Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 18/10/2016, 15:08 PM

Ngự chế Vạn Thiện Đồng Qui Tập

Trẫm muốn người xuất gia học Phật y theo tập sách này tu hành tức là giương buồm trí sáu ba la mật qua biển giác; một giáo pháp Đại thừa đầy đủ vạn thiện như hoa đốm giữa hư không; mỗi cõi nước, mỗi hạt bụi qua lại theo thiện chân như, tầng tầng bậc bậc uống nước công đức, mỗi mỗi đồng một vị, như chiết nhánh chiên đàn, mỗi nhánh đều thơm, xông mình xông người, lợi người lợi mình, khắp hư không vô tận, đời vị lai vô cùng, vô thỉ vô chung, chẳng dừng chẳng dứt.

Trẫm từng nói: Phật pháp chia ra Đại thừa, Tiểu thừa là việc thuộc về bên tiếp dẫn. Kỳ thật mỗi bước Tiểu thừa đều là Đại thừa, mỗi pháp Đại thừa chẳng lìa Tiểu thừa. Nếu chẳng hiểu rõ Đại thừa thì Tiểu thừa nguyên chẳng phải cứu cánh, như bầu trời trong trẻo kia ngang nhiên sanh ra bóng lòa. Nếu chẳng đi qua Tiểu thừa thì cũng chưa từng cứu cánh Đại thừa, như người nói ăn, rốt cuộc không no. Bởi có là do không cho nên có, không là do có cho nên không. Thiền tông vì đắc vô sở đắc, thế nên là thật có. Giáo thừa vì đắc hữu sở đắc, thế nên là thật không. Thật tế lý địa triệt để vốn không. 
Hoàng đế Ung Chính (Trị vì 1722-1735)
Niết bàn diệu tâm hiển bày ra cái có như số cát sông Hằng. Có, không chẳng thể cách biệt. Tông và giáo tự phải đồng đường. Mê tức là mê có, cũng là mê không. Đạt tức là đạt không, cũng là đạt có. Chẳng chứng ngộ cái nhất tâm của hiển có (diệu hữu) thì do đâu mà thực hành vạn thiện của vốn không (chân không). Chẳng phải thực hành vạn thiện của vốn không (chân không) thì do đâu mà viên mãn cái nhất tâm của hiển có (diệu hữu).

Xưa kia, cổ đức chỉ dùng một tiếng diễn xướng tông chỉ, chỉ thẳng việc hướng thượng. Nếu ở giáo thừa chỉ e người học chấp trước hòa hợp các tướng, chẳng thể ngộ chứng tự tâm, nên phần nhiều các ngài bỏ qua chẳng bàn đến. Nhưng người chuyên nghiên cứu giáo thừa chấp vào danh tướng theo nghiệp trần lao, cho các pháp là thật có, giống như kẻ quên đầu nhận bóng, người chấp ngón tay làm mặt trăng. Vì thế, tuy đồng là người học Phật, nhưng tham thiền và học giáo, nếu đạo bất đồng thì không thể thảo luận với nhau.
Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904 - 975)
Thiền tông tuy cao hơn một bậc, nhưng nếu không đạt đến chỗ cứu cánh thì lại trở thành đọa vào không. Bởi trụ tướng quên tánh là chứa nhóm các tạp nhiễm thì đồng với hạng phàm phu đủ các thứ ràng buộc. Nhưng ly tướng cầu tâm cũng chìm đắm nơi thiên không, khó tránh khỏi giữa chừng dừng ở hóa thành. Người theo Thiền tông trước kia đều cho rằng giáo thừa dụ như lá dương dùng để dỗ con nít nín khóc, và cho rằng Tánh tông là tông chỉ riêng của giáo ngoại biệt truyền. Nói như thế thành ra hai thứ. Trẫm chẳng cho là đúng. Trẫm tuy đủ kiến giải này, nhưng tông sư nhiều đời chưa có vị nào xiển dương thuyết này, không có chứng cớ thì chẳng tin, cũng chẳng dám tự cho mình là đúng. 

Gần đây, khi xem cơ ngữ, ngôn cú của các thiền sư, đến Đại sư Vĩnh Minh Trí Giác, đọc các tác phẩm Duy tâm quyết, Tâm phú, Tông cảnh lục, tông chỉ sáng tỏ như nhật nguyệt trên bầu trời, như sông ngòi chảy trên mặt đất, hết sức cao minh, vô cùng rộng lớn, trội hơn các tác phẩm khác của cổ đức. Nhân đó, trẫm phong ngài hiệu Diệu Viên Chánh Tu Trí Giác Thiền sư. Nơi hoằng pháp của ngài là chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, trẫm ra lệnh cho quan Hữu ty ở nơi ấy tìm hỏi về chi phái của ngài còn có những ai, rồi chọn người tiếp nối để sửa sang tháp viện, tô vẽ lại chân dung ngài để cho tăng ni, phật tử ngày đêm lễ bái cúng dường. 

Từ Lục tổ trở về sau, Vĩnh Minh là đại thiện tri thức bậc nhất cổ kim. Khi đọc đến tác phẩm Vạn thiện đồng quy được trứ tác cách đây một nghìn một trăm năm hết sức phù hợp với kiến giải của trẫm. Nếu bậc thiện tri thức nào khác nói hợp với kiến giải của trẫm, trẫm cũng hoài nghi chẳng dám tin sâu, nhưng Vĩnh Minh là thiện tri thức xuất sắc trong số các thiện tri thức từ trước đến nay, lời dạy của ngài đã thầm khế hợp với tâm của trẫm. Trẫm có thể tự tin kiến giải của mình không sai lầm, và thật ra tông và giáo là nhất quán.

Không và hữu đồng một quan điểm, tánh và hành không hai, chút ít sức thiện căn đều là tư lương bồ đề, đất đai núi sông đều kiến lập chân không bảo sát, là sách này vậy. Được diệu dụng của Tông và Giáo thì tự được tâm và pháp đều quên, bước qua hàng rào của Không và Hữu thì người trí kẻ ngu đồng được cứu vớt. Tâm thông hiểu chân lý cao tột, vào biển giáo mà đếm cát. Chân dẫm hư vô, nương lá cờ Thiền tông mà tiến bước. Theo lời dạy của sách này mà vào thì không rơi vào không vong, người đến bờ kia rồi thì vẫn là như thị. Thật là được tâm của nghìn Phật, chư tổ. Thật là mẹ của hàm thức ứng hóa. Thật là con voi lớn qua sông. Thật là con cháu nối dõi của Như Lai. 
                                Sách Vạn Thiện Đồng Quy
Trẫm đã sao lục các lời dạy tinh yếu của ngài cùng các sách Tông cảnh lục v.v. tuyển vào Ngữ lục thiền sư đồng với ngôn cú của các Đại thiện tri thức và đem khắc bản lưu hành. Lại còn khắc lại tập này ban cho tòng lâm, cổ sát, thường trụ đạo tràng. Trẫm muốn người xuất gia học Phật y theo tập sách này tu hành tức là giương buồm trí sáu ba la mật qua biển giác; một giáo pháp Đại thừa đầy đủ vạn thiện như hoa đốm giữa hư không; mỗi cõi nước, mỗi hạt bụi qua lại theo thiện chân như, tầng tầng bậc bậc uống nước công đức, mỗi mỗi đồng một vị, như chiết nhánh chiên đàn, mỗi nhánh đều thơm, xông mình xông người, lợi người lợi mình, khắp hư không vô tận, đời vị lai vô cùng, vô thỉ vô chung, chẳng dừng chẳng dứt. Đây là trẫm cùng ngài Vĩnh Minh hoằng dương chánh đạo để báo ân Phật vậy.

Tổ Đạt Ma tâm truyền, vốn không có văn tự, mà Vĩnh Minh viết Tâm phú có đến vạn lời. Tuy chẳng lập một chữ nhưng bao gồm ba tạng không sót. Tuy diễn đến muôn lời nhưng tìm một chữ cũng không thể được. Vì thế nói tạm nhờ câu chữ trợ giúp hiển bày chân tâm. Tuy dùng văn ngôn, nhưng ý nghĩa diệu huyền ở tại đó. Xét thấy mỗi lời trong muôn lời đều là đạo, đủ biết pháp nào trong vạn thiện cũng tùy theo căn cơ, thì đâu ngại gì sắc màu sặc sỡ! Lời văn thanh nhã, bố cục mạch lạc, đa văn còn nhiều hơn hải tạng, ngữ cú còn đẹp hơn hoa trời, chẳng những dựng cao cờ pháp mà còn giơ cao bảo ấn, đâu có chút gì chướng ngại mà còn tăng thêm vô lượng quang minh! Ngay lời dạy đã như vậy thì hạnh và quả há chẳng được như vậy hay sao!

Lời của trẫm phụ khắc vào sau tập này để người học đọc sách này rồi xem qua, như lưới bảo châu lớp lớp ánh chiếu lẫn nhau.

Nay tựa

Niên hiệu Ung Chính thứ 11 (1733)
Quý Sửu, mùa hạ, ngày rằm tháng tư ngự bút

Định Huệ dịch

I. Chú thích:
1. Vạn Thiện Đồng Qui Tập

Tác phẩm, 3 quyển (hoặc 6 quyển), do ngài Diên Thọ đời Bắc Tống soạn, được xếp vào Đại Chính Tạng, tập 48. Đây là một bộ sách nói rộng về tâm yếu của nhà thiền qua các kinh luận và lời giải thích của chư tổ.

Ở đầu các quyển, trước hết nói về ý chỉ chung, sau là giải thích rõ ý chỉ bằng chủ thể vấn đáp. Tổng số vấn đáp có 114 điều, trong đó điều thứ 112 (Đại 48, 992 thượng) ghi: “Hỏi: Tập sách này trình bày bao nhiêu danh mục? Đáp: Nếu hỏi giả danh thì là hằng hà sa số. Ở đây chỉ nói sơ lược, gọi chung là Vạn Thiện Đồng Qui, gồm 10 nghĩa:

Lí sự vô ngại.

Quyền thật song hành.

Nhị đế tịnh trần.

Tính tướng dung tức.

Thể dụng tự tại.

Không hữu tương thành.

Chính trợ kiêm tu.

Đồng dị nhất tế.

Tu tính bất nhị.

Nhân quả vô sai”.

Căn cứ vào 10 nghĩa này thì đây là bộ sách giải thích ý nghĩa từng điều. Nhưng trong thực tế, sự ghi chép lại không hẳn y theo thứ lớp nói trên.

Đầu quyển thượng nói về các nghĩa: Lí sự tương tức, vạn hạnh do tâm; kế là giải thích nghĩa này bằng 33 điều hỏi đáp. Đầu quyển trung nêu sơ lược cách thực hành ba la mật, sau lại nói kĩ về cách thực hành ấy bằng 27 điều hỏi đáp. Đầu quyển hạ nêu lên chỉ thú diệu hạnh viên mãn, lại nêu 54 điều hỏi đáp để nói về ý nghĩa của chỉ thú ấy. Toàn sách tuy lấy việc tuyên dương yếu chỉ thiền làm chủ yếu, nhưng chỗ nào ta cũng thấy sự dung hợp của tư tưởng các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tịnh Độ v.v., thư mục trích dẫn rất nhiều.

2. Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975)

Thiền sư sống vào thời Ngũ Đại cuối đời Đường, tổ thứ sáu của tông Tịnh Độ, tổ thứ ba của tông Pháp Nhãn, họ Vương, tự Trọng Huyền, hiệu Bảo Nhất Tử, quê ở đất Dư Hàng, phủ Lâm An, huyện Hàng, tỉnh Chiết Giang.

Lúc đầu sư làm quan, năm 30 tuổi theo Thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham xuất gia ở chùa Long Sách. Sau, sư đến núi Thiên Thai tham kiến quốc sư Đức Thiều, tu tập thiền định, đạt được ý chỉ huyền diệu. Trong thời gian ở chùa Quốc Thanh, sư hành Pháp Hoa sám: buổi sáng sư phóng sinh các loài, buổi chiều cúng thí quỉ thần, đọc tụng kinh Pháp Hoa, chuyên tu tịnh nghiệp. Sư hoằng pháp rất thịnh đạt ở núi Tuyết Đậu, Minh Châu và phục hưng lại chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu.

Năm 961, nhận lời mời của Ngô Việt Vương Tiền Thúc, sư về đạo tràng Vĩnh Minh, chuyên lo tiếp tăng độ chúng, cho nên được gọi là Vĩnh Minh đại sư, sư đề xướng thiền tịnh song tu, lấy tâm làm tông, sư trụ trì ở Vĩnh Minh suốt 15 năm, mọi người kính phục và tôn sư là Phật A Di Đà hóa thân. Sư thị tịch vào năm 975, hưởng thọ 72 tuổi, được vua ban hiệu “Trí Giác Thiền sư”.

Tác phẩm: Tông cảnh lục (100 quyển), Vạn thiện đồng qui tập (3 quyển), Thần thê An Dưỡng phú (1 quyển), Duy tâm quyết (1 quyển).

3. Hoàng đế Ung Chính (1687 – 1735)

Vị Hoàng đế đời thứ 5 nhà Thanh, họ Ái tân giác la, tên Dận Trinh, thụy hiệu là Hiến Hoàng Đế, miếu hiệu Thế Tông, là con thứ tư của Hoàng đế Khang Hi. Trong thời gian tại vị (1723 – 1735), ông dùng chính sách độc tài nghiêm ngặt, nỗ lực sửa sang chính trị trong nước, đặt nền tảng phồn vinh cho niên hiệu Càn Long (1736 – 1795) thời vua Cao Tông đời sau. Vua từng tham lễ Thiền tăng Ca Lăng Tính Âm, được khai ngộ, tự lấy hiệu là Viên Minh Cư Sĩ, có soạn ngữ Ngự tuyển Ngữ lục, Giản ma biện dị lục. Ông chủ trương tam giáo Nho, Phật, Lão nhất trí, các tông Phật giáo nhất trí, Ngũ gia Thiền tông nhất trí. Ông theo học với ngài Vân Thê Châu Hoằng, chủ trương chỉnh đốn các tập tục không tốt trong thiền môn, cổ xúy pháp môn Tịnh Độ. Ông đề xướng niệm Phật, có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo cận đại.

4. Từ ngữ (xem đánh số ở phần dịch âm)

Trẫm 朕: Trước thời Tần Thủy Hoàng (tại vị 214-210 tr.CN), từ trẫm là một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, được Việt dịch là tôi, dùng phổ thông cho mọi người. Từ thời Tần Thủy Hoàng trở về sau từ trẫm chỉ có vua mới được dùng để tự xưng.

Tiểu thừa 小乘trong bài này chỉ cho hai tông: Câu Xá tông và Thành Thật tông trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa.

Đại thừa 大乘trong bài này chỉ cho tám tông: Tịnh Độ tông, Thiền tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Pháp Tướng tông (Duy Thức tông), Pháp Tánh tông (Tam Luận tông), Mật tông của Phật giáo Trung Hoa.

Thiền tông 禪宗trong bài này thường gọi tắt là Tông 宗đối lại với Giáo教. Thiền tông Trung Hoa tôn tổ Bồ Đề Đạt Ma làm sơ tổ (bài này gọi tắt là tổ Đạt Ma) , truyền đến đời thứ sáu là Lục tổ Huệ Năng. Sau Lục tổ, Thiền tông thạnh hành, phát triển thành ngũ gia (tức là năm tông: Quy Ngưỡng tông, Lâm Tế tông, Tào Động tông, Vân Môn tông, Pháp Nhãn tông) thất tông (Tông Lâm Tế đến đầu thời Bắc Tống lại chia làm hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ; hai cộng với năm thành bảy, cho nên gọi là thất tông). Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” khác với Giáo (còn gọi là Giáo thừa) chuyên nghiên cứu kinh điển và y theo kinh tu quán.

Thật tế lí địa 實際理地Thiền tông dùng từ này biểu thị cho thế giới bình đẳng nhất như siêu việt tất cả cảnh giới sai biệt, không thụ nhận một mảy trần. Vậy, thật tế lí địa tức là cảnh giới cứu cánh chân thật.

Niết bàn diệu tâm  涅槃妙心tức là tự tánh hay sinh muôn pháp.

Nãi 乃(trợ từ đặt ở đầu câu giúp cho thanh vận của câu được hài hòa) không dịch.

Cổ đức古  德chỉ cho các vị thiền sư đạo cao đức trọng nổi tiếng ở thời quá khứ.

Hóa thành化城cái thành do đức Phật biến hóa ra, dụ cho pháp phương tiện, chưa đến chỗ cứu cánh (bảo sở).

Tông sư宗師chỉ cho thiền sư.

Cổ chùy古锥cái dùi xưa, dụ cho cơ ngữ, cơ phong của thiền sư.

Phù tiết 符節ấn tín mang theo khi đi sứ, trong bài này ý nói là kiến giải của nhà vua.

Phù 孚  trong bài này âm Hán Việt là phù nghĩa là phù hợp, ngoài ra còn có một âm là phu có nghĩa là tín nhiệm.

Phù夫(trợ từ được đặt ở đầu đoạn văn nghị luận) không dịch nghĩa.

Thiểu 小chữ tiểu chỗ này âm Hán Việt là thiểu nghĩa là chút ít.

Chân không bảo sát 真空寶剎: sát 剎nghĩa là quốc độ 國土(cõi nước, thế giới), bảo sát nghĩa là  thế giới được hình thành bằng châu báu, cũng chỉ cho tịnh độ của chư Phật. Ý trong bài này nói tịnh uế bất nhị vì đều là diệu hữu của chân không (sắc tức thị không).

Thiệp kì phiên li 涉其藩籬: Thiệp (động từ) nghĩa là bước qua. Kì (đại từ chỉ thị) chỉ cho Không và Hữu, làm định ngữ cho danh từ phiên li. Phiên li nghĩa là hàng rào. Thiệp kì phiên li nghĩa là bước qua hàng rào của Không và Hữu.

Thượng đế 上諦đế là đế lí, nay gọi là chân lí, thượng đế nghĩa là chân lí cao tột.

Như thị 如是thông thường dịch là như thế, đúng thế, nhưng trong bài này chỉ cho bình thường tâm thị đạo (tâm bình thường là đạo).

Ngữ lục語錄tác phẩm do các đệ tử của các thiền sư ghi lại lời khai thị của thầy trong các buổi thượng đường, tiểu tham ở thiền viện, hoặc các cơ duyên ngộ đạo của thầy trò.

Cổ sát古剎Sát là cột trụ để treo cờ phướn ở tự viện. Từ cổ sát ở đây có nghĩa là cổ tự (chùa cổ nổi tiếng từ xưa đến nay).

Lục ba la mật六波羅蜜Hán dịch là lục độ vô cực, gọi tắt là lục độ, Việt dịch là sáu ba la mật: bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền ba la mật, bát nhã ba la mật. Đây là sáu pháp tu chính của bồ tát.

Tam tạng 三藏tức là ba tạng: kinh, luật, luận bao gồm hết giáo nghĩa của Phật giáo.

Hải tạng 海藏: còn gọi là Long tạng 龍藏là tạng kinh được tàng bản ở Long cung. Tạng kinh này số lượng nhiều hơn gấp bội tạng kinh ở nhân gian, bồ tát Long Thọ đã từng xuống Long cung đọc kinh Hoa nghiêm bản ngắn nhất là một trăm nghìn bài kệ rồi đem truyền lại trên nhân gian này.

Bảo ấn寶印tức là tâm ấn. Thiền tông chủ trương dĩ tâm ấn tâm (đem tâm ấn tâm), hoặc nói là truyền tâm ấn.

Viên爰(trợ từ đặt ở đầu câu) không dịch nghĩa.

Tỉ 俾(liên từ) nghĩa là để.

Vọng nhật 望日tức là ngày Rằm (ngày 15 âl.)

Ngự bút 禦筆nghĩa là nhà vua viết

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Xem thêm