"Người ăn chay", nữ văn sĩ Han Kang và giải thưởng Nobel Văn học
Ngày 10/10/2024, Han Kang (sinh ngày 27/11/1970) trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên và người Hàn Quốc thứ hai nhận giải Nobel Văn học. Han Kang là con gái của tiểu thuyết gia Han Seung-won. Anh trai của cô, Han Dong Rim, cũng là nhà văn.
Bà sinh tại thành phố Gwangju. Từ năm 10 tuổi, Han Kang sống tại thủ đô Seoul do gia đình chuyển đến đây. Han Kang từng nói rằng thỉnh thoảng bị đau nửa đầu và những cơn đau này giúp mình trở nên khiêm tốn.
Nữ nhà văn chủ nhân giải Nobel năm nay theo học Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei. Bà ra mắt văn đàn với vai trò là thi sĩ bằng việc xuất bản 5 bài thơ - có bài Mùa đông ở Seoul trong ấn bản mùa đông của tạp chí Munhak-gwa-sahoe (Văn học và Xã hội) năm 1993.
Giải Nobel Văn học năm nay một lần nữa khẳng định xu hướng đa dạng hóa của Viện Hàn lâm Thụy Điển, sau nhiều năm bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào các tác giả châu Âu và Bắc Mỹ. Han Kang là người phụ nữ thứ 19 trong tổng số 121 người từng đoạt giải.
Văn xuôi đầy chất thơ
Ủy ban Nobel tại Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2024 là nhà văn người Hàn Quốc Han Kang. Giải Nobel Văn học 2024 vinh danh Han Kang vì "văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt khi đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người".
Han Kang, 54 tuổi, là nữ văn sĩ Hàn Quốc đầu tiên giành giải thưởng danh giá này. Bà nổi tiếng quốc tế với tiểu thuyết The Vegetarian, từng đoạt giải Man Booker Quốc tế năm 2016.
Ủy ban Nobel nhấn mạnh: "Han Kang có nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa người sống và người chết. Với phong cách thơ ca và thử nghiệm, bà trở thành nhà cải cách trong văn xuôi đương đại".
Sinh trong gia đình có truyền thống văn chương, Han Kang tốt nghiệp ngành Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei. Sự nghiệp văn chương của bà khởi đầu với giải thưởng truyện ngắn của nhật báo Seoul Shinmun. Sau đó, bà còn giành nhiều giải thưởng văn học uy tín khác của Hàn Quốc.
Han Kang bắt đầu sự nghiệp tiểu thuyết gia sau năm 1994, khi giành giải thưởng Văn học mùa xuân của nhật báo Seoul Shinmun với tác phẩm Mỏ neo đỏ. Năm 1995, Han Kang xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên Yeosu (NXB Munji).
Năm 1998, Han Kang tham gia Chương trình Viết văn Quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ) trong 3 tháng với sự hỗ trợ của Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc.
Những tác phẩm nổi bật của bà bao gồm tập truyện ngắn Trái cây của người phụ nữ của tôi (2000), Kỳ nhông lửa (2012); các tiểu thuyết Hươu đen (1998), Đôi tay lạnh lẽo của anh (2002), Người ăn chay (2007), Hơi thở đấu tranh (2010), Những bài học Hy Lạp (2011), Hành động của con người (2014, xuất bản ở Việt Nam với tựa đề Bản chất của người), Cuốn sách trắng (2016, xuất bản ở Việt Nam với tựa đề Trắng), Tôi không nói lời tạm biệt (2021). Han Kang cũng xuất bản một tập thơ mang tên Tôi đặt buổi tối vào ngăn kéo (2013).
Nữ văn sĩ giành giải Tiểu thuyết Hàn Quốc lần thứ 25 với Phật nhỏ vào năm 1999, giải Nghệ sĩ trẻ hôm nay năm 2000 do Bộ Văn hóa Hàn Quốc trao tặng, giải thưởng Văn học YiSang năm 2005 với Vết chàm Mongolia và giải thưởng Văn học Dongri năm 2010 với Cơn gió thổi.
Han Kang được trao giải thưởng Văn học Manhae nhờ tác phẩm Hành động của con người (2014) và giải thưởng Văn học Hwang Sun-won (2015) với tiểu thuyết Khi một bông tuyết tan chảy. Tiểu thuyết ngắn Tạm biệt của bà nhận giải thưởng Văn học Kim Yujung (2018).
Tiểu thuyết Người ăn chay đoạt giải Man Booker Quốc tế năm 2016. Tác phẩm Hành động của con người giành giải thưởng Malaparte năm 2017 tại Ý. Han Kang cũng nhận giải San Clemente cho Người ăn chay tại Tây Ban Nha (2019).
Năm 2019, Han Kang được chọn là nhà văn thứ năm cho dự án Thư viện Tương lai tại Na Uy. Tác phẩm Con trai yêu dấu, người mà mẹ thương yêu sẽ được giữ tại Thư viện Deichmann ở Oslo cho đến khi được xuất bản vào năm 2114.
Tiểu thuyết mới nhất của Han Kang - Tôi không nói lời tạm biệt - được trao giải Médicis tại Pháp vào năm 2023 và giải Émile Guimet trong năm 2024.
The Vegetarian: Tác phẩm đưa Han Kang vươn ra quốc tế
Người ăn chay (bản tiếng Anh The Vegetarian) tác phẩm đưa tên tuổi Han Kang vươn ra quốc tế, kể về một phụ nữ trẻ quyết định ăn chay sau những cơn ác mộng đẫm máu. Quyết định này đã đẩy cô vào tình cảnh bị xã hội và gia đình ghẻ lạnh, phản ánh sâu sắc các vấn đề xã hội tại Hàn Quốc.
Người ăn chay do NXB Trẻ ấn hành năm 2010 - là một cuốn sách gồm ba phần (Người ăn chay, Vết chàm Mongolia, Cây pháo hoa) kể về Yeong-hye, một người phụ nữ Hàn Quốc bình thường, quyết định trở thành người ăn chay sau một giấc mơ kinh hoàng. Quyết định này dường như vô hại nhưng dẫn đến sự sụp đổ của cuộc sống gia đình cô và các mối quan hệ xã hội.
Tác phẩm khám phá những tầng sâu thẳm về con người, bao gồm xung đột nội tâm và áp lực xã hội. Từ việc Yeong-hye từ chối ăn thịt, những căng thẳng tâm lý bắt đầu bùng nổ, biến các mối quan hệ gia đình vốn bình thường trở nên bạo lực và đầy dục vọng.
Những biến đổi kỳ lạ về thể xác và tinh thần của Yeong-hye được mô tả qua góc nhìn của chồng cô, anh rể và chị gái, mỗi nhân vật đều có cảm xúc khác nhau.
Cuốn sách khai thác một số chủ đề liên quan đến sự áp đặt của xã hội, mong muốn trốn thoát khỏi các ràng buộc, và sự sụp đổ dần dần của một con người. Với văn phong độc đáo, tác phẩm không chỉ là câu chuyện về ăn chay mà còn phản ánh về khía cạnh tâm lý, tình dục và sự cô độc trong xã hội hiện đại.
Thêm một tác phẩm tuyệt vời của Han Kang
Tiểu thuyết Trắng (NXB Hà Nội, Nhã Nam phát hành năm 2021) đã lọt vào danh sách rút gọn tranh giải Man Booker Quốc tế năm 2018.
Trắng xóa nhòa ranh giới của các thể loại, làm mờ lằn ranh giữa tự truyện và văn chương, trở thành một trong những tác phẩm đặc biệt và riêng tư nhất của Han Kang. Đây là câu chuyện của người đang cố gắng nói lời tiễn biệt với một phần quan trọng trong mình.
Từ thế giới phủ đầy màu trắng ở Warsaw, Han Kang đã lang thang vào thế giới tràn ngập sắc trắng của quá khứ xa xôi, với tã quấn, áo sơ sinh và sữa mẹ. Trắng là màu da của người chị qua đời từ lúc sơ sinh mà cô không có cơ hội gặp gỡ, là bánh trăng tròn lúc chưa hấp, đẹp đẽ như thể chẳng được phép tồn tại trên đời.
Trắng là nỗi đau cũ chưa lành, là nỗi đau mới còn vấn vương hoài niệm. Chính vì vậy mà không thể thành thứ ánh sáng trọn vẹn, cũng chẳng thể làm bóng tối đúng nghĩa.
Trắng như sự bắt đầu của mọi thứ và cũng là điểm kết thúc của tất cả. Trắng đem chúng ta đến với thế giới đan xen giữa sự sống và cái chết, giữa hiện tại và quá khứ, như một chuyến du hành nhằm kiếm tìm sức mạnh nội tại, trải nghiệm sự mong manh của kiếp người. Đồng thời, nỗ lực tìm cách xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn của đổ nát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc
Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.
Tu không phải để thành tiên, thành Phật
Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.
Thiền như một Phật tử
Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.
Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo
Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.
Xem thêm