Thứ tư, 24/07/2024, 09:12 AM

Nhân duyên với ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm

Trong dòng chảy nhân duyên bất tận ta vô tình hay tác ý để nhận được kết quả theo nhân duyên ấy. Và chuyến xe du lịch ngày hôm ấy là nhân duyên đưa tôi vào đạo. Đó là chuyến đi mang dấu ấn lịch sử trong cuộc đời tôi. Cũng chính buổi chiều ấy đã thay đổi cái nhìn của tôi về cuộc sống.

Ông trưởng đoàn có ý muốn thay đổi chiều hướng chuyến đi về miệt núi ngàn sau những chuyến đi dài nơi các vùng được gọi là khu du lịch “hot” nhất. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông ta mặc một bộ quần áo màu nâu và mang theo một cây gậy đầu rồng trên đó có chạm khắc hình một người nữ ngồi xếp bằng trong tư thế rất tự tại. Nghĩ mà thấy lạ, vốn dĩ những chuyến đi trước ông ấy ăn mặc rất bảnh bao, dày dép rất lịch sự. Nhưng chuyến đi này tôi thấy vô cùng đặc biệt, cảm giác có gì đó lạ lẫm vô cùng. Khi lên xe, tôi nghe các cô đi cùng nói chuyến này sẽ có thêm lịch trình đi chùa. Lúc ấy, trong lòng mình có ý muốn phản đối nhưng dường như cũng có một mãnh lực vô hình nào đó ngăn cản và tôi cứ lẳng lặng theo mà không nói một lời nào.

Chuyến xe dừng bánh, nơi ấy chính là huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu). Trên con đường dẫn vào núi Dinh, xe đậu kín hết, chúng tôi đành phải đi bộ. Tôi cũng không hiểu vì sao mà người lại đông như thế. Tôi hỏi các cô đi chung và được các cô cho biết rằng ngày mai là ngày vía đức Bồ-tát Quan Âm nên người ta mới về dự lễ tại chùa Bồng Lai này đông như vậy. Vì trong tôi không có bất cứ khái niệm gì về ngày vía và cứ im lặng như một đứa trẻ ngây ngô không hiểu được việc của người lớn. Rồi chúng tôi đi tìm khách sạn để nghỉ cho cuộc leo núi ngày mai, đó cũng là mục đích chính của tôi trong chuyến đi núi lần này.

Bồ Tát Quán Thế Âm

Bồ Tát Quán Thế Âm

Khi chỗ ở đã ổn định, đúng 4 giờ chiều các cô rủ tôi vào chùa Bồng Lai thăm viếng. Lúc này các cô đã thay đổi bộ trang phục màu lam giống như nhau và cầm theo một chiếc áo dài cũng cùng màu như thế. Phía trước của ngôi chùa là bức tượng người nữ đứng trên con thuyền (lúc ấy tôi cũng chưa biết đó là tượng của ai). Vào bên trong, tôi thấy người đông quá không có chỗ chen chân. Các cô vào lạy và bỏ ít tiền vào thùng công đức. Tôi đứng lặng người mà không hề lạy như mọi người. Ôi chao! Bao năm dài tôi có hiểu tín ngưỡng là gì đâu, thậm chí tôi còn cho rằng đó chính là mê tín dị đoan, người ta đi chùa là vì mục đích cầu nguyện làm ăn phát tài phát lộc. Từng tư duy ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ lúc nhỏ, gần 20 tuổi vẫn không thay đổi. Chợt một ánh mắt nhìn tôi với vẻ thương cảm, đó là ánh mắt của một vị sư trẻ đang cầm dùi chuông đánh cho các cô lễ lạy, người mà sau này tôi quen gọi bằng hai tiếng sư Thông. Sư nhìn tôi và có lẽ sư đã biết tôi là người mới bước tới chùa lần đầu tiên, sư nhận ra tôi là người bướng bỉnh trước chư Phật và Bồ-tát. Khi các cô lạy xong, sư bước lại gần và hỏi thăm tôi, sư biết tôi là người xa lạ với Phật pháp. Sư khai thị cho tôi một hồi và chỉ dạy tôi rất nhiều. Và dường như tất cả mọi ý nghĩ cổ hủ xưa kia đã tan biến. Tôi lặng người đi không nói câu nào, tôi đi một vòng tản bộ ra nơi chân núi, chân tôi bước đi thật thảnh thơi nhẹ gót. Sau một hồi đi dạo, quay vào chùa, tôi đứng nhìn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng tất cả lòng thành kính. Gương mặt ngài thật hiền từ, tôi càng nhìn càng thấy ấm áp. Tôi nhận ra mình đã có những tư tưởng sai lầm, 19 tuổi đời tôi mới biết trên đời này có một tín ngưỡng đem đến an vui mà mình lại cho là mê tín. Có lẽ trước đây tôi chưa đủ nhân duyên tốt để ngộ đạo. Tôi sụp đầu cúi lạy mẹ Quán Thế Âm một cách thành khẩn dưới bao ánh mắt của dòng người nô nức hướng về Ngài.

Tôi như đứa con lưu lạc từ phương xa hôm nay trở về bên Mẹ, quỳ dưới chân Mẹ trong niềm thương kính vô hạn. Ánh mắt thương cảm của Sư lúc chiều bây giờ được thay thế bằng ánh mắt hoan hỷ cộng thêm một nụ cười tinh khôi. Sư vui mừng vì tôi đã “trở về” mà không còn tiếp tục đi xa. Chính Sư là người thầy đầu tiên dẫn tôi vào đạo, sư đã đưa tôi đến chân trời của chính mình. Tôi quay sang nhìn Sư mỉm cười và sư đã hiểu rõ tôi.

Đêm 18 tháng 6 là đêm chuẩn bị cho buổi giao thời rước vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi vui mừng hớn hở có mặt trước tất cả mọi người ở nơi tôn tượng của ngài. Các cô đi cùng đều ngạc nhiên bảo: “Thằng nhỏ này kỳ vậy kìa!” Khi chuyến xe lăn bánh về lại thành phố, tôi dường như hoàn toàn thay đổi. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng khôn xiết và bắt đầu dừng lại mọi cuộc chơi cùng chúng bạn. Tôi ăn chay trong sự phản đối kịch liệt của gia đình. Rồi một ngày (sau 90 ngày kể từ ngày ấy), tôi xin mẹ đi xuất gia. Tuy mẹ không đồng ý thế nhưng tôi vẫn nhất quyết đi. Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì nghĩ tôi chán bỏ cuộc đời. Các anh chị thì ra sức ngăn cản thậm chí dùng lời nặng nề nhưng rốt cuộc vẫn không lay động ý định của tôi...

Và sư đã hướng dẫn để ngày hôm nay tôi được dự vào hàng Chúng trung tôn. Qua bao năm tháng, đến tận ngày nay sư vẫn thường quan tâm nhắc nhở tôi. Tuy xa xôi nhưng sư vẫn không quên gọi điện sách tấn tôi. Vì sư biết con đường tu đạo còn lắm gian nan, không phải một sớm một chiều mà có thể thành tựu được, sư sợ tôi vấp ngã nên phải nhắc nhở tôi. Tuy tuổi đời chênh lệch không bao nhiêu nhưng giữa tôi và sư có nhân duyên thù thắng nên sư vẫn xem tôi như một người học trò, người em hoặc người bạn và đặc biệt là người pháp lữ thân thương.

Dòng chảy của nhân duyên là thế, nếu không có chuyến du lịch làm sao tôi đến được một ngôi chùa? Nếu không đến ngôi chùa ấy làm sao tôi gặp được sư? Nếu không gặp được sư làm sao tôi biết đến Bồ-tát Quán Thế Âm và biết đến Phật pháp? Và cách nào để tôi được dự vào hàng ngũ xuất gia? Tất cả là nhân là duyên trùng trùng không kể xiết mà tôi luôn cho đó là sự mầu nhiệm, là con đường đưa tôi trở về nẻo chánh, dừng lại tất cả pháp bất thiện... Xin cảm ơn nhân duyên thù thắng đã cho tôi kết quả thù thắng. Cảm ơn sư – người mở đường cho cuộc đời tôi bằng tất cả lòng chân thành.

Cứ mỗi buổi chiều của ba ngày vía Bồ-tát trong năm tôi lại hồi tưởng lại bao ký ức của nhân duyên thù thắng ấy. Tôi đứng trước tôn tựng của Bồ-tát Quán Thế Âm để đảnh lễ ngài, đảnh lễ trong niềm tôn kính vô biên. Con nguyện sẽ ở mãi trong ngôi nhà của Phật pháp. Xin mẹ hãy trợ duyên cho con!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ngày Phật thành đạo là dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại

Kiến thức 08:30 07/01/2025

Nhờ có ngày mùng 8 tháng 12 mà hôm nay thế giới loài người đã tôn vinh và công nhận đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà sống thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết.

Bài học đáng quý nhân ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo

Kiến thức 13:00 06/01/2025

Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.

Nghi thức hồi hướng tiêu trừ nghiệp chướng bệnh tật

Kiến thức 12:05 06/01/2025

Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền.

Ý nghĩa thâm diệu và công đức của Bát Nhã Tâm Kinh

Kiến thức 10:57 04/01/2025

Người Phật tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống với đời không thể nào tách rời cuộc sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả, nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói trong Cư trần lạc đạo phú.

Xem thêm