Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 18/06/2016, 10:25 AM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.13)

Nếu trong quốc độ có những sa-môn và bà-la- môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực thành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thỉnh thoảng con đến gặp các vị ấy và hỏi: “Này các tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nào nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào lâu ngày sẽ đem lại bất lợi và đau khổ, hành động như thế nào lâu ngày sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc?” Con hãy nghe họ, tránh làm điều bất thiện và cố gắng làm điều thiện.

(4) Bảy nguyên tắc giúp xã hội được bền vững

1.1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rājagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakūta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Ajātasattu Vedehiputta (A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà), muốn chinh phục dân Vajjī (Bạc-kỳ). Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjī; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī; ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong”.

1.2. Rồi Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, nói với bà-la-môn Vassakāra (Vũ-xá), đại thần nước Magadha:

– Này bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn và nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, lạc trú”. Và khanh bạch tiếp: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân Vajjī, vua tự nói: ‘Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjī; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī; ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong’.” Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng.

1.3. – Ðại vương, xin vâng!

Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Rājagaha (Vương Xá), đến tại núi Linh Thứu. Đi xe đến chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn. Khi đến liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha, bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Maga- dha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân xứ Vajjī. Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù chúng có uy quyền, có hùng mạnh, ta quyết làm cỏ dân Vajjī, ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī, ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vọng”.

1.4. – Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đứng quạt sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda:

(1) – Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo.

– Này Ānanda, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
(2) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn, kết giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết.

– Này Ānanda, khi nào nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(3) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những gì đã được ban hành theo truyền thống cổ xưa không?

– Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những gì đã được ban hành theo truyền thống cổ xưa.

– Này Ānanda, khi nào dân Vajjī, không ban hành những luật lệ đã không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những gì đã được ban hành theo truyền thống cổ xưa, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(4) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này.

– Này Ānanda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(5) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình.

– Này Ānanda, khi nào Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(6) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.

– Này Ānanda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(7) Này Ānanda, ông có nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến ở tại đấy và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không?

– Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến ở tại đấy và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.

– Này Ānanda, khi nào dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến ở tại đấy, và những vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

1.5. Rồi Thế Tôn nói với bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha:

– Này bà-la-môn, một thời Ta sống ở Vesāli, tại tự miếu Sārandada, Ta dạy cho dân Vajjī bảy pháp bất thối này. Này bà-la-môn, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời bà-la-môn, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Khi được nói vậy, bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjī chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjī nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjī ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận.

– Này bà-la-môn, ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.

Bà-la-môn Vassakāra, vị đại thần nước Magadha hoan hỷ, tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy và từ biệt.

1.6. Khi bà-la-môn Vassakāra đi chưa bao lâu, Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda:

– Này Ānanda, ông hãy đi tập họp tại giảng đường tất cả những vị Tỳ kheo sống gần Rājagaha (Vương Xá).

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng theo lời dạy Thế Tôn, đi tập họp tất cả những vị Tỳ kheo sống gần Vương Xá rồi đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, đứng một bên và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo Tăng đã tụ họp. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời.

Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến giảng đường, ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và nói với các vị Tỳ kheo:

– Này các Tỳ kheo, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Những vị Tỳ kheo ấy trả lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

(1) – Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo thường xuyên tụ họp với nhau, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(2) Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(3) Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo không ban hành những luật lệ đã không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(4) Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ kheo thượng tọa giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha và bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(5) Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo không bị chi phối bởi tham ái đưa đến tái sinh, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(6) Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo thích sống tại những chỗ nhàn tịnh, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

(7) Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo tự thân an trú chính niệm, khiến các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở và các bạn đồng tu đã đến ở, được sống an lạc, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỳ kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỳ kheo, khi nào các vị Tỳ kheo được dạy bảy pháp bất thối này, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (DN 16, Đại kinh Bát-niết-bàn)
 
(5) Vị Chuyển luân Thánh vương

3. Này các Tỳ kheo, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, vua Daḷhanemi cho gọi một người và bảo:

– Này khanh, khi nào khanh thấy thiên bảo luân có lặn xuống một ít, có rời khỏi vị trí cũ, thì báo cho Ta biết.

– Tâu Ðại vương, xin vâng!

Người ấy vâng theo lời dạy vua Daḷhanemi.

Sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, người ấy thấy thiên bảo luân lặn xuống một ít, có rời khỏi vị trí cũ. Thấy vậy, người ấy liền đến vua Daḷhanemi, khi đến xong, liền báo cho vua biết:

– Ðại vương có biết chăng, thiên bảo luân của Ngài đã lặn xuống một ít, đã rời khỏi vị trí cũ?

Vua Daḷhanemi liền cho mời thái tử và nói rằng:

– Này thái tử thân yêu, thiên bảo luân của ta đã lặn xuống một ít, đã rời khỏi vị trí cũ. Ta nghe nói như sau: “Nếu thiên bảo luân của Chuyển luân Pháp Vương lặn xuống và rời khỏi vị trí cũ, thời vua còn sống không bao lâu nữa”. Ta đã thọ hưởng dục lạc loài người một cách đầy đủ. Nay đã đến lúc tìm cầu dục lạc chư thiên. Này thái tử thân yêu, hãy trị vì trái đất này cho đến hải biên. Ta sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Rồi vua Daḷhanemi sau khi đã khéo đặt hoàng tử con đầu trên ngôi vương vị, liền cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Tỳ kheo, sau khi vị vua hiền triết xuất gia bảy ngày, thiên bảo luân liền biến mất.

4. Rồi một người khác đi đến vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ, khi đến xong liền tâu vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ:

– Tâu Ðại vương, Ngài đã biết thiên bảo luân đã biến mất chưa?

Khi vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ nghe tin thiên bảo luân đã biến mất, liền không được vui, cảm thấy sầu muộn. Rồi vua ấy đến chỗ vua cha hiền triết ở và thưa với vua cha hiền triết:

– Ðại vương có biết chăng, thiên bảo luân đã biến mất?

Khi nghe nói vậy, vua cha hiền triết nói với vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ:

– Này thái tử thân yêu, chớ có không vui vẻ, chớ có sầu muộn. Này thái tử thân yêu, thiên bảo luân không phải là gia bảo tổ tiên để lại. Con hãy hành trì Thánh vương Chính pháp. Sự tình này sẽ xảy ra, khi con hành trì Thánh vương Chính pháp vào ngày rằm bố-tát, con gội đầu trai giới, đi lên lầu cao, thì thiên bảo luân sẽ hiện ra đầy đủ ngàn căm vành xe, trục xe và đầy đủ các bộ phận.

5. - Tâu Ðại vương, thế nào là Thánh vương Chính pháp?

– Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho những người trong dòng tộc, cho quân đội, cho sát-đế-lỵ và quần thần, cho bà-la- môn và gia chủ, cho thị dân và thôn dân, cho sa-môn và bà-la- môn, cho các loài thú và loài chim. Đừng để tội phạm lấn áp trong quốc độ của con. Hãy chia tài sản cho những người đang cần đến.

Nếu trong quốc độ có những sa-môn và bà-la- môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực thành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thỉnh thoảng con đến gặp các vị ấy và hỏi: “Này các tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nào nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào lâu ngày sẽ đem lại bất lợi và đau khổ, hành động như thế nào lâu ngày sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc?” Con hãy nghe họ, tránh làm điều bất thiện và cố gắng làm điều thiện.

Như vậy là Thánh vương Chính pháp.

– Thưa vâng, tâu Ðại vương!

Vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ trả lời vua cha hiền triết và thực hành Thánh vương Chính pháp. Khi thực hành Thánh vương Chính pháp vào ngày rằm bố-tát, vua gội đầu trai giới, đi lên lầu cao, thì thiên bảo luân hiện ra đầy đủ ngàn căm vành xe, trục xe và đầy đủ các bộ phận. Thấy vậy vua Quán đảnh Sát- đế-lỵ nghĩ rằng: “Ta được nghe nói như sau: ‘Khi Quán đảnh vương Sát-đế-lỵ nào vào ngày rằm bố tát thấy thiên bảo luân hiện ra đầy đủ như thế, thì vị vua ấy là Chuyển luân Thánh vương’. Như vậy phải chăng ta là Chuyển luân Thánh vương?”

6. Rồi vua Quán đảnh Sát-đế-lỵ từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, tay trái cầm bình nước, tay mặt tưới nước trên bảo luân và nói: “Hãy lăn, này thiên bảo luân, hãy nhiếp phục tất cả”. Bảo luân lăn về hướng Đông, Chuyển luân Thánh vương theo sau cùng với bốn loại binh chủng. Chỗ nào bảo luân ấy dừng lại, chỗ ấy Chuyển luân Thánh vương an trú, cùng với bốn loại binh chủng. Các vị vua chư hầu ở hướng Đông đều đến yết kiến Chuyển luân Thánh vương và nói:

– Hãy đến đây, Ðại vương! Thiện lai, Ðại vương! Tất cả đều thuộc của Ðại vương! Ðại vương hãy thuyết giảng!

Chuyển luân Thánh vương bèn nói:

– Chớ có sát sinh! Chớ có lấy của không cho! Chớ có sống tà hạnh trong các dục! Chớ có nói láo! Chớ có uống rượu! Và hãy thọ hưởng theo những gì đã có để thọ hưởng!

Các vị vua thù nghịch ở hướng Ðông đều trở thành chư hầu của Chuyển luân Thánh vương.

7. Rồi bảo luân ấy chìm xuống biển hướng Ðông, vượt qua biển ấy, lăn về hướng Nam... trở thành chư hầu Chuyển luân Thánh vương. Rồi bảo luân ấy chìm xuống biển hướng Nam, vượt qua biển ấy, lăn về hướng Tây... trở thành chư hầu Chuyển luân Thánh vương. Rồi bảo luân chìm xuống biển hướng Tây, vượt qua biển ấy, lăn về hướng Bắc... trở thành chư hầu Chuyển luân Thánh vương.

Khi bảo luân ấy chinh phục quả đất cho đến hải biên, liền trở về kinh đô và đứng lại trước cửa điện, trong nội cung Chuyển luân Thánh vương và chói sáng nội cung của vua. (DN 26, Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống)

(6) Đem an bình đến cho xứ sở

9. Sau khi ngồi xuống một bên, bà-la-môn Kūtạdanta (Cứu- la-đàn-đầu) bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, tôi được nghe như sau: “Sa-môn am hiểu ba cách thức tế tự và mười sáu tế vật”. Tôi không biết đến các điều đó, nhưng tôi muốn cử hành đại tế tự. Tốt đẹp thay nếu Tôn giả Gotama giảng cho tôi về các điều đó.

– Này bà-la-môn, vậy người hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ nói:

– Dạ vâng. Bà-la-môn Kūtạdanta trả lời Thế Tôn. Thế Tôn thuyết như sau:

10. – Này bà-la-môn, thuở xưa có vị vua tên là Mahāvijita, giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, có nhiều vàng bạc, có nhiều vật dụng, có nhiều tài vật ngũ cốc, kho tàng sung mãn.

Này bà-la-môn, một hôm trong khi vua Mahāvijita đang ngồi yên lặng tại một tịnh xứ, sự suy tư sau đây được khởi lên: “Ta nay đặng vô lượng tài sản thuộc nhân gian, chinh phục đại địa cầu và sống an trú như vậy. Ta hãy tổ chức đại tế đàn và nhờ vậy ta sẽ hưởng được hạnh phúc an lạc lâu ngày”.

Vua Mahāvijita liền cho mời vị bà-la-môn chủ tế, nói lên sự suy tư ấy và nói tiếp: “Này bà-la-môn, ta muốn tổ chức đại tế đàn, khanh hãy khuyên ta như thế nào để ta được hưởng hạnh phúc an lạc lâu ngày?”

11. Này bà-la-môn, khi nghe nói vậy, vị bà-la-môn chủ tế tâu với vua Mahāvijita như sau: “Tâu Ðại vương, vương quốc này chịu tai ương, chịu ách nạn, đầy rẫy bọn cướp làng, đầy rẫy bọn cướp ấp, đầy rẫy bọn cướp đô thị, đầy rẫy bọn cướp đường. Trong quốc độ chịu tai ương, chịu ách nạn như vậy, nếu Đại vương đánh thuế má mới, như vậy không phải là điều đúng nên làm.

Nếu Đại vương có ý nghĩ: ‘Ta hãy trừ diệt bọn giặc cỏ này, hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cấm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất’. Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những bọn còn sót lại, không bị hình phạt, về sau lại tiếp tục hoành hành vương quốc này.

Nhưng nếu làm theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những vị nào trong quốc độ có nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Đại vương hãy cấp cho hột giống và thực vật. Những vị nào trong quốc độ có nỗ lực về thương nghiệp, Đại vương hãy cấp cho vốn đầu tư. Những vị nào trong quốc độ có nỗ lực làm việc cho chính phủ, Đại vương hãy cấp cho vật thực và lương bổng.

Như thế, những người ấy sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình, sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn. Dân chúng sẽ hoan hỷ vui vẻ, vui chơi với trẻ con, sống với nhà cửa mở rộng”.

– Này bà-la-môn, vua Mahāvijita nghe theo lời khuyên của vị bà-la-môn chủ tế. Những vị nào có nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, nhà vua cấp cho hột giống và thực vật. Những vị nào có nỗ lực về thương nghiệp, nhà vua cấp cho vốn đầu tư. Những vị nào có nỗ lực làm việc cho chính phủ, nhà vua cấp cho vật thực và lương bổng.

Như thế, những người ấy chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình, sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Ngân quỹ nhà vua được dồi dào, quốc độ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn. Dân chúng hoan hỷ vui vẻ, vui chơi với trẻ con, sống với nhà cửa mở rộng. (DN 5, Kinh Cứu-la-đàn-đầu)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm