Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 25/12/2018, 19:30 PM

Nhục thân Thiền sư Viên Chiếu nơi cốc lạnh hoang sơ làm thấu động lòng người

Nhục thân Xá lợi Thiền sư Viên Chiếu trên núi thiêng Hòn Lớn (Ninh Hòa) là nơi ngài Thiền định và đi vào cõi Niết bàn. Tìm dấu xưa, chồn chân vì đá núi, phủ phục dưới nền đá lạnh rêu phong của tháp Tổ hoang sơ, cảm niệm ân đức tu hành của tiền nhân, nghe gió ngàn và... suy ngẫm lại chính mình.

Thiền sư Thích Như Cự họ Lê được gọi là Lê Văn Cự, sinh năm Nhâm Thìn (1892). Thôn Thanh Phước, Tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà, Thừa Thiên tỉnh. Nay thuộc thôn Thanh Phước, xã Hưng Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thân phụ ngài là cụ Lê Văn Chí là một quan nhỏ thời Pháp thuộc, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chuột. Gia đình có năm anh em bốn trai một gái. Ngài là con trưởng trong gia đình, là người con hiếu thảo, chăm lo tu hành phụng thờ tổ tiên nuôi dưỡng cha mẹ, rất mực hiếu thảo.

Lúc thiếu thời ngài rất thông thạo Hán văn, quốc ngữ và một vài ngoại ngữ. Lớn lên có nghề thêu may truyền thống, vừa may đồ dân dụng vừa may đồ đặc dụng trong cung điện vua chúa, thời bấy giờ tay nghề may thêu rất tinh xảo.

Vợ ngài là Tổng Thị Tịnh, đúng (Tống Thị Yến) là con cả vợ kế của quan thượng thư triều đình Huế. Giỏi nữ công, gia chánh và sinh được bốn người con ba trai một gái. Sống với vợ con trong cung điện nhà vua, vừa may thêu vừa tu tại gia từ đó.

Năm Đinh Tỵ (1917), ngài quy y tại triều đình Huế lần đầu có ấn vua.

Năm Nhâm Thân (1932) ngài đi vào Nam tìm nơi tu hành, song mẹ bệnh nặng ngài về thiết lễ kỳ an cầu nguyện cho mẹ và lo cho mẹ đi khi mãn phần. Ngài rời cung điện nhà vua, năm Bảo Đại thứ 10 (1935).

Cuối năm Ất Hợi (1935), sau khi mẹ mất trăm ngày, thấy cảnh vô thường, chán cảnh công danh, ngài tiếp tục tìm thầy học đạo cầu mong giải thoát bỏ lại sau gia đình vợ hiền, con ngoan. Ngài nói với gia đình vợ con rằng: “Tôi tiếp tục xa xứ tìm thầy giỏi hơn để học đạo (ngài còn nói đi tìm vua khác - tức là pháp vua). Tôi sẽ đi bất cứ đâu kể cả Campuchia, Thái Lan… Khi nào tìm được thầy mới thôi. Nếu không tìm thấy thầy giỏi tôi sẽ tu non, tu ẩn theo hanh Đầu Đà”.

Gian nan tìm đường học pháp ở Campuchia, Thái Lan, Tây Tạng

Bảo tháp đơn sơ tôn trí nhục thân Thiền sư Viên Chiếu- Như Cự

Bảo tháp đơn sơ tôn trí nhục thân Thiền sư Viên Chiếu- Như Cự

Sau khi ngài vào Nam băng ngàn lội bộ không giày, không dép với túi muối ớt sả khoảng gần vài ký, đi tới đâu khất thực tới đó (ngài chỉ dùng cơm với muối ớt sả), nay đây mai đó, ngủ các gốc cây tại các chùa; cùng đi là sư đệ Như Thượng quê ở An Xuân, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.

Vào tới Sài Gòn, sư đệ Như Thượng ở lại sài Gòn. Còn ngài lại đi sang Campuchia, qua Thái Lan. Ngài hẹn với sư đệ khi nào ngài tìm được vua sẽ về đón  hoặc nhắn tin báo địa chỉ để sư đệ qua. Ngài vẫn không tìm được thầy theo ý nguyện mình, ngài quay lại Sài Gòn năm 1937, có ý định cùng với sư đệ có dịp sẽ qua Tây Tạng học đạo.

Cơ duyên đã đến, thầy Thích Minh Tịnh (pháp danh Chơn Phổ-Nhẫn Tế), thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 40 đã học đạo ở Tây Tạng về do chính phủ và bạn Anh Quốc giúp đỡ. Học Tây Tạng 3 năm Phật pháp uyên bác, trình độ hơn người... trụ trì chùa Thiên Chơn, thuộc ấp I An Thạnh (Bún) thuộc huyện Thuận An, Bình Dương ngày nay. Ngài về Sài Gòn ngày 30/6/1937. Ở đó tu học, ngài Như Cự lại có thêm một bạn nữa là Như Trạm cùng quê với huynh Như Thượng ở An Xuân, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Cả ba huynh đệ đồng đảnh lễ thầy Chơn Phổ-Nhẫn Tế xin theo chân qui y để học đạo.

Phải một thời gian sau khi ở với sư phụ  Chơn Phổ-Nhẫn Tế đến ngày 08/7 năm Tân Tỵ (1941) sư phụ mới chấp nhận cho qui y.

Theo sư đệ Như Thượng kể: Huynh Như Cự đã qui y một lần ở triều đình Huế (có ấn vua) vì thế không thể qui y lần thứ hai. Qua nhiều lần, ngài Như Cự trình bày lý do qui y lại không phải phản sư phụ cũ, mà do quá trình sống ở đó thấy nhiều điều phi pháp không hợp tu hành ở địa phương, không đúng theo Phật pháp vì chùa của vua cải đạo có lắm bất công, đầu óc ít mở mang, phụ thuộc thời phong kiến thực dân. Sau đó đúng ngày nêu trên huynh Như Cự cùng hai sư đệ mới chính thức được qui y và sư phụ đặt pháp hiệu cho ba huynh đệ là:

- Như Cự (Viên Chiếu)

- Như Trạm (Tịch Chiếu)

- Như Thượng (Thường Chiếu)

Gặp gỡ Bồ Tát Thích Quảng Đức và một mình thiền định thâm sâu nơi cốc vắng

Ngài Viên Chiếu ở với sư phụ đến khoảng cuối năm 1941 ngài xin sư phụ  Chơn Phổ-Nhẫn Tế ra Khánh Hòa về Tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh) để gặp Bồ tát Thích Quảng Đức (Ngài đã từng gặp Bồ tát ở chùa Thiên Chơn nhiều lần và đã từng hướng dẫn việc tu núi). Lần này Ngài Viên Chiếu tiếp tục tiếp thu việc tu núi do Bồ tát Quảng Đức truyền đạt về những lần Bồ tát ẩn tu ở hòn Núi Đất (Địa Sơn) Ninh Hòa.

Nơi Thiền sư dừng chân ẩn tu là một vách đá ở lưng chừng Hòn Lớn. Một hòn đá núi to tọa trên phiến đá bằng phẳng, chồm ra ngoài tạo thành hốc núi che được nắng mưa. Bấy giờ, Hòn Lớn rừng núi thâm u hiểm trở, lam sơn chướng khí, nhiều cọp beo và rắn độc, chỉ có dân đi điệu (những người đi lấy trầm hương) mới dám bén mảng đến khu vực này.

Hành trang của ngài thật đơn giản, ngoài y bát là một ít thực phẩm khô như đậu, mè... Một mình thiền định giữa núi cao rừng thẳm, đối diện với vô vàn thử thách cam go nhưng không làm cho ngài sờn lòng.

Nhờ đắc mật pháp nơi Hòa thượng Lạt ma Nhẫn Tế và nhờ sự trợ duyên, chia sẻ kinh nghiệm tu núi của Bồ tát Quảng Đức nên Thiền sư Viên Chiếu đã thể nhập, an trú thiền định rất thâm sâu.

Chỉ có những bậc thành tựu thiền định thì mới có thể bám trụ ở những nơi thâm sơn cùng cốc đầy hiểm nguy như thế.

Ngày nay, khi người dân đã khai phá và trồng trọt hoa màu đến gần nơi am thất của Thiền sư mà đường lên núi vẫn còn nhiều gian truân, vất vả. Lối mòn phủ kín cỏ dại và gai góc chằng chịt, phải vượt qua ba con suối cùng đá núi gập ghềnh. Vào mùa mưa, nước hỗn trên núi tràn về rất dữ dội, nếu không cẩn thận thì sẽ rất nguy hiểm cho người qua lại.

Hồi tưởng lại hơn 60 năm trước thì nơi đây hiểm trở đến dường nào và càng bội phục trước chí nguyện tu hành của Thiền sư.

Sống khổ hạnh, tìm thuốc cứu dân, lưu nhục thân bất hoại

Những ngày tháng ẩn tu thiền định tại Hòn Lớn, thỉnh thoảng một đôi lần Thiền sư xuống núi khất thực. Và người dân địa phương (chủ yếu là người tìm trầm) cũng đôi lần thăm viếng và cung cấp ít thực phẩm khô cho ngài.

Còn lại, Thiền sư sống khổ hạnh với rau rừng, quả núi và chuyên tâm thiền định. Cho đến một ngày gần cuối năm 1943, tình cờ có người lên núi phát hiện ra ngài đã viên tịch tự lúc nào.

Thiền sư ngồi dưới vách đá thâu thần thị tịch trong tư thế kiết già tọa thiền rất vững chãi. Dân làng vô cùng kính phục đức hạnh cao cả của ngài, sau khi lễ bái liền gom đá núi xếp chồng lên quanh nhục thân làm thành bảo tháp.

Vách đá nơi ẩn tu của Thiền sư Viên Chiếu

Vách đá nơi ẩn tu của Thiền sư Viên Chiếu

Rồi chiến tranh nổ ra, gần mấy chục năm trời không ai được phép lên núi. Sau 1975, người dân lên núi chặt cây, đào củ kiếm sống nhưng vật đổi sao dời không ai còn nhớ rõ hang Tổ ở chốn nào.

Thời gian sau, chư Tăng và Phật tử Ninh Hòa đã phát động một cuộc tìm kiếm quy mô trên Hòn Lớn và phát hiện được nhục thân của Thiền sư, xương cốt vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế ngồi kiết già như mấy chục năm về trước, sau đó xây bảo tháp tôn trí nhục thân ngài như hiện nay.

Dấu xưa tháp Tổ cô tịch hoang lạnh

Bảo tháp tuy đơn sơ, ẩn dật trên núi cao nhưng đã ghi dấu địa linh, thánh tích huy hoàng về sự nghiệp tu tập của Thiền sư Viên Chiếu lưu lại nhục thân bất hoại. Và đã có hai vị Tăng trẻ hậu thế từng theo gương tiền nhân, phát nguyện ẩn tu thiền định bên tháp Tổ nhưng đã xuống núi du phương hoằng hóa nên hiện nay thánh tích vẫn cô tịch, hoang lạnh và rêu phong.

Tấm bia đơn sơ mộc mạc và nơi ngài thị tịch tới giờ vẫn hoang vu

Tấm bia đơn sơ mộc mạc và nơi ngài thị tịch tới giờ vẫn hoang vu

Mặc dù, cuộc đời của Thiền sư là “Nhạn quá trường không” nhưng trong bối cảnh hiện nay việc làm rạng danh chốn Tổ để cảm niệm ân đức của tiền nhân, nêu gương sáng tu hành cho hậu thế là điều mà những người con Phật chúng ta cần suy ngẫm và thực hiện.

Vẫn mong làm sao nơi thị tịch của Thiền sư Viên Chiếu - một niềm tự hào của dòng thiền Việt Nam, một bậc Thiền sư đắc đạo, đức hạnh cao cả, một bậc đại sư thành tựu thiền định như thế mà cứ mãi sơ sài tạm bợ, khiến lòng người không khỏi đau xót khi nhìn nơi thị tịch của ngài hoang vu giữa núi rừng. Như thấy chúng ta có lỗi khi không tạo dựng được một nếp chùa ấm áp để tạ ơn một vị Tăng tài giỏi đắc đạo hiếm hoi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tuệ Lam (Tổng hợp )

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bậc Thầy mô phạm

Chân dung từ bi 14:50 25/03/2024

Giản dị nhưng sâu lắng, nghiêm nghị mà từ bi, nhẹ nhàng nhưng vững chãi, uy hùng mà bao dung. Mỗi lời nói của khẩu đều là Pháp ngữ, mỗi động tĩnh của thân đều là Phật hạnh. Tùy duyên nhậm vận, trọn đời thuyết pháp cứu độ quần sinh, hòa quang đồng trần, thuận theo nhân tâm mà hành Phật sự.

“Làm đến Hòa thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ”

Chân dung từ bi 10:15 11/03/2024

Có lúc giữa chúng đông, tôi thường nói, bây giờ làm đến Hoà thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ. Ai nấy đều ngạc nhiên!

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Chân dung từ bi 16:00 02/03/2024

Thiền sư Huyền Quang玄光 (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái[1] 李道載, quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 đời Lê Thánh Tông đổi tên thành xã Vạn Tư, huyện Gia Định; nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Thiền sư Vạn Hạnh - Hình tượng ngàn năm

Chân dung từ bi 11:20 06/02/2024

Ngài họ Nguyễn, tên thật và năm sanh chưa thấy tài liệu nào ghi nhận. Ngài viên tịch vào năm 1018. Về sau, khi tham khảo sách Thi văn Lý - Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, có ghi tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Xem thêm