Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 12/05/2023, 21:24 PM

Người giữ tâm khiêm hạ ắt có phúc báo lớn

Trương Úy Nham người huyện Giang Âm, học nhiều biết rộng, có danh trong giới văn chương. Vào năm Giáp Ngọ (1594), ông về Nam Kinh thi Hương, ở trọ trong một ngôi chùa. Đến khi niêm yết kết quả thi không thấy tên mình trúng tuyển, ông hết lời chửi mắng quan chủ khảo, cho là có mắt không tròng.

Bấy giờ có một đạo sĩ đứng gần đó bật cười. Họ Trương lập tức quay sang nổi cơn thịnh nộ với đạo sĩ.

Đạo sĩ nói: “Văn của ông chắc chắn là không hay rồi.”

Họ Trương càng sôi giận hơn, quát nạt: “Ông chưa từng đọc văn của tôi, sao biết là không hay?”

Đạo sĩ nói: “Tôi nghe rằng, người làm văn quý nhất ở chỗ tâm ý khí chất ôn hòa bình thản, nay nghe ông chửi mắng, [tâm ý khí chất] không có chút ôn hòa bình thản gì cả thì văn làm sao có thể hay?”

Họ Trương nghe như thế hốt nhiên khâm phục, liền thi lễ xin được chỉ dạy. Đạo sĩ nói: “Việc thi đỗ hay không đều do số mạng. Số mạng của mình không đáng đỗ đạt thì dù văn hay cũng chẳng ích gì. Nên tự thay đổi chính mình mới được.”

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Họ Trương hỏi: “Đã do số mạng định sẵn thì làm sao thay đổi?”

Đạo sĩ nói: “Tạo ra số mạng là trời, mà an lập số mạng là chính mình. Nỗ lực làm thiện, rộng tích âm đức thì có phước đức nào mà không cầu được?”

Họ Trương nói: “Tôi chỉ là anh học trò nghèo, làm sao làm [việc thiện]?”

Đạo sĩ nói: “Việc làm thiện, tích âm đức đều từ nơi tâm mình mà ra. Thường giữ tâm [hiền thiện] thì được vô lượng công đức. Chẳng hạn như việc giữ tâm khiêm tốn nhún nhường nào có tốn kém tiền bạc gì, sao ông không biết tự xem lại mình, còn chửi mắng quan chủ khảo?”

Trương Úy Nham từ đó theo lời dạy, cố tự sửa đổi, bỏ lòng kiêu mạn mà giữ đức khiêm hạ, tâm thiện ngày càng tăng trưởng, đức hạnh ngày một sâu dày. Năm Đinh Dậu (1597), ông nằm mơ thấy đi đến một căn phòng trên cao, nhìn thấy một quyển sổ ghi chép tên người thi đỗ, trong đó có nhiều hàng bỏ trống, liền hỏi một người đứng bên cạnh rằng: “Bản danh sách chép tên người thi đỗ khoa này, sao lại thiếu nhiều tên như vậy?” Người ấy đáp: “Việc chọn người đỗ đạt, ở cõi âm cứ 3 năm lại một lần khảo xét so sánh, những người thường tích âm đức, không phạm lỗi lầm mới có tên trong đó. Những dòng bị trống đó đa phần đều là những người vốn ngày trước đáng được đỗ đạt, nhưng vì gần đây đức hạnh kém cỏi nên bị xóa đi.” Sau đó, người ấy lại chỉ vào một dòng còn trống trong sổ và nói: “Trong ba năm qua ông luôn biết giữ mình thận trọng, có thể được ghi tên vào đây, mong ông biết tự lo cho mình.”

Khoa thi năm ấy quả nhiên Trương Úy Nham thi đỗ, xếp hạng thứ 105 [1]. Do những điều như trên mà biết được rằng, trên đầu ba thước [2] nhất định có thần minh soi xét. Việc lành dữ, tốt xấu chắc chắn đều do chính mình, cần phải biết giữ lòng hiền thiện, kiểm soát mọi việc làm của mình, không một mảy may phạm vào những điều xấu ác, luôn khiêm hạ nhún nhường, khiến cho trời đất quỷ thần đều cảm động trợ giúp, như thế mới có được nền tảng để hưởng phước báu. Người nào tính khí cao ngạo tự mãn ắt phải là kẻ thiển cận, ví như có được hưng khởi phát triển cũng không thể thọ hưởng [lâu dài] được. Người có chút tri thức hiểu biết ắt không ai chịu rơi vào chỗ độ lượng hẹp hòi, tự đánh mất đi phước báu như thế. Huống chi sự khiêm tốn là mở ra cơ hội học hỏi từ người khác, lại có thể nhận lấy noi theo việc làm thiện của người, không có giới hạn.

Người cầu công danh sự nghiệp lại càng không thể thiếu sự khiêm hạ. Lời xưa có câu: “Có chí hướng công danh, ắt được công danh; chí hướng sang giàu, ắt được sang giàu.” Người có chí hướng như cây có gốc rễ. Muốn lập chí công danh vững vàng phải luôn luôn giữ lòng khiêm hạ nhún nhường, vận dụng khéo léo vô số phương tiện [mà làm việc thiện], tự nhiên sẽ cảm động thấu cả đất trời. Cho nên, phước đức đều do chính mình tự tạo.

[1 ] Như vậy ông này đỗ vào hàng Tam giáp, tức Đồng tiến sĩ xuất thân, vì vào triều Minh chỉ hàng Tam giáp mới lấy đến số 130 người.

[2] Nguyên văn dùng tam xích (三尺), tức 3 thước cổ bằng khoảng 1 thước tây. Tuy nhiên, trong thành ngữ này thì đây chỉ là một con số tượng trưng.

Trích Chuyển Họa Thành Phúc

Nguyễn Minh Tiến soạn dịch & chú giải

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm