Nguồn gốc và sự hình thành tín ngưỡng xá-lợi
Truyền thống phụng thờ xá-lợi của Phật đã hình thành và phổ biến rộng rãi từ rất sớm, nếu không nói là ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Xá-lợi (舍利) là phiên âm của từ śarīra trong tiếng Phạn. Theo sự khảo cứu của Schopen, một giáo sư chuyên về các thể loại minh văn Phật giáo, từ này xuất hiện trong ngữ cảnh Phật giáo khi ở hình thức số ít (śarīra) có nghĩa là ‘thân thể’ (cả sống cũng như đã chết); ở hình thức số nhiều (śarīrāni) nghĩa là ‘di cốt’ (phần xương còn sót lại sau khi thiêu) (Schopen, 1998, 256). Từ xá-lợi mà chúng ta đề cập đến ở đây mang nghĩa thứ hai này. Ngoài ra, trong Phạn ngữ, dhātu (Hán: 駄都/đà-đô: yếu tố, thành phần) cũng thường được dùng để chỉ cho xá-lợi với ý nghĩa cái chết kèm theo hỏa thiêu sẽ trả một cơ thể trở về các thành phần của nó (Schopen, 1998, 257).
Theo đó, nói đến tín ngưỡng xá-lợi là nói đến truyền thống phụng thờ phần tinh thể còn lưu lại sau khi trà-tỳ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng, của các Bậc Giác ngộ, trong đó có các bậc cao tăng đắc đạo, nói chung. Truyền thống phụng thờ xá-lợi của Phật đã hình thành và phổ biến rộng rãi từ rất sớm, nếu không nói là ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn được ghi lại trong nhiều kinh điển trong đó có đoạn mô tả cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Tôn giả A-nan về vấn đề hậu sự của Ngài. Chẳng hạn, kinh Du hành thuộc Trường A-hàm có ghi lại lời Đức Phật hướng dẫn các các đệ tử lo hậu sự của Ngài như sau:
Bấy giờ A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:
“Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?”
Phật bảo A-nan:
“Ông hãy im lặng. Hãy lo nghĩ đến công việc của mình. Việc ấy đã có các thanh tín sĩ hoan hỷ lo liệu”.
A-nan hỏi đến ba lần:
“Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?"
Phật dạy:
“Muốn biết phép tẩn táng thế nào thì nên làm theo cách tẩn táng Chuyển luân thánh vương” …
“Về phép tẩn táng Chuyển luân thánh vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể; lấy vải bông mới quấn thân thể; dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, rồi đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn, bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Pháp vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của vua, đã làm lợi ích cho nhiều người".
“A-nan, ngươi muốn tẩn táng ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể; lấy vải bông mới quấn thân thể; dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh Thiên”. (Tuệ Sỹ, 2007, 107tt).
Sau lễ trà-tỳ, xá-lợi của Phật được Bà-la-môn Hương Tánh (Droṇa) chia thành tám phần cho tám vùng lãnh thổ dựng tháp cúng dường. Về sau, vua A-dục lại một lần nữa thu thập số xá-lợi trong những ngôi tháp đó (chỉ bảy trong tổng số tám ngôi) và phân bố tôn trí trong 84.000 ngôi tháp do ông dựng lên khắp cõi Ấn Độ.
Cũng cần nói thêm, tín ngưỡng thờ xá-lợi còn có nguồn gốc xa hơn, mặc dù chưa chính thức, đó là khi Đức Phật tặng tám sợi tóc cho hai thương nhân Trapuṣa và Bhallika sau khi mới thành đạo chưa lâu để làm vật kỷ niệm. Hai thương nhân này đã trở thành hai vị đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật.
Ban đầu, theo như lời Đức Phật dạy, tháp xá-lợi được xây dựng nơi công cộng cho dân chúng lễ bái. Người xuất gia hầu như ít có mối liên hệ với việc tín phụng tháp xá-lợi bởi điều này đã được Đức Phật nhắc nhở trong lời di huấn cuối cùng rằng không nên quan tâm đến việc thờ cúng xá-lợi mà hãy chuyên tâm cho việc tu tập3. Về sau, vì vấn đề chăm sóc bảo vệ nên tháp xá-lợi được tích hợp vào khuôn viên các tự viện. Do lượng xá-lợi có hạn, những nơi muốn dựng tháp mà không có xá-lợi, người ta dùng các bài kệ tụng như một loại xá-lợi pháp thân thay cho xá-lợi sinh thân để tôn trí trong tháp. Sự thay đổi về nơi dựng tháp cũng nói lên rằng tín ngưỡng thờ xá-lợi dần dần đi từ dân gian vào tự viện, được tích hợp vào đời sống của giới xuất gia chứ không còn là hoạt động riêng rẽ của giới tại gia nữa (Ray, 1999, 337tt). Kết quả, ngày nay, phần lớn các tự viện Phật giáo, Nam truyền cũng như Bắc truyền, đều có tháp trong khuôn viên dùng cho việc thờ cúng xá-lợi, kinh tượng, hoặc mộ phần.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm