Nhân duyên khởi ra Chánh kiến
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Có hai nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến. Thế nào là hai?
Người tu học Phật đều biết rằng, Bát chánh đạo là nền tảng quan trọng của toàn bộ giáo pháp Thế Tôn. Trong đó, Chánh kiến tức nhận thức và quan điểm đúng Chánh pháp là chi phần quan yếu, có vị trí đứng đầu (Chánh kiến, …, chánh định). Nhận thức và quan điểm đúng Chánh pháp sẽ quyết định sự nghiệp tu hành luôn đúng với lời Phật dạy, không bị thiên lệch, thẳng đến giải thoát Niết-bàn.
Thời Thế Tôn còn tại thế, vẫn có một số ít Tỳ-kheo nhận thức sai Chánh pháp. May thay, các vị này được Thế Tôn nghiêm trách và chấn chỉnh kịp thời. Ngày nay, chúng ta tu học trong thời đại cách Phật lâu xa, Thánh tăng ngày càng ít, trong khi hầu hết là phàm và tạp Tăng, cùng với sự nhận thức và diễn giải kinh pháp theo tư kiến chủ quan ngày càng gia tăng khiến cho người sơ học gần như lạc lối trong rừng giáo pháp, mỗi người nói một phách nên chẳng biết theo ai, khó phân định đúng sai, tà chánh.
Hơn lúc nào hết, người tu Phật hiện nay cần bám sát những lời dạy của Thế Tôn được bảo tồn trong kinh tạng để thiết lập và nêu cao Chánh kiến.
Chánh kiến tuy có nhiều tầng ý nghĩa, sâu cạn khác nhau nhưng căn bản vẫn là: Tin hiểu Nhân quả-Nghiệp báo; Tin sâu Bốn Thánh đế; Thấy rõ thực tính Duyên khởi-Vô thường-Vô ngã của vạn pháp; xác quyết Giới-Định-Tuệ là cốt tủy của mọi pháp hành nhân danh Đức Phật. Nên những nhận thức, quan điểm, phương pháp tu tập và hành đạo mà xa lìa những đặc điểm then chốt này sẽ lập tức rơi vào tà kiến, phi Chánh pháp. Vấn đề đặt ra là mỗi người nên thiết lập Chánh kiến cho mình bằng cách nào? Văn-Tư-Tu là con đường làm cho tâm thông trí sáng. Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ hay tức Giới, tức Định, tức Tuệ cũng khiến vô minh diệt, minh sanh. Từ thức tri, tiến lên thắng tri và thành tựu liễu tri. Trong pháp thoại dưới đây, Thế Tôn đề xuất hai pháp “nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về Chỉ, Quán trong lòng” chính là “hai nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến. Thế nào là hai? Nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về Chỉ, Quán trong lòng. Như thế, Tỳ-kheo đối hai nhân, hai duyên khởi ra chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 15.Hữu vô,VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.198)
Theo Thế Tôn, muốn thành tựu Chánh kiến trước hết phải “nhận lời dạy dỗ” cho tứ chúng. Giảng dạy cho người đi sau, cho Phật tử và cho tất cả mọi người biết Chánh pháp. Thật là sai lầm khi không ít Tăng Ni chúng ta ngày nay có xu hướng phó thác việc giảng dạy này cho các vị giáo thọ, giảng sư. Mà đúng ra, mỗi vị Tăng Ni và Phật tử đều phải là giáo thọ, giảng sư. Chư Tăng Ni hiện nay tụng niệm nhiều nhưng ít khi thuyết pháp, giảng dạy trong các khóa lễ. Có thể chư vị biết mà không dạy nhưng cũng có thể không biết nhiều để dạy hay không nhận ra tầm quan trọng của việc giảng dạy giáo pháp. Nên Thế Tôn thật thâm thúy khi đưa ra nhân duyên “nhận lời dạy dỗ” này. Muốn dạy người thì trước hết tự thân mình phải học tập, nghiên tầm giáo pháp. Một khi đã có hiểu biết giáo pháp sâu sắc thì thiết lập được Chánh kiến. Nên giảng kinh, thuyết pháp, dạy người mà thực chất chính là xây dựng Chánh kiến cho mình.
Kế đến, muốn thành tựu Chánh kiến phải “suy nghĩ về Chỉ, Quán”. Tu tập thiền Định và thiền Tuệ, cách gọi khác của Chỉ Quán chính là cơ sở hình thành Chánh kiến. Nói rõ hơn là phải tu tập, thực hành giáo pháp thì Chánh kiến mới phát sinh. Tâm có định thì trí mới sáng, trí sáng tỏ rồi thì liền hết tà kiến, lầm mê.
Như vậy, theo lời dạy của Thế Tôn, mỗi người con Phật dù là xuất gia hay tại gia cần phải đầy đủ pháp Học và pháp Hành thì mới có thể thành tựu Chánh kiến. Phật giáo chúng ta tự hào có Tam tạng Kinh-Luật-Luận đồ sộ, minh triết bậc nhất, nhưng thực tế thì không phải ai tự nhận theo Phật cũng có Chánh kiến. Vấn đề là, liệu chúng ta có “nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về Chỉ, Quán” hay không?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Xem thêm