Những nhà sư trụ trì chùa Thầy với văn chương, học thuật
Những trầm tích văn hóa gắn với chùa Thầy rất phong phú, chỉ riêng về lĩnh vực văn chương, nơi đây đã lưu dấu chân của bao tao nhân mặc khách. Có thể nói, những tài năng lớn về văn thơ của đất nước hầu như đều có mặt và lưu bút tại chùa Thầy.
> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt tại đây
Dễ nhận ra chùa Thầy (Sài Sơn - Quốc Oai - Hà Nội) là một danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử, di tích văn hóa và là một địa chỉ Phật giáo nổi tiếng. Chùa Thầy là vùng đất "Địa linh nhân kiệt".
Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu lớn, toàn diện và khoa học của các nhà chuyên môn, tôi muốn tập hợp những tư liệu khoa học từ những công trình lẻ tẻ, tin cậy ở các thư tịch và nghiên cứu của nhiều tác giả cùng hiểu biết nông cạn của mình, khảo cứu, chọn lọc viết về "Các nhà sư nhiều thế hệ trụ trì ở chùa Thầy với văn chương và học thuật".
Văn học sử Việt Nam đã ghi nhận và đánh giá cao nhiều thiền sư là những nhà thơ lớn của dân tộc. Ai cũng nhớ đến thiền sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Đạo Hạnh, Quảng Nghiêm, Huyền Quang... với những vai trò và ảnh hưởng to lớn của họ đối với các triều đại, xã hội, phật giáo và văn chương. Những nhà sư các thế hệ trụ trì ở chùa Thầy đây đó vẫn có những mạch nguồn truyền thống thơ ca, học thuật ở một địa phương cấp xã mà không phải nơi nào cũng có được.
1. Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh
Thánh tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì tại chùa Thiên Phúc (chùa Thầy - Sài Sơn). Khi đến trụ trì tại Thiên Phúc 6 năm thì đức Từ Đạo Hạnh cho xây chùa, đúc chuông sau khi đã quyên góp được hơn 2000 cân đồng đỏ. Bài "Thiên Phúc tự hồng chung minh văn" là do Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn văn ngày 9 tháng tám năm thứ 9 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa (tức ngày 5- 9- 1109) theo yêu cầu của đức Từ Đạo Hạnh. Vậy đức Thánh bắt đầu về trụ trì ở chùa này muộn nhất là năm 1103. Đức Thánh hoá năm 1116 (Theo Đại việt sử ký toàn thư), hoặc nâm 1117 (theo Thiền uyển tập anh).
Ngay từ khi còn trẻ chưa xuất gia, thiền sư đã tỏ ra thông minh và yêu chuộng nghệ thuật. Đức Từ Đạo Hạnh rất uyên thâm nhiều lĩnh vực nho, y, lý, số, vì vậy ngài vừa là thầy tu, thầy thuốc, thầy nghề, vừa là một nhà thơ. Các công trình nghiên cứu đều kết luận đức Từ Đạo Hạnh là thuỷ tổ của nghề Nghệ thuật múa rối nước.
Gần đây người ta cho rằng đức Từ Đạo Hạnh có thể còn là ông tổ nghệ thuật múa rối cạn(?): Năm 2012, làng nghề múa rối cạn ở Nam Hà đã có lễ về Chùa Thầy để tạ nhận cụ tổ. Đức Từ Đạo Hạnh còn dạy dân nghệ thuật chèo tuồng. "Phật học của đức thánh Từ Đạo Hạnh rất uyên bác, thâm hậu, ngộ được lý mầu của Phật tổ".
Thơ của đức Từ Đạo Hạnh chứa đựng nhiều triết lý của đạo Phật. Người ta thấy những khái niệm Chân Tâm, ở đâu, như thế nào; Không - Hữu, tồn tại, không tồn tại; Chân Lý và sự giác ngộ; Sinh - Tử, Luân Hồi...và...trong các bài kệ, bài thơ của thánh tổ.
Bài kệ của đức Từ Đạo Hạnh cùng các bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Quảng Nghiêm, Huyền Quang... là những bài thơ nổi tiếng, đặc sắc chiếm một vị trí xứng đáng trong văn học sử Việt Nam.
Không hữu
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thuỷ nguyệt
Vật trước hữu không không.
(Dịch nghĩa theo "Thơ văn Lý Trần": Bảo có thì hạt cát, mảy bụi đều có, cho là không thì hết thảy đều không. Có và không như ánh trăng dưới nước. Đừng có bám hẳn vào cái có, và cũng đừng cho cái không là không)
Bài thơ nghệ thuật cao và có sức triết lý lớn của phật giáo. Bài kệ nổi tiếng này có không ít người ở các thế hệ khác nhau đã dịch ra quốc ngữ.
Đại Thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử ). Tương truyền có bản dịch:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vừng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chi có có không không mơ màng
Sau này còn một số bản dịch khác, ví như:
Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không
Có không trăng đáy nước
Đừng mắc có cùng không
(Thích Thanh Từ dịch)
Có thì có mảy may
Không thì cả vũ trụ này cũng không
Có không bóng nguyệt dòng sông cả hai tuy vậy chẳng không chút nào
(Nguyễn Lang dịch - theo Đào Nguyên "ghi nhận về hình ảnh ngôi chùa Thầy trong văn học Việt nam")
Trong các bài thơ của Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh có hai bài kệ nổi tiếng khác, đó là bài Thất châu và bài Thị tịch:
"Nhật nguyệt tại nham đầu
Nhân nhân tận thất châu,
Phú ông hữu câu tử
Bộ hành bất kỵ câu "
Dịch nghĩa rút trong "Thơ văn Lý Trần": Mặt trời, mặt trăng kế nhau mọc trên đầu núi. Trên cõi đời này người nào người ấy đều đánh mất hạt ngọc của mình. Như anh nhà giàu có con ngựa hay lại đi bộ mà không cưỡi ngựa.
Dịch thơ:
"Nhật nguyệt tại non đầu
Người người tự mất châu
kẻ giàu sẵn ngựa mạnh,
Bộ hành chẳng ngồi xe".
(Bản dịch của Hoà thượng Thanh Từ rút trong "Thiền sư Việt Nam" theo "Danh thắng chùa Thầy" của Thượng toạ Thích Viên Thành):
Bài kệ thứ hai: Thị Tịch
Thu lai bất báo nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi,
Vị báo muôn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ tác kim sư.
Dịch nghĩa theo "Thơ văn Lý Trần":
Mùa thu về không báo tin cho chim nhạn cùng về.
Đáng cười người đời cứ nảy sinh buồn thương trước cái chết .
Khuyên các môn đệ chớ có vì ta mà quyến luyến,
Thầy xưa đã bao nhiêu lần hoá thân làm thầy nay.
Dịch thơ: (Bản dịch của Ngô Tất Tố)
"Thu về chẳng báo nhạn theo bay,
Cười nhạt người đời uổng xót vay
Thôi hỡi môn đồ đừng quyến luyến,
Thầy xưa mấy lượt hoá Thầy nay".
Bài viết chỉ tổng hợp và chọn lọc những chi tiết có thể kết luận là có thật về đức Từ Đạo Hạnh. Gạt đi những sương khói huyền thoại, chúng ta không có nhiều tư liệu hơn về Đức Thánh nhưng những điều biết về Đức Từ Đạo Hạnh, một cao tăng có thật đã trụ trì ở Chùa Thầy đủ kết luận ngài là một tăng quan, một vị tổ sư phái Mật tông, một thầy thuốc, một thầy nghề và đặc biệt là một nhà thơ lớn, học thuật sâu sắc thời Lý. Cùng với công lao xây dựng chùa và công đức của Đức Từ đạo Hạnh, ngài đã được công nhận là Đức Thánh tổ sư ở Chùa Thầy.
2. Đại sa môn Huệ Hưng
Không có nhiều tư liệu chi tiết về vị sư này, song có thể chắc chắn rằng; Ông tu tại chùa Thiên Phúc cùng thời gian và nhiều khả năng ông là đệ tử của đức Từ Đạo Hạnh. Đại Sa môn Huệ Hưng là tác giả của bài văn "Thiên Phúc tự hồng chung minh văn" trên chuông đồng soạn theo yêu cầu của đức Từ Đạo Hạnh. Chuông được đúc sau 6 năm Đức Thánh trụ trì ở Thiên Phúc. Ở cuối bài văn trên chuông có đề: "Ngày 9 tháng 8 năm Kỉ Sửu, niên hiệu Long Phù nguyên niên (1109) đúc chuông. Đại sa môn áo tía chùa Thiên Phúc Huệ Hưng soạn."
Đại Sa Môn mặc áo tía có nghĩa là một tăng quan. Điều đò chứng tỏ Huệ Hưng và đặc biệt Đức Từ Đạo Hạnh có uy tín và vai trò cao ảnh hưởng to lớn trong triều đình nhà Lý. Cũng chứng tỏ phật giáo tuy chưa phải là quốc đạo song đã được nhà Lý hết sức coi trọng.
Bài văn trên chuông mà Huệ Hưng soạn là tài liệu cùng thời với thánh tổ Từ Đạo Hạnh còn lại đến nay. Chuông được đúc năm 1109, sau đó đến năm 1789 bị phá để đúc tiền. Rất may bài văn này đã được đưa vào tác phẩm ''Kim văn loại tự''. Đây là tài liệu tin cậy nhất để chúng ta biết những gì có thể về con người thật của Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh ngoài những lớp sương khói huyền thoại về Người. Ngoài tài liệu này, chúng ta có thể tìm tư liệu bổ sung ở nhiều tài liệu giá trị khác nhưng phải xếp sau nó như "Thiền uyển tập anh", ''Việt Điện U Linh'', ''Lĩnh Nam Chích Quái'', '' Đại Việt Sử Ký Toàn Thư''... bởi nhiều yếu tố tồn nghi, huyền thoại.
Bài văn chuông của Huệ Hưng giúp ta có được những tư liệu quan trọng chứa đựng nhiều thông tin tin cậy nhất về thánh tổ Từ Đạo Hạnh và việc xây dựng chùa Thiên Phúc đến nay còn lưu giữ được.
Đây là đoạn văn trích trong bài văn chuông mô tả khung cảnh Sài Sơn Phật Tích: ''Qua một dòng sông, thấy một ngọn núi xanh, men đá mà bước lạc tục trần, vịn dây mà thân lên thượng giới, Ngọn núi ấy sừng sững như Lăng Già bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào khám Phật tròn bằng đá.
Mây ngũ sằc vần vụ, ngọc thất châu buông rèm. Lưới nhện đan xen, áo tơi rực rỡ. Bên dưới núi còn dấu thờ Phật, ở giữa có đài nghê nguy nga. Dấu Phật đó, ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài; đài nghê đó, tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh. Há đây giống phòng nghi trượng, mà chính là ngọn Thứu Phong vậy. Ngày xưa, có bậc ẩn sĩ công đức dựng nên, đâu phải là sự tạo tác khác thường của bậc thần linh vậy'' (Dẫn theo Nguyễn Thị Dung - Trường Phong, bản dịch lấy trong ''Văn bia thời Lý'' Nguyễn Văn Thịnh chủ trì, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H 2010,tr 95- 112).
Còn đây là đoạn văn tả việc xây dựng chùa:" Bèn sai thợ giỏi, chọn đất trung tâm. Dựng điện ngọc sáng rực bốn phương, đặt tượng vàng nghiêm trang chiếu toả. Mọi người truyền lời đó, rừng tiếng vút cao. Trong chốc lát, các thiện nan, nữ tín kéo về; chẳng mấy ngày mà cảnh chùa đã hiện rõ. Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh. Dấu mực thước dọc ngang,tiếng búa rìu chan chát. Nguy nga viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông cho lối dẫn mát lành; vun hoa để cảnh quan thơm mát"
(Dẫn theo Nguyễn Thị Dung - Trường Phong, bản dịch lấy trong ''Văn bia thời Lý'' Nguyễn Văn Thịnh chủ trì, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H 2010,tr 95- 112).
3. Sơn Tăng Như Tùng
Nhà sư có tên là Thông Thi (người Sài Sơn vẫn thường gọi là sư Mậu ), hiệu là Như Tùng, người Cổ Nhuề, sinh năm 1900 và viên tịch ngày 24-3- 1945. Sơn Tăng Như Tùng trụ trì chùa Đính Sơn (còn gọi lá Hiển Thuỵ Am) và chùa Một Mái (Bối Am Tự) Chùa Thầy, vào khoảng những năm thập kỷ 30 thế kỷ 20. Chính nhà sư Như Tùng đã dùng chữ Nôm thảo một bức điệp phổ khuyến khách thập phương góp công tôn tạo thắng tích Sài Sơn. Bài khải này đã đền tay cử nhân Hoàng Thúc Hội người làng Yên Quyết (còn gọi là làng Cót-Từ Liêm) , ông đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ 1906 niên hiệu Thành Thái thứ 18 triều Nguyễn song không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Cử nhân Hoàng Thúc Hội cảm động, có về Đa Phúc- Sài Sơn dạy học chữ Hán và giúp đỡ Như Tùng san định lại các tác phẩm của ông.
Năm 1930, nhà sư Như Tùng cho ra tác phẩm khắc gỗ "Sài Sơn thi lục" tập hợp các tác phẩm thơ phú của lịch đại danh gia các nhà khoa bảng viết về Chùa Thầy và núi Sài Sơn.
Năm 1940, nhà sư Như Tùng cho ra tác phẩm "Sài Sơn Từ thần tăng thực lục" gọi tắt là "Sài Sơn thực lục" ghi chép về vị thần tăng họ Từ ở Sài Sơn. Cả hai tác phẩm trên, tác giả chính là Như Tùng mà biên tập là Hoàng Thúc Hội. Ngoài ra, nhà sư Như Tùng đã kể và cung cấp tư liệu giúp cử nhân Hoàng Thúc Hội ghi "Truyền đăng bi ký" tóm tắt hành trạng của hai vị tổ sư trước Như Tùng trụ trì Đính Sơn Tự, đó là nhà sư Lan Hương trụ trì 3 năm (1897-1900) và nhà sư Tâm Minh trụ trì 6 năm (1900-1906) cả hai sau khi thị tịch đều được xây tháp tại chùa.
Có thể nói Như Tùng và Hoàng Thúc Hội là đồng tác giả của hai tác phẩm " Sài Sơn thi lục", "Sài Sơn thực lục" mà Như Tùng là tác giả chính. Đây là hai tác phẩm có nhiều tư liệu quý về Chùa Thầy.
Theo Đại Đức Thích Minh Đạo hiện trụ trì Đính Sơn Tự và Đại Đức Thích Minh Hà hiện trụ trì Bối Am Tự (chùa Một Mái) thì nhà sư Như Tùng rất giỏi Hán Nôm. Đại đức Thích Minh Đạo cho biết đôi câu đối trước cổng chân nùi lên chùa Đính Sơn (Chùa Cao) tác giả chính là Như Tùng:
Đăng cao tự ti nhất bộ tiến nhất bộ.
Vô vãng bất phục cá quan hựu cá quan
Dịch theo "Non nước Chùa Thầy" của HT Thích Viên Thành:
Muốn lên trên cao thì phải đi từ dưới thấp, mỗi bước lại tiến thêm một bước.
Không có sự ra đi nào mà không trở lại, cổng này đến cổng kia.
Đại Đức Thích Minh Hà cũng cho biết đôi câu đối chữ Nôm ở cổng Trắng (đường từ Thụy Khuê vào chùa Bối Am) là của tác giả Như Tùng:
Xây trụ chia non xanh không ba đường ác.
Trồng hoa ngăn bụi đỏ có một cửa từ.
và:
Trời đất đứng riêng quyền khép mở
Nước non ngăn rộng lối tu hành
Cả hai câu đối trên đều được cụ Nguyễn Huy Vỹ, một cụ túc nho làng Thuỵ Khuê cùng Đại đức Hà trực tiếp đọc và ghi lại.
Theo Thượng tọa Thích Viên Thành và Đại Đức Hà cho biết Nhà sư Như Tùng còn là tác giả của câu đối:
"Thiên địa do y thiên địa cựu
Thảo hoa kim dị thảo hoa tiền"
Như Tùng tự dịch:
"Trời đất vẫn nguyên trời đất cũ
Cỏ hoa nay khác cỏ hoa xưa"
Tôi được Đại đức Thích Minh Đạo dẫn tới Tam Bảo Đính Sơn Thiền Tự. Hiện trong tam bảo có bức đại tự "Thiên Phúc Đính Tự" hai bên có đôi câu đối của cử nhân Hoàng Thúc Hội:
Dục tú chung linh thử hữu sùng sơn đường Thứu Lĩnh
Ly trần nhập giác khả ư nghiệt hải thiếp kình ba
(Núi hun sông đúc nên anh tú, nơi đây có núi cao sánh cùng non Thứu/ Lìa bụi trần vào cõi giác, làm lắng sóng kình trong bể khổ - Thượng Toạ Thích Trường Xuân dịch)
Hai bên bức đại tự nói trên là hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng còn lưu giữ hai bài thơ chữ Nôm của Sơn Tăng - Như Tùng đề năm 1941 (Bảo Đại Tân Tỵ niên). Đại đức Đạo đã trực tiếp đọc.
Bức thứ nhất tán dương Đức Thánh Tổ
Sinh hoá hai ba kiếp
Non nước bốn ngàn thu
Khí thiêng trên động bích
Còn tưởng dấu thanh tu
Sơn Tăng bái đề
Bảo Đại Tân Tỵ niên
Bài thứ hai tán dương cảnh chùa Thầy
Trên trời cùng dưới đất
Không đâu được như Phật
Thiên hạ danh thắng nhiều
Sơn Tây đây đệ nhất
Sơn Tăng bái đề
Bảo Đại Tân Tỵ niên
4. Thượng tọa Thích Viên Thành (1950 - 2002)
Thượng tọa Thích Viên Thành, thế danh là Phùng Xuân Đào, pháp danh là Nguyệt Trí; sinh ngày 15 -7 -1950, quê ở Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Xuất gia từ năm 12 tuổi.
Năm 1984 Hoà Thượng trụ trì chùa Thiên Phúc (Chùa Thầy). Đã tốt nghiệp trường cao cấp Phật Học Việt Nam khoá I Quán Sứ. Nguyên uỷ viên thường trực hội đồng trị sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt nam, Phó ban Giáo Hội Tăng Ni TVVGHPG Việt Nam. Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tây khoá XIII. Hoà Thượng Thích Viên Thành viên tịch ngày 31-5- 2002 (Tức 20-4 Nhâm Ngọ)
Tác phẩm chính (20 tác phẩm).
- Đại bi Nghi quỹ
- Chuẩn đề Nghi Quỹ
- Lục độ Ta Ra
- Du già Nghi Quỹ
- Lục đạo tập
- Truy môn Cảnh Huấn
- Bút ký bên cửa trúc
- Khoá lễ Phổ Môn
- Lược sử các tôn giáo Phật Học
- Xuân thu lễ tụng
- Giới phạm võng
- Chùa Hương ngày nay
- Truyện Phật Bà Chùa Hương
- Quan Âm Thị Kính
- Bầu trời cảnh bụt
- Kỷ niệm chùa Hương
- Nguyệt trí văn tập
- Thuyền môn thi ký
- Danh thắng Chùa Thầy.
Với tư chất thông minh và năng khiếu thơ ca cùng nguyện ước gắn đời mình với tu hành Phật giáo, ngay từ năm 12 tuổi Thượng tọa Thích Viên Thành đã làm thơ. Kể từ khi xuất gia, cùng với phật sự, Hoằng dương Phật pháp, Thượng tọa Thích Viên Thành thường xuyên làm thơ. Thơ của Thượng tọa giàu triết lý phật giáo, đầy tuệ giác, cảm xúc dạt dào, tứ thơ sâu sắc.
Thơ của Thượng tọa như nhật ký tu hành ghi lại quá trình bền bỉ quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để giác ngộ và đi đến chân lý của Phật. Trong thơ có cốt cách của tăng nhân và tâm hồn của thi sĩ. Trái tim của Thượng tọa rung lên, hoà nhập với thiên nhiên, chia sẻ nỗi niềm với chúng sinh và hướng về cõi phật. Thơ Đường luật của Thượng tọa Thích Viên Thành tài hoa, sâu sắc, niêm luật đối rất chỉnh chu.
Không những sáng tác thơ, Thượng tọa Thích Viên Thành còn dịch thơ. Các dịch phẩm thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương kế,"Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền Sư là những ví dụ ("Cáo tật thị chúng"' là đề bài thơ do sau này Lê Quý Đôn đặt). Thượng tọa Thích Viên Thành cũng nhận xét đánh giá dịch phẩm của Huyền Quang và Ngô Tất Tố đối với thơ của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh.
Theo Thượng tọa, câu cuối trong bài dịch "không hữu" của Huyền Quang (tương truyền dịch giả là Huyền Quang, vị sư tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm) chưa thoát ý: Thượng tọa nhận xét: "Theo triết lý không của Bồ Tát Long Thụ thì mọi sự vật trong hiện tượng giới đều là nhân duyên sinh, không có thực thể, do đó không thể nói là không, bởi vì nó vừa là màn che, vừa là dấu hiệu, qua đó chúng ta tìm tới thực tại. Cũng như ánh trăng dưới nước, tuy không phải là mặt trăng thật nhưng là dấu hiệu qua đó chúng ta tìm ra mặt trăng thật.
Vì vậy chấp có hay chấp không đều sai. Câu 4 trong bản dịch thơ dùng chữ mơ màng có thể gây hiểu lầm. Phật tử không được có thái độ mơ màng đối với sự vật mà phải có cái nhìn thật sự cầu thị, không chấp hữu cũng như không chấp không, đều có đạo lý minh bạch chứ không có cái gì là mơ màng hết".
Trường hợp bài "Thị Tịch", bản dịch của Ngô Tất Tố cũng được Thượng tọa nhận xét đánh giá: "Chỉ có câu đầu theo tôi là dịch đúng ý của tác giả. Ý tác giả là mùa thu về chim nhạn cũng bay về, cũng như thọ mệnh hết thì con người cũng bay về, tức chết. Báo hay không báo cũng vậy mà thôi".
Dưới đây xin trích giới thiệu một số bài thơ và dịch thơ của Thượng tọa Thích Viên Thành
Tạm biệt chú đi tu (Trích)
"Chú ơi ơn nghỉa cháu không quên
Nguyện chứng Chân Như sẽ báo đền
Chú ở lại nhà xây tổ nghiệp
Cháu đi cầu pháp cứu oan khiên
Kẻ vun cội Đức cho tươi tốt
Người đắp nền Nhân thật vững bền
Chú cứ yên tâm đừng có ngại
Cháu thề cố gắng quyết tu lên"
Tháng 1/1962
Tạm biệt quê hương ( trích)
"Sáng nay hàng xóm tiễn chân đi
Nhìn lại quê hương biết nói gì
Vầng ác chưa lên còn tối đất
Bụi hồng chửa bợn tấm thanh y"
Tháng 6/1962
Nguyện I
Thắp trước Phật đài một nén hương
Rì rầm nguyện dưới bóng từ lương
Hữu tình tăm tối thề giong đuốc
Hàm thức mê man quyết dẫn đường
Biến cõi trầm luân thành tịnh độ
Bắc cằu hành nguyện tới tây phương
Dù gian khó không lùi bước
Khoác áo Như Lai để tự cường.
II
Đã vì chân lý tới am mây
Còn có lo gì đắng với cay
Sắt thép bền tâm thề giữ đạo
Đá vàng vững chí nguyện ăn chay
Gió to sóng cả từng quen thuộc
Nắng lửa mưa tro đã dạn dày
Nhẫn nhục độ sinh theo gót phật
Làm cho biển phúc được chan đầy.
Tháng 3/1965
Vịnh cây thông
Sống mấy trăm năm một cuộc đời
Mặc ai sầu héo vẫn vui tươi
Tuy thân đã dạn dày sương gió
Vẫn đứng hiên ngang tận đỉnh đồi .
Tháng 2/1966
Dịch thơ Thiền Sư Mãn Giác
Xuân đi hoa rụng tả tơi
Xuân về hoa lại khoe tươi đầy cành
Sự đời trước mắt qua nhanh
Cái già đã đổi tóc xanh trên đầu
Nhưng đừng tưởng hết xuân đâu
Đêm qua trước gió phô mầu bông mai .
Tháng 11/1968
Phong kiều Dạ Bạc
(dịch thơ Đường)
Trăng lặn quạ kêu sông nhuộm sương
Lửa chài gây bén giấc sầu vương
Thuyền ai ghé bến Cô Tô đậu
Trong viện Hàn Sơn vắng tiếng chuông .
Tháng 11/1968
Gặp các Nho Sĩ Già
(Tặng nhóm nho sĩ Mai Lâm)
Từ lúc tôi vào Hương Tích tu
Được giao đón tiếp khách xuân du
Mới hay biển học nhiều thi bá
Càng rõ rừng nho lắm trượng phu
Nhân hiếu sáng ngời nền Khổng, Mạnh
Trung hoà rạng rỡ cửa Trinh , Chu
Nhà cổ vẫn còn người chống giữ
Hẳn còn truyền lại đến ngàn thu .
Tháng 6/1969
5. Thượng toạ Thích Trường Xuân
Thượng toạ có pháp danh Thích Trường Xuân, Sinh 13 -12 -1970, Tại Sơn Ninh, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội, Xuất gia năm 1985 tại Chùa Thầy, (Trụ trì chùa Long Đẩu ), Thụ giới Thanh Văn năm 1992 chùa Văn Quán, đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội - Khoa ngữ văn và là cử nhân Phật học
Thượng toạ đã từng là uỷ viên thường trực kiêm trưởng ban hướng dẫn Phật tử nhiều khoá, là giảng viên trường trung cấp Phật học Hà Nội khoá 2, 3, 4, 6. Thượng toạ Thích Trường Xuân đã có nhiều công lao xây dựng, tôn tạo môi trường cảnh quan thắng tích, chăm sóc sinh linh. Thượng toạ đã qua lớp đào tạo ngắn hạn trình độ đạo diễn sự kiện lễ hội, lại có nhiều hiểu biết và khả năng trình diễn nghệ thuật cheò, thơ nên đã tổ chức hoặc giúp đỡ tổ chức lễ hội, văn nghệ, văn học nghệ thuật, thơ ca quê hương Chùa Thầy rất tốt. Thượng toạ rất quảng giao; thường xuyên tiếp kiến với Hội nhà văn, nhiều nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng. Đặc biệt năm 2012 Thượng toạ tổ chức thành công và có tiếng vang giao lưu thơ với các nhà thơ quốc tế Châu Á Thái Bình Dương tại chùa Long Đẩu.
Thượng toạ Thích Trường Xuân sáng tác nhỉều thể loại thơ, văn xuôi, nghiên cứu. Các tác phẩm của Thượng Toạ được đăng in trên các báo và tạp chí ở Trung ương, chuyên ngành và địa phương.
Năm 2013 - Thượng toạ Thích Trường Xuân là tác giả bài thơ "Những tiếng Chuông Hồng" được đọc mở đầu cho Ngày Thơ Việt Nam - Nguyên Tiêu 2013 tại Văn Miếu Hà Nội do chính Thượng toạ tự trình bày, có ấn tượng và sức lay động lớn. Thơ của Thượng toạ Thích Trường Xuân giàu hình ảnh gợi cảm, nhiều nhạc tính, dạt dào cảm xúc, tình yêu quê hương đất nước, yêu cảnh vât thiên nhiên và con người; Một tình yêu rất quảng đại, nhân văn và đậm dấu ấn, phong cách tu hành, Phật giáo.
Tài liệu tham khảo:
- "Chùa Thầy và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh qua di văn Hán Nôm thời Lý Trần"- Nguyễn Thị Dung - Trường Phong.
- " Tài liệu Hán Nôm về Chùa Thầy"- PGS TS Đinh Khắc Thuần. Viện nghiên cứu Hán Nôm.
- "Chùa Thầy Vi diệu"- Hoà thượng Thích Giác Toàn.
- "Thánh tổ Từ Đạo Hạnh trong bối cảnh Phật giáo triều Lý xứ Đoài"- PGS TS Nguyễn Hữu Sơn.Viện văn học
- "Chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh"- Hoà thượng Thích Gia Quang.
- "Thiền sư Từ Đạo Hạnh và văn khắc chuông chùa Thiên Phúc"- Nguyễn Hữu Vinh dịch và giới thiệu, Thích Thiện Niệm đính chính.
- "Thuyền môn thi ký"- HT Thích Viên Thành
- "Danh thắng chùa Thầy"- Thích Viên Thành.
- "Tiểu sử Hoà Thượng Thích Viên Thành"- Thích Minh Hiển.
- "Ký ức về Hoà Thượng viện chủ Chùa Hương với thiện nguyện giáo dục tăng ni Phật tử"- HT Thích Thanh Ân
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm