5. CUỘC SỐNG NGẮN NGỦI, PHÙ DU
– Thuở xưa, này các Tỳ kheo, có đạo sư tên là Araka thuộc ngoại đạo đã ly tham đối với các dục. Đạo sư ấy có đến hàng trăm đệ tử và thuyết pháp cho các đệ tử như sau:
“Này các bà-la-môn, ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.
Ví như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, như giọt sương là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.
Ví như, khi trời mưa nặng hạt, bong bóng nước trên nước mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, như bong bóng nước là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.
Ví như con sông trên núi chảy xa, dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn theo vật này vật khác, không có sát-na nào, không có giây phút nào, không có thời khắc nào có dừng nghỉ, nó phải chảy tới, cuồn cuộn chảy, thúc đẩy chảy tới. Cũng vậy, như con sông ấy là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể... Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.
Ví như người lực sĩ tụ lại một cục nước miếng trên đầu lưỡi và nhổ đi không có phí sức. Cũng vậy, như cục nước miếng là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể... Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.
Ví như một miếng thịt được quăng vào một nồi sắt được hâm nóng cả ngày, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, như miếng thịt là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể... Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết.
Ví như con bò cái sắp bị giết, được dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết, gần đến chết. Cũng vậy, như con bò cái sắp bị giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết”.
Lúc bấy giờ, này các Tỳ kheo, tuổi thọ của loài người lên đến 60.000 năm. Người con gái 500 tuổi có thể đến tuổi lấy chồng.
Lúc bấy giờ, loài người có sáu loại bệnh: Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện. Dù với loài người thọ mạng dài như vậy, sống lâu như vậy, ít bệnh như vậy, đạo sư Araka lại thuyết pháp cho các đệ tử như vậy: “Ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết”.
Nhưng ngày nay, này các Tỳ kheo, ai nói một cách chân chánh, phải nói như sau: “Ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Các ông hãy hiểu rõ như thế. Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh. Không ai sinh ra mà có thể thoát khỏi cái chết”.
Người ta sống một trăm tuổi, ít hơn hay nhiều hơn. Mạng sống 100 tuổi, được chia thành 300 mùa: một trăm mùa đông, một trăm mùa hạ, một trăm mùa mưa. Khi sống qua ba trăm mùa, người ấy sống 1.200 tháng: 400 tháng lạnh, 400 tháng nóng, 400 tháng mưa. Khi sống 1200 tháng, người ấy sống 2.400 lần nửa tháng: 800 nửa tháng lạnh, 800 nửa tháng nóng, 800 nửa tháng mưa.
Và khi sống 2.400 lần nửa tháng, người ấy sống 36.000 đêm: 12.000 đêm lạnh, 12.000 đêm nóng, 12.000 đêm mưa. Khi sống 36.1 đêm, người ấy ăn chỉ có 72.000 bữa cơm: 24.000 bữa cơm vào mùa lạnh, 24.000 bữa cơm vào mùa nóng, 24.000 bữa cơm vào mùa mưa.
Ðây gồm có với sữa mẹ và thời gian không có đồ ăn. Ở đây, có những khi không có bữa ăn này, nghĩa là tức giận không ăn cơm, khổ đau không ăn cơm, bệnh hoạn không ăn cơm, trai giới không ăn cơm, không thu hoạch được nên không ăn cơm.
Như vậy, này các Tỳ kheo, tuổi thọ một trăm năm của loài người được Ta gọi là tuổi thọ, được gọi là lượng của tuổi thọ, được gọi là thời tiết, được gọi là năm, được gọi là tháng, được gọi là nửa tháng, được gọi là đêm, được gọi là đêm ngày, được gọi là bữa ăn, được gọi là giữa bữa ăn.
Này các Tỳ kheo, những gì bậc đạo sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các ông. Này các Tỳ kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỳ kheo, hãy hành thiền, chớ có phóng dật. Đừng để hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các ông. (AN 7:74)
6. BỐN THUYẾT GIÁO CHÍNH PHÁP
26. Tôn giả Raṭṭhapāla đi đến vườn Nai của vua Koravya, sau khi đến liền ngồi xuống nghỉ trưa dưới một gốc cây.
27. Rồi vua Koravya nói với người thợ săn:
– Này thợ săn, hãy dọn dẹp đất vườn ở Lộc Uyển, ta muốn đi thăm viếng cảnh đẹp.
– Thưa vâng, Ðại vương.
Người thợ săn vâng đáp vua Koravya, trong khi dọn dẹp vườn Nai, thấy Tôn giả Raṭṭhapāla đang ngồi dưới gốc cây để nghỉ trưa. Sau khi thấy vậy, người ấy liền đến vua Koravya, sau khi đến liền tâu vua Koravya:
– Tâu Ðại vương, vườn Nai đã được dọn dẹp. Và ở đấy có thiện nam tử tên là Raṭṭhapāla là con một thế gia ở Thullakoṭṭhita mà Ðại vương thường hay tán thán, vị ấy đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.
– Này thợ săn, hôm nay thế là vừa đủ về vườn cảnh. Nay chúng ta muốn cung kính cúng dường Tôn giả Raṭṭhapāla.
28. Rồi vua Koravya, sau khi nói: “Ở đây, hãy đem bố thí tất cả món ăn đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm”, ra lệnh cho thắng nhiều cỗ xe thù thắng, leo lên một cỗ xe thù thắng, liền cùng với các cỗ xe đi ra khỏi Thullakoṭṭhita để yết kiến Tôn giả Raṭṭhapāla với đại uy phong của bậc đế vương.
Sau khi cỡi xe cho đến chỗ đất còn có thể cỡi xe được, Ngài xuống xe, đi bộ, cùng với hàng tùy tùng vương hầu, đến chỗ của Tôn giả Raṭṭhapāla. Sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Raṭṭhapāla. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên. Ðứng một bên, vua Koravya bạch Tôn giả Raṭṭhapāla:
– Ở đây xin mời Tôn giả Raṭṭhapāla ngồi xuống trên nệm voi.
– Thôi vừa rồi, Ðại vương! Ðại vương hãy ngồi. Tôi đã ngồi trên chỗ ngồi của tôi.
Rồi vua Koravya ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Koravya bạch Tôn giả Raṭṭhapāla:
29. – Bạch Tôn giả Raṭṭhapāla, có bốn sự suy vong này. Chính do bị bốn sự suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn? Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong.
30. Thế nào là lão suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla có người niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Vị ấy suy tư như sau: “Nay ta đã già, niên cao lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung. Thật không dễ gì cho ta thu được các tài vật chưa thu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thu hoạch.
Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này, do bị lão suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy được gọi là lão suy vong. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla nay còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời.
Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có lão suy vong? Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
31. Và thế nào là bệnh suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có người bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị bệnh, khổ đau, mang trọng bệnh, thật không dễ gì cho ta thu được các tài vật chưa thu hoạch được, hay làm tăng trưởng các tài vật đã thu hoạch được.
Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này do bị bệnh suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, được gọi là bệnh suy vong.
Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla nay ít bệnh, ít não, tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có bệnh suy vong? Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
32. Và thế nào là tài sản suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla có người giàu sang, tiền của nhiều, tài vật nhiều và những tài vật của vị ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta trước đây giàu sang, tiền của nhiều, tài sản nhiều. Những tài vật ấy của ta dần dần đã đi đến suy vong.
Thật không dễ gì cho ta thu được những tài vật chưa thu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này do bị tài sản suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy, được gọi là tài sản suy vong.
Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla ở chính tại Thullakoṭṭhita này, là con của một lương gia đệ nhất. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có tài sản suy vong? Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
33. Và thế nào là thân tộc suy vong? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla có người có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống, những thân hữu quyến thuộc của người ấy dần dần đi đến chỗ suy vong. Người ấy suy tư như sau: “Trước kia, ta có nhiều người thân hữu quen biết, bà con huyết thống.
Những thân hữu quyến thuộc ấy của ta dần dần đi đến chỗ suy vong. Thật không dễ gì cho ta thu được những tài vật chưa thu hoạch được, hay làm cho tăng trưởng những tài vật đã thu hoạch được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này do bị thân tộc suy vong nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Như vậy, được gọi là thân tộc suy vong. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla ở chính tại Thullakoṭṭhita này, có nhiều thân hữu quen biết, bà con huyết thống. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có thân tộc suy vong? Vậy Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
34. Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, đây là bốn loại suy vong, do bị bốn loại suy vong này mà ở đây, có người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tôn giả Raṭṭhapāla đâu có những loại ấy? Vậy Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì, hay đã nghe gì mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
35. – Thưa Ðại vương, có bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn?
36.
(1) “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt”, thưa Ðại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
(2) “Thế giới là vô hộ, vô chủ”, thưa Ðại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ hai, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
(3) “Thế giới là vô sở hữu, ra đi là phải bỏ lại tất cả”, thưa Ðại vương đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ ba, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
(4) “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”, thưa Ðại vương, đó là thuyết giáo Chánh pháp thứ tư, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
37. Thưa Ðại vương, đây là bốn sự thuyết giáo Chánh pháp, được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy. Do tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy, mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
38. – Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt”, ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Khi Ngài 20 hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi, thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc?
– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, khi tôi được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi cảm thấy có thần lực và xem không ai có thể bằng tôi về sức mạnh.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nay Ðại vương vẫn còn bắp vế mạnh, cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ đánh giặc như vậy không?
– Không như vậy, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla. Nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, tôi nghĩ: “Ta sẽ bước chân tại đây” nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác.
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt” và sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn Giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt”. Quả thật là như thế!
39. Nhưng thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa, cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ”, ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không?
– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi có bệnh phong kinh niên. Nhiều khi, thân hữu quen biết, bà con huyết thống đứng xung quanh tôi và nói: “Nay vua Koravya sẽ mệnh chung, nay vua Koravya sẽ mệnh chung”.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có thể ra lệnh các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của Ðại vương: “Các thân hữu quen biết, bà con huyết thống hãy làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Tất cả hãy san sẻ cảm thọ này, để tôi có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn?” Hay là Ðại vương chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình?
– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi không thể ra lệnh các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của tôi như thế. Tôi chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình.
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói:
“Thế giới là vô hộ, vô chủ” và sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô hộ, vô chủ”. Quả thật là như thế!
40. Nhưng thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, ở vương quốc này có rất nhiều vàng nén và tiền vàng dưới đất và trên mặt đất. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả”, ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Dù cho nay Ðại vương sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, Ðại vương có thể nói được như sau: “Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng này?” Hay là người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn Ðại vương sẽ phải đi theo nghiệp của mình?
– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, dù cho nay tôi sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, tôi không thể nói được như thế. Chính người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn tôi phải đi theo nghiệp của tôi.
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả” và sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả”. Quả thật là như thế!
41. Tôn giả Raṭṭhapāla đã nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”, ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Có phải Ðại vương trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh?
– Thưa vâng, Tôn giả Raṭṭhapāla. Tôi trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực, đến với Ðại vương từ phương Ðông và sau khi đến tâu với Ðại Vương: “Tâu Ðại vương, Ðại vương có biết chăng? Tôi từ phương Ðông lại. Ở đấy, tôi có thấy một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật.
Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi, có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Đại vương có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực. Tâu Ðại vương, hãy đi chinh phục”. Ðại vương sẽ hành động như thế nào?
– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi sẽ đi chinh phục và trị vì quốc độ ấy.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực, đến với Ðại vương từ phương Tây... từ phương Bắc... từ phương Nam... từ bờ biển bên kia, người ấy đáng tin cậy, chánh trực, tâu với Ðại vương: "Tâu Ðại vương, Ðại vương có biết chăng? Tôi từ bờ biển bên kia lại. Ở đây, tôi thấy có một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh,... Tâu Ðại vương, hãy đi chinh phục". Ðại vương sẽ hành động như thế nào?
– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, sau khi chinh phục quốc độ ấy, tôi sẽ trị vì.
– Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái” và sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe như vậy, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thật hy hữu thay! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái”. Quả thật là như thế! (MN 82, Kinh Ratthapāla)
7. NGUY HIỂM CỦA KIẾN CHẤP
(1) Tác hại của tà kiến
Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sinh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sinh đi đến tăng trưởng, quảng đại, như là tà kiến. Với người có tà kiến, các pháp bất thiện chưa sinh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sinh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sinh không sinh khởi và các pháp thiện đã sinh bị đoạn diệt, như là tà kiến. Với người có tà kiến, các pháp thiện chưa sinh không sinh khởi và các pháp thiện đã sinh bị đoạn diệt.
Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các chúng sinh sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, như là tà kiến. Các chúng sinh có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỳ kheo, đối với người có tà kiến, phàm mọi thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp được người ấy thực hiện theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có khát khao nào, phàm có ước nguyện nào và phàm có các hành nào do người ấy tạo ra theo tà kiến, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ.
Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỳ kheo. (AN 1:306, 308, 312, 314)
(2) Người mù và con voi
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các sa-môn, bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sāvatthī để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau.
Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này mới là pháp. Như thế kia không phải là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế kia mới là pháp”.
Rồi nhiều Tỳ kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sāvatthī, để khất thực, Khất thực ở Sāvatthī xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỳ kheo ấy kể lại chuyện ấy đến Thế Tôn. [Đức Thế Tôn nói:]
– Này các Tỳ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp.
Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: “Như thế này mới là pháp. Như thế kia không phải là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế kia mới là pháp”.
Thuở xưa tại thành Sāvatthī này, có một ông vua. Ông vua ấy bảo một người: “Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sinh ra đã mù ở Sāvatthī hãy nhóm lại một chỗ tất cả”. – “Thưa vâng, Ðại vương”. Người ấy vâng đáp, rồi làm theo lệnh vua. Rồi nhà vua bảo người ấy:
– Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.
– Thưa vâng, Ðại vương.
Này các Tỳ kheo, người ấy vâng đáp, rồi đưa ra một con voi cho những người mù: “Này các người mù, đây là con voi”. Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: “Này các người mù, đây là con voi”.
Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái lỗ tai con voi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái vòi con voi... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái thân con voi... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù khác, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: “Này các người mù, đây là con voi”.
Sau đó, ông ta báo cáo với nhà vua mọi việc đã làm xong. Nhà vua đi đến các người mù ấy và hỏi họ: “Này các người mù, hãy nói cho ta biết con voi là như thế nào?”
Những người được sờ đầu con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái ghè”.
Những người được sờ cái tai con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái rổ sàng gạo”.
Những người được sờ cái ngà con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái lưỡi cày”.
Những người được sờ cái vòi con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái cày”.
Những người được sờ cái thân con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái thùng chứa”.
Những người được sờ cái chân con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái cột”.
Những người được sờ cái lưng con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái cối”.
Những người được sờ cái đuôi con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái chày”.
Những người được sờ cái lông đuôi con voi trả lời: “Thưa Ðại vương, con voi là như cái chổi”.
Rồi họ cãi nhau:
– “Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Như thế này mới là con voi”. Cho đến khi họ đánh nhau bằng tay. Và ông vua ấy vui thích.
Cũng vậy, này các Tỳ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi:
“Như thế này mới là pháp. Như thế kia không phải là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế kia mới là pháp”. (Ud 6:4)
(3) Bị xâm chiếm bởi hai loại tà kiến
Này các Tỳ kheo, chư thiên và loài người bị xâm chiếm bởi hai loại tà kiến, một số người chấp chặt, một số người đi quá trớn; chỉ có một số người có mắt mới thấy được.
Này các Tỳ kheo, thế nào là một số người chấp chặt? Có chư thiên và những người vui thích sinh hữu, hoan hỷ trong sinh hữu. Khi các pháp đoạn diệt sinh hữu được giảng cho họ, tâm họ không có phấn khởi, không có tín thành, không có an trú, không có kiên quyết. Như vậy, này các Tỳ kheo, đó là một số người chấp chặt.
Và này các Tỳ kheo, thế nào là một số người đi quá trớn? Có một số lo âu, xấu hổ, nhàm chán với sinh hữu, hoan hỷ trong phi sinh hữu. Họ nói: “Vì rằng khi thân hoại mạng chung, tự ngã này bị chặt đứt, bị hoại diệt, không có tồn tại sau khi chết. Quan điểm này là thiết thực, là thù thắng, là chân thật”. Như vậy, này các Tỳ kheo, đó là một số người đi quá trớn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là một số có mắt mới thấy được? Ở đây, vị Tỳ kheo thấy sự sinh hữu là sinh hữu. Sau khi thấy như thế, vị ấy hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
Như vậy, này các Tỳ kheo, đó là những người có mắt được thấy. (It 49)
Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu Bình Anson dịch Trích trong
Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Còn nữa…
TIN, BÀI LIÊN QUAN: