Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 02/07/2016, 14:41 PM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.20)

Nỗ lực để đạt tới toàn thiện tâm linh không phải chỉ là hành trình đơn độc, nhưng xảy ra tùy thuộc vào những liên hệ cá nhân chặt chẻ. Tình thân hữu tâm linh đem một chiều hướng nhân bản không thể tách rời vào việc thực hành Giáo Pháp và gắn bó những hành giả Phật giáo trong một cộng đồng đoàn kết hàng dọc giữa thầy và trò và hàng ngang giữa những người bạn cùng đi trên một con đường chung.

8. TỪ CÕI TRỜI ĐẾN ĐỊA NGỤC

– Có bốn hạng người này, này các Tỳ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

(1) Ở đây, này các Tỳ kheo, có hạng người với tâm cùng khởi với Từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Phạm chúng thiên. Một tăng-kỳ kiếp, này các Tỳ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ỏ cõi Phạm chúng thiên.

Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ.

Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú.

(2) Lại nữa, này các Tỳ kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với Bi, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới.

Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với bi, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Quang âm thiên. Hai tăng-kỳ kiếp, này các Tỳ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ỏ cõi Quang âm thiên.

Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ.

Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú.

(3) Lại nữa, này các Tỳ kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với Hỷ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới.

Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với hỷ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Biến tịnh thiên. Bốn tăng-kỳ kiếp, này các Tỳ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ở cõi Biến tịnh thiên.

Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ.

Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú.

(4) Lại nữa, này các Tỳ kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với Xả, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới.

Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của thiền ấy, ái luyến thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi Quảng quả thiên. Năm trăm tăng-kỳ kiếp, này các Tỳ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư thiên ở cõi Quảng quả thiên.

Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ của chư thiên ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sinh, đi đến ngạ quỷ.

Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư thiên ấy, nhập Niết bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú.

Này các Tỳ kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. (AN 4:125)

9. HIỂM HỌA CỦA CÕI TA-BÀ
(1) Suối nước mắt

– Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái gì là nhiều hơn?

Dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn?

– Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng, cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do chúng con than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn.

– Lành thay, lành thay, này các Tỳ kheo! Lành thay, các ông đã hiểu Pháp do Ta dạy. Cái này là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ không phải nước trong bốn biển lớn.

Trong một thời gian dài, này các Tỳ kheo, các ông chịu đựng cha chết... mẹ chết... anh chết... chị chết... con trai chết... con gái chết... bà con chết... tai họa về tiền của... tai họa của bệnh tật. Cái này là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì mình không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải chịu đựng tai họa của bệnh tật, chứ không phải là nước trong bốn biển.

Vì sao? Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành. (SN 15:3)

(2) Suối máu

Khi Đức Thế Tôn trú ở Vương Xá, Trúc Lâm, ba mươi vị Tỳ kheo xứ Pāvā, tất cả sống ở rừng, tất cả đi khất thực, tất cả mang y phấn tảo, tất cả mang ba y, tất cả đang còn kiết sử, cùng đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Ba mươi vị Tỳ kheo xứ Pāvā này, tất cả sống ở rừng, tất cả đi khất thực, tất cả mang y phấn tảo, tất cả mang ba y, tất cả đang còn kiết sử. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho họ như thế nào để ngay tại chỗ ngồi này, tâm của họ được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ".

Rồi Thế Tôn gọi các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo!”

– “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”, các Tỳ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

– Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ kheo. Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái nào là nhiều hơn, dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn?

– Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu, khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn.

– Lành thay, lành thay, này các Tỳ kheo! Lành thay, các ông đã hiểu Pháp Ta dạy như vậy. Cái này là nhiều hơn, tức là dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn.

Này các Tỳ kheo, dòng máu tuôn chảy do bị chặt đầu khi các ông là những con bò,... những con trâu,... những con cừu,... những con dê,... những con nai,... những con gà,... những con heo, những đạo tặc,... những người ăn cướp đường,... những người tư thông vợ người, khi các ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chứ không phải là nước trong bốn biển lớn.

Vì sao? Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc. Trong thời gian dài như thế, này các Tỳ kheo, các ông đã chịu hoạn nạn, đau khổ, tai ách và chất đầy các nghĩa trang. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành.

Thế Tôn nói như vậy, các vị Tỳ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được tuyên bố, đối với ba mươi vị Tỳ kheo xứ Pāvā, tâm các vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. (SN 15:13)
***
CHƯƠNG VII
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
DẪN NHẬP

Trong chương này, chúng ta tìm hiểu về tính năng đặc thù của lời dạy của đức Phật, về con đường “siêu thế” (lokuttara) đưa đến giải thoát. Con đường này được xây dựng trên sự hiểu biết đã được chuyển hóa và quan kiến sâu sắc về bản chất của thế giới, bắt nguồn từ sự nhận thức của chúng ta về các nguy hại của dục lạc, về cái chết không thể tránh khỏi và về bản chất tiêu cực của Ta-bà.

Đây là những đề tài chúng ta đã khảo sát trong chương trước. Con đường đưa hành giả đến trạng thái giải thoát nằm ngoài tất cả các cõi giới hữu vi, tiến đến sự vô ưu và hạnh phúc vô nhiễm của Niết bàn mà đức Phật đã thực chứng trong đêm thành đạo.

Chương này trình bày các kinh văn liên quan đến một cái nhìn tổng quát về con đường siêu thế của đức Phật. Hai chương kế tiếp sẽ trình bày các kinh văn giảng chi tiết hơn về huân tập tâm và nuôi dưỡng trí tuệ, là hai nhánh chính của con đường giải thoát. Ở đây, tôi bắt đầu với những bài kinh làm rõ mục đích của con đường, soi rọi từ nhiều góc độ khác nhau.

Kinh văn VII,1(1) – Tiểu kinh Māluṅkyāputta (MN 63), cho thấy rằng con đường của đạo Phật không phải được thiết kế để cung cấp các trả lời lý thuyết cho các câu hỏi triết lý. Trong bài kinh, tu sĩ Māluṅkyāputta đến gặp đức Phật và yêu cầu Ngài trả lời cho mười câu hỏi mang tính suy đoán. Ông ấy nói sẽ rời khỏi Tăng đoàn nếu các yêu cầu của ông ta không được đáp ứng.

Các học giả tranh luận không biết vì sao đức Phật từ chối trả lời các câu hỏi đó, vì chúng trên nguyên tắc là bất khả giải đáp hay đơn giản là vì chúng không liên quan gì đến lời giải thực tế của vấn đề hoạn khổ. Hai sưu tập các bài kinh trong Tương ưng bộ – SN 33:1-10 và SN 44:7-8 – đã chỉ rõ rằng sự im lặng của đức Phật có một cơ sở sâu sắc hơn là các mối quan tâm thực tế.

Các bài kinh này cho thấy các câu hỏi như thế dựa trên một giả định rằng sự hiện hữu được giải thích bằng các cơ sở về một bản ngã và thế giới, trong đó, bản ngã được đặt vào thế giới ấy. Vì các cơ sở này không có căn cứ, câu trả lời dựa trên các cơ sở đó cũng không có giá trị. Vì thế, đức Phật bác bỏ ngay các câu hỏi này.

Tuy nhiên, trong khi đức Phật có những lý do triết lý để từ chối trả lời, Ngài cũng bác bỏ chúng vì Ngài cho rằng các quan tâm với câu trả lời cũng không có giá trị gì cho con đường tầm cầu giải thoát. Lý do này là quan điểm rõ ràng trong bài giảng cho ông Māluṅkyāputta, với ví dụ nổi tiếng về người đàn ông bị bắn trúng mũi tên độc.

Cho dù các quan kiến này có đúng hay không, đức Phật nói “vẫn có sinh, già, chết, sầu ưu, khổ não, đau đớn, chán nản, tuyệt vọng và Ta chỉ rõ sự đoạn trừ chúng ngay bây giờ và tại nơi đây”. Đối ứng với bối cảnh Ta-bà luân hồi trình bày trong phần cuối của chương trước, lời tuyên bố này bây giờ có ý nghĩa mở rộng: sự “đoạn trừ sinh, lão, tử” không phải chỉ chấm dứt hoạn khổ trong một đời, mà còn là chấm dứt hoạn khổ vô lượng của tái sinh, lão hóa và tử vong, mà chúng ta trôi lăn trong vô lượng kiếp của Ta-bà.

Kinh văn VII,1(2) – Đại kinh Ví dụ Lõi cây (MN 29), chỉ rõ từ một góc độ khác về mục đích của đức Phật khi Ngài giảng dạy giáo pháp siêu thế. Bài kinh nói về một thiện nam tử rời bỏ gia đình sống đời xuất gia để chấm dứt đau khổ. Mặc dù rất hăng hái hướng đến mục đích khi anh ta mới vừa xuất gia, khi anh ta có vài thành quả, dù là thành quả thấp như được lợi lộc, kính trọng, hay thành quả cao hơn như có tâm định và tuệ quán, anh ta trở nên phóng dật và quên đi mục tiêu ban đầu khi anh ta bắt đầu đi theo đức Phật.

Đức Phật tuyên bố rằng các trạm dừng nghỉ dọc theo con đường – như giới luật, định tâm, ngay cả tri kiến – cũng chưa phải là mục đích cuối cùng của đời sống tâm linh. Mục tiêu chính, cốt lõi hay mục đích căn bản, là “tâm bất động”, và Ngài khuyến tấn những người gia nhập con đường ấy không nên thỏa mãn với những gì kém hơn.

Kinh văn VII,1(3) là trích lục từ Tương ưng Đạo (Maggasaṃyutta). Các bài kinh này chỉ rõ rằng mục đích của đời sống tâm linh là để đoạn tận các kiết sử, nhổ sạch các tùy miên, liễu tri hành lộ, đoạn tận các lậu hoặc, chứng ngộ được quả giải thoát nhờ minh, tự kiến, hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ”. Bát Chi Thánh Đạo là con đường để đạt các mục tiêu đó.

Bát Chi Thánh Đạo là công thức cổ điển tạo ra con đường giải thoát, như đức Phật đã chỉ rõ trong bài pháp đầu tiên, trong đó, Ngài nói Bát Chi Thánh Đạo là con đường chấm dứt khổ đau (Đạo đế). Kinh văn VII,2 ghi lại định nghĩa chính thức của mỗi chi phần, nhưng không chỉ dẫn cụ thể áp dụng như thế nào vào đời sống của vị đệ tử. Chi tiết để áp dụng sẽ được trình bày trong phần sau của chương này và trong chương VIII và IX.

Kinh văn VII,3 soi rọi con đường một cách khác hơn những gì ta quen nghe trong các bài giảng chuẩn. Trong khi ta thường được dạy rằng hành trì con đường Phật giáo tùy thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cá nhân, bài kinh này nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bằng hữu. Đức Phật tuyên bố rằng tình bạn tâm linh không phải chỉ là “một nữa đời sống tâm linh”, nhưng là toàn thể đời sống đó.

Nỗ lực để đạt tới toàn thiện tâm linh không phải chỉ là hành trình đơn độc, nhưng xảy ra tùy thuộc vào những liên hệ cá nhân chặt chẻ. Tình thân hữu tâm linh đem một chiều hướng nhân bản không thể tách rời vào việc thực hành Giáo Pháp và gắn bó những hành giả Phật giáo trong một cộng đồng đoàn kết hàng dọc giữa thầy và trò và hàng ngang giữa những người bạn cùng đi trên một con đường chung.

Trái ngược với quan điểm thông thường, tám chi của con đường không phải là những bước đi phải thực hành tuần tự, chi này theo sau chi kia. Chúng được định nghĩa thích hợp như là các phần tử, không phải là các bước đi. Tối ưu nhất, cả tám phần tử phải có mặt cùng một lúc, mỗi phần tử có sự đóng góp riêng biệt, giống như tám sợi đan xen của dây cáp quấn vào nhau để tạo sức mạnh tối đa.

Tuy nhiên, cho đến khi đạt được giai đoạn đó, điều không thể tránh khỏi là các phần tử của con đường cho thấy một mức độ tuần tự trong tiến trình.

Thông thường, tám yếu tố đó được xếp vào ba nhóm như sau:

1. Nhóm Giới (sı̄lakkhandha), gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng;
2. Nhóm Định (samādhikkhanda), gồm có chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định;
3. Nhóm Tuệ (paññakkhanda) gồm có chánh kiến, chánh tư duy.

Trong kinh tạng Nikāya, tương quan này chỉ xảy ra một lần (MN 44); được gán cho Tỳ kheo-ni Dhammadinnā, không phải của đức Phật. Có thể nói rằng hai chi phần Chánh Kiến và Chánh Tư Duy được đặt đầu tiên, vì chánh kiến sơ khởi và chánh tư duy sơ khởi cần phải có ngay tại điểm khởi đầu của con đường. Chánh kiến cung cấp sự hiểu biết về các khái niệm Phật giáo để hướng dẫn sự phát triển của các chi khác và chánh tư duy cung cấp động lực đúng đắn và chiều hướng cho việc phát triển con đường.

Trong kinh tạng Nikāya, đức Phật thường giải thích chi tiết con đường tu tập như một sự tu tập từng bước (anupubba- sikkhā), được khai mở từng giai đoạn, từ bước đầu cho đến mục tiêu cuối cùng. Sự huân tập từng bước này là sự phân chia tinh tế hơn là phân chia ba đoạn của con đường như là giới, định, tuệ.

Trong nhiều bài kinh, lúc nào ta cũng thấy giải trình tu tập từng bước bắt đầu với việc xuất gia và áp dụng đời sống Tỳ kheo (bhikkhu), một vị tu sĩ Phật giáo. Điều này chứng tỏ chú tâm đến tầm quan trọng của đời sống nhà tu trong tầm nhìn thực dụng của đức Phật. Trên nguyên tắc, toàn bộ sự thực hành Bát Chi Thánh Đạo rộng mở cho tất cả mọi người trong mọi cách sống, tại gia hay xuất gia.

Đức Phật xác nhận rằng có rất nhiều vị trong hàng cư sĩ đã đắc Pháp và đã đạt ba giai đoạn đầu của bốn giai đoạn giác ngộ, đến quả vị Bất lai (anāgāmī). Các nhà chú giải Nam truyền nói rằng những tín đồ cư sĩ cũng có thể đắc quả vị thứ tư, quả A-la-hán, nhưng các vị đó đang ở bờ vực của cái chết, hoặc sau khi đắc quả, phải nhanh chóng xuất gia. Tuy nhiên, thực tế là đời sống tại gia chắc chắn đưa đẩy vô số quan tâm trần tục và dính mắc cá nhân, làm cản trở sự quyết tâm tầm cầu giải thoát.

Vì thế, đức Phật đã bắt đầu công cuộc tầm cầu cao thượng của Ngài bằng cách rời bỏ gia đình. Sau khi giác ngộ, như là phương cách thiết thực để giúp những người khác, Ngài thành lập Tăng đoàn, đoàn thể của tu sĩ nam và tu sĩ nữ, cho những ai mong muốn dấn thân trọn vẹn cho Giáo Pháp, không bị cản trở bởi đời sống tại gia.

Sự tu tập từng bước này được trình bày trong hai phiên bản: Phiên bản dài trong Trường bộ và phiên bản ngắn hơn ở Trung bộ. Các điểm khác biệt chính là:

(1) phiên bản dài có những giải thích chi tiết hơn về việc tuân giữ nghi thức tu sĩ và sự tự kiềm chế của nhà tu khổ hạnh;
(2) phiên bản dài bao gồm tám tuệ minh trong khi phiên bản ngắn chỉ có ba.


Tuy nhiên, vì ba loại tuệ minh này là những gì ghi lại khi đức Phật giác ngộ (xem Kinh văn II,3(2)), ba loại minh đó là quan trọng nhất. Các mô hình chính cho phiên bản dài của sự tu tập từng bước được tìm thấy ở bài kinh DN 2; phiên bản ngắn hơn ở bài kinh MN 27 và MN 51, với vài biến thể ở các bài kinh MN 38, MN 39, MN 53, MN 107 và MN 125.

Ở đây, Kinh văn VII,4 bao gồm toàn thể bài kinh MN 27, trong đó, sự huân tập được ví dụ như các dấu chân của con voi và từ đó lấy làm tên của bài kinh. Kinh văn VII,5 – trích đoạn từ kinh MN 39, lặp lại các giai đoạn cao hơn của tu tập như mô tả trong kinh MN 27, nhưng bao gồm các ví dụ rất ấn tượng.

Trình tự bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Như Lai trên thế giới và giải trình của Ngài về Giáo Pháp. Sau khi nghe giảng, vị đệ tử khởi niềm tin và xuất gia đi theo bậc Đạo sư. Vị đó tuân giữ các điều giới luật để thúc đẩy việc tinh lọc hành vi và sống chân chánh của một tu sĩ. Ba bước tiếp theo – tri túc, phòng hộ các căn, niệm và tĩnh giác – thăng hoa tiến trình thanh lọc và do đó, làm cầu nối cho sự chuyển hóa từ giới luật đạo đức sang định tâm.

Đoạn nói về chế ngự năm triền cái liên quan đến huân tập sơ bộ về định tâm. Năm triền cái này – tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và hoài nghi – là những cản trở chính cho việc phát triển thiền và vì thế, phải được loại trừ khỏi tâm ý để giúp tập trung và hợp nhất. Đoạn kinh thông thường về việc tu tập từng bước mô tả đại cương việc khắc phục các triền cái.

Nhưng các đoạn kinh văn khác của kinh tạng Nikāya cung cấp những hướng dẫn cụ thể hơn và các chú giải Pāli thường có những chi tiết nhiều hơn nữa. Các ví dụ trong kinh MN 39 – xem Kinh văn VII,5 – minh họa các cảm giác hỷ lạc của sự tự do khi hành giả chiến thắng, sau khi khắc phục được các triền cái.

Giai đoạn tiếp theo trong qui trình mô tả việc đắc thiền-na (jhāna), những trạng thái thâm sâu của thiền định, trong đó, tâm được hấp thu hoàn toàn vào đề mục. Đức Phật liệt kê bốn tầng thiền-na, đặt tên theo thứ tự, mỗi tầng thiền-na sau tinh tế và cao thâm hơn tầng bậc trước. Các thiền-na luôn luôn được trình bày bằng công thức giống nhau, trong đó nhiều bài kinh được tăng cường thêm bằng các ví dụ tuyệt mỹ – một lần nữa, xin xem Kinh văn VII,5.

Mặc dù trí tuệ, không phải định tâm, là yếu tố quan trọng để đạt giác ngộ, đức Phật luôn luôn bao gồm các tầng thiền-na vào con đường tu tập từng bước, ít nhất với hai lý do:

Thứ nhất, bởi vì chúng đóng góp vào việc hoàn thiện bên trong của con đường;
Thứ hai, bởi vì chúng đưa đến mức định thâm sâu, là cơ sở để phát khởi tuệ minh.


Đức Phật gọi các bậc thiền-na là “bước chân của Như Lai” (MN 27:19-22) và chỉ rõ chúng là tiền thân của hạnh phúc Niết bàn nằm ở điểm cuối của sự tu tập.

Từ tứ thiền (thiền-na thứ tư), có thể có ba đường hướng phát triển khác nhau. Trong một số bài kinh, ngoài đoạn kinh thông thường về con đường tu tập từng bước, đức Phật đề cập đến bốn trạng thái tiếp tục sau trạng thái nhất tâm thiết lập trong tứ thiền. Những trạng thái này, mô tả như “những sự giải phóng có tính an bình và vô sắc tướng”, là những mức tinh tế hơn của tâm định.

Phân biệt với những thiền-na thấp bằng tính siêu việt của những ảnh tâm tinh tế dùng làm đối tượng của thiền-na, chúng được đặt tên là không vô biên xứ, thức vô viên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đường hướng thứ hai là đắc thần thông. Đức Phật thường nói đến tập hợp của sáu loại, thường được gọi là lục thông (chaḷabhiññā). Thần thông thứ sáu là lậu tận thông, là “siêu thế”, và do đó, đánh dấu đỉnh cao của đường hướng phát triển thứ ba. Năm thần thông kia chỉ là thế tục, sản phẩm của định lực cực kỳ mạnh mẽ đạt được trong tứ thiền: Thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông và túc mạng thông (xem Kinh văn VIII,4).

Các thiền-na và các chứng đắc vô sắc tự chúng không đưa đến giác ngộ giải thoát. Dù cao quý và an bình, chúng chỉ có thể đè nén các ô nhiễm tạo ra tái sinh, nhưng không thể diệt trừ chúng. Để bứng gốc các ô nhiễm tại mức độ cơ bản nhất và từ đó đưa đến giải thoát giác ngộ, quy trình hành thiền phải đi theo đường hướng phát triển thứ ba.

Đây là công phu quán soi “vạn pháp như thị”, đưa đến kết quả gia tăng minh quán thâm sâu về bản chất của hiện hữu, đưa đến mục tiêu cuối cùng, đó là chứng đắc quả A-la-hán.

Đây là đường hướng phát triển mà đức Phật giảng dạy trong đoạn kinh về con đường tu tập từng bước. Ngài giảng trước về hai loại minh, túc mạng minh và sinh tử minh (thiên nhãn minh). Cùng với lậu tận minh, ba loại minh này đã nổi bật trong sự giác ngộ của đức Phật – như ta đã thấy trong Kinh văn II,3(2) – gọi chung là tam minh (tevijjā).

Mặc dù hai loại minh đầu không cần thiết cho việc thực chứng A-la-hán, có lẽ đức Phật bao gồm chúng ở đây vì chúng giúp cho thấy rõ chiều hướng rộng lớn và sâu xa của hoạn khổ trong cõi ta-bà và từ đó, sửa soạn cho tâm ý thấu đạt Tứ Thánh Đế, trong đó, Khổ được chẩn đoán và trừ diệt.

Đoạn kinh về sự tu tập từng bước không ghi rõ quy trình quán soi mà từ đó hành giả phát triển tuệ quán. Toàn thể quy trình chỉ được ngụ ý khi đề cập đến kết quả cuối cùng, gọi là sự diệt trừ các lậu hoặc (āsavakkhayañāṇa). Đoạn văn thông thường trong nhiều bài kinh mô tả lậu hoặc là những trạng thái “liên hệ đến phiền não, sinh khởi hiện hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục và hướng đến sinh, già, chết trong tương lai” (MN 36). Ba loại lậu hoặc đề cập trong kinh tạng Nikāya là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Khi tâm trí của vị đệ tử được giải thoát khỏi các lậu hoặc qua việc hoàn tất con đường của A-la-hán, vị ấy duyệt lại sự tự do mới vừa đạt được và rống lên tiếng rống sư tử: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại bất cứ trạng thái hiện hữu nào nữa”.

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

"Đường xưa mây trắng" giúp diễn viên Trương Ngọc Ánh tìm được bình yên

Sách Phật giáo 10:56 13/11/2024

Trương Ngọc Ánh kể khi ly hôn, chị chơi vơi. Thông điệp cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh giúp chị tìm được bình yên trong lòng.

Sách là một công cụ giúp con người thiền định

Sách Phật giáo 15:27 12/11/2024

Theo Niel Seligman (Diễn giả quốc tế về thiền định và kỹ năng sống), thiền và đọc sách có điểm chung là giúp con người tiến vào sự tập trung cao độ.

Cuốn sách giá trị về cuộc đời Đại sư Huyền Trang

Sách Phật giáo 17:03 07/11/2024

“Cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư Huyền Trang” của Thích Tuệ Lập và Thích Ngạn Tông, do Nguyễn Phố dịch, NXB Dân Trí ấn hành là tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm đến Phật giáo, lịch sử và văn hóa nhà thiền.

TS Trần Hữu Đức chia sẻ cách ngừng khổ và tạo phúc

Sách Phật giáo 11:32 05/11/2024

“Hạnh phúc không mọc trên cây” là một tác phẩm đặc biệt được chấp bút bởi TS Trần Hữu Đức dành cho những ai đang gặp bế tắc, đau khổ, loay hoay trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Xem thêm