Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/06/2016, 13:04 PM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.9)

Những tạp pháp – khi nhiễm, khi tịnh – do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỳ-kheo biết được như sau: “Những tạp pháp do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai.

3. CÓ THỂ THẤY NGUỒN GỐC VÀ DIỆT TẬN PHIỀN NÃO

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn:

– Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ!

– Này thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: “Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ”, ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: “Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai”, ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này thôn trưởng, với ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Thôn trưởng Bhadraka vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

– Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn. Ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

– Này thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa nhưng cũng có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?

– Thưa có, bạch Thế Tôn, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

– Do nhân gì, do duyên gì, này thôn trưởng, đối với một số người ở tại Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? Do nhân gì, do duyên gì, đối với một số người khác, ông lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?

– Ðối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con có dục và tham đối với họ. Nhưng đối với một số người khác, con lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con không có dục và tham đối với họ.

– Này thôn trưởng, với nguyên tắc về những gì phải được thấy, được biết, được đạt tới tức thời, được thể nhập, ông áp dụng phương pháp ấy về thời quá khứ và vị lai. Nếu có khổ nào khởi lên trong quá khứ, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ. Phàm có khổ nào khởi lên trong tương lai, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, lời nói này của Thế Tôn: “Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ”.

Bạch Thế Tôn, con có người con trai tên là Ciravāsī, sống xa ở đây. Khi giờ nó dậy, bạch Thế Tôn, con cử người đi và nói: “Này ông, hãy đi và hỏi thăm đứa trẻ Ciravāsī”. Cho đến khi người ấy trở về, bạch Thế Tôn, con ở trong tình trạng bồn chồn, hồi hộp: “Không biết đứa trẻ Ciravāsī có bệnh tật gì không?”

– Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu đứa trẻ Ciravāsī của ông bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

– Bạch Thế Tôn, nếu đứa con trai Ciravāsī của con bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thì làm sao con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não được?

– Như thế, này thôn trưởng, ông cần phải hiểu như sau: “Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ”.

Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu trước kia ông không thấy, không nghe mẹ của Ciravāsī, ông có lòng dục, lòng tham hay lòng ái đối với mẹ của Ciravāsī không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Nhưng này thôn trưởng, khi ông thấy được, khi ông nghe được mẹ của Ciravāsī, thời ông có lòng dục, lòng tham, hay lòng ái đối với mẹ của Ciravāsī không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu mẹ của Ciravāsī bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

– Bạch Thế Tôn, nếu mẹ của Ciravāsī bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thì làm sao con không khởi sầu, bi, khổ, ưu, não được?

– Như thế, này thôn trưởng, ông cần phải hiểu như sau: “Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của đau khổ”. (SN 42:11)

4. HÃY TÌM HIỂU BẬC ĐẠO SƯ

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī, tại Jetavana, tịnh xá của ông Anāthapinḍika (Cấp Cô Ðộc). Ở đây, Thế Tôn thuyết giảng như sau:

2. – Này các Tỳ-kheo, vị tư sát Tỳ-kheo muốn biết rõ tập tánh của người khác, cần phải tìm hiểu về Như Lai, để ý thức được Ngài có Chánh Ðẳng Giác hay không?

3. – Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm bậc lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay, Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỳ-kheo sẽ hành trì.

– Vậy này các Tỳ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

4. – Này các Tỳ-kheo, vị tư sát Tỳ-kheo muốn biết rõ tập tánh của người khác, cần phải tìm hiểu về Như Lai trên hai loại pháp – các pháp do mắt, do tai nhận thức – nghĩ rằng: “Những pháp ô nhiễm do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỳ-kheo được biết như sau: “Những pháp ô nhiễm do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai”.

5. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Những tạp pháp – khi nhiễm, khi tịnh – do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỳ-kheo biết được như sau: “Những tạp pháp do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai”.

6. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh, do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỳ-kheo biết được như sau: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai”.

7. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Vị tôn giả này thành tựu thiện pháp này trong một thời gian lâu dài hay trong một thời gian ngắn?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỳ-kheo biết được như sau: “Vị tôn giả này thành tựu thiện pháp này trong một thời gian lâu dài, vị tôn giả này thành tựu thiện pháp này không phải trong một thời gian ngắn”.

8. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Vị tôn giả này khi được biết đến và có danh tiếng, một số nguy hiểm có khởi lên cho vị ấy ở đây không?” Này các Tỳ-kheo, một số nguy hiểm không khởi lên cho vị Tỳ-kheo nào chưa được biết đến, chưa có danh tiếng. Nhưng khi vị Tỳ-kheo ấy được biết đến, có danh tiếng, một số nguy hiểm có thể khởi lên cho vị ấy. Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỳ-kheo biết được như sau: “Vị tôn giả này, khi được biết đến, có danh tiếng, một số nguy hiểm không khởi lên cho vị ấy ở đây”.

9. Vị ấy tìm hiểu thêm: “Có phải vị tôn giả này tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi mà từ bỏ? Có phải vị này do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục?” Sau khi tìm hiểu như vậy, vị ấy biết được như sau: “Vị tôn giả này tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi. Vị này do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục”.

10. Này các Tỳ-kheo, nếu có những người khác hỏi vị Tỳ-kheo ấy như sau: “Dựa vào luận cứ nào, bằng chứng nào mà tôn giả nói: ‘Vị tôn giả kia tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi. Vị ấy do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục?’”

Vị Tỳ-kheo ấy phải trả lời chân chánh như sau: “Vị tôn giả ấy sống giữa Tăng chúng hay sống một mình, dù cho trong đó có các vị sống có thiện hạnh hay ác hạnh, có các vị giáo giới hội chúng, có các vị chuyên trọng tài vật hay không bị ô nhiễm bởi tài vật, vị tôn giả ấy không vì vậy mà khinh bỉ bất cứ người nào vì những lý do ấy. Và tôi đã nghe và biết từ miệng Thế Tôn: ‘Ta tự chế không vì sợ hãi, không phải tự chế vì sợ hãi. Ta do vì đoạn diệt tham ái, không còn tham ái, nên từ bỏ vui thú trong các dục’.”

11. Ở đây, này các Tỳ-kheo, Như Lai cần phải được hỏi thêm như sau: “Các pháp ô nhiễm do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không có hiện khởi?” Ðược hỏi vậy, Như Lai sẽ trả lời như sau: “Những pháp ô nhiễm do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không hiện khởi ở Như Lai”.

12. Nếu được hỏi: “Những tạp pháp – khi nhiễm khi tịnh – do mắt, do tai nhận thức; những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?” Ðược hỏi vậy, Như Lai sẽ trả lời như sau: “Những tạp pháp do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy không có hiện khởi ở Như Lai”.

13. Nếu được hỏi: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không có hiện khởi?” Ðược hỏi vậy, này các Tỳ-kheo, Như Lai trả lời như sau: “Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, do tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai. Ta lấy như vậy làm đạo lộ, làm hành giới, nhưng Ta không đồng hóa với các pháp đó.“

14. Này các Tỳ-kheo, một đệ tử phải đến gần bậc Ðạo Sư có nói như vậy để được nghe Pháp. Bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho vị ấy từ thấp đến cao, từ vi diệu này đến vi diệu khác, các pháp hắc bạch cùng với các pháp tương đương. Khi bậc Đạo Sư thuyết pháp cho vị Tỳ-kheo như thế, vị ấy chứng tri được các điều dạy trong Pháp và có kết luận về các điều giảng dạy. Vị ấy khởi lòng tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư: “Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì”.

15. Này các Tỳ-kheo, nếu có người khác hỏi Tỳ-kheo ấy như sau: “Dựa vào luận cứ nào, bằng chứng nào mà tôn giả nói: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì?’“

Vị Tỳ-kheo ấy phải trả lời chân chánh như sau: “Thế Tôn thuyết pháp cho tôi ấy từ thấp đến cao, từ vi diệu này đến vi diệu khác, các pháp hắc bạch cùng với các pháp tương đương. Khi bậc Thế Tôn thuyết pháp cho tôi như thế, tôi chứng tri được các điều dạy trong Pháp và có kết luận về các điều giảng dạy. Tôi khởi lòng tịnh tín đối với Thế Tôn: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì’.”

16. Này các Tỳ-kheo, đối với ai mà lòng tin đối với Như Lai được an lập, căn cứ, an trú trên những luận cứ, những lời nói, những câu nói như vậy, lòng tin ấy được gọi là có luận cứ đầy đủ, căn cứ trên chánh kiến, vững chắc, không thể bị phá hoại bởi một sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Māra, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là sự tìm hiểu về Như Lai đúng theo Pháp và như vậy Như Lai mới được khéo tìm hiểu đúng theo Pháp.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. (MN 47, Kinh Tư sát)
 
5. NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐẾN THỰC CHỨNG CHÂN LÝ

10. Rồi bà-la-môn Caṅkī, cùng với đại chúng bà-la-môn đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.

11. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi và nói lên với những bà- la-môn trưởng thượng những lời thân hữu về vấn đề này, vấn đề khác. Khi ấy có thanh niên bà-la-môn tên Kāpatḥika, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, mới có mười sáu tuổi, từ khi sinh, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về thuận thế luận và đại nhân tướng. Thanh niên này đang ngồi giữa hội chúng ấy. Thanh niên này thỉnh thoảng cắt đứt cuộc đàm luận giữa Thế Tôn và các vị bà- la-môn trưởng thượng. Rồi Thế Tôn khiển trách thanh niên bà- la-môn Kāpathị ka:

– Hiền giả Bhāradvāja, chớ có cắt ngang cuộc đàm luận của các bà-la-môn trưởng thượng. Hiền giả Bhāradvāja hãy chờ cho đến khi câu chuyện chấm dứt.

Khi nghe nói vậy, bà-la-môn Caṅkī bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, chớ có khiển trách thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika là thiện nam tử. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika là bậc đa văn. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika phát ngôn thiện xảo. Thanh niên bà-la- môn Kāpatḥika là bậc có trí. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika có thể đàm luận với Tôn giả Gotama trong vấn đề này.

12. Thế Tôn nghĩ như sau: “Thật sự thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika này đã thông hiểu ba tập Veda và các bà-la-môn tôn trọng người này”.

Và thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika nghĩ như sau: “Khi nào Sa-môn Gotama lấy mắt nhìn con mắt ta, ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama”.

Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika, liền lấy mắt nhìn thanh niên bà-la- môn Kāpatḥika. Thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika suy nghĩ: “Sa-môn Gotama chăm chú nhìn ta, vậy ta hãy hỏi Sa-môn Gotama một câu hỏi”. Rồi thanh niên bà-la-môn Kāpatḥika bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, về các câu chú thuật bà-la-môn cổ xưa được truyền khẩu, được gìn giữ trong các thánh tạng, các vị bà-la-môn đã kết luận chắc chắc rằng: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Ở đây, Tôn giả Gotama đã nói gì?

13. – Nhưng này Bhāradvāja, có một bà-la-môn nào giữa các vị bà-la-môn đã nói như sau: “Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm?”

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Nhưng này Bhāradvāja, có một vị tôn sư nào của các vị bà- la-môn, cho đến vị tôn sư của các vị tôn sư trở lui cho đến bảy đời đã nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm?”

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Nhưng này Bhāradvāja, thuở xưa những vị ẩn sĩ giữa các bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những thánh cú mà nay những bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm – như là Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamatagggi, Angirasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu – có vị ẩn sĩ nào đã nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm?”

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Như vậy này Bhāradvāja, không có một bà-la-môn nào giữa các vị bà-la-môn đã nói như sau: “Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Không có một vị tôn sư nào của các vị bà-la-môn, cho đến vị tôn sư của các vị tôn sư trở lui cho đến bảy đời đã nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Thuở xưa những vị ẩn sĩ giữa các bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những thánh cú mà nay những bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm – như là Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamatagggi, Angi- rasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu – những vị ấy cũng không nói như sau: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”.

Ví như này, Bhāradvāja, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy; cũng vậy, này Bhāradvāja, Ta nghĩ rằng, lời nói của các bà-la-môn cũng giống như chuỗi người mù: Người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Này Bhāradvāja, ông nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị bà-la-môn trở thành không có căn cứ?

14. – Thưa Tôn giả Gotama, các bà-la-môn không phải chỉ dựa trên lòng tin, các bà-la-môn ở đây còn dựa trên truyền thống trì tụng.

– Trước hết, này Bhāradvāja, ông đi đến lòng tin, nay ông nói đến truyền thống trì tụng. Này Bhāradvāja, có năm pháp có thể đưa đến hai kết quả khác nhau ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân nhắc suy tư các lý do và chấp nhận quan điểm. Năm pháp này có thể đưa đến hai kết quả khác nhau ngay trong hiện tại. Này Bhāradvāja, có điều được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không thay đổi. Lại nữa này Bhāradvāja, có điều được khéo tùy hỷ... được khéo tùy văn... được khéo cân nhắc suy tư... được khéo chấp nhận, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo chấp nhận, có thể là thật, chân, không thay đổi. Hộ trì chân lý, này Bhā- radvāja, không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều là: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”.

15. – Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là hộ trì chân lý? Cho đến mức độ nào, chân lý được hộ trì? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.

– Này Bhāradvāja, nếu có người có lòng tin và nói: “Ðây là lòng tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý.

Này Bhāradvāja, nếu có người có lòng tùy hỷ,... nếu có người có lòng tùy văn,... nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do,... nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Ðây là sự chấp nhận quan điểm của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý.

16. – Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chân lý được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con nhìn thấy hộ trì chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý.

17. – Ở đây, này Bhāradvāja, Tỳ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng: “Không hiểu vị tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dù không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết;’ dù không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy;’ hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài?” Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Vị tôn giả ấy không có những tham pháp. Thân hành và khẩu hành của vị ấy không bị chi phối bởi lòng tham. Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng”.

18. Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân pháp: “Không hiểu vị tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dù không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết,’ dù không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy;’ hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những sân pháp. Thân hành và khẩu hành của vị ấy không bị chi phối bởi lòng sân. Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng”.

19. Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những sân pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các si pháp: “Không hiểu vị tôn giả ấy có si pháp hay không, do những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dù không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết,’ dù không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy;’ hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những si pháp. Thân hành và khẩu hành của vị ấy không bị chi phối bởi lòng si. Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng”.

20. Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sinh lòng tin đối với vị ấy; với lòng tin, người này đến gần; khi đến gần, liền thân cận giao thiệp; do thân cận giao thiệp, liền lóng tai; khi lóng tai, người ấy nghe pháp; sau khi nghe, liền thọ trì pháp; rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sinh; khi ước muốn sinh, liền cố gắng; sau khi cố gắng, liền cân nhắc; sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý; và thể nhập chân lý ấy với trí tuệ.

Cho đến mức độ này, này Bhāradvāja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.

21.– Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy, chân lý được giác ngộ và cho đến như vậy chúng con thấy giác ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng đạt? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự chứng đạt chân lý.

– Này Bhāradvāja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý.

22.– Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy chân lý được chứng đạt và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng đạt chân lý. Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự chứng đạt chân lý, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự chứng đạt chân lý, này Bhāradvāja, tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần theo đuổi chân lý thì không thể chứng đạt chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý. Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều.

23. – Trong sự tinh cần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tinh cần, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự tinh cần, này Bhāradvāja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần theo đuổi chân lý. Nếu có cân nhắc sẽ được tinh cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều.

24. – Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cân nhắc, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự cân nhắc, này Bhāradvāja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc; do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.

25. – Trong sự cố gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cố gắng, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự cố gắng, này Bhāradvāja, ước muốn được hành trì nhiều. Nếu ước muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều.

26. – Trong ước muốn, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con muốn hỏi Tôn giả Gotama, trong ước muốn, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong ước muốn, này Bhāradvāja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên; do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.

27. – Nhưng trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bhāradvāja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.


28. – Nhưng trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bhāradvāja, ghi nhớ pháp được hành trì nhiều. Nếu không có ghi nhớ pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có ghi nhớ pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa; do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, ghi nhớ pháp được hành trì nhiều.

29. – Trong sự ghi nhớ pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Trong sự ghi nhớ pháp, chúng con hỏi Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự ghi nhớ pháp, này Bhāradvāja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu không nghe pháp thì không có ghi nhớ pháp. Và do có nghe pháp nên có ghi nhớ pháp; do vậy, trong sự ghi nhớ pháp, nghe pháp được hành trì nhiều.

30. – Trong sự nghe pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự nghe pháp, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự nghe pháp, này Bhāradvāja, lóng tai được hành trì nhiều. Nếu không có lóng tai thì không có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì nhiều.

31. – Trong sự lóng tai, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lóng tai, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự lóng tai, này Bhāradvāja, tôn kính bậc đạo sư được hành trì nhiều. Nếu không có tôn kính bậc đạo sư thì không có lóng tai. Vì có tôn kính bậc đạo sư nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng tai, tôn kính bậc đạo sư được hành trì nhiều.

32. – Trong sự tôn kính bậc đạo sư, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tôn kính bậc đạo sư, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự tôn kính bậc đạo sư, này Bhāradvāja, đi đến gặp bậc đạo sư được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gặp thì không có tôn kính bậc đạo sư. Và vì có đi đến gặp nên có tôn kính bậc đạo sư; do vậy, trong sự tôn kính bậc đạo sư, đi đến gặp được hành trì nhiều.

33. – Trong sự đi đến gặp bậc đạo sư, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự đi đến gặp, pháp nào được hành trì nhiều.

– Trong sự đi đến gần, này Bhāradvāja, lòng tin nơi bậc đạo sư được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sinh thì không đi đến gặp. Và vì lòng tin sinh, nên có đi đến gặp; do vậy, trong sự đi đến gặp, lòng tin được hành trì nhiều.

34. – Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về hộ trì chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận và do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về giác ngộ chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về chứng đạt chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Trong sự chứng đạt chân lý, chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ.

Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả Gotama đã trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ.

Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như sau: “Và ai là những sa-môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sinh từ gót chân của Phạm thiên và ai là những người hiểu biết Chánh Pháp”. Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính sa-môn đối với các sa-môn, lòng tin kính sa- môn đối với các sa-môn.

35. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.

Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng. (MN 95, Kinh Caṅkı̄)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm