Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 18/11/2019, 11:46 AM

Nhà thơ Lương Đình Khoa: Đạo Phật giản dị, gần gũi như cơm ăn nước uống hàng ngày

"Phật không nằm cố định trong một ngôi chùa, trong tượng đồng, tượng ngọc, tượng gỗ… Phật trong ánh nhìn từ bi khởi niệm một tình yêu thương vô bờ bến dành gửi tới những người xung quanh" - Nhà thơ Lương Đình Khoa.

>>Phật tử có thể đọc loạt bài liên quan đến Đức Phật

Nhà thơ Lương Đình Khoa giao lưu và ký tặng sách cho độc giả tại Hội sách cuối năm 2014 ở Hà Nội

Nhà thơ Lương Đình Khoa giao lưu và ký tặng sách cho độc giả tại Hội sách cuối năm 2014 ở Hà Nội

Nhà thơ Lương Đình Khoa, sinh năm 1985, anh từng được biết đến với vai trò Bút trưởng của Bút nhóm Hương Nhãn (Hưng Yên) trên Báo Thiếu niên Tiền phong, khi còn là cậu học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên. Với khá nhiều bài đăng trên các mặt báo, bài phát trên sóng phát thanh dành cho thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 2000 - 2003, cái tên Lương Đình Khoa đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X và cả hiện nay. 

Bên cạnh là một nhà thơ, anh Lương Đình Khoa còn là một người mến mộ đạo Phật và áp dụng những triết lý của Đức Phật vào trong công việc, cuộc sống. Phatgiao.org.vn đã có dịp trò chuyện cùng nhà thơ Lương Đình Khoa: 

Các tập sách đã xuất bản của nhà thơ Lương Đình Khoa

Các tập sách đã xuất bản của nhà thơ Lương Đình Khoa

PV: Cơ duyên nào dẫn anh đến với đạo Phật?

- Con đường dẫn tôi đến với đạo Phật có lẽ từ môi trường giáo dục. Thầy trụ trì chùa Địa Tạng (Hà Nam) là người quan tâm tới giáo dục, và đi sâu vào giáo dục, thường xuyên chia sẻ, kết nối với các trường học. Đầu năm 2015 – khi tôi về làm cán bộ truyền thông của trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), tôi có duyên gặp thầy. Tết năm đó, tôi theo xe của trường về lễ Phật dịp đầu năm tại chùa Địa Tạng, và bắt gặp những khung ảnh treo những lời nhắn nhủ về cuộc sống treo trên tường ở chùa. Tôi lặng lẽ đọc, và thấy ngấm vô cùng, tự dưng tìm thấy chính những suy nghĩ, hình ảnh của mình trong đó. Đặc biệt, trước mỗi thông điệp đều được quý thầy bắt đầu bằng hai từ “Này con”, khiến người đọc cảm giác như những lời đó đang được thủ thỉ, dành nói riêng cho mình vậy.

Trước, tôi vẫn đi chùa, nhưng giản đơn chỉ là đến lễ Phật vào dịp đầu tháng hay lễ Tết rồi về. Tôi chưa có dịp kết nối nhiều với các sư hay ở lại sinh hoạt tại một ngôi chùa nào đó, nên trong tôi hình ảnh các vị sư và chùa dường như có một khoảng cách, là một phạm trù thành kính nên khó gần.

Chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) là ngôi nhà tâm linh bình yên đầu tiên đưa nhà thơ Lương Đình Khoa tiếp xúc sâu với đạo Phật.

Chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) là ngôi nhà tâm linh bình yên đầu tiên đưa nhà thơ Lương Đình Khoa tiếp xúc sâu với đạo Phật.

Hè năm đó, chùa tổ chức 5 khóa tu hè miễn phí cho các bạn học sinh sinh viên, tôi về phụ giúp quý thầy. Đó là lần đầu tiên tôi ăn ở, sinh hoạt tại một ngôi chùa. Thấy bình yên, gần gũi, ấm áp vô cùng. Sư thầy trụ trì giúp tôi nhận ra chùa thực sự là một ngôi nhà, và đạo Phật không phải một phép màu, không phải sự biến hóa thần thông như trong “Tây du ký” và nhiều phim Trung Quốc thuở nhỏ tôi từng xem. Đạo Phật giản dị, gần gũi như cơm ăn nước uống hàng ngày. Bất kỳ một ý nghĩ, hành động nào liên quan đến đạo đức, biết nghĩ cho người khác thì đó đều là con đường của đạo Phật.

Những phút an nhiên của nhà thơ Lương Đình Khoa tại Làng Mai (Thái Lan)

Những phút an nhiên của nhà thơ Lương Đình Khoa tại Làng Mai (Thái Lan)

PV: Hình tượng Đức Phật trong anh có ý nghĩa như thế nào?

- Đức Phật là một con người sống vì số đông những con người. Vậy nên đạo Phật thực chất là một môi trường giáo dục, là trường học lớn để mỗi chúng ta soi vào đó mà sửa mình, học những đức tính về lòng bao dung, sự từ bi, trí tuệ của vị Thầy lớn trong trường học đó. Để mỗi khi lầm đường lạc lối, khi bất an, đau khổ, khi thấy cần một ngọn lửa của niềm tin dẫn lối cho mình đi tiếp giữa cuộc đời – mỗi người đều biết quay về nương tựa bên ngôi trường, bên “thầy giáo chủ nhiệm” của mình với những sự thanh thản, bình yên mà mình đã vội vàng đánh rơi đâu đó.

Phật không nằm cố định trong một ngôi chùa, trong tượng đồng, tượng ngọc, tượng gỗ… Phật trong ánh nhìn từ bi khởi niệm một tình yêu thương vô bờ bến dành gửi tới những người xung quanh.

Phật trong ý thức, trách nhiệm của mỗi người trên những tuyến đường khi tham gia giao thông, biết nâng niu sự sống hiện diện trong mình và không tạo tác cơ hội tước đoạt đi sự sống của bất kỳ một ai khác.

Những phút an nhiên của nhà thơ Lương Đình Khoa tại Làng Mai (Thái Lan)

Những phút an nhiên của nhà thơ Lương Đình Khoa tại Làng Mai (Thái Lan)

Bài liên quan

Phật trong mỗi chuyến xe bus - có bác tài lái xe điềm đạm, người soát vé luôn mỉm cười với ánh mắt từ hòa, và những người trẻ luôn chờ cơ hội để được nhường ghế ngồi cho một em bé dễ thương, một bà cụ hiền hậu, một người mẹ trẻ đang mang trong mình mầm sống bé xinh.

Phật trong một người người bán hàng rong đẩy chiếc xe chở đầy hoa đi bên lề phải, thấy viên gạch đỏ nằm chắn ngang phía lòng đường, vội dựng xe lại, ươm ướm lúc làn xe thưa bớt vội nhặt bỏ lên gốc cây vỉa hè, giúp viên gạch nhỏ không phải là nguồn cơn gây nên những điều khủng khiếp vô tình đến với một ai đó.

Phật trong những giọt máu hồng của các bạn trẻ mỗi năm vẫn tự nguyện hiến tặng, trao đi để làm nên những mùa xuân ấm áp, hát bài ca tình người. Phật trong những chiến dịch tình nguyện thật tâm đến với người nghèo, người khuyết tật, không chỉ trao cho họ món quà về vật chất nhất thời rồi chụp ảnh đăng lên, mà thực tâm biết khơi gợi, tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc họ đang đối diện mà từ đó khơi niềm tin, truyền cảm hứng sống tích cực để họ tự bước đi từ bóng tối đến gần hơn với ánh mặt trời…

PV: Được biết anh là một tài năng văn chương thiên bẩm, hơn thế nữa trong anh còn ẩn chứa một tâm hồn trong sáng, tràn đầy yêu thương, nhiệt tâm với cộng đồng. Vậy thì những triết lý của đạo Phật có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của anh?

Liên tục từ các năm 2017, 2018, 2019, nhà thơ Lương Đình Khoa đã đồng hành cùng BTC truyền cảm hứng sống tích cực cho hơn 10.000 bạn trẻ khắp các tỉnh thành qua 8 khóa tu mùa hè chủ đề “Về nguồn” tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Liên tục từ các năm 2017, 2018, 2019, nhà thơ Lương Đình Khoa đã đồng hành cùng BTC truyền cảm hứng sống tích cực cho hơn 10.000 bạn trẻ khắp các tỉnh thành qua 8 khóa tu mùa hè chủ đề “Về nguồn” tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam).

- Tôi thấy lòng mình bình yên hơn, cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi nhìn mọi thứ theo quan điểm của đạo Phật.

Khoảng thời gian trước năm 2015 – khi chưa tiếp xúc sâu với Phật giáo – tôi thường than thở về cuộc sống của mình với hai từ “cô đơn” – cô đơn trong chính con người tôi, và cô đơn giữa Hà Nội ồn ã. Mình như đứa trẻ bơ vơ, lạ lẫm với chính mình, cứ muốn tìm một điều gì đó chẳng gọi được tên, chẳng thể lấp đầy. Những tản văn, những bài thơ tôi viết trong khoảng thời gian này cũng mang tâm sự, thấm nỗi cô đơn đó.

Bài liên quan

Ngạc nhiên là khi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, hay qua các kênh youtube, những sáng tác mang niềm cô đơn đó vẫn được mọi người đồng cảm, đón nhận. Tôi nhận ra rằng: Bản chất con người vốn cô đơn tận cùng, và trong ai cũng có một khoảng trống như thế. Có lẽ vì vậy con người ta dễ đồng cảm với nhau. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đồng cảm như vậy thôi, cũng không giải quyết được vấn đề gì, và chúng ta chỉ là một tập thể cô đơn. Cần để chính những “cây cô đơn” đó kết nối, truyền cảm hứng cho nhau mà đơm quả ngọt.

Thay đổi cần bắt đầu từ chính mình. Mình cần nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, cần biết học cách yêu thương và chăm sóc chính tâm hồn mình thì những năng lượng tích cực, tư duy tích cực cũng sẽ được khởi phát mà tạo nên sức mạnh, đồng thời kết nối với những con người tích cực khác quanh mình.

Vậy nên từ giai đoạn năm 2015, đặc biệt là từ 2016 trở lại đây – khi tôi có duyên tiếp xúc với pháp tu của Làng Mai, thấy đồng điệu với những bài pháp thoại, những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – tôi đã cảm nhận, thực tập và thấy mình thực sự bình yên hơn. Thứ bình yên chảy từ bên trong mình – chứ không phải chạy đi kiếm tìm chút bình yên ở ngoại cảnh. Những sáng tác tôi viết ra cũng dần chuyển hướng, dẫn lối và truyền cảm hứng cho mọi người đến với an yên nhiều hơn.

Những phút an nhiên của nhà thơ Lương Đình Khoa tại Làng Mai (Thái Lan)

Những phút an nhiên của nhà thơ Lương Đình Khoa tại Làng Mai (Thái Lan)

Trong cách sống, tôi cũng học cách nhìn mọi vật mọi việc theo kiểu “mắt thương nhìn cuộc đời” như lời một bài thiền ca làng Mai hơn là những góc nhìn truy vấn, soi xét. Ví như trước gặp những người ăn xin, hay những đoàn ca nhạc của người khuyết tật, chất độc da cam biểu diễn lề đường…suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong tôi là sự truy vấn: đó có phải người ăn xin thật không hay chỉ là diễn, đoàn ca nhạc đó do ai tổ chức, mượn danh kêu gọi từ thiện trá hình hay thế nào?… Nhưng giờ thì ý niệm khởi lên đầu tiên là tình thương. Không cần biết là thật hay giả, chỉ cần biết họ phải chọn cách đó, đi con đường đó để tồn tại đã là một sự đáng thương cần động viên rồi. Và khi trao cho họ 10 nghìn, 20 nghìn, tôi chỉ mỉm cười: Bác niệm một câu “A di đà Phật” đi ạ. Con biếu bác cốc nước”. Và họ vui vẻ niệm A di đà Phật. Hy vọng mỗi niềm vui nho nhỏ, mỗi câu niệm Phật đơn giản ấy có thể giúp họ bớt khổ ở nhiều đời nhiều kiếp về sau.

Luôn thắp lửa cho học sinh trong vai trò của một người thầy không trực tiếp đứng lớp khi công tác trong trường học

Luôn thắp lửa cho học sinh trong vai trò của một người thầy không trực tiếp đứng lớp khi công tác trong trường học

Trong các sự kiện hay một tập thể, cơ quan, tôi cũng học được cách quan tâm, kết nối với những người nhỏ bé và thầm lặng nhất, như các cô lao công, các bác bảo vệ…Tôi chủ động trò chuyện với họ bằng sự vui vẻ của mình, hỏi han, quan tâm, đôi khi là nói một lời động viên. Khi đi đổ xăng, hay nhận và trả vé xe lúc gửi xe, tôi cũng gửi hai từ “Cảm ơn” tới người vừa thực hiện việc đó cho mình. Có nhiều người ngạc nhiên, nói đó là công việc, nhiệm vụ của họ, sao phải cảm ơn? Có những người nhìn mình không nói, mỉm cười. Ánh mắt họ cũng trìu mến hơn.

Tôi vẫn nghĩ và hay chia sẻ với bạn bè mình rằng: Bình thường trong cuộc sống này, con người ta khó cho nhau tiền bạc. Nhưng cái có thể cho nhau là thời gian, sự động viên, sẻ chia, khích lệ, hướng nhau đến những suy nghĩ tích cực. Và điều ấy đôi khi còn cần hơn tiền bạc gấp nhiều lần. Một sự động viên kịp thời, một sự truyền cảm hứng đúng lúc, một lời khơi mở, gõ cửa phù hợp… có thể mở ra cả một chọn lựa, hướng đi cho hành trình tương lai tốt đẹp của một con người đang cô đơn, chơi vơi, hoang mang hay tuyệt vọng.

Qua mỗi chương trình, sự kiện nhà thơ Lương Đình Khoa tham gia – dù tại các ngôi chùa hay ngoài cuộc sống, Khoa luôn tìm cách truyền cảm hứng sống tích cực cho những người anh gặp. Trong ảnh là Khoa dẫn chương trình kết nối tình cảm cho các bệnh nhân bị bệnh Tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TW, tháng 5/2019.

Qua mỗi chương trình, sự kiện nhà thơ Lương Đình Khoa tham gia – dù tại các ngôi chùa hay ngoài cuộc sống, Khoa luôn tìm cách truyền cảm hứng sống tích cực cho những người anh gặp. Trong ảnh là Khoa dẫn chương trình kết nối tình cảm cho các bệnh nhân bị bệnh Tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TW, tháng 5/2019.

Vậy nên, hãy trao đi những thứ sẵn có trong mỗi chúng ta tới cộng đồng, tới những người chúng ta có duyên gặp gỡ trên vạn nẻo đường đời. Dẫu là thoáng qua hay còn gặp lại đâu đó đôi lần - thì nụ cười là thứ cần luôn sẵn sàng hé nở trên môi. Nụ cười mang năng lượng, tín hiệu thân thiện, mở lòng - để mở cánh cửa của đồng cảm, không khoảng cách giữa người với người.

Và sau nụ cười, hãy trao đi những tư duy tích cực, những lời truyền cảm hứng để người đối diện cảm nhận được nguồn yêu thương chân thành, tâm từ hòa bao dung, từ đó gieo trồng trong nhau những hạt mầm, bông hoa mang tư duy, năng lượng tích cực trước cuộc đời.

Trên trang Facebook cá nhân, tôi để quan điểm sống của tôi là: Cười và Thở từng nhịp yêu thương, cho chính mình và những ai có duyên gặp gỡ!

PV: Cuộc sống với những điều bất đắc ý xảy ra hàng ngày sẽ khiến chúng ta dễ dàng đánh mất sự bình yên trong tâm hồn. Vậy anh thường hạn chế những cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi hay chán ghét một ai đó bằng cách nào?

- Tôi nhớ đến một ví dụ mà thầy của tôi đã hỏi các em khóa sinh tại Khóa tu mùa hè, rằng: Làm thế nào để xử lý một khu vườn đầy cỏ dại? Có bạn bảo nhổ, có bạn phun thuốc, rồi đổ bê tong lên… Nhưng như thế trong tâm trí của ta chỉ nhìn thấy cỏ dại và vẫn vương vấn bởi cỏ dại. Cách đơn giản là trồng một cái cây vào khu vườn đó và hàng ngày nhìn nó, chăm sóc, trò chuyện với nó, để nó lớn nhanh, ra hoa, kết trái, bóng mát trùm lên cả khu vườn. Cỏ dại tự dưng biến mất, và cỏ dại không còn quan trọng.

Những khoảnh khắc yên bình của nhà thơ Lương Đình Khoa tại chùa Địa Tạng Phi Lai

Những khoảnh khắc yên bình của nhà thơ Lương Đình Khoa tại chùa Địa Tạng Phi Lai

Tương tự thế, trước những sự tiêu cực trong cuộc sống, nếu mình cứ nhìn và nghĩ về nó, nó sẽ thành một con sâu ăn mòn, gặm mất thời gian, năng lượng, suy nghĩ tích cực của mình. Cách tốt nhất là làm, nghĩ về những điều tích cực để lấy lại năng lượng, sự an vui cho bản thân. Cũng như khi bị đứt tay, cứ ngồi chìm đắm, nhìn vào vết đứt thì dễ cảm giác bị đau, và vết đứt tay có vẻ nghiêm trọng. Nhưng khi không nhìn nó nữa, mà đứng lên đi làm một việc gì khác, tự dưng vết đứt hết đau và không còn nghĩa lý gì nữa.

Bài liên quan

Mỗi ngày ta nên tìm ra một niềm vui, một niềm hạnh phúc nào đó mình cảm nhận được để thầm cảm ơn cuộc đời, để thấy rằng cuộc đời chưa bao giờ phụ bạc với ta - thay vì xới lên những khiếm khuyết, những nỗi đau thẳm sâu trong lòng rồi tự mình chìm đắm.

Tôi vẫn nghĩ nỗi buồn, sự mỏi mệt tựa như một bồn nước. Khi ta ngâm mình vào trong đó, nó sẽ loang rộng ra, vây bám lấy ta. Nhưng nếu ta chủ động đứng dậy, bước chân ra khỏi bồn nước - nỗi buồn cũng sẽ bốc hơi. Ngoài cánh cửa kia bình minh mỗi ngày vẫn đến, vẫn thắp cho cuộc đời những gì yên bình nhất, vẫn cho mọi người cơ hội được thưởng thức tiếng chim ca, thấy những bông hoa đang hé nở ngọt lành...

PV: Anh có hay đọc, nghiên cứu, tụng các kinh sách, giáo lý Phật giáo không?

Tôi thấy điều cần nhất trong đạo Phật đó chính là sự linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với căn cơ từng đối tượng và hoàn cảnh khác nhau. Các kinh sách của đạo Phật cũng vậy – lượng kiến thức nhiều hơn biển cả. Nếu cứ ham đọc, ham tụng, bơi trong đó mà không biết mình đang ở đâu, thiếu gì, cần gì thì cũng dễ chìm và lạc lối.

Nhà thơ Lương Đình Khoa chia sẻ về chủ đề “Gọi tên hạnh phúc” cùng hơn 1200 khóa sinh tại chùa Tam Chúc (tháng 6/2019)

Nhà thơ Lương Đình Khoa chia sẻ về chủ đề “Gọi tên hạnh phúc” cùng hơn 1200 khóa sinh tại chùa Tam Chúc (tháng 6/2019)

Nói ra có vẻ mâu thuẫn, nhưng tôi không phải là người thường xuyên đọc, nghiên cứu, tụng nhiều kinh sách. Tôi để mọi thứ của đạo Phật đến và ngấm vào mình một cách đơn giản, tự nhiên nhất. Và khi tôi thấy hợp với tư duy nào, vấn đề nào, lúc đó tôi mới tìm hiểu và đọc về vấn đề đó. Tôi học cách nhìn đạo Phật khá thực tế bằng những hành vi trong cuộc sống từ quý thầy trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai và thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Cứ ví dụ như có một lời kinh của Đức Phật là “Này con hãy quét nhà đi…” chẳng hạn. Nếu Phật tử không hiểu, cứ ngày đêm ngồi một chỗ mà tụng “Này con hãy quét nhà đi…” thì quả là nguy hiểm. Tụng kinh, đọc sách cần hiểu kinh, hiểu sách – từ đó đứng lên để hành động, vận dụng khéo léo vào cuộc sống. Có lẽ đó mới là điều Đức Phật cũng như các tác giả viết kinh, sách mong muốn.

PV: Anh có suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc đưa những giáo lý của đạo Phật vào việc giáo dục con trẻ trong bối cảnh hiện nay?

- Trẻ con cũng như những ánh nắng đầu ngày tinh khôi, như mảnh vườn xinh chờ những bàn tay ươm mầm gieo hạt. Vậy nên việc đưa giáo lý của đạo Phật vào việc giáo dục con trẻ là vô cùng cần thiết. Tôi nghĩ cần có sự đồng lòng của nhiều ban ngành xã hội liên quan để cùng đề xuất ngay từ bậc Tiểu học cho đến các cấp học sau này, cần có một bộ môn nào đó khéo léo lồng ghép các giáo lý đạo Phật vào để dạy hàng ngày cho trẻ.

Bài liên quan

Các ông bố, bà mẹ trẻ hầu như ai cũng quan tâm đến ươm mầm tài năng, đặt kỳ vọng ở các con về: tài năng âm nhạc, tài năng toán học, tài năng thể thao… Hình như ít ai chú ý đến việc ươm mầm tâm linh cho mỗi đứa trẻ. Nếu những hạt mầm thiện lành của tâm linh được tưới tẩm ngay những ngày đầu tiên - khi trẻ con còn như tờ giấy trắng; nếu thay vì để con trẻ thần tượng các ca sĩ, diễn viên bằng việc lấy ông Phật, bà Bồ-tát là tấm gương để yêu kính và học tập theo, luôn có ý nghĩ về những lời nói, hành động đẹp và giúp đỡ mọi người - thì năm tháng qua đi, ta sẽ có một rừng bồ-đề trên khắp mọi miền.

Nhà thơ Lương Đình Khoa luôn thắp lửa cho học sinh trong vai trò của một người thầy không trực tiếp đứng lớp khi công tác trong trường học

Nhà thơ Lương Đình Khoa luôn thắp lửa cho học sinh trong vai trò của một người thầy không trực tiếp đứng lớp khi công tác trong trường học

Xã hội hiện đại, mỗi đứa trẻ sinh ra là trung tâm vũ trụ của mỗi gia đình. Mừng vì các con có điều kiện được chăm sóc về dinh dưỡng đầy đủ (nếu không nói là có thể dư thừa), tiếp xúc với điện thoại, tivi, máy tính bảng từ rất sớm… Nhưng giữa muôn vàn nguồn nước tưới lên mảnh vườn tâm hồn và cuộc đời con trẻ, bạn đừng quên dòng nước tâm linh mát lành và duy trì thường xuyên, để con trẻ sống như những đóa hoa, là những búp sen xanh không chỉ thơm hương cho cuộc đời mình mà còn tỏa hương trên mỗi hành trình sẽ đi qua.

Bài liên quan

Sở dĩ tôi chọn đồng hành với các khóa tu mùa hè, hay làm cán bộ truyền thông ở trường học cũng là vì thế - muốn có thể từ mình truyền cảm hứng, góp phần lan tỏa đi những giá trị của Hiểu và Thương tới các em trẻ, dù ít dù nhiều góp vào hành trình các em đang đi một chút hạnh phúc nở từ bình an.

Có lẽ vì vậy mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm kết nối, chia sẻ cùng tôi, đồng thời động viên tôi trong cách tôi nghĩ, tôi làm, tôi sống. Một người không trực tiếp đứng lớp dạy các con, chỉ đồng hành cùng các con trong các hoạt động, sự kiện, trong những trải nghiệm, tìm cách truyền cảm hứng cho các con, nhưng tôi thấy mình hạnh phúc vì vẫn luôn được các con và bố mẹ gọi là thầy. Hôm vừa rồi – một trưa trung tuần của tháng 11, có một chị phụ huynh có con trai đã tốt nghiệp bậc Tiểu học được 3 năm nhưng vẫn đến tìm tôi để tặng hoa dịp 20/11. Hai chị em cũng không nói chuyện gì nhiều, chỉ mỉm cười với nhau và hỏi chuyện đôi chút, nói với nhau những lời hỏi thăm mộc mạc, giản dị, nhưng thấy bình yên, thấy gần gũi và trân quý vô cùng.

Nguyện bất cứ cô bé, cậu bé nào có duyên gặp gỡ, kết nối cùng tôi, thoáng qua dù ít dù nhiều trong cuộc đời này cũng sẽ luôn có những bước đi vững chãi, bình an và khẳng định được mình bằng tâm hồn đẹp, nhân cách tốt từ những gì các con đã được vun trồng, góp nhặt trên mỗi hành trình đã đi qua.

Nhà thơ Lương Đình Khoa với các em nhỏ trong sự kiện từ thiện gần nhất – tặng thư viện cho học sinh trường PTDT Tiểu học Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu) – tháng 9/2019.

Nhà thơ Lương Đình Khoa với các em nhỏ trong sự kiện từ thiện gần nhất – tặng thư viện cho học sinh trường PTDT Tiểu học Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu) – tháng 9/2019.

PV: Anh tâm đắc nhất điều gì khi đến với Phật giáo?

- Điều tôi tâm đắc nhất có lẽ là đến với Phật giáo, nhìn mọi thứ qua lăng kính của Phật giáo, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản, bình an hơn, trái tim và tâm hồn mình thêm rộng mở, yêu thương nhiều hơn.

Tôi thấy mình hạnh phúc, và nhìn mọi người, mọi vật, mọi việc quanh mình với điểm nhìn của yêu thương và hạnh phúc. Không quá truy vấn, phán xét, học cách đón nhận nếu nó thuộc về mình, và xử lý nó trong khả năng tốt nhất có thể. Vì bình an hay hạnh phúc thực chất là một con đường – chứ không phải đích đến.

Trước đây, tôi định nghĩa về hạnh phúc với rất nhiều thứ liên quan đến vật chất, danh vọng. Nhưng bây giờ tôi nhìn hạnh phúc giản dị hơn, và nó có sẵn trong mỗi người, mỗi ngày.

Điều tôi tâm đắc nhất có lẽ là đến với Phật giáo, nhìn mọi thứ qua lăng kính của Phật giáo, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản, bình an hơn, trái tim và tâm hồn mình thêm rộng mở, yêu thương nhiều hơn.

Điều tôi tâm đắc nhất có lẽ là đến với Phật giáo, nhìn mọi thứ qua lăng kính của Phật giáo, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản, bình an hơn, trái tim và tâm hồn mình thêm rộng mở, yêu thương nhiều hơn.

Hạnh phúc là mỗi sáng thức dậy thấy mình còn được thở, còn được soi gương, còn được đánh răng, được mặc chiếc áo mình yêu thích, được nhìn thấy cha mẹ mình, được đến trường…Hạnh phúc là những điều giản dị, nho nhỏ thế thôi, ai cũng có thể gọi tên mà con người ta cứ mải kiếm tìm đâu đó những thứ khác hơn để thỏa mãn nhu cầu bản thân, đẹp vẻ ngoài, chạy đua theo những điều khác.

Hạnh phúc nào thì cũng cần bình an. Vậy nên dù bạn giàu có bao nhiêu, công danh lợi lộc thế nào – nhưng nếu không có sự bình an trong tâm hồn thì đó cũng không phải là hạnh phúc. Những tháng ngày vinh quang nhất cũng không bằng những ngày bình yên nhất.

Cười và Thở từng nhịp yêu thương, cho chính mình và những ai có duyên gặp gỡ là quan điểm sống hiện tại của nhà thơ Lương Đình Khoa.

Cười và Thở từng nhịp yêu thương, cho chính mình và những ai có duyên gặp gỡ là quan điểm sống hiện tại của nhà thơ Lương Đình Khoa.

Bình an đến từ ngoại cảnh là có, nhưng không bền vì ngoại cảnh luôn biến động. Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính mỗi con người. Tha thứ thì thư thái. Một lần biết tha thứ, bao dung với cuộc đời, bỏ quên khu vườn cỏ dại để trồng vào đó một cái cây, một bông hoa. tập trung chăm sóc cho mầm thiện -  là một lần chúng ta tự cho mình một cơ hội để bình an.

Xin cảm ơn nhà thơ Lương Đình Khoa vì những chia sẻ thú vị này. Chúc nhà thơ tinh tấn và an lạc!

>>Mời quý Phật tử đọc thêm loạt bài Phỏng vấn đăng tải trên Phatgiao.org.vn tại đây

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phật tử Quảng Tú: “Từ thiện là việc đáng quý phải xuất phát từ chính tâm không vụ lợi”

Phỏng vấn 11:00 13/03/2024

Với gần 10 năm hoạt động, CLB Thiện Nguyện Liên Tâm ở TP. HCM với những người trẻ giàu lòng nhân ái đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, với tâm niệm “cho đi là nhận lại”.Chia sẻ với Phatgiao.org.vn, Phật tử Quảng Tú cho biết: Từ thiện là việc rất đáng quý nhưng chưa bao giờ là đơn giản, dễ dàng.

Một ý kiến về nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang

Phỏng vấn 11:12 06/03/2024

Mạng xã hội đang "nóng" về những nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Phật Quang (BR-VT). 

Hòa thượng Thích Thọ Lạc: Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng!

Phỏng vấn 16:27 04/03/2024

Đoàn Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN vừa có chuyến thăm Ấn Độ, làm việc liên quan đến Phật sự đặt Trụ kinh Chuyển Pháp luân và Biểu tượng kiến trúc Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại các thánh tích ở nơi Đức Phật đản sinh, hoằng pháp.

'Nên tham khảo ý kiến của Giáo hội để phụng sự bạn đọc tốt hơn'

Phỏng vấn 13:19 27/02/2024

Cư sĩ Thiện Đức, Uỷ viên TT Ban TTTT TW, Trưởng Ban biên tập Cổng thông tin PGVN trả lời phỏng vấn về vụ phát ngôn của TS Đoàn Hương (*).

Xem thêm