Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 25/06/2016, 08:26 AM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.17)

Bởi vì chính bản chất của Giáo Pháp siêu thế là đi ngược với tâm trần tục. Đức Phật mô tả Giáo Pháp là “vi tế, thâm sâu, rất khó nhìn thấy”. Một trong những điều làm cho khó thấy Giáo Pháp là luận đề về hạnh phúc cao thượng nhất không thể có được qua nhân nhượng các khao khát của trái tim, nhưng phải qua sự chế ngự chúng.

CHƯƠNG VI
QUAN KIẾN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
DẪN NHẬP

Để tìm hiểu kinh điển, chúng ta cần phải biết về bối cảnh mà trong đó bài kinh được giảng và về thành phần thính chúng được nghe giảng bài kinh đó. Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật có những bài giảng thích hợp với khả năng và nhu cầu của người nghe. Cho những ai có những hành vi buông lung, Ngài dạy họ phải từ bỏ lối sống tự hại và thực hành các hành động thiện lành để có quả báo tốt đẹp.

Cho những ai đầu hàng trước số phận, Ngài dạy họ phải cố gắng nỗ lực trong hiện tại, để đảm bảo phẩm chất đời sống hiện tiền và vận mệnh tương lai. Cho những ai tin rằng sự hiện hữu chấm dứt khi thân thể chết đi, Ngài dạy rằng chúng sinh vẫn tiếp tục sau khi thân thể tan rã, tái sinh theo nghiệp của họ. Cho những ai chưa đủ chín muồi để thành tựu cao hơn, Ngài dạy họ nhắm đến tái sinh vào cõi trời và vui hưởng hạnh phúc và vinh quang của thiên đàng.

Tái sinh vào cảnh trời nhàn lạc, tuy nhiên, không phải là mục đích tối hậu mà đức Phật giảng dạy Giáo Pháp. Tốt nhất, đó chỉ là một trạm dừng tạm thời. Mục tiêu tối hậu là chấm dứt đau khổ. Hạnh phúc ở các cõi trời, cho dù rất an lạc, không thể nào giống như sự chấm dứt mọi đau khổ. Theo lời dạy của đức Phật, tất cả các trạng thái hiện hữu trong vòng tái sinh, ngay cả các cõi trời, cũng là phù du, không chắc chắn, trói buộc bởi đau khổ. Như thế, mục đích tối hậu của Giáo Pháp là sự giải thoát, có nghĩa là hoàn toàn thoát ra vòng sinh tử.

Những gì ở ngoài vòng tái sinh là một trạng thái không có điều kiện, gọi là Niết bàn (Nibbāna). Niết bàn vượt lên trên thế giới hữu vi, nhưng nó có thể đạt được trong sự tồn tại hữu vi này, ngay trong đời sống này và được thực chứng như một sự chấm dứt đau khổ. đức Phật thực chứng Niết bàn khi Ngài giác ngộ và trong bốn mươi lăm năm tiếp theo, Ngài cố gắng giúp những người khác để tự thực chứng điều đó.

Sự thực chứng Niết bàn đến với nở hoa trí tuệ và mang lại bình an toàn hảo, hạnh phúc trong sạch và an định mọi thu thúc trong tâm. Niết bàn là hủy diệt mọi khát khao, thèm muốn. Nó là một hải đảo an toàn trong sóng gió dữ dội của tuổi già, bệnh tật và tử vong.

Để hướng dẫn các vị đệ tử đã trưởng thành trong tâm trí, đức Phật đưa họ vượt lên trên các phần thưởng hạnh phúc, vốn có được trong đời sống tương lai qua việc thực hiện những hành động thiện lành. Ngài đã làm như thế qua các khía cạnh “siêu thế” của các lời giảng, các khía cạnh được thiết kế để đưa các vị đệ tử vượt khỏi “tam giới” của dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Xuyên suốt các bài giảng, đức Phật trình bày sắc bén, không thỏa hiệp, về những nguy hại vốn có sẵn trong các trạng thái tồn tại hữu vi của chúng sinh.

Ngài gióng một tín hiệu rõ ràng, cảnh báo tất cả mọi trạng thái hiện hữu đều nguy hại và đau khổ. Ngài nhấn mạnh, rõ ràng, về niềm hy vọng để có được sự an toàn vĩnh cửu là ở trong một tâm trí hoàn toàn thanh tịnh và giải thoát. Ngài trình bày con đường cắt ngang qua toàn bộ vô minh và ái dục và xua tan mọi dính mắc ngay cả trong những trạng thái tinh tế nhất của thiền định.

Trong bài giảng từng bước để thực hành Giáo Pháp, cho những người mới tiếp cận lời dạy của Ngài, đức Phật thường bắt đầu bằng cách thảo luận về bố thí và trì giới. Ngài khen ngợi các đức tính như lòng quảng đại, vô hại và tự chế. Ngài giải thích bằng cách nào các hành động tạo phước sẽ đưa đến an lạc trong tái sinh về cõi trời. Đến lúc đó, Ngài mới tiết lộ về “sự nguy hiểm, suy thoái và ô nhiễm trong các dục lạc và sự an vui của xuất ly”.

Như thế, sau khi làm chín muồi tâm trí của người nghe, Ngài giảng tiếp theo một giáo thuyết đặc biệt của riêng Ngài, đó là Tứ Thánh Đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Khi đức Phật dạy về Tứ Thánh Đế, mục đích của Ngài không phải dạy cho thính chúng một bài học về căn bản Đạo Phật, nhưng để đánh thức họ để có được “Pháp nhãn”, đó là thực chứng đầu tiên về chân lý siêu thế, đưa vị đệ tử nhập vào con đường tiến đến giải thoát, không còn thối lui.

Mặc dù đôi khi chúng ta đọc trong kinh tạng có những vị đệ tử thực chứng giác ngộ lần đầu tiên, ngay khi nghe đức Phật giảng, điều đó không có nghĩa Giáo Pháp là dễ hiểu. Những vị đệ tử đó có thể thấu suốt chân lý dường như dễ dàng bởi vì các căn của họ đã trưởng thành. Cũng có lẽ họ đã tích tụ đầy đủ các điều kiện hỗ trợ từ nhiều kiếp trước.

Bởi vì chính bản chất của Giáo Pháp siêu thế là đi ngược với tâm trần tục. Đức Phật mô tả Giáo Pháp là “vi tế, thâm sâu, rất khó nhìn thấy”. Một trong những điều làm cho khó thấy Giáo Pháp là luận đề về hạnh phúc cao thượng nhất không thể có được qua nhân nhượng các khao khát của trái tim, nhưng phải qua sự chế ngự chúng.

Luận án này vận hành hoàn toàn trái ngược với tư duy, thái độ và hành động của con người đang đắm mình trong thế giới. Chừng nào chúng ta vẫn còn say mê với các quyến rũ gợi cảm của giác quan, chừng nào chúng ta vẫn còn ưa thích trở thành cái này cái nọ, chúng ta vẫn thấy Giáo Pháp cao quý này như là một bí ẩn, một vấn đề khó hiểu.

Vì thế, đức Phật nhận ra rằng thách thức đầu tiên Ngài gặp phải khi thiết lập Giáo Pháp siêu thế là phải phá vỡ sự kìm kẹp mà các dục lạc và dính mắc thế gian đã đặt vào tâm trí các vị đệ tử. Ngài phải đem tâm thức đó ra khỏi sự han rỉ và làm cho nó vận hành theo một hướng khác. Ngài phải chỉ đạo các đệ tử tránh xa các cạm bẫy của dục lạc và dính mắc thế tục và hướng dẫn họ hướng đến sự nhàm chán, hoàn toàn thản nhiên và giác ngộ.

Đức Phật đã dùng tất cả những kỹ năng của một vị thầy để đạt các yêu cầu của công việc trên. Ngài đã tận dụng khả năng của mình để điều chỉnh chính xác sự giảng dạy thích hợp cho khuynh hướng tâm trí của những người tìm đến Ngài để được chỉ dạy. Có khi Ngài lên tiếng thẳng thắn, cho dù thẳng thắn có thể gây oán trách. Có khi Ngài tham gia tranh luận, mặc dù Ngài thích sống ẩn dật an bình.

Ngài dùng các ví dụ so sánh, ẩn dụ, ngụ ngôn để minh họa cụ thể, giúp cho các lập luận được hấp dẫn hơn. Có khi Ngài bảo vệ mạnh mẽ các nguyên tắc của mình, khi đối phương là những nhà tu khổ hạnh thù địch hay các tu sĩ hư đốn trong giáo đoàn của Ngài (xem thêm phần mở đầu của các bài kinh MN 22 và MN 38). Sự thành công tốt đẹp của đức Phật khi thực hiện công việc khó khăn này được liệt vào những sự thành tựu tuyệt vời và vi diệu. Kinh văn VI,1 là một bằng chứng hùng hồn cho điều đó.

Trong giai đoạn này, khi phơi bày giáo thuyết của Ngài, đức Phật nhắm đến truyền đạt cho chúng ta một sự giáo dục hoàn toàn mới lạ trong cách nhận thức. Muốn đi theo đức Phật trong chiều hướng Ngài muốn dẫn dắt, chúng ta phải học cách nhìn bên dưới bề mặt long lanh của thú vui, địa vị, quyền lực thường thu hút chúng ta. Cùng một lúc, phải học cách nhìn xuyên qua các biến dạng lừa đảo của suy tưởng, tư duy và quan kiến đã quen che đậy tầm nhìn của chúng ta.

Thông thường, chúng ta nhìn sự vật qua lăng kính của thành kiến chủ quan. Những thành kiến này được uốn nắn bởi tham ái và chấp thủ và từ đó, củng cố thêm tham ái và chấp thủ. Chúng ta chỉ thấy những gì ta muốn thấy. Chúng ta xóa đi những gì đe dọa hay làm phiền ta, những gì khuấy động sự mãn nguyện, những gì đặt ra câu hỏi về những giả định an ổn về ta và đời sống của ta. Để thay đổi quá trình này, chúng ta phải quyết tâm với chân lý, thông thường rất bất an, nhưng về lâu dài sẽ đem lại thư thái và giải thoát.

Sự giáo dục mà đức Phật ban cho chúng ta là giúp ta có quan kiến thâm sâu về thế giới. Để giúp ta thay đổi nhận thức và làm quan kiến chúng ta về thế giới được sâu sắc hơn, Ngài cung cấp cho chúng ta ba quan điểm, dựa vào đó, ta thẩm định các giá trị về cuộc sống của mình. Ba quan điểm này cũng có xem như ba giai đoạn trong tiến trình khai mở tuệ quán, bắt đầu bằng các thái độ thông thường của chúng ta và tiến dần đến tuệ giác, giác ngộ và giải thoát.

Ba bước đó là vị ngọt (assāda), nguy hại (ādı̄nava) và xuất ly (nissaraṇa). Trong ba Kinh văn VI,2(1)-(3), tiến trình này áp dụng chung cho thế giới.

Trong các bài kinh khác của kinh tạng Nikāya, tiến trình này được áp dụng đặc biệt hơn cho tứ đại (SN 14:31-33), ngũ uẩn (SN 22:26-28), sáu nội căn và sáu ngoại căn (SN 35:13-18). đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình này với lời tuyên bố rất khẳng định là cho đến khi nào Ngài chưa như thật giác tri như thế, Ngài không có xác nhận đã chứng đạt vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Để tiến bước có hệ thống trong tiến trình này, ta bắt đầu bằng cách nhận ra một thực tế không thể nghi ngờ rằng các hiện tượng thế gian như đối tượng cảm giác, hình thể và cảm thọ cho chúng ta vài cấp độ ngọt ngào. Vị ngọt này gồm có lạc thú (sukha-somanassa) ta thực nghiệm khi ta thành công trong thỏa mãn các mong muốn. Khi đã nhận ra điều đó, ta có thể tìm hiểu sâu xa hơn, bằng cách tự hỏi các lạc thú như thế có hoàn toàn thỏa mãn hay không.

Nếu ta trả lời câu hỏi này một cách hết sức thành thật, trong khung tâm thức vô tư, ta sẽ nhận ra rằng những lạc thú đó không thật sự thỏa lòng. Ngược lại, chúng có những hạn chế và khiếm khuyết từ tầm thường đến thảm khốc, những khiếm khuyết mà chúng ta luôn tự che dấu, để ta có thể tiếp tục tầm cầu vị ngọt mà không bị cản trở.

Đó là sự nguy hại, là bước thứ hai hay là bước quan sát. Sự nguy hại phổ biến nhất núp đằng sau mặt tiền vô tội của các dục lạc thế gian là bản chất vốn có của vô thường (anicca), gắn liền với đau khổ và bất toại nguyện (dukkha), của những sự đổi thay không tránh được và suy tàn (vipariṇ̣āma- dhamma).

Bước thứ ba, sự xuất ly, đi theo bước thứ hai. “Xuất ly” ở đây không có nghĩa là thoát chạy – một từ có hàm ý nỗ lực để tránh đối mặt các vấn đề của mình, bằng cách giả vờ như chúng không hiện hữu và tìm cách lãng quên. Xuất ly chân thật là hoàn toàn ngược lại. Đây là hành động khôn ngoan, hợp lý và đúng đắn nhất mà chúng ta thực hiện khi ta nhận định chính xác về mối hiểm nguy.

Đây là sự tìm kiếm lối thoát ra khỏi tòa nhà đang bị cháy, hay đến gặp bác sĩ khi ta bị nóng sốt liên tục, hay sự quyết định bỏ hút thuốc lá khi ta hiểu rõ nó tạo nguy hại cho sức khỏe. Một khi ta thấy các đối tượng ta chấp thủ là không tốt, chứa đầy các nguy hiểm ẩn tàng, ta nhận thức được rằng con đường xuất ly là từ bỏ các chấp thủ vào chúng. Đây là “tháo gỡ, loại bỏ các ham muốn và dục vọng” (chandarāga-vinaya, chandarāga-pahāna).

Không ngạc nhiên khi các nhà chú giải Pāli liên kết ba bước này với Tứ Thánh Đế. “Vị ngọt” hàm chứa trong Sự Thật Thứ Hai, vì dục lạc đưa đến thèm muốn, là nguồn gốc của khổ. “Nguy hại” chính là Sự Thật Về Khổ. Và “xuất ly” là Sự Thật Về Khổ Diệt và cũng hàm chứa trong Bát Chi Thánh Đạo, Sự Thật Về Đạo, con đường diệt khổ.

Trong Kinh văn VI,3, đức Phật dùng tiến trình ba bước này để đánh giá chi tiết ba đối tượng chính của chấp thủ. Đó là dục lạc giác quan, thân sắc và cảm thọ. Phần chính của bài kinh dành cho việc tra xét những nguy hiểm của dục lạc giác quan. Bài kinh bắt đầu bằng cái nhìn cận cảnh của những khổ nạn mà một “thiện nam tử” – một cư sĩ chuyên gia trong ngữ cảnh Ấn Độ cổ xưa – có thể trải qua trong việc thỏa mãn các nhục dục.

Theo trình tự trong bài kinh, phạm vi thẩm tra mở rộng từ cá nhân đến tập thể, bao gồm các hậu quả về xã hội và chính trị. Bài kinh đạt đến đỉnh cao khi nhấn mạnh đến chiến tranh và tàn phá con người, đi theo những thúc dục điên cuồng hàng loạt để thỏa mãn dục lạc. “Sắc” là hình dạng thân thể.

Đức Phật bắt đầu giảng về sắc bằng cách hỏi các vị tu sĩ hãy nhận thức về cô gái trẻ đẹp. Rồi Ngài giảng lần lượt về các giai đoạn suy tàn của cơ thể, qua già nua, bệnh tật, chết và phân hủy thân xác cho đến khi xương tan rã thành bột. Để chỉ nguy hại của “cảm thọ”, đức Phật chọn các cảm thọ của một tu sĩ trong thiền-na, các tầng thiền định, đó là những chứng nghiệm tinh tế nhất của thế gian về hỷ lạc và an bình. Ngài chỉ ra rằng ngay cả các cảm thọ tuyệt đỉnh này rồi cũng vô thường, bất toại nguyện và có thể thay đổi.

Mặc dù các kinh văn tiếp theo không chỉ rõ tiến trình ba bước, sự hiện diện của tiến trình này rất hiển nhiên. Nhấn mạnh ở đây là về sự nguy hại. Hai kinh văn trong phần 4 của chương này, một lần nữa làm nổi bật những cạm bẫy của dục lạc, nhưng trình bày khác với các kinh văn trong phần trước.

Trong Kinh văn VI,4(1), đức Phật đối thoại với một gia chủ kiêu ngạo, ông ta tưởng rằng mình đã “dứt bỏ mọi vấn đề thế tục”. Để phá tan sự tự mãn ấy, đức Phật dùng một loạt các ảnh dụ để phơi bày các dối trá của dục lạc cho ông ta thấy “dứt bỏ các vấn đề thế tục” có nghĩa là gì trong hệ thống huân tập của ông ta. Sử dụng các ảnh dụ cũng được thấy trong Kinh văn VI,4(2), mô tả đức Phật đối thoại với một người theo chủ nghĩa khoái lạc có tên là Māgandiya.

Ở đây, đức Phật cho rằng thú vui nhục dục chỉ có được qua biến dạng của nhận thức. Nhưng khi nhìn đúng, chúng như là ngọn lửa đang cháy trong hầm than – “đau đớn khi sờ vào, nóng và thiêu đốt”. Đoạn kinh này bao gồm các ví dụ mạnh mẽ nhất trong kinh tạng Nikāya mà đức Phật đã sử dụng để chỉ dạy.

Sử dụng các ảnh dụ cũng nổi bật trong Kinh văn VI,5, với chủ đề về kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Văn học Phật giáo thường khuyên chúng ta nên suy quán về sự chắc chắn của cái chết và sự bất định về thời điểm chết. Sự khuyến khích này không phải đặt ra để ta có thái độ bi quan về cái chết, nhưng để giúp ta phá vỡ sự mê đắm vào cuộc sống và giúp phát triển tâm xả ly.

Vì thế, suy quán về sự chết là một trong những đề mục quan trọng trong pháp thiền Phật giáo. Ở những bài kinh khác, đức Phật dạy rằng quán niệm về sự chết “khi phát triển và nuôi dưỡng, sẽ giúp bước vào sự Bất tử và đạt đến Bất tử” (AN 7:46). Ở đây, đời sống ngắn ngủi được tính bằng cách đếm ngày, đếm mùa, ngay cả đếm các bữa ăn trong một kiếp sống.

Kinh văn VI,6 là trích đoạn từ Kinh Raṭṭhapāla, nói về cuộc đời của vị đệ tử mà đức Phật khen là “đệ tử tối thắng, xuất gia vì lòng tin”. Ngài Raṭṭhapāla là một chàng trai trẻ trong một gia đình giàu có, đã phát lòng tin kiên cố khi ngài nghe đức Phật giảng và lập tức quyết định sống đời xuất gia của một tu sĩ.

Đức Phật bảo ngài phải xin phép cha mẹ, nhưng song thân, vì quá yêu thương con, từ chối, không cho phép. Vì thế, ngài Raṭṭhapāla nằm xuống đất và từ chối ăn uống, quyết định sẽ chết tại đó nếu không được phép cho xuất gia. Cuối cùng, song thân nhượng bộ và cho phép ngài xuất gia, với điều kiện sau này ngài phải trở về thăm cha mẹ. Nhiều năm sau đó, khi ngài trở về thăm cha mẹ, song thân tìm cách lôi kéo ngài trở lại đời sống thế tục, nhưng ngài đã đắc A-la-hán nên ngài đã vượt lên trên các tình trạng hoàn tục.

Sau khi rời nhà cha mẹ, ngài đi đến khu vườn ngự uyển của nhà vua và giảng một bài pháp cho vua Koravya về “bốn Thuyết giáo Chánh pháp”. Bài kinh này truyền đạt tuệ quán thâm sâu của ngài về chiều sâu và tính phổ quát của đau khổ, giải thích bằng từ ngữ giản dị nhưng rõ ràng về lý do tại sao ngài – cũng như vô số thanh niên, thiếu nữ trẻ nhiều năng lực  đã từ bỏ những tiện nghi của cuộc sống gia đình để sống cuộc đời vô gia cư, bất định.

Thèm khát dục lạc là một cạm bẫy ràng buộc chúng ta vào vòng luân hồi. Một cạm bẫy khác là chấp thủ vào quan kiến. Như thế, để dọn sạch con đường đưa đến Niết bàn, đức Phật không những chỉ dạy xua tan các thú vui dục lạc, nhưng Ngài cũng còn chỉ rõ hiểm nguy của kiến chấp. Đây là chủ đề của phần 7.

Nguy hại nhất của chấp thủ vào tà kiến là những quan kiến chối bỏ hay làm suy yếu các nền tảng của đạo đức. Kinh văn VI,7(1) gom lại một số nguy hại của loại tà kiến này. Quan trọng nhất là nguy hại đưa đến tái sinh vào các cõi thấp hơn. Có những quan kiến đưa dến sự suy diễn một chiều, sai lệch về thực tại mà chúng ta bám vào đó, cho rằng là chính xác và đầy đủ.

Người nào bám chặt vào quan kiến riêng của họ trong một tình huống đặc biệt nào đó, thường tạo xung đột với những người trong tình huống đó nhưng có một cái nhìn khác biệt.

Những quan kiến như thế thường phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp. Có lẽ không có văn bản nào trong các tài liệu trên thế giới diễn tả một cách súc tích về sự nguy hại của việc bám thủ vào giáo điều như ngụ ngôn nổi tiếng về những người mù sờ voi, ghi lại trong Kinh văn VI,7(2).

Kinh văn VI,7(3) trình bày sự tương phản của cặp quan kiến sai lệch thường được biết là thuyết bất diệt (thường kiến, sassatavāda) và hư vô (đoạn kiến, ucchedavāda) và cũng được gọi là quan kiến về hiện hữu (bhavadiṭṭhi) và về bất hiện hữu (vibhavadiṭṭhi).

Chủ thuyết thường kiến xác định có một phần tử bất diệt trong mỗi cá nhân, một cái ngã bất hoại diệt và một căn bản vĩnh hằng của thế giới, chẳng hạn như một Thượng đế toàn năng. Chủ thuyết đoạn kiến chối bỏ những gì còn tiếp tục sau khi chết, cho rằng một cá nhân hoàn toàn kết thúc khi thân thể ngưng hoạt động.

Theo đức Phật, thường kiến đưa đến việc vui hưởng trong hiện hữu và trói buộc chúng sinh trong chu kỳ hiện hữu. Đoạn kiến thường đi kèm với sự ghê tởm hiện hữu và một cách nghịch lý, cũng trói buộc những ai theo chủ thuyết này vào vòng hiện hữu mà họ ghê tởm. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, lời dạy của đức Phật về lý duyên khởi giúp ta tránh được cả hai ngõ cụt vô ích đó (xem thêm chương IX).

Kinh văn VI,8 nêu rõ một vấn đề đặc biệt được đặt ra bởi thường kiến. Thường kiến tạo cảm hứng cho người hành thiền đạt được các trạng thái an lạc thiền định thâm sâu làm cho họ tưởng chừng như hòa nhập với một thực thể thiêng liêng, hay thực chứng được một cái ngã vĩnh hằng.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của giáo lý đức Phật, các sự chứng đắc như thế chỉ tạo tiềm năng để tái sinh vào cõi giới mà trong đó, kinh nghiệm thiền định trở thành điều kiện cơ bản của ý thức. Hay nói cách khác, chứng đạt các trạng thái đó trong cõi người đưa đến tái sinh vào trong những cõi của sắc giới hay vô sắc giới.

Trong khi nhiều tôn giáo hướng đến một cõi thiêng liêng như là lời giải đáp tối hậu cho các đau khổ của con người, giáo lý đức Phật cho rằng những cõi giới này không đưa ra một lối thoát khỏi sự vô thường và khổ đau của Ta-bà.

Kinh văn trích dẫn ở đây cho thấy một vài người hành thiền có thể đạt “bốn trú xứ thiêng liêng”, và tái sinh vào cõi giới tương ứng của phạm thiên và trú ở nơi đó trong một thời gian lâu dài có thể đến năm trăm đại kiếp.

Nhưng cuối cùng, họ cũng sẽ chết, không tránh được và có thể tái sinh rơi xuống những cõi khổ. Có những bài kinh tương tự không trích dẫn ở đây (AN 3:114, 4:124) cũng nói tương tự về các cõi tái sinh tương ứng với các tầng thiền-na và đắc vào các cảnh giới vô sắc.

Hai bài kinh cuối trong phần 9 của chương này một lần nữa nói về trạng thái bất toại nguyện và bất an của sự hiện hữu có điều kiện, nhấn mạnh thông điệp đó bằng một hình ảnh gây cảm xúc mạnh mẽ. Trong Kinh văn VI,9(1), đức Phật tuyên bố rằng số lượng nước mắt chúng ta đổ ra trong khi lang thang trong vòng luân hồi sinh tử còn nhiều hơn nước của bố đại dương.

Trong Kinh văn VI,9(2), Ngài nói với một nhóm ba mươi Tỳ kheo rằng số lượng máu đổ ra khi họ bị giết và tàn sát trong chu kỳ của những kiếp tái sinh còn nhiều hơn nước của bốn đại dương. Theo các nhà biên tập bài kinh, tác động của bài kinh này vào ba mươi Tỳ kheo đó mạnh mẽ đến nỗi tất cả các vị đều được giải thoát hoàn toàn ngay tại chỗ.
 
TRÍCH LỤC
VI. QUAN KIẾN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
1. BỐN PHÁP VI DIỆU

Này các Tỳ kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn?

Quần chúng ưa thích chấp giữ, thích thú chấp giữ, hoan hỷ chấp giữ, khi pháp không chấp giữ được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất xuất hiện.

Quần chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú kiêu mạn, hoan hỷ kiêu mạn, khi pháp không kiêu mạn được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện.

Quần chúng ưa thích không an tịnh, thích thú không an tịnh, hoan hỷ không an tịnh, khi pháp an tịnh được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện.

Quần chúng đi đến vô minh, trở thành mù quáng, bị trói buộc che đậy, khi Như Lai thuyết pháp nhiếp phục vô minh, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện.

Khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. (AN 4:128)

2. VỊ NGỌT, NGUY HẠI VÀ XUẤT LY
(1) Trước khi giác ngộ

Này các Tỳ kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chánh đẳng giác, còn là bồ-tát, ta suy nghĩ như sau: “Cái gì là vị ngọt ở đời, cái gì là nguy hại, cái gì là xuất ly?” Về vấn đề ấy, tư tưởng sau đây khởi lên nơi Ta: “Do duyên với đời, khởi lên lạc hỷ gì, đây là vị ngọt ở đời. Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đây là nguy hại ở đời. Ðiều phục dục tham ở đời, đoạn tận tham dục, đây là xuất ly ở đời”.

Này các Tỳ kheo, cho đến khi nào Ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, Ta không xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng sa-môn, bà-la- môn, chư thiên và loài người.

Cho đến khi nào Ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, Ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng với thế giới gồm có thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người. Tri kiến khởi lên nơi ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sinh nữa”. (AN 3:101)

(2) Tầm cầu xuất ly

Này các Tỳ kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt ở đời. Vị ngọt ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, vị ngọt có mặt ở đời, với trí tuệ, Ta khéo thấy vị ngọt ấy.

Ta đã tìm cầu nguy hại ở đời. Nguy hại ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, nguy hại có mặt ở đời, với trí tuệ, Ta khéo thấy nguy hại ấy.

Ta đã tìm cầu xuất ly ở đời. Xuất ly ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, xuất ly có mặt ở đời, với trí tuệ Ta, Ta khéo thấy xuất ly ấy. (AN 3:101)

(3) Nếu không có vị ngọt

Này các Tỳ kheo, nếu không có vị ngọt ở đời, thì các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời. Vì rằng, có vị ngọt ở đời, nên các loài hữu tình có tham nhiễm ở đời.

Nếu không có nguy hại ở đời, thì các loài hữu tình không có nhàm chán đối với đời. Vì rằng, có nguy hại ở đời, nên các loài hữu tình có nhàm chán đối với đời.

Nếu không có xuất ly ra khỏi đời, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với đời. Vì rằng, này các Tỳ kheo, có xuất ly đối với đời, nên các loài hữu tình có xuất ly ra khỏi đời. (AN 3:102)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

"Đường xưa mây trắng" giúp diễn viên Trương Ngọc Ánh tìm được bình yên

Sách Phật giáo 10:56 13/11/2024

Trương Ngọc Ánh kể khi ly hôn, chị chơi vơi. Thông điệp cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh giúp chị tìm được bình yên trong lòng.

Sách là một công cụ giúp con người thiền định

Sách Phật giáo 15:27 12/11/2024

Theo Niel Seligman (Diễn giả quốc tế về thiền định và kỹ năng sống), thiền và đọc sách có điểm chung là giúp con người tiến vào sự tập trung cao độ.

Cuốn sách giá trị về cuộc đời Đại sư Huyền Trang

Sách Phật giáo 17:03 07/11/2024

“Cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư Huyền Trang” của Thích Tuệ Lập và Thích Ngạn Tông, do Nguyễn Phố dịch, NXB Dân Trí ấn hành là tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm đến Phật giáo, lịch sử và văn hóa nhà thiền.

TS Trần Hữu Đức chia sẻ cách ngừng khổ và tạo phúc

Sách Phật giáo 11:32 05/11/2024

“Hạnh phúc không mọc trên cây” là một tác phẩm đặc biệt được chấp bút bởi TS Trần Hữu Đức dành cho những ai đang gặp bế tắc, đau khổ, loay hoay trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Xem thêm