Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 23/06/2016, 15:01 PM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.16)

Khi bố thí không làm thương tổn mình và người, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và tài sản của người ấy không bị tổn thất ở bất cứ nơi nào, từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các người thừa tự.

2. PHƯỚC BÁU: CHÌA KHÓA CỦA VẬN MẠNG TỐT
(1) Các hành động tạo phước

Này các Tỳ kheo, chớ có sợ hãi các công đức. Công đức là đồng nghĩa với an lạc, cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các Tỳ kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục, khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm thường xuyên.

Sau khi tu tập tâm Từ trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng-kỳ kiếp và hoại kiếp. Khi tăng-kỳ kiếp tăng, Ta sinh vào cõi Quang âm thiên. Khi tăng-kỳ kiếp giảm, Ta sinh vào lâu đài trống không ở thiên giới.

Tại đây, Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, bậc chinh phục, bậc nhìn thấy tất cả, bậc có quyền lực rộng lớn. Ba mươi sáu lần Ta đã là thiên chủ Ðế-thích. Nhiều trăm lần, Ta là vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, duy trì được sự an ổn trong quốc độ, bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương?

Này các Tỳ kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy?” Rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ðây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do đó, Ta nay được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Đó là bố thí, tự nhiếp phục, tự chế ngự”. (It 22; 14-15)

(2) Ba phước nghiệp sự
 
Này các Tỳ kheo, có ba căn bản tạo phước. Thế nào là ba? Căn bản tạo phước do bố thí, căn bản tạo phước do giới đức, căn bản tạo phước do tu thiền.

Có hạng người căn bản tạo phước do bố thí trên một quy mô nhỏ, căn bản tạo phước do giới đức trên một quy mô nhỏ, nhưng không đạt được căn bản tạo phước do tu thiền. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh làm người không may mắn.

Có hạng người căn bản tạo phước do bố thí trên một quy mô vừa, căn bản tạo phước do giới đức trên một quy mô vừa, nhưng không đạt được căn bản tạo phước do tu thiền. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh làm người có may mắn.

Có hạng người căn bản tạo phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản tạo phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản tạo phước do tu thiền. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi trời của Tứ đại thiên vương.

Tại đây, Tứ đại thiên vương sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua các vị trời khác trên mười điểm: Tuổi thọ, dung sắc, an lạc, danh tiếng, quyền lực, sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Có hạng người căn bản tạo phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản tạo phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản tạo phước do tu thiền. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi trời Đao-lợi (Tāvatiṃsa).

Tại đây, vua trời Đế-thích (Sakka) sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua các vị trời khác trên mười điểm: Tuổi thọ, dung sắc, an lạc, danh tiếng, quyền lực, sắc, thanh, hương, vị, xúc.

[Tương tự được sinh cộng trú với chư thiên Dạ-ma (Yāma), chư thiên Đâu-suất-đà (Tusita), chư thiên ở cõi Hóa lạc, chư thiên ở cõi Tha hóa tự tại.]

Này các Tỳ kheo, có ba căn bản phước nghiệp này. (AN 8:36)

(3) Những loại tín tâm tối thượng

Này các Tỳ kheo, có bốn lòng tin tối thượng này. Thế nào là bốn?

Dù cho các loại hữu tình nào, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được xem là tối thượng. Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, họ đặt lòng tin vào sự tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào sự tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Dù cho loại pháp hữu vi nào, Thánh đạo Tám ngành (Bát Chi Thánh Đạo) được xem là tối thượng, những ai đặt lòng tin vào Thánh đạo Tám ngành, họ đặt lòng tin vào sự tối thượng.

Với những ai đặt lòng tin vào sự tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Dù cho loại pháp nào, hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng trong tất cả pháp, tức là sự nhiếp phục kiêu mạn, sự nhiếp phục khát ái, sự nhổ lên tham ái, sự chặt đứt tái sinh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly tham đoạn diệt, Niết bàn. Những ai đặt lòng tin vào Pháp, họ đặt lòng tin vào sự tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào sự tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Dù cho loại hội chúng nào, chúng Tăng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy. Đó là bốn đôi tám vị, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng, họ đặt lòng tin vào sự tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào sự tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Này các Tỳ kheo, đó là bốn lòng tin tối thượng.

Tin tưởng vào tối thượng,
Biết được Pháp tối thượng,
Tin tưởng Phật tối thượng,
Ðáng tôn trọng vô thượng.

Tin tưởng Pháp tối thượng,
Ly tham, an tịnh, lạc,
Tin tưởng Tăng tối thượng,
Là ruộng phước vô thượng.

Bố thí bậc tối thượng,
Phước tối thượng tăng trưởng,
Tối thượng về thọ mạng,
Dung sắc và danh văn,
Tối thượng về an lạc,
Tối thượng về sức mạnh.

Bậc trí thí tối thượng,
Định vào Pháp tối thượng,
Chư thiên hay loài người,
Ðạt được hỷ tối thượng.
(AN 4:34)

3. BỐ THÍ
(1) Nếu chúng sinh biết quả dị thục của bố thí

Này các Tỳ kheo, nếu chúng sinh có thể biết như Ta đã biết về quả dị thục của sự san sẻ bố thí, họ sẽ không thụ hưởng nếu họ không bố thí và uế nhiễm xan tham không có ám ảnh và an trú trong tâm của họ.

Dù là miếng cuối cùng của họ, dù là miếng ăn tối hậu, họ sẽ không thọ hưởng nếu họ không san sẻ, khi có người cần được san sẻ. Nhưng này các Tỳ kheo, nếu chúng sinh không biết như Ta đã biết về quả dị thục của sự san sẻ bố thí, họ sẽ thụ hưởng, không có bố thí và uế nhiễm xan tham ám ảnh và an trú trong tâm của họ. (It 26; 18-19)

(2) Lý do để bố thí

Này các Tỳ kheo, có tám lý do để bố thí. Thế nào là tám? Vì lòng dục nên bố thí; vì sân hận nên bố thí; vì ngu si nên bố thí; vì sợ hãi nên bố thí; vì nghĩ rằng: “Ngày trước tổ tiên đã bố thí, đã làm. Ta không xứng đáng nếu ta bỏ phế truyền thống gia đình này” nên bố thí; vì nghĩ rằng:

“Sau khi cho bố thí này, khi thân hoại mạng chung, sẽ được sinh lên thiện thú, thiên giới”, nên bố thí; vì nghĩ rằng: "Khi ta bố thí, tâm ta được tịnh tín, hân hoan, hỷ lạc được sinh”, nên bố thí; vì làm cho tâm trở nên cao quý, tâm được tô điểm, nên bố thí. (AN 8:33)

(3) Quà tặng thức ăn

Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya tại thị trấn tên là Sajjanela. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y cầm bát, đi đến nhà của bà Suppavāsā, người dân Koliya. Sau khi đến, Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi bà Suppavāsā, sau khi tự tay cúng dường Thế Tôn các món ăn loại cứng và loại mềm. Sau khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, bà Suppavāsā đến ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với bà ấy như sau:

– Này Suppavāsā, vị thánh nữ đệ tử khi bố thí thức ăn, bố thí bốn sự cho những người nhận. Thế nào là bốn? Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc cõi trời hay cõi người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia phần dung sắc, thuộc cõi trời hay cõi người.

Sau khi cho an lạc, người cho được chia phần an lạc, thuộc cõi trời hay cõi người. Sau khi cho sức mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc cõi trời hay cõi người. Khi vị thánh nữ đệ tử bố thí thức ăn, bố thí bốn sự này cho những người nhận. (AN 4:57)

(4) Bố thí xứng bậc chân nhân

Này các Tỳ kheo, có năm loại bố thí này xứng bậc chân nhân. Thế nào là năm?

Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người.

Khi bố thí với lòng tin, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, có thành tín và thành tựu dung sắc thù thắng như hoa sen.

Khi bố thí có cung kính, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các con trai, các bà vợ, các người nô tỳ, các người đưa tin, các người làm công, những người ấy đều sẵn sàng vâng theo người ấy, họ lóng tai và phục vụ với tâm hiểu biết.

Khi bố thí đúng thời, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các vật dụng đến với người ấy đúng thời và sung túc.

Khi bố thí với tâm không gượng ép, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và hướng tâm thụ hưởng đầy đủ năm dục công đức.

Khi bố thí không làm thương tổn mình và người, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và tài sản của người ấy không bị tổn thất ở bất cứ nơi nào, từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các người thừa tự.

Này các Tỳ kheo, đây là năm loại bố thí xứng bậc chân nhân. (AN 5:148)

(5) Giúp đỡ lẫn nhau
 
Này các Tỳ kheo, các người bà-la-môn và các gia chủ rất có lợi ích cho các thầy. Chính họ đã sắp đặt y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh cho các thầy. Này các Tỳ kheo, các thầy cũng rất có lợi ích cho các người bà-la-môn và gia chủ, vì các thầy thuyết pháp cho họ, pháp ấy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, nói lên phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.

Như vậy, này các Tỳ kheo, phạm hạnh này được sống, do tương duyên với nhau, với mục đích vượt qua dòng nước mạnh, đoạn tận khổ đau. (It 107)

(6) Thọ sinh do bố thí

Này các Tỳ kheo, có tám thọ sinh do bố thí. Thế nào là tám?

(1) Ở đây, này các Tỳ kheo, có người bố thí cho sa-môn hay bà-la-môn với đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu thoa, đồ nằm, trú xứ, đèn đuốc. Người ấy bố thí và mong hưởng quả. Thấy các sát-đế-lỵ đại phú hay các bà-la- môn đại phú, hay các gia chủ đại phú, sung túc, đầy đủ, thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng, người ấy suy nghĩ như sau: “Mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cọng trú với sát-đế-lỵ đại phú, hay với bà-la-môn đại phú, hay với gia chủ đại phú”.

Người ấy khởi tâm như vậy, trú tâm như vậy, tu tâm như vậy, tâm người ấy hướng đến hạ liệt, không tu tập hướng thượng, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với sát-đế-lỵ đại phú, hay với bà-la-môn đại phú, hay với gia chủ đại phú. Ta nói rằng điều đó chỉ dành cho người có giới đức, không phải cho người ác giới; bởi vì do tâm thanh tịnh, người có giới đức được thành công điều mong muốn.

(2)-(7) Ở đây, này các Tỳ kheo, có người bố thí cho sa-môn hay bà-la-môn với đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu thoa, đồ nằm, trú xứ, đèn đuốc.

Người ấy bố thí và mong hưởng quả. Người ấy nghe rằng chư thiên ở cõi trời Tứ đại thiên vương sống lâu, có dung sắc, được nhiều an lạc ... ở cõi trời Ba mươi ba ... ở cõi trời Dạ-ma ... ở cõi trời Ðâu-suất ... ở cõi trời Hóa lạc thiên ... ở cõi trời Tha hóa tự tại thiên sống lâu, có dung sắc, được nhiều an lạc.

Người ấy mong muốn được tái sinh cộng trú với chư thiên ấy. Người ấy khởi tâm như vậy, trú tâm như vậy, tu tâm như vậy, tâm người ấy hướng đến hạ liệt, không tu tập hướng thượng, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi trời Tứ đại thiên vương ... ở cõi trời Ba mươi ba ... ở cõi trời Dạ-ma... ở cõi trời Ðâu-suất ... ở cõi trời Hóa lạc thiên ... ở cõi trời Tha hóa tự tại thiên.

Ta nói rằng điều đó chỉ dành cho người có giới đức, không phải cho người ác giới; bởi vì do tâm thanh tịnh, người có giới đức được thành công điều mong muốn.

(8) Ở đây, này các Tỳ kheo, có người bố thí cho sa-môn hay bà-la-môn với đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu thoa, đồ nằm, trú xứ, đèn đuốc. Người ấy bố thí và mong hưởng quả. Người ấy nghe rằng chư thiên ở cõi trời Phạm thiên sống lâu, có dung sắc, được nhiều an lạc.

Người ấy mong muốn được tái sinh cộng trú với chư thiên ấy. Người ấy khởi tâm như vậy, trú tâm như vậy, tu tâm như vậy, tâm người ấy hướng đến hạ liệt, không tu tập hướng thượng, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi trời Phạm thiên.

Ta nói rằng điều đó chỉ dành cho người có giới đức, không phải cho người ác giới; bởi vì do tâm thanh tịnh, người có giới đức được thành công điều mong muốn.

Này các Tỳ kheo, tám pháp này là tám pháp thọ sinh do bố thí. (AN 8:35)
 
4. GIỚI ĐỨC
(1) Ngũ giới

Này các Tỳ kheo, có tám nguồn nước công đức là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, là nhân sinh thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Thế nào là tám?

Ở đây, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử quy y Phật. Đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, là nhân sinh thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, vị thánh đệ tử quy y Pháp. Đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện ... hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, vị thánh đệ tử quy y Tăng. Đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện ... hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỳ kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những sa-môn, những bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh. Vị thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi cho vô lượng chúng sinh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại.

Đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày ... không bị những sa-môn, những bà-la-môn có trí khinh thường. Này các Tỳ kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện ... dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho ... Đây là bố thí thứ hai, là đại bố thí, ... Đây là nguồn nước công đức thứ năm, là nguồn nước thiện ... dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục ... Đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí, ... Đây là nguồn nước công đức thứ sáu, là nguồn nước thiện ... dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo ... Đây là bố thí thứ tư, là đại bố thí, ... Đây là nguồn nước công đức thứ bảy, là nguồn nước thiện ... dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Vị thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi cho vô lượng chúng sinh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại.

Đây là bố thí thứ năm, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày... không bị những Sa-môn, những bà-la- môn có trí khinh thường. Đây là nguồn nước công đức thứ tám, là nguồn nước thiện ... dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỳ kheo, tám nguồn nước công đức này là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sinh thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. (AN 8:39)

(2) Giữ bát quan trai giới

Này các Tỳ kheo, ngày trai giới được thành tựu bởi tám chi phần, nếu được thực hành thì có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn. Như thế nào là ngày trai giới được thành tựu bởi tám chi phần?

Ở đây, này các Tỳ kheo, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới”. Ðây là chi phần thứ nhất được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng đoạn tận lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ hai được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận phi phạm hạnh, thực hành phạm hạnh, sống xa lánh, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng đoạn tận phi phạm hạnh, thực hành phạm hạnh, sống xa lánh, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ ba được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt thế gian. Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt thế gian. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ tư được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận đắm say men rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng đoạn tận đắm say men rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ năm được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ sáu được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ bảy được thành tựu.

“Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận, không dùng các giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng các giường cao, giường lớn. Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng đoạn tận, không dùng các giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng các giường cao, giường lớn. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới”. Ðây là chi phần thứ tám được thành tựu.

Này các Tỳ kheo, khi ngày trai giới được thành tựu bởi tám chi phần, nếu được thực hành thì có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn. Ðến như thế nào là quả lớn? Ðến như thế nào là lợi ích lớn? Ðến như thế nào là rực rỡ lớn? Ðến như thế nào là biến mãn lớn?

Ví như, này các Tỳ kheo, có người áp đặt chủ quyền cai trị trên mười sáu quốc độ lớn này tràn đầy bảy báu, như Aṅga, Magadha, Kāsi, Kosala, Vajjī, Malla, Cetī, Vaṃsa, Kurū, Pañ- cāla, Maccha, Sūrasena, Assaka, Avantī, Gandhāra, Kamboja. Nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu của một ngày trai giới được thành tựu bởi tám chi phần. Vì cớ sao? Nhỏ nhoi thay, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư thiên.

Năm mươi năm của một đời người bằng một đêm một ngày của chư thiên ở cõi trời của Tứ đại thiên vương. Ba mươi ngày ấy làm thành một tháng, mười hai tháng ấy làm thành một năm. Năm trăm năm ấy làm thành thọ mạng của chư thiên ở cõi trời của Tứ đại thiên vương.

Sự kiện này có xảy ra, này các Tỳ kheo: “Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới được thành tựu bởi tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi trời của Tứ đại thiên vương”. Do vậy, Ta nói: “Nhỏ nhoi thay, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư thiên”.

Một trăm năm của một đời người bằng một đêm một ngày của chư thiên cõi trời Ba mươi ba ... Một ngàn năm ấy làm thành thọ mạng của chư thiên cõi trời Ba mươi ba ... Hai trăm năm của một đời người bằng một đêm một ngày của chư thiên cõi trời Yāma ... Hai ngàn năm ấy làm thành thọ mạng của chư thiên cõi trời Yāma ...

Bốn trăm năm của một đời người bằng một đêm một ngày của chư thiên cõi trời Tusita ... Bốn ngàn năm ấy làm thành thọ mạng của chư thiên cõi trời Tusita... Tám trăm năm của một đời người bằng một đêm một ngày của chư thiên cõi trời Hóa lạc.

Tám ngàn năm ấy làm thành thọ mạng của chư thiên cõi trời Hóa lạc ... Một ngàn sáu trăm năm của một đời người bằng một đêm một ngày của chư thiên cõi trời Tha hóa tự tại. Ba mươi ngày ấy làm thành một tháng, mười hai tháng ấy làm thành một năm. Mười sáu ngàn năm chư thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư thiên cõi trời Tha hóa tự tại.

Sự kiện này có xảy ra, này các Tỳ kheo: “Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới được thành tựu bởi tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên cõi trời Tha hóa tự tại”. Do vậy, Ta nói: “Nhỏ nhoi thay, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư thiên”. (AN 8:41)

5. HÀNH THIỀN
(1) Phát triển tâm Từ

Này các Tỳ kheo, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sinh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu tâm Từ giải thoát. Chỉ có tâm Từ giải thoát vượt trội những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.

Ví như ánh sáng của chùm sao, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng vượt trội ánh sáng của chùm sao chói sáng, bừng sáng và rực sáng.

Cũng vậy, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sinh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu tâm Từ giải thoát. Chỉ có tâm Từ giải thoát vượt trội những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.

Ví như vào tháng cuối mùa mưa vào mùa thu, trên bầu trời thanh tịnh, các mây được quét sạch, mặt trời mọc lên trên bầu trời, phá tan mọi tối tăm ở hư không, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.

Cũng vậy, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sinh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu tâm Từ giải thoát. Chỉ có tâm Từ giải thoát vượt trội những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.

Ví như khi đêm đã gần tàn, sao mai chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sinh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu tâm Từ giải thoát. Chỉ có tâm Từ giải thoát vượt trội những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. (It 27; 19-21)

(2) Bốn Phạm trú

22. Thanh niên bà-la-môn Subha, con của Todeyya, thưa với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi nghe như sau: “Sa-môn Gotama biết con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên”.

– Này thanh niên bà-la-môn, ông nghĩ thế nào? Làng Naḷakāra có gần đây không? Có phải làng Naḷakāra không xa ở đây?

– Thưa vâng, Tôn giả, làng Naḷakāra ở gần đây. Làng Naḷa- kāra không xa ở đây.

– Này thanh niên bà-la-môn, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người sinh trưởng tại làng Naḷakāra, khi người ấy vừa khỏi làng Naḷakāra, có người tới hỏi người ấy con đường đưa đến làng Naḷakāra. Này thanh niên bà-la-môn, người sinh trưởng tại làng Naḷakāra ấy phân vân hay ngập ngừng khi được hỏi về con đường đến làng Naḷakāra?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama, vì người ấy sinh trưởng tại làng Naḷakāra. Người ấy biết rõ tất cả con đường đưa đến làng Naḷakāra.

– Tuy vậy, này thanh niên bà-la-môn, rất có thể người sinh trưởng tại làng Naḷakāra này khi được hỏi con đường đưa đến làng Naḷakāra còn có thể phân vân hay ngập ngừng. Nhưng Như Lai thì không vậy, khi được hỏi về Phạm thiên giới, hay về con đường đưa đến Phạm thiên giới, Như Lai không phân vân hay ngập ngừng.

Và này thanh niên bà-la-môn, Ta biết Phạm thiên giới và con đường đưa đến Phạm thiên giới và Ta cũng biết phải thành tựu như thế nào để được sinh vào Phạm thiên giới.

23. – Thưa Tôn giả Gotama, con có nghe như sau: “Sa-môn Gotama thuyết dạy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên”. Tốt lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng cho con, con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.

– Vậy này thanh niên bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, Tôn giả.

Thanh niên bà-la-môn Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

24. – Và này thanh niên bà-la-môn, thế nào là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên? Ở đây, này thanh niên bà-la- môn, Tỳ kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với Từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.

Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Này thanh niên bà-la-môn, khi tâm Từ giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động giới hạn không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây.

Ví như, này thanh niên bà-la-môn, một người lực sĩ thổi tù và làm cho bốn phương nghe được, không gì khó khăn; cũng vậy, này thanh niên bà-la-môn, khi tâm Từ giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động giới hạn không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây.

Này thanh niên bà-la-môn, đây là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.

25-27. Lại nữa, này thanh niên bà-la-môn, vị Tỳ kheo biến mãn một phương với tâm câu hữu với Bi ... với tâm câu hữu với Hỷ ... với tâm câu hữu với Xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.

Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này thanh niên bà-la-môn, khi tâm Xả giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động giới hạn không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây.

Ví như, này thanh niên bà-la-môn, một người lực sĩ thổi tù và làm cho bốn phương nghe được, không gì khó khăn; cũng vậy, này thanh niên bà-la-môn, khi tâm Xả giải thoát được tu tập như vậy, thì hành động giới hạn không có trú ở nơi đây, không có dừng lại ở nơi đây.

Này thanh niên bà-la-môn, đây là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên. (MN 99: Kinh Subha)

(3) Tuệ quán là thù thắng

[Đức Phật nói với ông Cấp Cô Độc (Anāthapinḍika):]

– Thuở xưa, này gia chủ, có một vị bà-la-môn tên là Velāma. Vị ấy bố thí rộng lớn như sau: vị ấy bố thí 84.000 bát bằng vàng đựng đầy bạc; vị ấy bố thí 84.000 bát bằng bạc đựng đầy vàng; vị ấy bố thí 84.000 bát bằng đồng đựng đầy châu báu; vị ấy bố thí 84.000 con voi, cỗ xe, bò sữa, thiếu nữ, giường nằm, vải mịn màng nhất, đồ ăn, đồ uống, các loại dầu thoa.

Dù cho bà-la-môn Velāma bố thí có rộng lớn, nếu có ai bố thí cho một người có chánh kiến, bố thí này có quả lớn hơn quả bố thí kia. Dù cho bà-la-môn Velāma bố thí có rộng lớn như bố thí cho 100 người có chánh kiến, nếu có ai bố thí cho một vị Nhất lai, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia.

Dù cho bà-la- môn Velāma bố thí rộng lớn như bố thí cho 100 vị Nhất lai, nếu có ai bố thí cho một vị Bất lai, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia. Dù cho bà-la-môn Velāma bố thí có rộng lớn như bố thí cho 100 vị Bất lai, nếu có ai bố thí cho một vị A-la-hán, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia. Dù cho bà-la-môn Velāma bố thí có rộng lớn như bố thí cho 100 vị A-la-hán, nếu có ai bố thí cho một vị Phật Ðộc Giác, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia.

Dù cho bà-la-môn Velāma bố thí rộng lớn cho 100 vị Phật Ðộc Giác, nếu có ai bố thí cho một vị Phật Chánh Ðẳng Giác, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia. Dù cho bà-la-môn Velāma bố thí có rộng lớn ... cho chúng Tỳ kheo với đức Phật là vị thượng thủ và xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương ... có tâm tịnh tín đến qui y Phật, Pháp và Tăng và chấp nhận năm học pháp:

Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu ... tu tập tâm Từ ngay trong khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia. Và nếu có ai dù chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng về vô thường, bố thí này có quả lớn hơn bố thí kia. (AN 9:20, lược trích)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm