An cư Kiết hạ thực hành lời dạy của đức Phật
Mùa An cư Kiết hạ hằng năm của Phật giáo Bắc tông diễn ra sau Rằm tháng Tư một ngày và kết thúc trước Rằm tháng Bảy một ngày (15/4 đến 14/7 Âm lịch). Phật giáo Nam tông diễn ra chậm hơn, từ ngày mười sáu tháng Sáu đến mười sáu tháng Chín của năm Âm lịch (16/6 đến 16/9 Âm lịch).
Chư tăng, ni tập trung về một trú xứ (còn gọi là Tịnh nghiệp đạo tràng), để An cư kiết hạ là pháp tu hành của người con Phật đã có truyền thống cả ngàn năm. Năm nay là năm thứ hai, tình hình dịch bệnh Covid 19 đe dọa đến sự yên bình của thế giới, tính mạng của con người không ngừng bị đe dọa đến mức báo động. Các trú xứ an cư tập trung có thể chuyển sang hình thức an cư tại chỗ, tang, ni ở trú xứ nào thì an cư tại đó thay vì tập trung tại trường hạ, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Luật tạng: “Mùa An cư kiết hạ là thời gian, là cơ hội cho chư tăng, ni, hành giả an cư, củng cố nội lực, tăng trưởng công đức giới hạnh, đạo niệm kiên cố, giới châu trọn vẹn trên tinh thần lục hòa cộng trụ”.
Thực hiện bổn phận của người xuất gia, thời gian 3 tháng an cư là để tinh tấn trong việc học pháp, hành pháp, nghiêm trì giới luật, khiến công đức, giới hạnh, đạo lực tăng trưởng, xứng đáng là nơi nương tựa phước điền của hàng phật tử tại gia. Cho nên trong kinh Đại Bát Niết bàn, phẩm thứ ba, đức Phật dạy rằng: “Này các thầy Tỳ kheo! Thành báu chính pháp trang nghiêm đầy đủ các thứ công đức trân bảo, đó là Giới, Định, Tuệ làm tường thành kiên cố”. Người tu theo giáo pháp của Phật đà, cần phải lưu tâm vào Tam vô lậu học, để có nhiều sự thăng hoa trên lộ trình tìm về bến giác. Do vậy, ba pháp này là nơi phát sinh ra mọi công đức, cũng như mang lại an lạc và Niết bàn cho hành giả. Vì vậy người xuất gia, trên bước đường tu học, trước hết chúng ta cần phải thanh lọc thân tâm, ra khỏi trần lao nghiệp chướng, thoát khỏi ai oán (lòng tham, sân, si), xa lìa ái dục, thành tựu đạo quả. Cho nên trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, phẩm 24; đức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng. May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp thiên hạ không ai có thể tu Ðạo được cả!” Vì vậy người xuất gia tu đạo, trước hết phải trừ tập khí bên trong, để khắc kỷ phục lễ, bên ngoài thì đoạn dục khử ái, cả hai cùng dụng công, ắt sẽ thành công. Vì hạt giống của gốc rễ ái dục quá sâu dầy, nên sinh tử cứ vô cùng vô tận.Con người sinh ra là do sắc dục, chết cũng do sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục, và thuận theo thế tục thì cứ sống đi chết lại không ngừng. Vậy khuyết điểm lớn nhất của chúng sinh là si ái, ngày đêm sống trong si ái, không thể xả bỏ được.
Truyền thống An Cư Kiết Hạ của Tăng đoàn xưa và nay
Người tu cần phải chuyển được tâm háo sắc thành tâm tu học Phật Pháp, từng giờ từng phút không lãng quên việc tu học, thì sẽ mau chóng thành Phật. Thân thể không nhiễm ô thì là Phật; thân thể nhiễm ô (tức là nhìn không thông, xả không được, giờ giờ phút phút luôn sinh khởi vọng tưởng) thì là chúng sinh. Cho nên đức Phật dạy: “Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc.” Người tu Đạo, hễ lửa đến thì nên tránh xa. “Lửa” tức là gì? Ở đây, “lửa” là dụ cho dục vọng và ái tình, và cũng là tình cảm mong muốn các cảnh giới của lục trần. Lục căn thì thuộc về tình, còn lục trần thì thuộc về cảnh. Cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hợp với sáu trần (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, tiếp xúc, pháp) làm cho con người bị đắm say mê muội, mê đắm đến nỗi “sống say chết mộng”. Vì vậy, người tu Đạo thấy sự dục lạc tất phải tránh xa.
Nếu người xuất gia ngày ngày tiếp xúc với trần cảnh mà không bị đắm nhiễm thì không sao; nhưng nếu không làm được như vậy thì cần phải nghiêm cẩn tu hạnh “viễn ly” tức là lánh xa lửa dục.
Giá trị của sự tu tập, trau dồi giới đức, phạm hạnh và tăng trưởng đạo lực, thể nghiệm chân lý thật khó có thể nghĩ bàn. Ngay cả đức Phật và các vị Thánh đệ tử, những bậc đã chứng đạo, thành tựu mục tiêu rốt ráo giác ngộ, giải thoát, Niết bàn, luôn luôn an trú trong chính niệm, thiền định và sống bằng tuệ giác, và làm tấm gương nghiêm trì giới pháp, luật nghi, tinh tấn thực hành đạo đức, phạm hạnh cho hàng phật tử noi theo. Các Ngài luôn làm nơi nương tựa cho quần chúng, dùng thân giáo, khẩu giáo để phát huy tinh thần hoằng pháp, lợi lạc chúng sinh. Vì vậy người tu đạo trừ sạch các thứ cấu nhiễm không còn thì tâm được thanh tịnh “trở về nguồn cội” (phản bổn hoàn nguyên) và tìm lại được cái tâm thanh tịnh vốn có của mình. Đức Phật dạy, chúng ta nên dùng trực tâm mà tu Đạo và suy nghĩ về Đạo. Trong mỗi niệm, chúng ta nên lấy việc thoát vòng tình dục làm mục tiêu của mình. Ái tình và dục vọng chính là bùn lầy, chúng ta cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy. Cho nên người học Phật Pháp thì cần phải dùng trí huệ không thể dùng tình cảm. Dùng trí huệ để học Phật Pháp thì đó là Chính Pháp. Dùng tình cảm mà học Phật Pháp thì đó là Mạt Pháp. Con đường chân chính Thế Tôn đã chỉ bày, bởi vì Ngài đã đi qua, giờ truyền trao lại cho chúng sinh. Cho nên trong kinh Pháp Cú, kệ 183, Như Lai dạy:
“Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy”.
An cư kiết hạ trong mùa đại dịch Covid-19
Đây cũng chính là đại ý Phật pháp mà ngài Ô Sào thiền sư dạy cho Bạch Cư Dị. Thế nhưng, muốn dứt trừ điều ác, thành tựu các hạnh lành, và giữ tâm ý trong sạch thì hành giả phải dựa vào Tam vô lậu học: “giới, định, tuệ”. Vì thế, trong kinh Tăng Chi Bộ 1, chương 3, phẩm Hạt Muối, phần Cấp Thiết, đức Phật chỉ rõ:
“Một thời, Thế Tôn trú tại Kasala, dạy các Tỳ kheo có ba việc cấp thiết, người nông phu gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ kheo, người nông phu gia chủ mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng. Sau khi mau lẹ khéo cày, khéo bừa thửa ruộng, liền mau lẹ gieo hạt giống, liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỳ kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông dân gia chủ cần phải làm. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỳ kheo cần phải làm. Thế nào là ba? Chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng định học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỳ kheo, cần phải làm. Do vậy, này các Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng giới học; sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng định học; sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tuệ học. Như vậy, này các Tỳ kheo, các Thầy cần phải học tập”. Người nông phu muốn mùa màng bội thu, cần làm ba việc cày ruộng, gieo hạt và dẫn nước, yếu tố quan trọng để cây lúa tươi tốt và cho thu hoạch cao, mang lại lợi nhuận cho người trồng trọt. Cũng vậy, hành giả tu Phật, muốn an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát, cần chú trọng ba môn giới, định, tuệ là nền tảng của sự tu tập.
Theo kinh Đại bát Niết bàn (Trường Bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn vẫn muốn dặn dò lại chúng đệ tử xuất gia, những điều cần thiết trên con đường giải thoát, Ngài chỉ muốn các đệ tử cần phải nương vào Pháp mà tu tập, không cần thiết phải có người lãnh đạo. Này Ananda, “Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo sư của các ngươi”. Vậy chỉ cần các chúng Tỳ kheo siêng năng học hỏi giáo lý, trau dồi giới hạnh và thực tập thiền định, để mở mang trí tuệ, không cần phải bôn ba tìm kiếm sự giải thoát bất cứ nơi đâu. Vì đức Phật lo lắng những người sau này đi tìm một người lãnh đạo để nương tựa hay một chân lý bên ngoài, nên trong những phút cuối cùng, đức Phật dạy: “Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”. Vậy chính pháp là chân lý bất diệt mà đức Phật đã thuyết giảng cho nhân loại. Chắc chắn rằng Chính pháp không phải là một cái gì đó trừu tượng, mù quáng, tối tăm vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người, mà đó là một thực tại và bất cứ một người nào cũng có thể đạt đến. Nó không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Vậy Giới luật là điều cần thiết nhất cho người xuất gia vì “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp. Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Lời dạy sau cùng của đức Phật trước khi nhập Niết Bàn: “Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người…” Như vậy người xuất gia nhất định phải có một nền tảng tu hành cho vững vàng.
Để xứng đáng là sứ giả của Như Lai, là tôn thân của các bậc Hiền thánh, không hổ thẹn, người xuất gia phải có một nếp sống phạm hạnh “bạt tục siêu quần,” chính là sự góp phần bằng đạo hạnh của người xuất gia, mà công hạnh ấy được xây dựng trên nền tảng căn bản của giới luật, để hướng đến sự thanh tịnh tối thượng, sự đoạn tận mọi thứ bất tịnh nhiễm ô, sự chế phục đối với những nhu cầu khát vọng của cuộc sống thế tục… trau dồi đức hạnh trong từng phút giây, huân tập giới đức trở thành hơi thở của chính mình, trang nghiêm bằng giới luật đó là mảnh đất tốt, để vun bồi Tâm đức, Trí đức, Tuệ đức, và Hạnh đức, tăng trưởng thiện pháp một cách xứng đáng, để phát triển nhận thức chân chính. Sống trong giáo pháp, chứng được Niết bàn tự tâm là tâm hoàn toàn thanh tịnh, sẽ là động lực cho việc phát sinh trí tuệ, sẽ có được cái nhìn sáng suốt, giải thoát, tự thiết lập cho mình một phong thái điềm tĩnh, thanh thoát, là tự tạo dựng niềm hạnh phúc thật sự ngay trong hiện tại. Đây chính là cơ sở của niềm tin, của sự kính trọng khiến cho người xuất gia của chúng ta càng vững bước trên con đường hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm