Mảnh vải bọc tử thi trong rừng hay những miếng vải rẻo do người khác vứt bỏ được giặc giũ rồi kết lại để che thân thay cho tấm áo cẩm bào quý báu ngày xưa. Và những vật thực của người nghèo khổ ăn dư đem cho, hay những hạt đậu hạt mè của chim chóc vương vãi là thức ăn thay cho sơn hào hải vị trong cung cấm. Có thể nói cuộc đời của Đức Phật từ một con người giàu sang tột bậc quyền uy và danh vọng tràn đầy, vật chất quá ư sung mãn…, không có một ai có được cuộc sống sung túc như Ngài, thế mà sau khi xuất gia Ngài trở thành một con người nghèo khổ, cô thân độc mã không người thân thích, không quyền thế. Với một cuộc sống quá ư khổ hạnh như thế, cũng không có bất cứ một ai có thể kham nổi cuộc sống như Ngài. Trước những cảnh đổi thay trái ngược một trời một vực như vậy, Ngài vẫn không chút nao núng, không chút động tâm. Thật lạ lùng thay!
“Ta xem vương hầu như bụi qua kẻ hở, xem vàng ngọc quý giá như ngói gạch, xem y phục lụa là như đồ giẻ rách, xem đại thiên thế giới như một hạt cải, xem nước A-nậu như dầu thoa chân…”
Đức Phật hàng phục ma vương như thế nào?
Sau khi xuất gia, Ngài đến Khổ hạnh lâm là một quãng thời gian dài nỗ lực tu tập không biết mệt mỏi không tiếc thân mạng. Có lúc Ngài nhịn ăn hàng tuần; có lúc đêm này qua đêm khác Ngài chưa từng chợp mắt; có lúc Ngài ngồi trên gai bố giữa cái nóng hừng hực của sa mạc hay giữa những đêm tối đột ngột thay đổi thời tiết sương lạnh rét buốt kinh hồn; có những lúc giữa đêm khuya thanh vắng tiếng gào thét của ma vương tìm mọi cách hù dọa, hay giữa ban ngày những loài cọp beo rắn rít muỗi mòng tìm mọi cách quấy phá. Sức khổ hạnh của Ngài vượt quá mức tinh cần, đã tàn phá thân thể. Đâu còn hình bóng cao lớn với khuôn mặt sáng rực nước da vàng mịn màng óng ả của vị hoàng tử Tất-đạt-đa ngày xưa, mà giờ đây chỉ còn một vị đạo sĩ với hình trạng thật khiếp sợ. Ngài chỉ còn da bọc xương với xương đầu nhọn lên, da đầu nhăn nhúm, hai bên má hóp sâu, cặp mắt như hai hố thẳm, các đốt xương ngực và xương sườn hiện rõ từng cái, bụng ép lại như đang cố thóp chặt, hai tay hai chân thì như cây sậy. Giữa tình trạng đầy nguy ngập như thế lại còn xảy ra bao cảnh chướng ngại, các loài ma đến khuyên Ngài từ bỏ lối tu trở về sống cảnh xa hoa hưởng thụ. Thế mà Ngài vẫn không chút sờn lòng nhụt chí khẳng định sức kiên trì và lập trường vững chắc trong con đường tu hành của mình cho Ma vương biết.
“…Ta tu hành với niềm tin vững chắc, với sự kiểm soát tâm chặt chẽ sự tinh tấn và trí tuệ, Ta quyết tâm như vậy, sao người còn cật vấn Ta.Gió thổi mãi một ngày kia cũng có thể làm cạn giòng suối, thì máu huyết của người tu khổ hạnh (nhịn ăn, nhịn uống) làm gì khỏi bị khô dần.Máu cạn thì mật khô thịt cũng hao mòn, thịt Ta càng hao mòn thì tâm Ta càng thanh tịnh, tâm càng thanh tịnh càng an lạc càng sáng suốt thì tâm càng vững chắc. Lúc đó thể xác Ta đau đớn vô cùng thể xác Ta càng đau đớn, tâm hồn càng xa lìa tham ái. Chừng đó Ta biết rõ thế nào là sự trong sạch của một chúng sanh.
Tham dục là đạo binh số một của ngươi; đạo binh thứ nhì là bất mãn; ba là đói và khát; bốn là ái dục; năm là hôn trầm dã dượi; sáu là sợ hãi; bảy là hoài nghi; tám là phỉ báng và cố chấp; chín là lợi lộc, khen tặng, vinh dự và thanh danh bất chánh; và đạo binh thứ mười là đánh giá quá cao mức giá trị của mình và khinh rẻ kẻ khác.Namuci! Đó là quân đội của ngươi, đó là khách luôn luôn lưu trú bên trong hạng người xấu xa quỷ quái. Người hèn nhát ương yếu thì không thắng nổi nhưng ai chế ngự được đạo binh đó thì tìm ra hạnh phúc.Ta cột trên ngọn cờ của Ta chùm cỏ Munja.Đời sống trên thế gian này rõ là khốn khổ! Thà Ta chết trên chiến trường còn hơn sống mà thất bại”.
Sáu năm ở núi Tuyết giữa bao cảnh khó khăn đầy chướng ngại bao lần cố gắng không đạt thành kết quả, nhưng những thứ chướng ngại khó khăn đó không làm cho Ngài thối thất phẫn chí, mà thỉ chung như nhất suốt cuộc đời Ngài vẫn một lập trường là lấy việc thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, để cứu độ chúng sanh thoát ly sanh, lão, bệnh, tử làm mục tiêu tối hậu. Vì thế qua lời phát nguyện cao cả của Ngài dưới cội Bồ-đề bên mé sông Ni-liên-thiền, chỉ với lời phát nguyện đó cũng đủ để cho bọn phàm phu chúng ta thấy được ý chí kiên trì và hoài bão độ sanh của Ngài to lớn biết dường nào. Thật cao cả thay!
“Giả sử mặt trời mặt trăng có thể rơi xuống đất, núi chúa Tuyết sơn có thể rời khỏi chỗ cũ…, nếu Ta không chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đem thân phàm phu trở về hoàng cung quyết không thể có được việc đó xảy ra. Ta thà nhảy vào đống lửa hừng hực hầm lửa nóng bức, nếu không đạt được địa vị cứu cánh, đem thân phàm phu mà trở về hoàng cung quyết không thể có được việc đó xảy ra” (Kinh Hoa nghiêm).Sau này khi thành đạo rồi Ngài vẫn không an trụ nơi cảnh giới Niết-bàn thọ dụng pháp lạc. Vì sự nghiệp cứu độ chúng sanh mà suốt quãng thời gian hơn 45 năm còn lại, có khi một mình một bóng có khi cùng với các môn đồ, ngày cũng như đêm lúc khỏe cũng như khi bệnh Ngài thường rong ruổi mọi nơi khắp cả vùng Ấn Độ rộng lớn để gióng lên pháp âm vi diệu.
Bóng cây cao mát không bao giờ thấy Ngài ngủ quá hai đêm, tấm lưng gầy chẳng lúc nào ấm chiếu. Ngài rày đây mai đó lúc thì ở Ma-kiệt-đà, lúc thì ở Tỳ-xá-ly hoặc có lúc ở Ca-tỳ-la-vệ…, suốt cả ngày lẫn đêm không lúc nào Ngài rảnh rỗi. Ngày thì ở bên mé sông hay giữa vệ đường, Ngài khuyên con người cải tà quy chánh bỏ ác làm lành; đêm thì ở dưới gốc cây trong khu rừng vắng, Ngài hướng dẫn chư Thiên thực hành và đi sâu vào các cảnh giới Thiền định. Sự giáo hoá chúng sanh của Ngài thật vô cùng nhiệt tâm. Nghị lực vĩ đại và lòng nhẫn nại vô biên của Ngài trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, không có một vị giáo chủ nào trên thế gian từ cổ chí kim có thể sánh được.
Đức Phật và lòng từ bi rộng lớn
Với chí nguyện “Trưởng đại giáo võng, Cần sanh tử hải, Lự thiên nhân long, Chí Niết-bàn ngạn.” (Bủa giăng mành lưới pháp Đại thừa, trùm khắp trong bể cả sanh tử, gạn bắt tất cả người, trời, rồng, đem về để trên bờ Niết-bàn), Ngài đã kiên định trước sau, dù chướng ngại khó khăn vẫn không thay đổi lập trường, miệt mài xây dựng một đoàn thể thất chúng đệ tử có trí tuệ có đạo hạnh một cách vững chải, làm mô hình kiểu mẫu cảnh giới nhân gian Tịnh độ ở thế gian để từ đó lan tràn khắp thế giới.Với trí tuệ bạt ngàn như hư không bao la và lòng từ bi ngập tràn như đại dương vô tận, Đức Phật đã không những đào tạo những con người tri thức trong giai cấp thượng lưu Bà-la-môn như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề… trở thành những vị Thánh nhân kiệt xuất trong hàng môn đồ, mà ngay cả những con người cùng hung cực ác bị xã hội lên án ruồng bỏ như Ương-ma-quật…, những người thuộc giai tầng thấp nhất trong xã hội như người gánh phân Ni-đề… những người buôn hương bán phấn như Am-ba-bà-ly… qua sự giáo hóa tôi luyện của Ngài cũng đã trở thành những vì sao rực sáng trong bầu trời đức hạnh và trí tuệ của nhân loại.
Trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh suốt cả 49 năm, Đức Phật chưa bao giờ có một giây phút nào chểnh mảng, dù gặp hoàn cảnh thuận duyên hay nghịch duyên Ngài vẫn không bao giờ thối thất chí nguyện. Tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà bình đẳng ban bố giáo pháp, lời nói của Ngài không bao giờ ngưng nghỉ, thậm chí khi im lặng cũng làm cho đệ tử thông đạt. Thật siêu việt thay!“Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng rạng tỏ ban đêm, nhung giáp và gươm đao chói sáng nhà vua khi lâm trận, lúc Thiền định hào quang chư Phạm thiên chói sáng, nhưng ngày cũng như đêm Đức Phật rực rỡ sáng lòa trong tòa vinh hạnh”.
Cho đến khi sắp nhập Niết-bàn từ Ma-kiệt-đà đi tới thành Tỳ-xá-ly giữa đường lâm trọng bịnh, tự biết mình hóa duyên đã mãn, gần từ giả thế gian, Ngài cùng với Tôn giả A-nan đi về thành Câu-thi-na, vùng làng mạc hẻo lánh ít người để nhập Niết-bàn. Tôn giả A-nan khi hay tin Đức Phật sắp nhập Niết-bàn sanh tâm ưu cảm rơi lệ, Phật bảo phải nên an tịnh đừng có than khóc, phải lấy giới luật làm Thầy sau khi Ngài nhập Niết-bàn. Lời nói cuối cùng của Ngài thật là thống thiết và chứa đựng biết bao tấm lòng thương yêu trìu mến đệ tử của mình làm sao!Những ngày cuối đời tuy tấm thân tứ đại đã quá mòn mỏi bởi cơn bịnh hành hạ khốc liệt, nhưng vì sự lợi ích của Thuần-đà biết rằng nếu thọ dụng thức ăn của Thuần-đà dâng cúng sẽ càng làm cho thân thể mệt mỏi thêm, Đức Phật vẫn cam lòng thọ nhận. Hoặc ngay trước thời gian Ngài chuẩn bị trút hơi thở sau cùng, vì lòng bi mẫn đối với vị đạo sĩ già Tu-bạt-đà-la, Đức Phật trong hơi thở yếu dần lời nói đứt quãng vẫn thuyết pháp Tứ đế cho vị này nghe.Giữa đêm vắng không một tiếng động của thành nhỏ hẻo lánh Câu-thi-na, nằm trên chiếc võng cũ treo giữa hai gốc cây Sa-la chỉ còn một vài giây cuối cùng, Ngài sai Tôn giả A-nan đánh kiền chùy nhóm họp Tăng chúng lại. Với cái nhìn thương yêu đầy nét hiền từ, Ngài vỗ về an ủi, khuyến khích sách tấn Tăng chúng chớ có sanh lòng bi não xót thương trước sự ra đi của Ngài mà hãy cố gắng tinh tấn tu hành sớm cầu giải thoát, để tự độ mình và cứu độ vạn loại chúng sanh. Thật cảm động thay!
“Thế nên các Thầy Tỳ-kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến có kết hợp thì có tan rã đừng lo buồn gì cả. Ngược lại cuộc đời như thế thì các Thầy phải nỗ lực tinh tấn để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh không một thứ chi bền vững. Như Lai diệt độ thì cũng như trừ được cơn bịnh khủng khiếp. Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập trong biển cả, già, bệnh, sống chết, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này như trừ bỏ kẻ thù.
Các Thầy Tỳ-kheo hãy thường nhất tâm nỗ lực cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ dù pháp biến động hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi các Thầy hãy yên lặng không nên nói nữa. Thì giờ sắp đến Như lai muốn diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu của Như lai”.
“Phải chăng tất cả sự nghiệp hoằng pháp độ sanh thành công vang dội của Ngài, để rồi ngày hôm nay hơn một tỷ người trên thế giới tôn sùng Ngài là vị giáo chủ vĩ đại nhất trong tất cả các vị giáo chủ của nhân loại từ cổ chí kim, cũng chỉ là nhằm biểu lộ cho trí tuệ siêu xuất và đức hạnh vô tận, cộng với sức nghị lực vĩ đại và lòng nhẫn nại vô biên của Ngài mà thôi!”
Chúng ta thử nhìn lại cuộc đời của Đức Phật, sanh ra như bao con người khác để rồi trong suốt thời gian dài trụ thế Ngài đã dấn thân trọn vẹn quãng đời tươi đẹp của mình cho sứ mạng phục vụ hạnh phúc nhân loại. Với một sức làm việc kiên trì một nghị lực vĩ đại một lòng nhẫn nại vô biên trước mỗi hoàn cảnh ngang trái, Ngài đã thành công rực rỡ trong sứ mạng phục vụ hạnh phúc và an lạc cho vạn loại chúng sanh. Có thể nói, Ngài là một con người đã sống một cách trọn vẹn kiếp người quá ư đẹp đẽ, đúng như lời của chúng sanh khi tán thán Ngài được ghi lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm, và đó cũng chính là lời kết cho bài viết này.“Một chúng sanh duy nhất một con ngươi phi thường, xuất hiện trong thế gian này vì lợi ích cho phần đông vì hạnh phúc cho phần đông, vì lòng bi mẫn vì sự tốt đẹp vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm