Người tu sĩ mình vẫn đẹp lắm
Xin bạn chớ buồn vì những dư luận xảy ra dạo gần đây. Đạo Phật mình vẫn đẹp, người tu sĩ mình vẫn đẹp lắm, nhất là giữa nhịp sống hối hả hôm nay! Khi xưa, Phật cũng từng bị vu oan hạ nhục đấy thôi. Đạo Phật trải qua 2.600 năm lịch sử, thời đại nào mà chẳng có những biến động thử thách?
Suy cho cùng dù nói gì đi nữa chúng ta cũng không thể phủ nhận giá trị thiết thực của đạo Phật đối với con người và xã hội nhất là trong thời đại giá trị đạo đức của con người đang dần đi xuống.
Đạo Phật đã và đang chung tay cùng xã hội để giáo dục một thế hệ trẻ có lối sống lành mạnh, đạo đức qua những khóa tu mùa hè trên khắp cả nước thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên tham gia. Chúng ta không thể phủ nhận Đạo Phật đã và đang chung tay làm đẹp cuộc đời bằng nếp sống từ bi và trí tuệ.
Tôi thích nhất lời dạy của đức Phật rằng: đạo Phật thiết thực, hiện tại, được người trí chứng biết, đến để mà thấy chứ không phải chỉ để tin suông.
Tôi được biết huynh A là con của một nhà giàu, đẹp trai, học giỏi trốn đi tu. Huynh B xuất thân nhà nghèo từng bán vé số đổi gạo nấu cơm... nhưng tôi không thấy sự khác biệt nào trong nhân cách giữa 2 người. Huynh nào cũng tỏa ra một năng lượng an lạc, nhẹ nhàng, huynh nào cũng hướng đến lý tưởng tự độ, và độ tha.
Như vậy chẳng phải đạo Phật đã làm nên 1 giá trị tuyệt vời hay sao? Nếu ai đó còn hoài nghi thì hãy cạo tóc xuất gia ăn chay khổ luyện chừng 3 năm sẽ thấy được giá trị tuyệt vời của đạo Phật thôi. Ngày xưa, chàng gánh phân Na đề, tên cướp khét tiếng Angulimala... hay xuất thân từ dòng dõi Bà la môn cao quý như Sariputta, Moggallana... khi xuất gia vào tăng đoàn của Phật đều chứng thánh quả A la hán như nhau. Thế thì nguồn gốc xuất thân đâu có mảy may ảnh hưởng gì đến sự tu tập mà chúng ta phải nhọc lòng bàn cãi?
Hỡi các bạn trẻ, cùng trang lứa của chúng tôi đang sống đời sống gia đình! Các bạn nghĩ gì về chúng tôi - những người từ bỏ gia đình để sống đời sống không gia đình?
Nếu bạn là người trí thức, có sự nhìn nhận bạn sẽ càng trân trọng người tu sĩ biết bao. Trong xã hội phát triển về mọi mặt như ngày nay, nhu cầu hưởng thụ của con người càng cao thì bạn hãy nhìn lại mà xem... khi các bạn chưng diện cho mình những bộ cánh đắt tiền thì người tu sĩ vẫn bộ đồ lam giản dị; khi các bạn có sơn hào hải vị, hội họp thường xuyên thì người tu sĩ vẫn rau dưa đạm bạc, sống chay lạc qua ngày; khi các bạn có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, picnic, karaoke, vũ trường... thì người tu sĩ vẫn lặng lẽ, đều đặn kệ kinh sớm chiều; khi các bạn có những ngày ngủ tới mặt trời lên đến đỉnh thì người tu sĩ vẫn đúng 3-4h dậy công phu. Trong khi bạn yêu sống chết duy nhất 1 người thì tu sĩ lại đem tình yêu của mình ban trải đến mọi loài xung quanh.
Chúng ta cũng không tránh khỏi những trường hợp sư giả đang len lỏi đâu đó trên những ngả đường để kiếm tiền bằng cách này hay cách khác. Cũng dễ hiểu thôi vì khi người ta muốn làm hàng giả hàng nhái thì người ta phải chọn loại mặt hàng có giá trị và được người tiêu dùng ưa chuộng chứ!
Chúng ta cũng không tránh khỏi những trường hợp người tu sĩ không đẹp như những gì ta thần thánh hóa. Cũng dễ hiểu thôi, vì người tu sĩ vẫn đang trên bước đường tu tập, đang chuyển từ phàm thành thánh, phạm phải những lỗi lầm sai sót là điều khó tránh. Cái quan trọng là biết sai thì sửa lại cho đúng. Và càng quan trọng hơn nữa là ở cách chỉ lỗi của chúng ta.
Đức Phật dạy một người khi muốn chỉ lỗi người khác phải đủ 5 đức tính:
1. Không vì lòng sân hận
2. Không vì đố kỵ
3. Không phải để hạ uy tín vị ấy
4. Có tâm từ bi
5. Chỉ với mục đích giúp vị ấy sửa lỗi để hoàn thiện bản thân.
(Theo lời giảng trong lớp Luật của Hòa thượng Minh Thông)
Chúng ta hãy xét lại xem mình có được mấy đức tính trong số đó? Đôi khi những lời nhận xét vô tội vạ sẽ vô tình đẩy họ vào bước đường cùng. Vì thế tôi mong bạn hãy suy xét cẩn trọng từng lời!
Hơn nữa, chúng ta không nên vì những học trò lưu bang mà chỉ trích cho rằng nền giáo dục là vô ích, phỉ báng thầy giáo là những kẻ lừa bịp, thiếu tư cách rồi cho con em mình nghỉ học, cam chịu số phận mù chữ. Đó chẳng phải là hành động của người có trí.
Ngày ấy, khi tôi phát tâm xuất gia, mọi người nói tôi thất tình nên đi tu và khuyên rằng: "không có đứa này thì kiếm đứa khác, tội gì phải chôn vùi tuổi xuân của mình trong chốn chùa chiền hiu quạnh vậy con?" Tôi chỉ mỉm cười vì biết câu chuyện tình Lan và Điệp đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người con Việt, từ đó vô tình mặc định đi tu là do thất tình.
Ba tôi thì phán một câu chắc nịch: "mày muốn đi tu thì bước qua xác tao đã!" Còn má tôi thì ngồi bệch ra đất mà khóc, mà giãy đạp như đứa con nít lên 3.
Bà con xóm làng cũng có người nói thẳng: "đồ bất hiếu, cha mẹ nuôi ăn học cỡ đó sao không lo nuôi dưỡng báo đáp mà lại bỏ đi tu..."
Tôi cũng không biết mình đã vượt qua những thử thách dư luận ấy như thế nào. Chỉ biết rằng lúc ấy, trong tôi tràn đầy lý tưởng nhiệt huyết, chỉ một lòng mong muốn được xuất gia.
Như bạn đã biết đó!
Cuộc đời tu là cả hành trình dài chiến đấu với tham sân si của chính mình. Đâu phải dễ dàng để từ bỏ những thói quen thế tục, những suy nghĩ phàm trần đã huân tập trong tâm mình từ bao kiếp. Cũng có những giây phút bất giác yếu lòng thả hồn theo những thú vui bên đường nhưng nhờ lý tưởng, nhờ sơ tâm ban đầu, nhờ sự nhắc nhở của chánh pháp và sự bảo hộ của giới luật tôi kịp thời dừng lại và tiếp tục cuộc hành trình tiến về nẻo giác.
Rất nhiều người hỏi tôi đi tu có khó không? Tôi trả lời khó chứ. Người tu đi ngược dòng đời, khó vô vàng. Sư phụ tôi từng dạy: "Một khúc gỗ muốn tạc thành tượng Phật để người ta tôn thờ thì trước tiên đó phải là một khúc gỗ tốt, không sâu mọt. Rồi khúc gỗ ấy phải chịu để người ta cưa xẻ, đục đẽo. Mọi thứ đều cẩn thận chi li từng đường nét, nếu không chỉ cần lỡ tay làm sứt cái mũi thôi thì bức tượng ấy cũng phải bỏ đi."
Người tu sĩ phải trải qua những khổ luyện tương tự như thế đấy bạn ạ. Chứ không phải đơn giản là những kẻ hôm trước người ta kêu bằng "thằng", hôm nay cạo tóc một cái người ta liền gọi bằng "thầy" rồi lạy lục, và dâng cúng.
Bạn ơi, cơn lốc xoáy nào rồi cũng đi qua, tất cả mọi thứ rồi cũng lùi vào dĩ vãng. Tôi chỉ biết rằng tôi và bạn đang rất hạnh phúc vì đang cùng nhau đi trên con đường hạnh phúc - một hạnh phúc không gì đánh đổi được giữa cuộc đời vô thường sanh diệt. Hãy hứa với tôi, chúng ta mãi mãi là pháp lữ, mãi mãi mạnh mẽ bước những bước chân thật vững chãi trên con đường mình đã chọn. Dù sao đi nữa tôi vẫn thấy mình thật hạnh phúc vì được làm tu sĩ, bạn ạ.
* Bài viết này đã được đăng tải từ năm 2019. Tác giả của bài viết là Hoà thượng Thích Lệ Trang - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM. Sau những sự kiện của Phật giáo gần đây, chúng tôi nhận thấy bài viết trên vẫn phù hợp với những biến thiên của Phật giáo cũng như biến thiên của cuộc đời. Vậy nên xin được đăng tải để độc giả, Phật tử cùng đọc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm