Nguồn gốc linh đạc trong Phật giáo
Linh đạc còn gọi là: Thủ đạc, thủ linh, bảo đạc, phong đạc, liêm đạc, là tên của một loại nhạc khí thuộc bộ gõ tự thân vang theo trường canh đều. Những loại linh đạc này đều thuộc về chủng loại linh.
Nguồn gốc của linh đạc, thông thường cho là ban đầu được lưu hành ở Ấn Độ. Thuyết này trong kinh điển Phật giáo có chứng cứ rõ ràng.
Kinh Đại Bát Nhã chép: “Hoa trời che mát, linh báu phan châu, lụa là gấm vóc, trông thật đáng ưa”. Lại có kinh chép: “Linh đạc phan lụa, gió nhẹ thổi reo”.
Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni Kinh chép: “Pháp ấy chính là do bảy báu làm thành, thềm bậc trên dưới, lộ ra tán cái, linh đạc cửa sổ thuần bằng đồ thất bảo”.
Những chứng cứ trên cho ta thấy linh đạc thuở ban đầu là xuất hiện ở Ấn Độ. Trong điển tịch Phật giáo Ấn Độ, có đoạn nổi tiếng là: “Phong linh đối thoại”, bàn luận về cái nghe và tâm có liên hệ với nhau. Có lần Tổ thứ 17 ở Tây Vực là Già Da Nan Đề cùng với Già Da Xá Đa nghe tiếng phong linh.
Già Da Xá Đa hỏi: “Là tiếng linh ư? Là tiếng gió ư?”.
Già Da Nan Đề đáp: “Chẳng phải gió cũng chẳng phải linh, là tiếng của tâm ông”.Đoạn đối thoại nầy, nói rõ kiến giải bất đồng về sự vật, mà sự vật được mượn để nói ở đây là Linh đạc.
Cách chế tạo và chủng loại linh đạc:
Hình dạng linh đạc thì bất nhất, giống như quả chung, trên đảnh có cán, được chế tạo bằng chất liệu vàng, đồng, sắt,... có 5 loại: Linh 1 cổ, linh 3 cổ, linh 5 cổ, bảo linh, tháp linh – Suất Đô Bà Linh, 5 loại linh nầy kết hợp với 5 loại xử để cố định trên đại đàn. Con số 5 là tượng trưng cho 5 trí, 5 Phật, linh là biểu đạt sự thuyết pháp.Lúc tu pháp mật giáo, vì để tỉnh giác các tôn hoặc khiến cho hoan hỉ thì liền rung linh phát ra tiếng.
Linh có 3 ý nghĩa: Sự tỉnh giác, hoan hỉ, thuyết pháp. Rung linh cúng dường chư tôn gọi là chấn linh. Nhân vì cán linh là một bộ phận của chày kim cang, cho nên gọi là Kim cang linh.
Trong kinh điển thường nêu ra linh đạc. Hơn nữa Quan Âm 1000 tay, và thánh tượng Di Lặc 30 tay, trong đó có một cánh tay cầm bảo linh, cho nên mới nói linh đạc xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ.
Linh đạc là Pháp khí thường dùng trong Phật giáo:
Trong Tự viện Phật giáo, linh đạc chủ yếu là để dẫn hồn, lễ sám, tán bái, niệm tụng, vì thanh điệu réo rắc trang nghiêm.
Vào Triều đại nhà Đường, Ngũ Đại và Nam Bắc Tống thì thân của Kim Cang linh được dùng làm Pháp khí, tức là bộ phận chánh của linh thì đúc hình Tứ Thiên Vương, Phạm thiên, Đế Thích Thiên, cho đến Minh Vương và được gọi là “Phật tượng linh”, hình thái linh nầy rất thạnh hành.
Trong Tự viện thời hiện tại, linh đạc chủ yếu là loại linh cầm tay để lắc thường được thấy sử dụng trong đàn tràng Du Già Diệm Khẩu Thí Thực.
Trong Tự viện Hán truyền, tiếng linh được sử dụng trong lúc tán tụng lễ sám làm tăng thêm sự trang trọng của Pháp hội.
Thủ đạc là loại có cán để cầm, bên trong có lưỡi, khi rung thì phát ra tiếng. Cán của nó có loại một cổ cho đến 5 cổ, hình dạng na ná như cây xử, cho nên có khi gọi là linh xử, đó chính là bái khí của Chơn Ngôn tông và Thiên Thai tông sử dụng.
Linh đạc ngoài loại cầm tay để lắc, còn có loại treo ở tháp, hoặc treo trên mái chùa gọi là đại linh.
Chu Lễ Trịnh Huyền chú: “Đạc là loại linh lớn vậy. Ngoài ra linh có thể làm vật trang nghiêm trong tự viện, treo ở hành lang dưới diềm góc mái chùa tháp, vì gió thổi rung lên những tiếng leng keng nên gọi là phong linh, và cũng là một loại linh đạc”.
Nếu đem 3 loại: Linh 1 cổ, linh 3 cổ, linh 5 cổ để ở trên đảnh tháp có hình bảo châu thì gọi là tháp linh hoặc bảo linh. Lạc Dương Già Lam Ký chép: “Khi mặt trời mới mọc, ánh sáng rực rỡ, gió nhẹ vừa thổi thì linh báu kêu vang”.
Đây là miêu tả âm vận của “phong đạc”. Ngoài ra, chùa chiền mà treo phong đạc, thì tăng thêm nét cổ kính trang nghiêm.
Công dụng của linh đạc:
Là loại trang nghiêm cụ, linh đạc có thể treo ở trước Phật tượng, bảo trướng. Khế kinh chép: “Cúng linh đạc ở nơi Tháp miếu, đời đời được âm thanh trong trẻo”.
Thích Môn Quy Kính Nghi chép: “Âm giọng hay có thể làm cho tâm chinh chiến tiêu trừ, quân và ngựa không thể đi được nữa, là do đời trước cúng dường linh”.
Đây là chép lại câu chuyện Bái Tỳ kheo, do vì nhiều đời về trước từng cúng dường linh đạc treo ở dưới diềm tháp, nhân thế mà đời đời âm thanh trong trẻo, cảm động đến loài cầm thú:
Có lần, vua Ba Tư Nặc thống lãnh một đội quân đi ngang qua đạo tràng giảng kinh của Phật. Vì nghe được giọng tụng kinh thật hay của một thầy sa môn là Bái Tỳ kheo, nên ông ta xuống ngựa và đi đến thỉnh giáo Đức Phật.
Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, vua Ba Tư Nặc bạch với Đức Phật rằng: “Giả như Ngài có thể thỉnh vị Tăng tụng kinh ấy đến để con chiêm ngưỡng dung nhan một lần thì con sẽ cúng dường 10 vạn quan tiền”.
Đức Thế Tôn nói: “Vậy ông hãy cúng dường 10 vạn quan tiền trước đi rồi ta mời vị Tăng ấy đến cho ông gặp. Nếu đợi sau khi nhìn vị ấy thì chắc chắn ông sẽ không còn lòng dạ nào để cúng dường nữa đâu!”.
Vua Ba Tư Nặc sau khi nghe Đức Thế Tôn nói vậy, đành phải bố thí 10 vạn quan tiền trước, để cúng dường Tăng bảo.Sau khi nhà vua gặp được vị Tăng ấy thì trong lòng rất thất vọng. Vua nói: “Thật không ngờ vị Tăng có chất giọng trong trẻo và ngọt ngào ấy lại là một người thấp bé như thế này, mặt mày cũng thật khó coi!”.
Nhà vua hỏi: “Vì sao lại có duyên cớ ấy, bạch Đức Thế Tôn?”.
Đức Phật đáp: “Thuở xưa, có một vị thánh nhân tên là Ca Diếp Phật. Ngay sau khi vị ấy viên tịch, quốc vương vì vị thánh nhân đó mà xây dựng một ngôi tháp rất lớn. Quốc vương mới sai bốn vị đại thần trông coi công việc xây dựng, nhưng trong đó có một vị đại thần rất biếng nhác. Sau khi vua biết được, bèn khiển trách ông ta.Vị đại thần ấy nổi sân, nói: “Ngôi tháp này thật là đồ sộ, làm biết chừng nào mới xong?”.
Sau khi xây dựng hoàn thành, vị đại thần nhìn thấy ngọn tháp rất trang nghiêm. Thế là ông phát tâm cúng một cái linh báu để treo ở trên tháp. Do tật lười biếng và phát ngôn một cách tùy tiện, cho nên trong 500 đời, thân hình ông đều rất lùn xấu. Lại vì ông cúng một cái linh báu để ở trên tháp, cho nên trong 500 đời, ông đều có âm giọng rất trong trẻo làm cho người nghe mê tai.
Thế mới biết, chúng ta phải sáng suốt để giữ gìn ba nghiệp của mình, không nên phê bình người khác, khi làm bất kỳ việc lành gì, cũng không nên nói láp dáp, hay thốt ra lời oán trách, để mình khỏi phải lãnh lấy quả báo xấu sau này vậy!
Loại pháp khí này, ngoài việc dùng chung với kim cang xử trong Mật Pháp ra, thường thống nhất là sử dụng ở đàn “Du Già Diệm Khẩu Thí Thực”, còn trong Hiển giáo thì dùng để dẫn hồn, lễ sám. Người chủ đàn sử dụng trong tán tụng, làm cho giọng điệu càng trang trọng hơn. Nói chung, linh được sử dụng phối âm trên những làn điệu tán tụng, trong tất cả những Pháp hội sinh hoạt nghi lễ thường ngày của thiền môn.
Nghe tiếng linh reo lòng tỉnh giác
Thấy rõ ràng thiện ác trong tâm
Ngát thơm làn khói hương trầm
Thiền cư tịch tĩnh cao thâm đạo mầu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xem thêm