Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 26/10/2024, 15:43 PM

Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”

Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thành lập năm 1984. Trải qua 8 nhiệm kỳ xây dựng và phát triển, Phật giáo tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thực hiện tốt công tác Phật sự, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa

Những dấu ấn 40 năm

PV.Thưa Thượng tọa! Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu và luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần “Hộ quốc, an dân”, Phật giáo Thanh Hóa đã có những thành tựu nổi bật nào cần phải được khẳng định trong 40 năm qua?

- Thượng tọa Thích Tâm Định: Tiếp nối mạng mạch Phật giáo, từ rất sớm, trên vùng đất xứ Thanh có những trầm tích trên dưới 2.000 năm, có những bia ký, phế tích chùa trên 1.300 năm cùng với hàng trăm ngôi chùa trải đều trên khắp miền núi, trung du, đồng bằng, phố thị, hải đảo... gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quê hương Thanh Hóa.

Trước năm 1981, Phật giáo Thanh Hóa đã hình thành tổ chức Giáo hội với tên gọi Chi hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Trình đứng đầu lãnh đạo.

Đến năm 1984, mốc son mới được kiến tạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được ra đời, với danh xưng Ban đại diện Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, nay là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa dưới sự giúp đỡ của Trung ương Giáo hội, chư tôn đức tại Văn phòng 1, đặc biệt là cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ,  Phó Chủ tịch Thường trực GHPGVN.

Trải qua 2 nhiệm kỳ đầu tiên, hình thành và tạo dựng nền móng, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Cầm làm Trưởng ban, cùng với đó là sự tâm huyết của chư vị cố Ni trưởng Thích Đàm Xuân, cố Ni trưởng Thích Đàm Tâm và nhân chứng sống hiện thời là Ni trưởng Thích Đàm Nhung cũng như chư tôn đức Tăng-già ít ỏi trong tỉnh thời kỳ ấy.

Tiếp theo đó là 2 nhiệm kỳ, bắt đầu gây dựng lại các cơ sở tự viện, tiếp độ Tăng Ni, phát triển thêm tín đồ Phật tử. Thời kỳ này, đứng đầu Trưởng ban là Ni trưởng Thích Đàm Nhung.

Kế nhiệm 3 nhiệm kỳ V-VI-VII là Thượng tọa Thích Tâm Đức làm Trưởng ban, cùng với đó là công tác trẻ hóa lãnh đạo Thường trực Ban Trị sự.

Phát huy sức mạnh tập thể, thời kỳ này đã làm được những Phật sự nổi bật là:

- Thành lập đủ Phật giáo 27/27 huyện, thị, thành phố; số Tăng Ni từ đếm trên đốt ngón tay, nay đã có 230 Tăng Ni, 187 ngôi chùa có sư trụ trì;

- Xuất bản nhiều ấn phẩm Phật giáo, trong đó có Chùa Xứ Thanh, Lịch sử Phật giáo Thanh Hóa...;

- Tiếp nhận các hệ phái Nam tông, Thiền tông, Khất sĩ cùng về tu tập và hành đạo;

- Đào tạo và gửi đi đào tạo lớp Tăng tài đủ sức kế cận trong tương lai gần;

- Hướng dẫn Phật tử tu học, cho thành lập Câu lạc bộ Thanh Thiếu niên Phật tử với gần 100 Câu lạc bộ và quy tụ hàng vạn thanh thiếu niên tiếp cận tu học theo tư tưởng đạo đức Phật giáo, nhất là mỗi dịp hè, tạo niềm tin kính ngưỡng, hướng thiện trong nhân dân;

- Công tác từ thiện xã hội đến nay đã đạt hơn 300 tỷ đồng.

Trên đây là những con số biết nói, lời khẳng định hết sức thuyết phục, cho những nỗ lực phụng đạo - yêu nước của những người con Phật tỉnh Thanh Hóa.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tiếp nối, phát huy...

PV. Vậy trên cương vị là người đứng đầu Ban Trị sự trong nhiệm kỳ VIII, Thượng tọa đã có những tiếp nối ra sao để tiếp tục khẳng định và phát triển hơn nữa những thành tựu trên?

- Ngay từ đầu nhiệm kỳ VIII, trên cương vị Trưởng Ban Trị sự, tôi đã tiếp nối các Phật sự một cách cần mẫn, trong tinh thần cầu thị, đã và đang từng bước ổn định, phát huy các hoạt động chuyên ngành một cách hữu hiệu.

Trong thời gian ngắn, bằng sự tận tâm và giúp sức của Trung ương Giáo hội, sự ủng hộ của Đảng - chính quyền các cấp trong tỉnh Thanh Hóa, Ban Trị sự đã có những thành tựu bước đầu như: thăm hỏi, động viên, quan tâm đến Tăng Ni ở vùng sâu vùng xa dấn thân phụng đạo - yêu nước; lân mẫn lớp Tăng-già, ẩn dật tu hành nghiêm mật ở các chốn già-lam. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng, của Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, đề đạt giải quyết các công việc trong khuôn khổ luật định, quy định. Ổn định tình hình Tăng Ni, Phật tử, phát huy tối đa các hoạt động chuyên ngành của Giáo hội, trong đó chú trọng công tác Tăng sự - Hoằng pháp - Giáo dục - Hướng dẫn Phật tử, nhất là Từ thiện trở thành một điểm sáng, lan tỏa rộng và hướng đến tính bền vững cho người thụ hưởng.

Trụ sở được chuyển về chùa Đại Bi, phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa; tiến hành rốt ráo các thủ tục còn lại, để tiến tới động thổ xây dựng trụ sở Phật giáo mới tại chùa Hùng Vương, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Ký kết ghi nhớ hợp tác, với Phật giáo tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình. Hợp tác với Phật giáo tỉnh Hủa Phăn thuộc nước bạn Lào - tăng cường hỗ trợ, giao lưu nhân dân, Phật tử hai nước, góp phần công sức của mình trong đại sự tăng cường tình đoàn kết - hữu nghị để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

PV. Thầy nói điểm sáng của Phật giáo tỉnh là Từ thiện, vậy Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã triển khai thực hiện công tác này và kết quả ra sao?

- Ban Trị sự Phật giáo Thanh Hóa, thời gian qua đã tham gia, sâu rộng và xuyên suốt các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước mà Đảng - Nhà nước - Mặt trận các cấp phát động, với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”; cùng với hoài bão Phật hóa cộng đồng, mỗi Tăng Ni, Phật tử đều ý thức, trách nhiệm và hành động, là một công dân, hơn thế lại là chức sắc - tu sĩ - tín đồ Phật tử, thì lòng yêu nước càng được phát huy cao độ trong mọi mặt đời sống và tu hành.

Trong cuộc vận động “Vì người nghèo”, Phật giáo Thanh Hóa đã dấn thân, bằng các hoạt động như: Vận động  gây quỹ, ủng hộ qua các tổ chức, và đi thăm hỏi, khám bệnh, phát thuốc, trao quà, tài chính, xây dựng nhà cửa... đạt gần 100 tỉ đồng.

Đặc biệt, thời điểm gần đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, cùng chung tay ủng hộ kinh phí, nguồn lực để thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, phấn đấu mọi người dân Thanh Hóa có nhà ở an toàn, ổn định, có điều kiện nâng cao mức sống và thoát nghèo bền vững. Xác định đây cuộc vận động với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Ban Trị sự  đã kêu gọi và ủng hộ tham gia xây 8 căn nhà tình nghĩa.

Thượng tọa Thích Tâm Định  trao quà đến những gia đình ảnh hưởng bão lũ tại tỉnh Thái Nguyên

Thượng tọa Thích Tâm Định  trao quà đến những gia đình ảnh hưởng bão lũ tại tỉnh Thái Nguyên

PV. Để tiếp nối những thành quả ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trong thời gian tới có những chương trình cụ thể nào?

- Một là, siêng năng hành trì Giới luật - thượng tôn Pháp luật, gìn giữ sự hòa hợp thanh tịnh của Tăng đoàn Phật giáo tỉnh nhà, kiên định đường lối “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội;

Hai là, tiếp tục tinh tấn dấn thân đến vùng sâu vùng xa, biên giới vùng dân tộc thiểu số; các hòn đảo xa như đảo Mê, đảo Nẹ để hành đạo, góp phần an dân - bảo vệ an ninh, chủ quyền tổ quốc;

Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp hành đạo, hoằng pháp, nhất là trong công tác Từ thiện - An sinh xã hội, cần hướng đến tính bền vững lâu dài;

Bốn là, cùng nỗ lực cho công việc,xây dựng thành công trung tâm văn hóa Khuông Việt - trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, với sứ mệnh tiếp nối quá khứ - phù hợp hiện tại - hướng đến tương lai.

4 gửi gắm chân thành

PV. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Phật giáo tỉnh là người đứng đầu Giáo hội tỉnh, Thượng tọa có những chia sẻ gì trong điều hành Phật sự và trăn trở gởi gắm đến Tăng Ni, Phật tử?

- Là người tu sĩ Phật giáo, được xuất gia và tu học trong buổi cuối đông lạnh giá của Phật giáo xứ Thanh, may mắn là giai đoạn đó chỉ còn khoảnh khắc rất ngắn. Sau đó đã đến thời khắc mùa Xuân, trải dài cho đến hôm nay. Được trải qua cả hai thời kỳ đó, nên cá nhân tôi luôn suy niệm và nhận thấy một số điểm sau đây, xin gửi gắm đến Tăng Ni, Phật tử:

Một là việc học Pháp. Học là cốt lõi để tiến bộ, là tu sĩ, tín đồ Phật giáo lại càng phải học, tôi rất ấn tượng và khắc ghi câu nói ngắn gọn, với nội hàm trọn vẹn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã căn dặn: “Học để tu, chứ không đơn thuần là học chỉ đề mở mang kiến thức như ngoài đời”. Câu nói ấy, khai mở cho ta phương hướng, điều tiên quyết là “Học mới biết cách tu và muốn tu thì phải học”. Theo đó, Phật giáo tỉnh sẽ quan tâm đến sự học, đào tạo hơn nữa cho Tăng Ni, cũng như Phật tử, về Phật học, cũng như thế học.

Hai là việc hành Pháp. Ở đây tôi muốn nói đến hành đạo, thực hành lời Phật dạy, trong các mặt đời sống, cá nhân, Tăng đoàn, Giáo hội đến xã hội, mang lợi ích cho tự thân và cộng đồng theo lời Phật dạy. Suốt hơn 30 năm sống và tu hành, cũng là người con xứ Thanh, lại cũng từng có tuổi thơ và nhất là thời kỳ quân ngũ, đã được sống và quân hành qua những vùng, bà con dân tộc thiểu số, vùng biên ải, xa xôi hẻo lánh, nên tôi luôn dành hết sức lực có thể để “trở lại, trở lại nhiều lần và hơn nữa” với những nơi này.

Theo đó, cùng với các chính sách của Đảng - Nhà nước, Phật giáo tỉnh sẽ chung tay giúp cho miền núi phồn vinh, hạnh phúc và thấm nhuần Phật pháp như miền xuôi. Cùng với đó là Thanh Hóa còn có vùng biên giới biển rộng dài, như vậy cả vùng phên dậu của đất liền và hải đảo đều cần quan tâm về các mặt đời sống, và chú trọng về “Ngôi chùa, cột mộc chủ quyền văn hóa, gắn với Dân tộc ta”.

Nét riêng, ở Thanh Hóa, là tỉnh giáp nước bạn Lào, sau nhiều chuyến đi, mang tính “khai mở - kết nối - thắt chặt - chia sẻ”, đến nay đã có những tín hiệu tích cực về việc sớm hình thành một ngôi chùa Việt tại tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Ngôi chùa này trước hết là cho kiều bào ta, cũng như là ngôi nhà Đại đoàn kết cho hai tỉnh Hủa Phăn - Thanh Hóa và hai nước Việt - Lào. Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ đến quý vị là chúng ta hãy phát tâm thực hành “Bồ-tát đạo - Dấn thân” nhiều hơn nữa, nhất là đối với Tăng Ni trẻ.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa trao tặng 50 triệu đồng đến Liên minh Phật giáo Lào tỉnh Hủa Phăn

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa trao tặng 50 triệu đồng đến Liên minh Phật giáo Lào tỉnh Hủa Phăn

Ba là việc Hoằng pháp. Hoằng pháp vi gia vụ, Hoằng pháp là bản hoài của đời sống người con Phật, từ xuất gia đến hàng ngũ tại gia. Nói đến đây, tôi lại nhớ về lời dạy của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN. Ngài nhắc, việc hoằng pháp cần chú trọng: “thân tâm hoằng pháp, phương tiện hoằng pháp, đối tượng hoằng pháp, và môi trường hoằng pháp”.

Tôi mong muốn mỗi người con Phật, hãy là một hoằng pháp viên, lan tỏa Phật pháp đến người thân, dòng họ, xóm làng, khu phố, bằng cách tiếp cận, phương tiện, đến các thành phần và cộng đồng khác nhau, để gieo duyên phù hợp. Trong bối cảnh Phật giáo ngày càng phát triển, thấm nhuần đến những nước tiên tiến, thì thiết nghĩ, đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường sâu rộng, thì con người lại càng cần đến Phật pháp để cân bằng những mặt chưa hoàn toàn tích cực phát sinh.

Bốn là việc Hộ pháp. Bảo vệ Phật pháp, cũng là một điều cần phải được xác quyết, trong thâm tâm của mỗi người con Phật. Chính chúng ta, cần ý thức trong mỗi sát-na, nghĩ - nói - làm để tránh phương hại đến Đạo Phật. Cũng từ đó, có ý thức trong các mặt đời sống, tập thể để phản biện, cũng như hành động cụ thể trong hài hòa, để bảo vệ Phật pháp trường tồn. Nhất là những diễn biến gần đây và trong tương lai, đòi hỏi sự thức tỉnh và phản ứng phù hợp, mang đủ Bi - Trí - Dũng để Hộ pháp.

Đó là những điều tôi đang tâm niệm, thực hiện và tiếp tục thực hiện, trong thời gian tới, trên cương vị của mình, cùng với tập thể thường trực, Ban Trị sự và Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà, trong tinh thần Lục hòa - Tinh tấn, gây dựng và vận dụng khế lý, khế cơ để hiện thực hóa các Phật sự then chốt nêu trên.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”

Phỏng vấn 15:43 26/10/2024

Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

Ca sĩ Uyên Trang: "Nghe giảng về luật nhân quả nên tôi ngộ ra nhiều điều"

Phỏng vấn 12:01 23/10/2024

Trong những năm vắng bóng, ca sĩ Uyên Trang - nổi tiếng với bài hit "Tình yêu và giọt nước mắt" - trải qua giai đoạn khó khăn vì bệnh tật, từng phải chữa tâm thần. Chị tiết lộ, nhờ nghe pháp, hiểu nhân quả, sống tích cực nên đã vượt qua biến cố nhẹ nhàng.

“Thờ cúng bố mẹ là phương tiện để biểu lộ lòng tri ân”

Phỏng vấn 12:25 22/10/2024

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo VN tại TPHCM, một giảng sư được yêu mến hiện nay đã nói như vậy.

Thầy Pháp Hữu: “Người tu vẫn còn khổ, nhưng…”

Phỏng vấn 15:11 12/10/2024

“Có thể gọi thầy bằng nicknam “Một người tu có hạnh phúc” - Thầy Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân - Xóm Thượng, Làng Mai (Pháp) mở đầu buổi phỏng vấn, rồi thầy mỉm cười từ ái, chia sẻ về con đường trở thành tu sĩ hạnh phúc.

Xem thêm