Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Những nghiên cứu gây chấn động của Hoà thượng Thích Trí Siêu

Các dữ liệu nghiên cứu Phật giáo của HT Thích Trí Siêu, tức GS Lê Mạnh Thát, từng được nhà báo Hoàng Hải Vân viết và đăng trên báo Thanh Niên, gây xôn xao dư luận cách đây độ 10 năm. Chúng tôi xin tổng hợp lại bài viết này để Phật tử tham khảo.

Theo báo Thanh Niên: "Ông (tức HT Thích Trí Siêu - BTV) không chỉ là một thiền sư, là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...), ông còn là một người Việt Nam "nguyên chất" với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông".

Hoà thượng Thích Trí Siêu, tức GS Lê Mạnh Thát.

Hoà thượng Thích Trí Siêu, tức GS Lê Mạnh Thát.

Xin chép ở đây hai bài thơ chữ Hán: 

   Nhị bát giai nhân thích tú trì

   Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

   Khả liên vô hạn thương xuân ý

   Tận tại đình châm bất ngữ thì

(Tạm dịch nghĩa: Người đẹp mười sáu tuổi nhẹ tay thêu trên gấm

Dưới khóm hoa tử kinh con chim hoàng ly đang chuyền

Thật đáng thương nỗi lòng vô hạn đối với mùa xuân

Ngưng đọng nơi mũi kim, lặng lẽ không nói).

Đó là bài Xuân nhật tức sự, được học giả Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục và ghi là của thiền sư Huyền Quang thời nhà Trần (1254-1334). Từ đó nhiều thế hệ học giả đã dẫn giải, bình luận, coi là một kiệt tác thi ca chữ Hán của Việt Nam.

Trên Tạp chí Văn học số 1-1984, lần đầu tiên giáo sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra tài liệu chứng minh bài thơ trên không phải của thiền sư Huyền Quang mà của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc.

Một bài khác:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm

(Tạm dịch nghĩa: Chim nhạn bay dài qua không trung

Ảnh chìm dưới dòng sông lạnh

Nhạn không có ý để lại dấu tích

Sông không có lòng lưu lại bóng hình).

Bài thơ này cũng được cụ Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục,  ghi là của Hương Hải thiền sư thời nhà Lê. Nhưng trong công trình nghiên cứu rất công phu về thiền sư Hương Hải (Toàn tập Minh Châu Hương Hải), giáo sư Lê Mạnh Thát cũng đã “trả" bài thơ này lại cho tác giả thật của nó là thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài bên Trung Quốc thời Tống.

Giáo sư Lê Mạnh Thát còn liệt kê trong số 59 bài thơ được coi là của thiền sư Hương Hải do học trò của thiền sư chép trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, có đến 47 bài không phải của thiền sư. Từ đó, Lê Quý Đôn đã chép lại 43 bài trong Kiến văn tiểu lục, cả 43 bài đều của các thiền sư Trung Quốc. Ông đã chỉ rõ từng bài, là của ai, ở trong tài liệu nào, tờ số mấy.

Ông bảo sở dĩ có sai sót này là do Lê Quý Đôn chắc chắn không biết, tức không có dịp đọc các bộ chính sử Thiền tông Trung Quốc. "Hơn nữa, Lê Quý Đôn, với tư cách là một Phật tử, có thể đã quá tin tưởng vào bản in Hương Hải thiền sư ngữ lục, nghĩ rằng các thơ kệ và ngữ lục trong đó là đúng của Minh Châu Hương Hải, vì chúng đã được môn đồ của vị thiền sư này cho khắc in, nên đã không tiến hành kiểm tra, tìm hiểu và so sánh", ông viết.

Toàn tập Minh Châu Hương Hải là một trong rất nhiều công trình sử học của giáo sư Lê Mạnh Thát. Trong khi sưu tầm, đối chiếu, xác minh và giới thiệu những cống hiến quan trọng về lịch sử tư tưởng, văn học và Phật giáo Việt Nam của vị thiền sư lỗi lạc này, ông đồng thời đã cẩn trọng "trả lại cho người khác" những gì không phải của thiền sư, dù đó là những viên ngọc quý (như bài thơ nói trên). Đối với những nhân vật khác, ông cũng làm tương tự. Ông bảo những nhầm lẫn trong các công trình sử học kiểu đó không những không làm vinh dự thêm cho dân tộc mà còn rất tai hại, nó khiến cho người ta nghi ngờ chính những cống hiến quan trọng của các nhân vật lịch sử nước ta, đặc biệt khi các bậc thức giả nước ngoài tiếp cận những tài liệu này.

Dẫn ra chi tiết nhỏ trên đây để thấy sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát. Nhưng ngoài sự nghiêm cẩn, ông còn có một lợi thế tự nhiên khó có học giả nào có được. Là một thiền sư, ông đã đọc hết những bộ kinh sách đồ sộ như Đại tạng kinh và Tục tạng kinh chữ Hán, ông đọc trước hết là "để thưởng thức". Chính vì vậy mà chẳng hạn như đối với trường hợp hai bài thơ nói trên, ông đã biết đến khi đọc bộ sử thiền tông Trung Quốc (trong Tục tạng kinh), nên khi nghiên cứu về Huyền Quang và Hương Hải ông đã phát hiện ngay sự nhầm lẫn.

Lịch sử dân tộc bảo tồn trong kinh Phật

Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh này. Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn; Tăng Khương Hội, người dịch bản kinh đó, người mà sử sách cổ Trung Quốc coi là "bậc thánh hiền", là một người Việt Nam (ít nhất là sinh ra, lớn lên, học hành, theo đạo Phật, hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam). Bằng kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, ông đã truy tận gốc tất cả những tài liệu cổ xưa nhất có liên quan, tiến hành khảo sát, đối chiếu, giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác. Ông bảo tập kinh đó chứa đựng "một lượng bất bình thường" các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam.

Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Điều này hết sức có ý nghĩa, là vì truyền thuyết đó được ghi vào sử sách bắt đầu từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên. Truy lùi lại thì thấy chuyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quái. Truy nữa thì "bó tay", không biết nó xuất phát từ đâu, chỉ thấy nó liên quan tới truyện Liễu Nghi đời... Đường bên Trung Quốc. Từ trước tới nay mọi bàn cãi đều tập trung vào việc chấp nhận hay không truyền thuyết đó, mà chấp nhận hay phủ nhận nó không phải là vấn đề của lịch sử. Dân tộc nào cũng có truyền thuyết khởi nguyên, mà đã là truyền thuyết thì ít nhiều đều mang yếu tố hoang đường, nhưng đó là hồn thiêng dân tộc. Với Lục độ tập kinh, chúng ta đã truy ra thời điểm khởi nguồn của hồn thiêng dân tộc của mình.

Trong khi phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị liên quan đến An Dương Vương và Triệu Đà. Từ truyền thuyết trăm trứng nằm trong truyện 23 của Lục Độ tập kinh, ông đối chiếu với một dị bản bằng tiếng Phạn và lại phát hiện truyền thuyết An Dương Vương giống như câu chuyện về trận đánh quyết định trong anh hùng ca Mahàbhàrata giữa hai anh em Pandu và Duryodhana.

Đối chiếu với tất cả những gì được ghi trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và các tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc, ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi.

Ông cũng tiếp tục đối chiếu sử sách và khẳng định không những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương (vì làm gì có An Dương Vương mà đánh!) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm. Nước Nam Việt của Triệu Đà chưa bao giờ bao hàm nước ta trong đó cả. Có nghĩa là, cho đến năm 43 (sau dương lịch), trước khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta vẫn là một nước độc lập. Đó là triều đại Hùng Vương, là nhà nước Hùng Vương. Nhà nước đó đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học... Nhà nước đó, nền văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến "khai hóa" mà có. Nó có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để tiếp thu những gì là tinh hoa và để tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang. Nó có đủ sự nổi trội để đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là một trong những dẫn chứng sống động. Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước...

Đại Tạng Kinh là gì

Đại Tạng Kinh hay Tam Tạng Kinh Điển hay Tam Tạng Thánh Giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali, kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, do các yếu tố hoàn chỉnh, hệ thống và ảnh hưởng lịch sử mà các Đại Tạng Kinh Pali, Trung Hoa và Tây Tạng có giá trị vượt trội hơn. Cần để ý rằng trong cùng một loại Đại Tạng Kinh có những khác biệt trong mỗi ấn bản, chẳng hạn có những khác biệt trong Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Thái Lan so với Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Tích Lan.

Cũng vậy, tuy được xem là Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng có những khác biệt về nội dung giữa các ấn bản của Nhật, của Đại Hàn, của Trung Hoa vì khi tập thành đã dựa trên những ấn bản khác nhau trước đó của Đại Tạng Kinh Trung Hoa.

(TheoThanh Niên).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Giết rắn cả đàn, hậu họa khó lường

Nghiên cứu 10:30 28/04/2024

Trần Lạc Hạo mắc phải một căn bệnh kỳ quái. Không biết tại sao toàn thân đau nhức và mền nhũn như bún, không thể cử động hay tự sinh hoạt được. Các bác sĩ cho rằng đây là trường hợp lạ, lần đầu tiên họ gặp trong đời.

Trái tim bất tử - Kỳ 1: Đêm trước tự thiêu

Nghiên cứu 08:16 27/04/2024

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 11-6-1963 (20-4-Quý Mão), ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã bùng lên. Ngọn lửa thiêng đó còn soi đường chính nghĩa cho những ai yêu chuộng công lý và hòa bình.

Chuyện kể về thần chú

Nghiên cứu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Nghiên cứu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Xem thêm