Nhà sư Minh Niệm: Tâm bình yên sẽ hạnh phúc
Hạnh phúc luôn là đích đến trong cuộc sống của mỗi người. Hành trình đến hạnh phúc không đơn giản khi cuộc đời luôn tiềm ẩn những điều không như chúng ta mong muốn. Thế nhưng, dưới góc nhìn của một nhà tu hành, hạnh phúc lại ở rất gần và dễ dàng đạt được khi chúng ta để “tâm bình yên” lên ngôi.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Thưa thầy, cuộc sống ngày nay với những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe, đa dạng hàng hóa nhưng vẫn có nhiều người không cảm thấy hạnh phúc. Dưới cái nhìn của một nhà tu hành, thầy nghĩ con người ta có thể đạt được trạng thái hạnh phúc khi nào?
- Về lý thuyết thì chúng ta sẽ hạnh phúc khi chúng ta có sức khỏe tốt và một cuộc sống tiện nghi, nhưng đâu phải ai có sức khỏe tốt hay có đầy đủ tiện nghi cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Hầu hết chúng ta thường chỉ nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe khi sức khỏe có vấn đề. Những món tài sản ta đang sở hữu cũng vậy. Ta đã từng khao khát mua được một tài sản nào đó nhưng khi có được thì ta lại đặt ra cho mình những mục tiêu khác và ta tin rằng chỉ có thứ đó mới làm cho ta hạnh phúc.
Thế nên, ta chỉ có thể hạnh phúc khi ta có sự tỉnh thức để nhớ ra và cảm nhận những gì mà mình đang sở hữu hay đang tiếp xúc. Không có sự tỉnh thức thì dù có bao nhiêu tài sản quý giá, ta cũng không thể nào hạnh phúc vì luôn đuổi theo những ham muốn mới và quên mất những thứ mà mình đã từng khao khát, nâng niu, dù chúngvẫn đang hiện hữu quanh ta. Nói cách khác, phải buông bỏ những mong cầu không cần thiết, không phải là nhu yếu căn bản để sinh tồn và hài lòng những gì mình đang sở hữu trong hiện tại như một thân thể khỏe mạnh, một công việc đủ nuôi thân… Bởi nói cho cùng, hạnh phúc là sự cảm nhận từ bên trong, của tâm hồn, chứ không phải là những thứ ở bên ngoài. Khi tâm hồn không mong muốn hay đòi hỏi gì nữa thì bình yên sẽ lên ngôi. Đó là thứ hạnh phúc chân thật. Phải có an thì mới có lạc, an lạc là một cặp không thể rách rời.
Nhưng việc tiết chế ham muốn nhu cầu có thể làm giảm hiệu quả kinh tế của mỗi người và xã hội hay không, thưa thầy? Có cách nào để cân bằng giữa làm việc hiệu quả và cảm thụ cuộc sống?
- Việc tiết chế ham muốn nhu cầu có thể làm giảm hiệu quả kinh tế. Nhưng tại sao chúng ta cứ nhất quyết phải phát triển kinh tế đến ngất ngưởng mới chịu? Bởi như đã nói, sự đủ đầy về vật chất đâu thể làm cho con người hạnh phúc lâu bền! Tuy có thỏa mãn, có cảm thấy hạnh phúc nhưng ta sẽ rất mau chán rồi lại hăng hái tìm kiếm những thứ khác. Vậy, thay vì chúng ta vắt kiệt năng lượng để chạy theo những ham muốn dư thừa của mình, thì ta nên học cách tiết chế nó để dành năng lượng nuôi dưỡng những giá trị khác quý giá và lâu bền hơn. Khi chúng ta bớt hưởng thụ vật chất thì tự nhiên đời sống tinh thần sẽ cao lên. Thực tế có rất nhiều doanh nhân sau khi tập buông bỏ bớt các kỳ vọng của mình lại nói với tôi công việc của họ tốt hơn rất nhiều. Có thể vì họ giải quyết công việc với một cái tâm bình yên, sáng suốt nên tránh được những cái bẫy hay hiểu lầm không đáng có.
Cách để cân bằng giữa hiệu quả làm việc và cảm thụ cuộc sống đó chính là làm ít lại, làm việc nào ra việc đó, làm việc với tất cả trái tim, thấy được mỗi công việc hay hành động đều là tác phẩm để đời của mình. Khi chúng ta sống chậm lại, kỹ lại, thì đó chính là lúc chúng ta sống sâu sắc, sống ý nghĩa. Đó mới là sự hưởng thụ đích thực. Mỗi giây phút làm việc là mỗi giây phút ta cảm nhận được sự sống, chứ không phải hy sinh bản thân để lao theo công việc để rồi bị chính công việc mình yêu thích quật ngã và cuốn đi.
Thế nhưng cuộc sống với những điều bất đắc ý xảy ra hàng ngày sẽ khiến chúng ta dễ dàng đánh mất sự bình yên trong tâm hồn. Vậy làm thế nào chúng ta hạn chế được những cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi hay chán ghét một đối tượng nào đó?
- Không phải ai gặp những điều bất như ý cũng đều phản ứng như nhau. Ngay cả bản thân mỗi người cũng có những phản ứng khác biệt với cùng một đối tượng hay một vấn đề. Khi ta đang khỏe mạnh, an vui thì dù có bị xúc phạm hay tấn công, ta cũng có thể bỏ qua dễ dàng. Thậm chí ta còn có thể suy nghĩ tích cực là tìm cách giúp cho người kia tỉnh ngộ. Nhưng khi tâm lý ta có vấn đề, căng thẳng và mệt mỏi, năng lượng đã cạn kiệt thì chuyện không cũng thành có, chuyện nhỏ cũng hóa to. Để hạn chế những cảm xúc tiêu cực, trước tiên ta phải có nhận thức đúng đắn về bản chất của cuộc sống và nuôi dưỡng nhận thức đó.
Nếu bạn có nhận thức rằng cuộc đời là chuỗi tập hợp của những điều như ý và bất như ý – mình đã hăng hái đón nhận những điều như ý rồi thì cũng phải vui vẻ đón nhận luôn những điều bất như ý – thì nỗi khổ của bạn chỉ còn một nửa thôi. Cũng như mình đã từng yêu thích những ưu điểm của một người bạn thì cũng phải cố gắng học cách chấp nhận luôn những khuyết điểm của họ.
Có nhận thức đúng đắn thôi thì chưa đủ, bạn cần phải có khả năng thực hiện những cái thấy cái biết ấy nữa. Tức là phải có phương pháp và ý chí nuôi dưỡng phẩm chất tâm hồn. Bạn phải biết cáchnới rộng dung lượng trái tim khi biết rằng mình phải chấp nhận đối tượng khó chịu này hay hoàn cảnh trái nghịch này. Bạn không thể dùng cái đầu thông minh của mình để đón nhận sự khó khăn được mà cần phải có một trái tim đủ lớn.
Có phương cách thực tập nào để đạt được trạng thái “bình yên trong từng giây phút” như thầy nói?
- Bình yên đích thực đến từ bên trong, khi tâm bạn không còn mong mỏi điều gì xảy ra như ý mình nữa. Điều đó cũng có nghĩa là bạn cũng không chống đối lại những gì xảy ra trái ý bạn.
Dĩ nhiên, phải có phương pháp rèn luyện nghiêm túc, chứ không thể dùng ý chí kiên cường để ép mình mà được. Thiền có thể giúp được bạn trong vấn đề này. Thiền là phép thực tập nuôi dưỡng tâm tỉnh thức, giúp bạn luôn đem tâm của mình trở lại hiện tại để cảm nhận, thay vì tâm bạn luôn suy nghĩ về quá khứ hay tương lai. Thiền là chú ý vào từng hành vi cử chỉ của mình trong mọi lúc mọi nơi, là quan sát từng dòng cảm giác hay cảm xúc của mình. Nói chung, hành thiền là luyện tập cách đặt tâm của mình cho đúng chỗ, thay vì để nó bay nhảy vô tổ chức hay quấy động phiền não. Khi thuần phục được “tâm con khỉ” của mình rồi, bạn sẽ dễ dàng có được bình yên. Dù ngoại cảnh vẫn luôn biến động theo lẽ tự nhiên của nó, bạn vẫn bình yên nơi “hải đảo” của mình.
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam, sinh ra đã phải gánh vác nhiều trách nhiệm như làm vợ, làm mẹ, làm người con dâu trong gia đình. Chính những ràng buộc này dễ gây ra những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày và làm họ nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Thầy có nghĩ phụ nữ khó lòng đạt đến trạng thái bình yên hơn nam giới?
- Được phục vụ những người thân yêu của mình cũng là một cơ may vì không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Chỉ có điều người phụ nữ nên học cách tiết chế công việc một cách hợp lý. Nhiều khi công việc quá nhiều là do chính mình bày ra, vì mình quá lo lắng cho người thân yêu của mình thiếu hụt hay mình hướng tới sự hoàn hảo. Cái gì mình cũng làm, cái gì mình cũng muốn nhúng tay vào. Ngay cả khi không còn việc gì để làm thì cũng không chịu ngồi yên, cũng cố tìm cho ra việc gì đó để làm.
Công bằng mà nói người phụ nữ khó có bình yên hơn nam giới. Nam giới thường hay mặc kệ, không lo nhiều cho những việc sắp tới, vì họ nghĩ họ có khả năng ứng phó, kể cả chấp nhận sự rủi ro để đổi lấy giây phút bình yên trong hiện tại, hoặc cũng có thể vì họ thấy phụ nữ đã giành lo hết rồi (cười). Phụ nữ trái lại lúc nào cũng lo, cũng dự phòng, cũng tưởng tượng những viễn cảnh tồi tệ sắp xảy ra. Thế nên, phụ nữ phải rèn luyện về tâm hồn nhiều hơn, phải thiền nhiều hơn, thì mới có bình yên vững bền được. Tôi cũng muốn nói rằng nếu đàn ông Việt muốn gia đình được “yên ổn, hạnh phúc” thì nên quan tâm và chia sẻ những công việc “không tên” đầy ắp của những người phụ nữ trong gia đình, và nhất là phải bớt so sánh, đòi hỏi và kêu ca (cười).
Trong nhiều bài phỏng vấn, thầy đã từng nói thời gian thầy đi “tu bụi” qua 25 bang của nước Mỹ là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tu hành của thầy cho tới hiện giờ. Tại sao thầy lại có cảm nhận như vậy?
- Bạn thử nghĩ một cuộc sống mà không cần phải lo nghĩ cho cái gì sẽ xảy ra cho tháng tới, tuần tới, hay ngày mai, hoặc thậm chí là sắp sửa xảy ra trong hiện tại thì quá tuyệt phải không? Chúng ta ôm đồm nhiều thứ quá, chịu trách nhiệm cho nhiều việc quá, nên chúng ta mất hết sự tự dovà nhiều khi không thực sự biết mình đang muốn gì hay cần gì. Trở về thiên nhiên để thấu hiểu chính mình không phải là một sự bỏ chạy, mà là để hàm dưỡng và khơi dậy những giá trị khác trong chính ta, khi ta nhận ra mình đang rơi vào giai đoạn bão hòa, chênh vênh, hư hao, hay lạc mất ý nghĩa của cuộc sống. Đi để rồi về mà. Khi trở lại với xã hội rộn ràng này, ta sẽ có thái độ mới từ nhận thức mới về thân phận mình.
Thầy có nghĩ rằng mọi người, vào một lúc nào đó trong đời cũng nên có một chuyến đi như vậy để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống?
- Nên lắm chứ! Tuy nhiên, phải biết cách đi, phải mở lòng ra học hỏi, phải biết cách chọn lọc và đón nhận, phải chuẩn bị tinh thần tùy duyên khá tốt, phải chấp nhận quăng mình vào gió bụi mà không thúc ép phải được cái gì, phải học cách đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới, thì bạn mới gặt hái thành công.
Nguồn: phunungaynay.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm