Ni trưởng Thích Nữ Như Đức: Phải hiểu được mình là người xuất gia “tâm hình dị tục”
Dù sống ở môi trường nào, hình thức nào, dùng phương tiện sinh hoạt gì, cùng phải biết được chúng ta là người xuất gia “tâm hình dị tục”.
Cách đây 10 năm, khi thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ “Tính thích ứng của Tăng Ni sinh trong đời sống tu học tại đô thị”, chúng tôi có dịp đến phỏng vấn, thỉnh ý Ni Trưởng Thích Nữ Như Đức – Giảng viên môn Luật Học, Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM (từ 2005 trở về trước), Trụ trì chùa Dược Sư (Q. Bình Thạnh) , về khả năng thích ứng của Ni chúng với các phương tiện sống hiện đại tại TP.HCM.
Ni trưởng đã chia sẻ thẳng thắn, chân tình về vấn đề trên. Chúng tôi đã ghi lại và trích đăng cuộc trò chuyện này, xin gửi đến quý Tăng ni, thiện hữu tri thức gần xa.
PV: Kính thưa Ni trưởng, theo Ni trưởng thi đời sống tu học của chư Ni hiện nay có khác nhiều so với thời kỳ tu học của Ni trưởng trước kia không (giai đoạn trước năm 1986)?
- Bây giờ, chư Ni có điều kiện tu học tốt hơn thời chúng tôi rất nhiều, và quan niệm tu học của các em cũng khác. Ngày xưa, chúng tôi thường quan niệm đơn giản đi học là học để tu, học để được kiến thức để áp dụng trong đời sống tu tập của mình chứ không phải đi học để được bằng cấp này nọ. Nhưng hiện nay, tôi thấy một số vị Ni trẻ không phải vậy. Mục đích học tập của họ là học để lấy hết bằng này đến bằng khác, học nhiều nhưng lại dành quá ít thời gian cho việc tập trung nghiên cứu, thực hành và chuyển hóa, cho nên dễ dẫn đến chấp ngã, hành xử thiếu chuẩn mực làm ảnh hướng đến đời sống tập thể, Ni bộ.
PV: Theo Ni trưởng có thể cho biết một số tác nhân làm ảnh hưởng đến hành vi, quan niệm sống như thế không?
- Thật sự, nếu chúng ta quan sát kỹ thì cũng có thể dễ dàng nhận ra có 2 tác nhân chính ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi, quan niệm học tập, tu hành của chư Ni hiện nay, đó là tác nhân bên ngoài (xã hội) và tác nhân bên trong (đời sống tự viện, bản thân cá nhân).
Khi xác định rõ được 2 tác nhân ảnh hưởng này, theo chúng tôi, khi phát hiện người đệ tử, Ni chúng trong chùa mình gặp phải vấn đề lệch lạc như vậy trong đời sống thiền môn, chúng ta cũng không nên đổ dồn hết mọi lỗi lầm và quy trách nhiêm cho bản thân của các em ấy, và cũng đừng quá khắt khe, trách cứ nhiều quá về những việc đã xảy ra. Vì đời sống xã hội mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều phát triển khác nhau, nên Tăng ni trẻ họ cũng phải tùy duyên mà để thích ứng với môi trường sống, có khi những hành vi, quan niệm tu tập của họ bị người khác xem đó là sai lầm, lệch chuẩn.
Chúng tôi thường nói, người tu chúng ta cũng là con người đấy thôi, nhiều khi chúng ta hay trách này trách nọ với nhau. Đứng từ góc độ lãnh đạo, trụ trì, quản chúng, nếu chúng ta chịu khó đi tìm tác nhân tiêu cực làm thay đổi đời sống của đệ tử, ni chúng của mình, thì chúng ta có cách nhìn khoan dung hơn, không nên đổ hết trách nhiệm lên bản thân của các em ấy nữa.
Chúng ta cũng thừa hiểu, đạo và đời không thể tách rời nhau, một khi kinh tế, xã hội phát triển thì các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng kéo theo (có mặt tích cực và tiêu cực). Cho nên, chúng ta muốn điều chỉnh hành vi ứng xử, hay quan niệm tu học của chư Ni theo đúng quan điểm truyền thống thì phải hiểu rõ hết những mối quan hệ nhân quả của các tác nhân bên trong và bên ngoài, rồi mới tìm được tiếng nói chung trong đời sống tu tập, và đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp.
PV: Hiện nay, đời sống tu học của Ni chúng ở đây có gi thay đổi so với trước kia không ạ?
- Thời chúng tôi ở với quý sư bà tại Ni trường Dược Sư này, cuộc sống, mọi thứ đều khá đơn giản. Chúng tôi đâu có đi xe hon-da nổ đùng đùng như vậy đâu, bây giờ, mỗi người một chiếc; còn nữa ngày xưa đâu có dùng điện thoại, vi tính, mạng móc (Internet) gì đâu… mà bây giờ có đủ thứ hết. Đó là một sự thay đổi rõ rệt nhất, mà thế hệ chúng tôi ban đầu cũng rất bối rồi, nhưng dần dần phải đối diện, tiếp nhận và tìm giải pháp giáo dục ni chúng cho phù hợp đó thôi.
Trước kia, ở đây, tất cả Ni chúng đều dùng điện thoại bàn cho việc nghe và gọi. Nhưng khi công nghệ thông tin phát triển, chiếc điện thoại cầm tay ra đời thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Có một số vị trong chúng bắt đầu có điện thoại riêng. Tôi còn nhớ lúc đó, khi phát hiện vị nào trong chúng sử dụng điện thoại cầm tay là bị khiển trách ngay, và dứt khoát không cho dùng. Thậm chí, ban đêm, chúng tôi đi kiểm tra các phòng, đơn, nếu thấy đơn nào có đèn sáng khi dùng điện thoại nhắn tin thì sẽ tịch thu (nhưng khi xử lý xong rồi trả lại).
Về sau, khi thấy được tiện ích của chiếc điện thoại cầm tay phục vụ liên lạc cho một tập thể đông mấy trăm con người nhanh gọn, nên tôi chấp nhận cho sử dụng nhưng luôn nhắc nhở : “Các con phải sử dụng đúng chỗ, đúng thời, không nên để xảy ra những việc không tốt, mọi người sẽ đánh giá người tu mình.”
Trên thực tế là vầy, khi mới có điện thoại cầm tay ra đời, ai cũng thích cái tiện lợi của nó. Nhưng khi trải qua thời gian, tôi quan sát và phát hiện, các vị ấy dùng điện thoại nhưng hà tiện lắm, khi có việc mới dám điện, chứ “điện không không” cho ai đó thì sợ tốn tiền, điều đó cho thấy các “huỷnh” (cách xưng hô với quy sư cô trong chùa) cũng ý thức được việc dùng điện thoại khi cần thiết.
Chúng tôi nghĩ rằng, một khi có phương tiện vật chất hiện đại xuất hiện, đời sống con người ta sẽ ít nhiều thay đổi theo những chiều hướng, cấp độ khác nhau? Nên vấn đề ở đây, chúng ta là những người tu hành cần phải đối diện và tiếp nhận những điều đã và đang diễn ra trên thế giới này, mà thể hiện rõ nhất là những thành tựu khoa học kỹ thuật. Đối với các thiết bị công nghệ hiện đại, chúng ta cần phải hướng chư Ni trẻ tiếp cận, sử dụng nó ở mức độ nào. Định hướng cho các em ý thức được những thiết bị nghe nhìn (điện thoại, máy tính, máy tính bảng, máy ảnh, MP3, MP4) … có tầm ảnh hưởng ra sao trong đời sống tu học của từng cá nhân, từ đó sẽ hướng dẫn học Ni sử dụng các phương tiện sống hiện đại đúng với mục đích tu học.
Trước đó, thật lòng mà nói là tôi không đồng ý cho chư Ni trong chùa này dùng máy vi tính đâu, nhưng do nhu cầu học tập của các “huỷnh” ấy, cũng như liên quan đến nhu cầu công việc Phật sự nên phải dùng thôi. Nhưng lúc nào tôi củng kè kè quan tâm nhắc nhở: “Các con dùng vi tính làm sao cho đúng việc và nhu cầu công việc, không thôi nó chính là tác nhân dẫn đến những phiền toái sau này.”
PV: Vậy vai trò của việc quản lý, giáo dục Ni chúng và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu ra sao, xin Ni trưởng trao đổi thêm?
- Ở chùa đây, khi chúng tôi tiếp nhận Ni chúng tu học thường phải có giấy giới thiệu và có sự gửi gấm đàng hoàng từ thầy tổ. Nếu trong quá trình gửi đệ tử nhập chúng có sự xuất hiện của thầy Bổn sư càng làm cho chúng tôi tin tưởng hơn, biết được gốc gác của vị học Ni đó ở đâu, thầy Tổ ra sao.
Chúng tôi cũng thường nhắc nhở, sau khi nhập chúng, các em cần phải hòa hợp, tinh tấn, không quá giải đãi, không nên tham, sân, si. Có chuyện gì không ổn thì phải hòa hợp giải quyết với nhau, còn giải quyết không được nữa thì phải trình với quý sư bà, quý ban quản chúng. Và khi có vị nào phạm lỗi liên quan đến tập thể, giá trị nhân cách của người xuất gia, chúng tôi bắt buộc phải nêu tên tại Quá đường để đại chúng biết việc sai lầm của vị đó, đồng thời để các vị khác tự răng mình không sai phạm giống như vậy. Nếu có phạm lỗi thì phải sám hối trước chúng bằng cách lạy quá đường (Tùy theo mức độ phạm lỗi, nếu nhẹ thì lạy một buổi, hai buổi, ba buổi; nếu phạm lỗi nặng là lạy một tháng. )
Hơn nữa, việc đi lại cũng được chúng tôi quan tâm và sắp xếp một cách linh hoạt. Hồi xưa, trong một tháng, chúng tôi chỉ được ra ngoài một đến hai lần, nhưng khi đi ra ngoài phải có “giấy xuất ngoại”. Còn bây giờ, các em muốn đi có việc Phật sự, nếu thấy hợp lý và có mục đích rõ ràng thì chúng tôi cũng đồng ý cho đi. Nhưng lưu ý khi đi, phải xin phép trước và nói thật nơi đến, và mấy giờ trở về (Nếu thấy không hợp lý tôi sẽ không đồng ý và dùng cách khuyên bảo.)
Thiệt ra, tôi ở đây từ năm 1959, đến năm 2000 sư bà Như Hòa viên tịch, huynh đệ chúng tôi đảm đang công việc tiếp theo của người tiền nhiệm để lại. Chùa Dược Sư trước kia là Ni trường, nên đời sống ni chúng ở đây luôn lấy tinh thần tập thể làm trọng. Chúng tôi và các huynh đệ đồng học của tôi tự nhũ với nhau rằng, khi nhận chúng thì mình phải có trách nhiệm, giáo dục và lo cho các em tới nơi tới chốn để các em an tâm, vững bước tu tốt và học tốt. Với ý thức trách nhiệm đó, sẽ làm cho các em thay đổi tư duy, quan niệm sống quen theo kiểu một thầy một trò để hòa mình với đại chúng, thích ứng nhanh với đời sống tu tập tại đô thị.
Thiết nghĩ, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của yếu tố kinh tế, xã hội , văn hóa, xã hội như hiện nay, đời sống tu học của chư Ni hẳn nhiên sẽ có một số điểm khác nhau với thế hệ với chúng tôi, nhưng đó chỉ là thay đổi về phương thức sống, thể hiện về mặt hình thức bên ngoài. Còn cái cốt lõi về đời sống nội tâm, về oai nghi ứng xử theo quy cũ thiền môn thì chúng tôi và các em vần phải tiếp tục kế thừa gìn giữ, giáo dục và học tập lẫn nhau.
PV: Còn về gìn giữ các giá trị truyền thống trong đời sống thiền môn thì sao?
- Muốn giữ được các giá trị truyền thống Phật giáo, đứng góc độ người trụ trì, quản chúng thì tôi cho rằng, dù ở thời nào, dù là người xuất gia lớn tuổi hay trẻ tuổi chúng ta đều phải biết tuân thủ đời sống thiền môn, giữ gìn giới luật theo lời Phật dạy, phải luôn có ý thức và trách nhiệm cao với ý nguyện xuất gia tu tập của mình. Vì vậy, có những thứ mình thay đổi để cập nhật theo thời đại nhằm đưa Phật pháp đến gần thế gian hơn, song chúng ta cũng phải chọn lọc và nhất quán với Ni chúng cần phải giữ lại nề nếp thiền môn, chứ cái gì cũng cách tân, cái gì cũng thay đổi, làm quá thì sẽ có lỗi với chư vị Tổ sư, những bậc tiền nhân nghìn năm giữ đạo.
PV: Ngoài những chia sẻ chân thành trên, Ni Trưởng còn có nhắn nhủ gì thêm nữa các vị tu sĩ trẻ không ạ?
- Ni Trưởng Thích Nữ Như Đức: Trong cuộc sống, những việc tưởng chừng như đơn giản như đôi dép đang mang, chiếc xe hon-da đang chạy hàng ngày cũng cần phải để ý. Vì khi chánh niệm quan sát như vậy thì khi quyết định trong khi mua, chọn lựa và dùng nó, chúng ta sẽ ý thức hơn và tìm được những thứ phù hợp với hình thức và vai trò người xuất gia của mình.
Chúng tôi thường nhắc nhau, dù sống ở môi trường nào, hình thức nào, dùng phương tiện sinh hoạt gì, cùng phải biết được chúng ta là người xuất gia “tâm hình dị tục”. Từ đó mà quyết tâm, kiên định từ bỏ những tư duy lệch lạc, phiến diện về tinh thần nhập thế nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân. Có như vậy Phật pháp mới hưng thịnh và cửu trụ lâu dài.
PV: Trân trọng tri ân Ni trưởng!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Chân dung từ bi 08:05 19/10/2024Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Xem thêm