Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Những phút chạnh lòng trước ngày giỗ mẹ

Chỉ là ngày giỗ bình thường như bao ngày giỗ khác của mọi người. Nhưng tôi, với những bạn bè bên cạnh tôi hiện nay, đó là những giây phút chạnh lòng bên mớ hành tranh và cũng là của cải trên suốt quảng đường đời hơn nữa đời người sống và cống hiến cho đạo pháp. Dù chỉ là tờ giấy, cây viết nhưng đó là gia sản to lớn chắt chiu có được mỗi khi chợt giựt mình ngồi suy tư nhìn lại. 

Nhân ngày giỗ lần thứ 7 (13/02/Kỷ Sửu - 13/02/Đinh Dậu) 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có gì làm điều kiện chắp cánh mỗi ước mơ, đặc biệt không có nguồn phước báu lớn lao là đã sẵn một bóng mát Phật pháp bao trùm, có chăng chỉ là một bà ngoại già, tần tảo, chỉ biết đi chùa và đọc kinh. Nhưng từ cửa ngõ eo hẹp đó đưa đôi chân của tôi đã bước qua và trưởng thành theo năm tháng với những ước mơ tạo lập nền móng phước báu cho gia đình, cho bản thân trong môi trường sinh hoạt các đoàn thể thanh niên Phật giáo trong Tổng Vụ Thanh Niên. Quá đơn côi và quá tự tin như thế.

Gia đình và ngay cả xã hội chung quanh tôi lúc ấy chưa có mặn mà đến Phật pháp, một từ "chùa" thôi cũng đã là xa lạ lắm. Nhưng khi tôi xách áo tràng đi chùa, sau lưng có không ít tiếng cười chế nhạo. Lớn hơn chút đỉnh tôi mặc vào mình những màu áo đoàn thể thanh niên Phật giáo sặc sở, tiếng cười nhạc có bớt đi nhưng vẫn còn đó một thế giới lạc lõng chung quanh mình. Vậy đó mà ông bà cha mẹ tôi chưa bao giờ ngăn cản hay đả kích việc tôi đi chùa, thậm chí không đòi hỏi phải học cho cao hay đi việc làm kiếm tiền về phụ giúp gia đình đang ngày càng khốn khó, những đòi hỏi rất hợp lý của phần đông gia đình chung quanh nơi tôi ở.

Dường như đó là tiêu chí bắt buộc và là lý tưởng của họ dành cho con cái vì sự giàu có và học vị cao đối với họ mới là thước đo phẩm chất và địa vị. Ba má tôi không có như vậy. Thậm chí sau năm 75, khi chủ trương đi "vùng kinh tế mới" đang có sức mạnh áp đảo xã hội, nhất là đối với những gia đình đông con và nghèo khó như gia đình tôi, thì bà và ba má tôi đã nghĩ tới phương án "thoát nghèo" theo kiểu vội vả, cập rập đó. Khi đó tôi tuy 21 tuổi những đã là một đoàn trưởng của một tập thể thanh thiếu niên Phật giáo thuộc học sinh phật tử vụ, đoàn tôi mang tên Mục Kiền Liên.

Vùng kinh tế mới Bàu Bàng (thuộc huyện Tân Uyên, Sông Bè, Bình Dương bây giờ) là điểm mà phần đông bà con chòm xóm gia đình tôi được chỉ định phải đến. Không biết đường sá xa xa xôi cỡ nào và xe cộ ra sao nhưng khi ba má đặt vần đề với tôi, tuy không nói ra rằng dù đã giải phóng nhưng con vẫn còn trách nhiệm với đoàn học sinh phật tử, một số anh em vì nhiều lý do khác nhau đã quay lưng hay ra đi về nơi xa lắm, ba má tôi nói rằng - một câu nói mà suốt đời tôi không quên được: "Cứ đi đi, cuối tuần về sinh hoạt một lần để giữ đoàn" !.

Lưu ý, ba má tôi lúc này chưa biết đến chùa là gì. Vấn đề như vậy coi như đã quyết định. Thế nhưng không rõ chư Long Thần Hộ Pháp tác động như thế nào mà "mơ ước" đi xây dựng vùng kinh tế mới của gia đình tôi bỗng trở nên im lặng khi có mấy vị "hộ pháp" là "cán bộ Việt Cộng" đến tận gia đình cho tôi và chị tôi vào làm cơ quan nhà nước. Từ đó tiếp tục sống dù khoai lang, khoai mì hay bo bo cầm cự cho qua ngày đoạn tháng. Cho đến khi vài năm sau đó những bà con đi kinh tế mới lần lượt trở về nền nhà cũ, ba má tôi mới hú hồn hú vía nói hai chữ "may mà..."! (Ba má tôi tới lúc này cũng chưa biết Long Thần Hộ Pháp là cái ông chi chi đâu).

Trong hoàn cảnh và điều kiện kém phước duyên ấy của gia đình mình, cho đến tận hôm nay, khi bắt gặp hình ảnh hai cha con đạo hữu Minh Pháp và con trai là Ngọc Lâm cùng nhau thành kính tụng kinh trước bàn thờ Phật gia đình mà lòng tôi xúc động lạ. Đó là hình ảnh rất đẹp và là lý tưởng của con nhà Phật nói chung và của gia đình tôi nói riêng. Ao ước ấy vẫn biết bao giờ tàn phai!

Rồi đoàn học sinh phật tử của anh em chúng tôi cũng phải giải thể theo xu hướng chung. Anh em mỗi người một ngã tự tìm đất sống và ngày càng xa dần nẻo đường đã chọn. Tôi thì cố gắng trong hoàn cảnh riêng của mình vừa hoạt động nghệ thuật, vừa cộng tác với đài phát thanh truyền hình hầu có một số vốn kinh nghiệm tích lũy để mai sau quay về phụng sự phật pháp.

Khi chính thức đứng hẳn phía đạo pháp trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, thì phía bên nhà nước muốn tẩy chay và đẩy dần tôi ra khỏi cuộc chơi vì lúc đó chưa có chính sách cởi mở hay nhận thức đúng về Phật giáo. Tôi chấp nhận tất cả vì đó chính là ước nguyện của mình trước chư Long Thần Hộ Pháp - những vị đã níu tay tôi bao lần qua. Nhưng tưởng ở nơi mà mình đã buông bỏ tất cả để quay về này sẽ trân trọng bảo vệ mình nhưng một lần nữa tôi bị đánh rơi ra ngoài một cách trắng trợn, không thua gì một cuộc thương - ghét trần tục thô thiển thường gặp ở bến xe, chợ búa. Đau ở đây vì không phải bị gạt bỏ mà là vì hình ảnh thanh cao mà tôi và gia đình rất trân trọng, lại mang hư danh "văn hóa Phật giáo" và nhiều - rất nhiều kẻ cơ hội có "mề đay" hãnh diện gắn trên ngực "cán bộ văn hóa Phật giáo" !

Ngày ba tôi nằm xuống vì lao lực quá nhiều cho đàn con, đó là giai đoạn bo bo là lương thực chính yếu, gạo thóc là cao lương, ba tôi không để lại gì ngoài hai bộ quần áo cũ te tua liệm chung vào chiếc "hòm quốc doanh" vuông vức lạ lẫm, hai tháng nhu yếu phẩm của tôi và chị được mua trước để lo cho tang lễ hẩm hiu của ba tôi.

Má tôi còn sống tiếp đến những tháng ngày, đã biết đi chùa, đọc kinh sành sỏi và ăn chay định kỳ đôi ba ngày một tháng. Sống để chứng kiến những vị xuất gia tôi thường hay ca ngợi, xem họ ứng xử làm văn hóa Phật giáo như thế nào mà con mình phải tận tụy cả đời thế kia, đến nỗi buông tay ra chỉ là màu trắng, nhưng ngán ngẩm và bẻ bàng nhất là những "cán bộ văn hóa Phật giáo" hay những cái gọi là "nhạc sĩ Phật giáo" họ đã để lại trong mắt má tôi cái nhìn mất hết thiện cảm. Bà chỉ thốt lên theo khả năng nhận thức hạn hữu của mình rằng " ... Là vậy đó hả ?" .

Tôi không có phước duyên to lớn như một vài vị xuất gia quen biết và thân cận, mỗi lần được các vị ấy mời "lên rẫy" chơi hay lên "nông trại" riêng chơi; mỗi lần như thế tôi nhìn thấy cơ ngơi các vị này tạo lập một góc riêng rất khang trang dành cho hai đấng sinh thành gọi là "để báo hiếu" mà lòng thầm ngưỡng mộ. Tôi nào có chi đâu ngoài tờ giấy và cây viết, nhưng mỗi khi hoàn thành được một công trình gì, dù không to tát, tôi đều hồi hướng tất cả công đức về cho bà, ba má tôi, đáp đền phần nào sự hy sinh to lớn ấy của họ đã sinh tôi ra, nuôi nấng và thả tự do cho tôi bay trong vòm trời đạo pháp mênh mông, vô biên. Chỉ tiếc rằng mình chưa đủ phước báu để bay vượt qua những "cảnh giới" trần tục này để thấy khác hơn, đẹp hơn cho lòng nhẹ nhàng, cho hương linh những người thân yêu của tôi có thể thanh thản mà rằng "Nó đã sống và cống hiến không sai".

Đó là lý do mỗi khi đám giỗ ba má tôi, anh em trong nhà nhất định phải mời thỉnh Chư tăng và phật tử quen biết đến nhà hộ niệm, bất kể Nam hay Bắc tông hoặc khuất sĩ. Có khi nhờ bạn bè mời thỉnh vì tôi có rất ít mối giao thiệp với Chư tăng xuất gia. Làm tất cả những gì có thể làm để bù đắp lại những thiếu thốn lẽ ra bà và ba má mình phải được nhận thọ. Cảm ơn quý Chư tăng và các đạo hữu đã vì mối thân tình này mà lâu nay đến tận nhà hộ niệm, góp lời kinh cầu siêu cho hương linh những người thân yêu nhất của tôi.

Không chỉ riêng bà và ba má tôi, những công đức mà khi sinh thời họ tạo lập trong vô tình hay hữu ý cho mình hay cho những người thân của mình, đó là thứ năng lượng quý giá giúp vượt thoát những nghiệp dĩ trong mai sau và xa xôi nữa. Như một con tàu vũ trụ được phóng lên không gian với đầy đủ trong mình những thứ năng lượng cần thiết để tự bay đi, bay xa và bay mãi, cho đến khi nào hết nhiên liệu, hết phúc báu, sẽ tự rơi giữa khoảng không gian vô biên một cách tự do và thanh thản.

Giác Đạo - Dương Kinh Thành
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ân sâu nghĩa nặng

Phật giáo thường thức 15:59 20/04/2024

Có một thứ ân sâu nghĩa nặng mà ngôn từ chẳng làm sao với tới được. Bởi lẽ ở đó, không có sự cho đi và đòi lại, tất cả đều trôi chảy hồn nhiên, không có gì ngưng đọng để người cho và kẻ nhận phải lưỡng lự ngập ngừng, tính toan do dự.

Hãy trân quý cơ hội được nghe pháp!

Phật giáo thường thức 14:46 20/04/2024

Pháp là cách thức, là con đường hay phương pháp, đạo lý để khai mở sự mê mờ của tâm thức và có khả năng chuyển hóa khổ đau đến an lạc, giải thoát Niết-bàn. Pháp vị là vị giải thoát nên pháp nào không có công năng đưa đến an lạc giải thoát thì đó không phải là giáo pháp của Đức Phật.

Hàng ngày người Phật tử tu tập sao cho đúng

Phật giáo thường thức 13:20 20/04/2024

Hiện nay có nhiều cư sĩ Phật tử đi chùa tu tập, niệm Phật ngồi thiền nghe pháp, cảm thấy vơi bớt khổ não, tâm được an lạc thì muốn vào chùa tu luôn, không muốn về nhà, bỏ bê công việc, lơ là trách nhiệm với gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái...tạo ra dư luận không đẹp cho Phật giáo.

“Phước đức” và “công đức” khác nhau như thế nào?

Phật giáo thường thức 12:30 20/04/2024

Điều nghi đầu tiên là khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, đến yết kiến vua Lương Võ Đế, Vua liền hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?

Xem thêm