Người sở hữu chiếc “chuông đá” kỳ lạ
Giữa thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có một khu vườn kỳ lạ gắn liền với tên tuổi của một “kỹ sư cầu đường”. Bởi lẽ, ông đã bỏ thời gian, công sức gần 20 năm đi tìm cổ vật hóa thạch và là người sở hữu chiếc “chuông đá” kỳ lạ…
Đam mê với cổ vật hóa thạch
Khu vườn kỳ lạ ấy với những mẫu hóa thạch hàng trăm triệu năm, những hòn đá lâu đời, ở đó là nơi ghi dấu chân của rất nhiều nhà khảo cổ học lui tới, nghiên cứu. Trong bộ sưu tập đó, ông đã cất giữ một chiếc “chuông đá” vô cùng quý hiếm, mỗi lần đánh lên, chiếc chuông phát ra tiếng vang rất lạ.
Người đàn ông sở hữu khu vườn ấy đã miệt mài suốt 20 năm đi tìm và lưu giữ rất nhiều cổ vật của vùng núi Tây Nguyên. Đó là anh Hoàng Thành (56 tuổi), ngụ tại P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, gốc người Huế. Năm 1968, anh cùng gia đình đến vùng đất Tây Nguyên để lập nghiệp. Cả quãng đời tuổi thơ và trưởng thành, anh Thành đã gắn liền với mảnh đất cao nguyên, với chuyên môn là một kỹ sư sửa chữa máy móc làm cầu đường - cái duyên đưa anh đến với niềm đam mê cổ vật.
Các hiện vật hóa thạch tại "bảo tàng" nhà anh Thành
Dẫn chúng tôi thăm khu “bảo tàng” trưng bày cổ vật trong khu vườn của mình, anh Thành hồi ức về cơ duyên đến với công việc sưu tầm cổ vật. “Câu chuyện bắt đầu từ 20 năm trước, khi đó tôi làm nghề thợ sửa chữa máy móc làm đường.
Một lần, anh em công nhân san lấp đường, thấy khối đá nổi lên rất đẹp. Tôi thấy rất lạ và thích thú, liền đem những hòn đá nhỏ kỳ lạ về nhà chơi. Thế là, qua mấy mươi năm làm nghề cầu đường, tôi đã “tha” về hàng chục tấn cổ vật, cùng những thân cây hóa thạch chỉ để nhìn ngắm”, anh Thành nhớ lại.
Năm 2009, một đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam do PGS.TS Phạm Văn Lực làm trưởng đoàn, đã ghé vào nhà anh Thành tham quan. Khi nhìn thấy những cổ vật này, các nhà khoa học đã nhận định ngay rằng, đây là những báu vật có giá trị đặc biệt về địa chất và cổ sinh địa tầng của mảnh đất Tây Nguyên.
Tháng 3-2010, PGS.TS Lưu Đàm Cư, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cử đoàn khảo sát do TS.Nguyễn Hữu Hùng, chuyên gia nghiên cứu về cổ sinh vật học vào tận nhà anh Thành để khảo sát và tìm hiểu “bảo tàng” cá nhân này. Theo lý giải của các nhà khoa học, bộ sưu tập của anh Thành có giá trị rất lớn, nó (cổ vật hóa thạch - PV) là mật mã lý giải cho quá trình hình thành vùng đất Tây Nguyên.
Căn cứ vào những hiện vật có được, các nhà khoa học cổ sinh vật kết luận: Lịch sử của mảnh đất Tây Nguyên bắt đầu từ gần 200 triệu năm trước, khi đó, vùng đất này vẫn đang chìm dưới đáy biển, trải qua quá trình kiến tạo địa tầng hết sức phức tạp và sự hoạt động mạnh mẽ của núi lửa đã đẩy một vùng đất bao gồm Tây Nguyên của Việt Nam, phía Đông bắc Campuchia, Nam Lào nổi lên cao như ngày nay.
Chính vì địa hình lòng chảo này nên các amomoidea (một loại sò biển) trôi dạt về vùng trũng Đắk Lắk nói chung và huyện Lắk (nơi được tìm thấy rất nhiều hóa thạch quý) nói riêng. Chính vì vậy, vùng đất này trở thành “kho” lưu trữ các loại sinh vật hóa thạch rất đa dạng, phong phú mà những nơi khác không thể có được.
Ngoài những hóa thạch được tìm thấy, các nhà nghiên cứu cổ sinh địa tầng ngạc nhiên, đó là họ đã phát hiện bên trong một số amomoidea lại có kẹp một amomoidea khác có kích thước nhỏ hơn, có màu sẫm hơn amomoidea lớp ngoài. Điều này cho thấy lịch sử hình thành vùng đất Tây Nguyên hết sức phức tạp và lâu đời.
Các amomoidea nhỏ đã hình thành do sự phun trào của núi lửa thuộc tiền kỷ Jura cách đây gần 200 triệu năm. Trải qua thời gian, những amomoidea này trôi tự do trong nước biển. Mãi đến trung kỷ Jura cách đây 199,6 triệu năm, núi lửa tiếp tục hoạt động mạnh nên một số amomoidea phát triển sau đó có kích thước lớn hơn đã ngậm cả những amomoidea nhỏ hơn hóa thạch từ trước đó.
Quá trình phun trào của núi lửa đã đẩy nham thạch tràn vào các amomoidea lớn, tiếp tục quá trình hóa thạch và có hình dạng đặc biệt như ngày nay. Ngoài những hiện vật amomoidea quý giá này, tại kho lưu trữ của gia đình anh Thành còn có cả những hóa thạch thực vật thân gỗ cách đây hàng ngàn năm.
Điều này đem lại hình dung cụ thể về lịch sử phát triển của vùng đất Tây Nguyên, làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn hóa của các tộc người Tây Nguyên dưới góc nhìn địa lý, văn hóa.
Chiếc “chuông đá” kỳ lạ
Gần 20 năm đi tìm cổ vật, anh Hoàng Thành đã đem về cho “bảo tàng thiên nhiên” đặt trong khu vườn nhà mình một số lượng lớn cổ vật giá trị. Một trong những cổ vật giá trị có chiếc chuông đá, đó là hòn đá hình trụ, dài 2,60 mét, đường kính khoảng 60cm, nặng 700kg và phát ra âm thanh rất kỳ lạ.
Điều đặc biệt là thời tiết càng lạnh thì tiếng chuông càng trong trẻo, vang xa; ngược lại, trời càng nắng, nóng thì tiếng chuông rất trầm hoặc không phát ra tiếng kêu. Từ đó, có nhiều lời đồn đoán về chiếc “chuông đá” kỳ lạ này.
Hòn đá thiên nhiên phát ra âm thanh như tiếng chuông của anh Thành
Giải thích về sự kỳ lạ đó, anh Thành cho biết: “Khi nhiệt độ giảm, có thể làm cho các cấu trúc đá bị co lại hoặc thay đổi, nên khi dùng vật nào đó đánh vào hòn đá, ngay lập tức, những âm thanh này được lan truyền theo các cấu trúc đá, có lẽ vì thế mà tiếng chuông ngân vang khi trời lạnh…”.
Chiếc “chuông đá” được anh Hoàng Thành tìm thấy cách đây 5 năm tại vùng núi Chư Yang Sin (huyện Lắk, Đắk Lắk). “Để có được chiếc chuông đá cũng là cái duyên. Lúc trước, tôi là kỹ sư chuyên sửa máy móc làm cầu đường. Những lúc rảnh, tôi ngồi nhìn đồng nghiệp san lấp núi để mở đường, thấy những khối đá to và đẹp được bê lên và phá đi. Lúc đó, tôi ước được đem về nhà mình để lưu giữ nên có lần tôi quay lại đã vô tình sở hữu được chiếc chuông đá đặc biệt này.
Nhưng lúc đưa về nhà, nó cũng chỉ là viên đá bình thường. Mãi đến năm 2006, khi tôi di chuyển để trang trí cho quán cà-phê thì mới phát hiện ra điều kỳ lạ của hòn đá có “bản chất” là một cái chuông. Vì hòn đá rất nặng nên tôi đã lấy ba-lăng di chuyển, khi sợi dây xích nhấc bổng viên đá lên thì vô tình khối đá va vào, tình cờ đã phát ra tiếng kêu rất kỳ lạ, giống như tiếng chuông ở chùa. Lúc này, mọi người tiếp tục đánh thì chuông càng phát ra âm thanh”, anh Thành kể lại.
Chiếc chuông khiến cho người dân xung quanh tò mò, nhiều người kéo đến xem và tỏ ra rất ngạc nhiên vì từ trước đến nay, chưa có một hiện vật cổ nào như thế được phát hiện. Trong văn hóa Tây Nguyên cũng chỉ thấy nhiều người nhắc đến đàn đá chứ không hề nhắc đến nhạc cụ nào tên là chuông đá.
Theo anh Thành, chuông đá ở gia đình anh chỉ là một hòn đá tự nhiên chứ không phải là cổ vật của người xưa. Chính vì thế, cách đây ít lâu anh đã đặt chuông đá lên hai cột đá hình trụ khác ở ngoài vườn, cạnh ngôi nhà truyền thống của người Ê Đê để người dân các nơi đến chơi có dịp chiêm ngưỡng.
Đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, địa chất và cổ sinh địa tầng đến nhà anh Thành tìm hiểu, nghiên cứu về những cổ vật và chuông đá kỳ lạ, tuy nhiên việc lý giải nó chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán chứ chưa thể đưa ra kết luận chính thức. Lý giải khi trời lạnh hoặc trời mưa thì nhiệt độ thấp làm cho cấu trúc đá không thể giãn nở ra được, mặt khác, nước mưa ngấm vào đá có thể cũng làm thay đổi cấu trúc bên trong của khối đá, điều này khiến nó không thể phát ra âm thanh khi trời mưa lạnh.
Từ khi đem hòn đá chuông kỳ lạ về nhà, đã có nhiều người từ khắp nơi đến gia đình anh Thành thăm thú, hỏi mua lại chuông đá và những cổ vật hàng triệu năm mà anh đang sở hữu.
Thế nhưng, anh Thành cho biết: “Tôi không thể bán chuông đá, bởi vì vật này có sức cuốn hút mãnh liệt đối với riêng tôi, nó là thứ trời ban cho mình thì không có lý do gì mà bán đi. Trước đây cũng có người đến ra giá hàng tỷ đồng nhưng tôi vẫn quyết định không bán”.
Năm 2013, anh Thành đã bán và hiến tặng cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam gần 11 tấn hóa thạch với hơn 1.000 cổ vật lớn nhỏ bao gồm các hóa thạch amamonoidea (cúc đá), gỗ hóa thạch…; đưa về Bảo tàng Đắk Lắk 11 cổ vật để phục vụ cho việc nghiên cứu. Sắp tới, anh Thành muốn được đem tất cả bộ sưu tập của mình phục vụ cho cộng đồng và xã hội để mọi người được tìm hiểu về lịch sử của vùng đất Tây Nguyên này.
Theo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM
Tin tức 22:17 21/11/2024Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Tin tức 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Nét đẹp tri ân của Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội
Tin tức 13:31 21/11/2024Tối 20/11, tại Hội trường Bảo tàng Học viện PGVN tại Hà Nội đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Tin tức 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Xem thêm