Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 07/07/2024, 15:59 PM

Những lớp học tình thương ở chùa Lập Thạch

Gần 20 năm qua, ngôi chùa làng ở Quảng Trị vẫn duy trì những lớp học miễn phí cho học sinh vào dịp hè.

Thầy trụ trì Thích Đạo Tri và cô Nguyễn Thị Diệu Ái là những người đã mở rộng các lớp học tình thương ở chùa. Ảnh: Đăng Đức

Thầy trụ trì Thích Đạo Tri và cô Nguyễn Thị Diệu Ái là những người đã mở rộng các lớp học tình thương ở chùa. Ảnh: Đăng Đức

Gần 20 năm qua, ngôi chùa làng ở Quảng Trị vẫn duy trì những lớp học miễn phí cho học sinh vào dịp hè. Các lớp học được mở ra giúp học sinh ôn lại kiến thức, lan tỏa tình yêu thương và tận hưởng những ngày hè ý nghĩa, bổ ích.

Đong đầy yêu thương

Mùa Hè này, chùa Lập Thạch (TP Đông Hà, Quảng Trị) tiếp tục tổ chức các lớp dạy miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, với các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa.

Dù mới ra thông báo chỉ vài ngày và triển khai dạy học buổi đầu tiên, nhưng đã có gần 200 em thuộc các lứa tuổi đến đăng ký học tập. Sân chùa Lập Thạch bao nhiêu năm nay được ví như “mái trường thân yêu” của học sinh trong vùng vào mỗi dịp hè.

Các lớp học thường bắt đầu từ khoảng 7 giờ 30 phút nhưng nhiều học sinh đã đến chùa từ sớm để vui chơi. Không gian yên tĩnh của chùa được thay bằng tiếng cười đùa vui nhộn của các em.

Theo Đại đức Thích Đạo Tri - trụ trì chùa Lập Thạch, khi hoàn thành chương trình học tại Đại học Sư phạm Huế vào năm 2013, thầy được giao trọng trách làm trụ trì tại chùa Lập Thạch. Tuy nhiên, những lớp học tình thương đã có từ 10 năm trước.

Về trụ trì chùa Lập Thạch, thầy Thích Đạo Tri tiếp tục duy trì việc dạy học tại chùa. Thầy tâm niệm, trẻ em là những mầm non tương lai nên cần được uốn nắn, giáo dục từ nhỏ. Những lớp học được tổ chức miễn phí để dạy cho những em có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh không có điều kiện cho đi học thêm.

Các em tham gia học đều nhận được tình yêu thương của thầy, cô giáo và phụ huynh. Để các em không bị mất đi những ngày hè ý nghĩa, nên lớp học cũng không nặng về kiến thức, mà tạo cơ hội cho các em vui chơi, rèn luyện.

“Đến lớp học, thầy cô chủ yếu ôn tập lại những kiến thức cũ để các em nắm vững, kiến thức nào thiếu hụt thì bù đắp. Hơn nữa, học sinh cũng được truyền thụ về đạo đức, học tính lễ phép, biết yêu thương cha mẹ, anh em, bạn bè... Trên lớp, các thầy cô và học sinh cũng trao đổi qua lại thân tình”, thầy Đạo Tri chia sẻ.

Mái nhà yêu thương của học sinh

Học sinh đăng ký học tại chùa Lập Thạch có nhiều hình thức. Những em nhà ở gần, sau khi học xong thì trở về nhà; một số em xa hơn thì ở lại bán trú. Những em nhà ở xa hơn 50km như huyện Hải Lăng, Hướng Hóa thì được chùa tạo điều kiện ở lại nội trú, được lo chu toàn từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, khi hết hè mới về nhà.

“Có những năm học sinh đăng ký học ở chùa rất đông, lên tới 400 - 500 em, số ở lại nội trú cũng gần 100. Đặc biệt, những em nội trú được tạo thuận lợi nhất, hỗ trợ trong vấn đề sinh hoạt, ăn uống.

Các em được học tập những kỹ năng sống cơ bản, biết đi chợ, quét nhà, nấu ăn, cắm hoa, tưới cây, giặt giũ, lau bàn ghế... Sau khi trở lại gia đình, các em có sự tiến bộ hơn không chỉ trong học tập, mà còn biết phụ giúp gia đình”, thầy Đạo Tri cho hay.

Ngoài ra, các em cũng được giáo dục các kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh rơi vào các tệ nạn xã hội, các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, phòng tránh tai nạn thương tích, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để tự bảo vệ bản thân.

Dưới mái chùa Lập Thạch, các em cũng được tham gia các hoạt động ngoại khóa, học môn thể thao như võ thuật, cờ vua rèn luyện sức khỏe, hứng thú trong học tập, tham gia các trò chơi dân gian…

Là một giáo viên nghỉ hưu, cũng là người tổ chức nên lớp học tình thương tại chùa Lập Thạch, cô Nguyễn Thị Diệu Ái cho biết, năm 2002, sau khi rời bục giảng cô trở về địa phương sinh sống.

Cô Ái thường tới sinh hoạt tại chùa Lập Thạch, nhận thấy con em người dân trong vùng khó khăn, không có điều kiện để đi học vào dịp hè. Do đó, năm 2007, cô Diệu Ái mở lớp học dạy miễn phí cho người dân và con em phật tử.

“Từ khi về đảm nhiệm công việc tại chùa, với trách nhiệm và tình yêu thương của người từng làm sư phạm, thầy Đạo Tri đã duy trì mở rộng các lớp học tình thương. Mỗi năm, các em đăng ký học rất đông. Sau 2 năm gián đoạn do dịch bệnh, lớp học tình thương mở lại từ năm ngoái, đến nay đã giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được tham gia học tập, vui chơi dịp hè”, cô Diệu Ái chia sẻ.

Gác lại công việc gia đình, cô giáo Vũ Thị Ngân đến dạy ở lớp tình thương. Ảnh: Đăng Đức

Gác lại công việc gia đình, cô giáo Vũ Thị Ngân đến dạy ở lớp tình thương. Ảnh: Đăng Đức

Góp sức dạy trẻ khó khăn

Nắm bắt thông tin về các lớp học tình thương ở chùa Lập Thạch, nhiều giáo viên đã không quản ngại khó khăn, đường xa vẫn thu xếp công việc để tình nguyện đến dạy miễn phí cho các em. Trong đó, có những giáo viên đã đồng hành, dạy miễn phí nhiều năm nay. Tình thương của các thầy, cô giáo đã lan tỏa đến các em học sinh, đến bạn bè đồng nghiệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1992, trú ở TP Đông Hà) cho biết, trước đây, cô cùng người thân đến chùa và biết được những lớp học miễn phí tại đây. Cảm nhận được tâm huyết, trách nhiệm của các anh chị đồng nghiệp, hai năm gần đây, cô Thảo đăng ký đứng lớp. Năm nay, cô Thảo đăng ký dạy Toán cho học sinh lớp 7.

Cô Thảo nói rằng, các em ở thành phố thì thuận tiện hơn, được tham gia các lớp học kỹ năng dịp hè. Trong khi đó, nhiều em học sinh ở các vùng xa trung tâm, do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện đi học.

Những lớp học miễn phí ở chùa vừa giúp các em vui chơi, vừa ôn tập lại kiến thức đã học. “Được đứng lớp dạy cho các em trong không gian yên tĩnh của chùa cũng khiến tâm mình thoải mái hơn. Đặc biệt, được góp sức cùng đồng nghiệp dạy cho các em học sinh khó khăn thì đó là việc làm ý nghĩa với bản thân tôi”, cô Thảo chia sẻ.

Gác lại công việc gia đình, cô Vũ Thị Ngân - Trường TH&THCS Trần Hữu Dực (huyện Triệu Phong) cũng thu xếp thời gian, dạy cho các em học sinh lớp 2 tại chùa. Cô Ngân nói rằng, tình cờ biết đến những lớp học tình thương ở chùa nên đăng ký tham gia dạy miễn phí cho các em.

Tham gia dạy ở chùa Lập Thạch còn có những giáo viên là vợ chồng. Đơn cử, 2 năm nay, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đình Cường - Trường Tiểu học Ba Nang (huyện Đakrông) đều thu xếp công việc để đến chùa dạy học.

Thầy Cường lấy vợ ở TP Đông Hà nên từng có vài lần qua lại, bén duyên với chùa Lập Thạch. Bao nhiêu năm công tác dạy học ở những địa bàn xa xôi thuộc huyện miền núi Đakrông, thầy đã chứng kiến những vất vả, nhọc nhằn của con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nơi đây.

Hai năm nay, thầy giáo Nguyễn Đình Cường và vợ đều tham gia dạy học tại chùa. Ảnh: Đăng Đức

Hai năm nay, thầy giáo Nguyễn Đình Cường và vợ đều tham gia dạy học tại chùa. Ảnh: Đăng Đức

Các em lớn lên trong khó khăn nhưng vẫn luôn khát khao đến trường học chữ. Vì vậy, khi thấy các thầy, cô giáo tình nguyện gác lại công việc của mình để lên lớp, thầy Cường cũng muốn góp phần sức mình, giúp học sinh củng cố kiến thức dịp hè.

Thầy Cường chia sẻ: “Dịp hè giáo viên cũng chỉ nghỉ được khoảng 2 tháng rồi phải quay lại trường, cũng có nhiều công việc gia đình. Nhưng biết về lớp học tình thương nên 2 năm nay cả hai vợ chồng đều thu xếp công việc, về đây dạy cho các em. Đứng lớp, bản thân tôi cũng thấy ý nghĩa hơn”.

Biết đến lớp học tình thương ở chùa Lập Thạch, năm nay, vợ chồng thầy cô (xin được giấu tên) dạy ở một trường THPT tại TP Đông Hà đã đăng ký về dạy học. Dạy ở lớp học tình thương, vợ chồng thầy cô này hướng dẫn cặn kẽ giúp học sinh nắm những kiến thức cơ bản.

Không khí học tập trở nên sôi nổi, cô trò cũng thân thiện hơn. Thầy chia sẻ, ai cũng có công việc của riêng mình, nhưng được góp chút công sức để lan tỏa yêu thương tới các em học sinh cũng là việc nên làm.

Nhà ở cách chùa hơn 5km, nhưng em Trần Gia Hân (học lớp 7, Trường THCS Nguyễn Du, TP Đông Hà) cũng được gia đình đăng ký theo học tại chùa dịp hè. Hân cho biết, được học tập và vui chơi với các bạn em thấy rất vui, thoải mái. Thầy, cô giáo cũng luôn yêu thương và hướng dẫn tận tình nên các bạn luôn thích thú.

Hào hứng tham gia lớp học hè, em Trương Văn Hoàng (học lớp 6) cho biết, đến đây em được học tập và vui chơi trong không gian yên tĩnh, bầu không khí đoàn kết, các bạn học yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Các em rời xa tivi, điện thoại, tránh những trò chơi nguy hiểm.

Lớp học tình thương tại chùa Lập Thạch đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Với tâm huyết của trụ trì và các thầy, cô giáo, không chỉ phụ huynh ở phường hoặc TP Đông Hà, mà phụ huynh các huyện lân cận cũng yên tâm gửi con em của mình đến học.

Từ khi mở rộng các lớp học tình thương, chùa Lập Thạch đã đón hơn 3.500 học sinh theo học vào dịp hè. Lúc đông nhất khoảng 500 học sinh, với khoảng 20 giáo viên. Nhiều học sinh từng học ở chùa hiện đang học các trường đại học thường hay ghé thăm chùa vào mỗi dịp hè.

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần

Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024

Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.

Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học

Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024

Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người

Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024

Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.

Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90

Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024

Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng. 

Xem thêm