Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 17/07/2020, 11:13 AM

Niềm tin tôn giáo trong đời sống Phật tử

Niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo thể hiện ở bốn khía cạnh: Niềm tin vào đức Phật; Niềm tin vào giáo lý; Niềm tin vào Tăng đoàn; Niềm tin vào khả năng bản thân.

Giới luật – tìm lại niềm tin nơi Phật tử

Niềm tin là yếu tố không thể thiếu trong đời sống, bất kỳ sự thành công nào của con người thì niềm tin đều đóng vai trò rất quan trọng. Trong đời sống tu tập của tín đồ Phật giáo cũng vậy, niềm tin tôn giáo được xem là cửa ngõ vào đạo, là phương tiện giúp cho con người đoạn trừ tham sân si, hướng đến sự an lạc, giác ngộ và giải thoát. Vì thế, nó có khả năng chi phối nhận thức, quy định thái độ và định hướng, điều chỉnh hành vi, tạo động lực giúp tín đồ quyết tâm tu học đến mục đích cuối cùng.

Niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo thể hiện ở bốn khía cạnh: Niềm tin vào đức Phật; Niềm tin vào giáo lý; Niềm tin vào Tăng đoàn; Niềm tin vào khả năng bản thân.

Niềm tin đối với đức Phật

Đức Phật là nhân vật có thật trong lịch sử, người đã đạt được giác ngộ và hướng dẫn con đường giác độ đó cho chúng sinh. Nhờ đức Phật mở đạo mà tín đồ rõ thấu được Kinh, Luật, Luận và dễ bề tu học. Đức Phật là nhân vật duy nhất trong lịch sử các tôn giáo tuyên bố mình không đại diện cho Chúa trời, Thượng đế, thần linh hay một đấng sáng tạo, thế lực siêu nhiên nào cả. Cho nên trong Phật giáo, nếu tin đức Phật là những thế lực đó thì gọi là tà kiến, sai lầm. Tuy nhiên, cuộc đời và những lời giáo huấn của đức Phật vô cùng kỳ diệu nên người đời sau đã xem Ngài như một đấng thiêng liêng, tối cao trong trái tim họ (thậm chí là tối cao nhất trong tất cả các thần linh), đặc biệt là trong những lúc họ yếu đuối, nguy nan, khủng hoảng nhất.

Ngài không hứa hẹn sự ban ơn hay giáng họa với bất kỳ ai, ngược lại, ngài đề cao vị trí con người là tối thượng và cho rằng không một đấng siêu nhiên hay thế lực quyền năng nào có thể phán xét, định đoạt vận mệnh con người.

Vì hiểu về đức Phật nên tín đồ có niềm tin Ngài là bậc thầy tối cao của sự thanh tịnh, trí tuệ và lòng từ bi; là người xứng đáng để họ nương tựa; là người có thể hướng dẫn cho họ con đường thực tập hướng đến an vui, hạnh phúc mà tối hậu là giác ngộ, giải thoát. Đồng thời, họ dành cho Ngài một tình cảm thiêng liêng, một lòng tôn kính và ngưỡng mộ như một người cha hiền cao thượng. Họ luôn ca ngợi công hạnh và bảo vệ hình ảnh của Ngài. Từ niềm tin vào đức Phật, tín đồ phát nguyện Quy y Tam bảo, thỉnh tượng Phật thờ tại gia đình để hàng ngày chiêm ngưỡng, lễ bái. Họ học hỏi đức hạnh, thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài để mong muốn có được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và một ngày nào đó cũng đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát như Ngài.

Tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc-So-thang-7.2017-Niem-tin-ton-giao-trong-doi-song-phat-tu-1

Niệm Phật phải đặt trọn niềm tin vào lời Phật dạy

Niềm tin vào giáo lý

Giáo lý của đạo Phật được xem là pháp bảo đối với tín đồ Phật giáo. Sở dĩ xem như Pháp bảo vì đây là những lời chỉ dạy quý báu của đức Phật có giá trị lớn lao giúp tín đồ chuyển hóa tham, sân, si, giải thoát khổ đau đạt được Niết Bàn, an lạc, hạnh phúc. Giáo lý đạo Phật về tổng thể gồm: Kinh (những chỉ dạy của đức Phật), Luật (những Giới luật áp dụng cho tăng, ni và tín đồ), Luận (những luận bàn, giảng giải về Kinh và Luật). Về chi tiết có thể kể ra như: Tứ Diệu đế, vô thường, vô ngã, duyên sinh, 37 phẩm trợ đạo, nhân quả nghiệp báo, luân hồi,… Về nội dung, đề cập đến khổ và phương pháp diệt khổ. Nhờ giáo lý của Phật mà tăng, ni và tín đồ có thể tu tập Giới luật, thiền định, trí tuệ để giác ngộ (trí tuệ) và giải thoát (tự do và hạnh phúc).

Vì tin vào giáo lý nên tín đồ học hỏi giáo lý, đọc tụng kinh sách, nghe chư tăng giảng dạy Phật pháp để nâng cao nhận thức, biết đường lối tu tập chân chính. Ngoài ra, họ còn ấn tống kinh sách, băng đĩa; hướng dẫn, khích lệ gia đình, người thân và bạn bè cùng nhau tìm hiểu, học hỏi và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày; họ hết lòng bảo vệ giáo lý trước những lời xuyên tạc của người khác.

Niềm tin vào Tăng đoàn

Tăng đoàn được xem một trong ba ngôi báu quý giá đối với tín đồ Phật giáo; là tổ chức của những tu sĩ đã xuất gia trở thành tăng, ni, đệ tử thánh thiện của đức Phật. Nhờ chư tăng tiếp nối, truyền thừa và soi sáng đạo lý nhiệm màu của đức Phật mà tín đồ mới có cơ hội biết đến giáo lý để thực hành. Tăng đoàn giúp tín đồ điều chỉnh nhận thức và hành vi sao cho phù hợp với những gì đức Phật đã dạy.

Tín đồ luôn đặt niềm tin, sự kính trọng vào Tăng đoàn, xem đó là tấm gương mẫu mực về việc thực tập bát chính đạo chuyển hóa tà nghiệp. Vì thế, họ cung kính, hết lòng thành thật với chư tăng; học hỏi Phật pháp và sống theo những điều chỉ dẫn của chư tăng; chia sẻ và xin lời tư vấn đối với các việc trọng đại của gia đình; phản bác lại những ai vu khống các tu sĩ và Giáo hội Phật giáo. Bên cạnh đó, để gieo trồng phước đức với Tam bảo tín đồ thường dâng cúng (tiền bạc, công sức và vật dụng) để góp phần hộ trì Tam bảo và giúp chư tăng có điều kiện tu học, làm việc Phật pháp tốt hơn. Đây được xem là bổn phận của phật tử đối với Tăng đoàn.

Nhờ tin hiểu Phật pháp mà tín đồ tìm thấy ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống.

Nhờ tin hiểu Phật pháp mà tín đồ tìm thấy ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống.

Hai thai nhi được cứu sống nhờ trì tụng kinh Địa Tạng và niềm tin Phật pháp nhiệm màu

Niềm tin vào bản thân

Niềm tin vào bản thân là cần thiết nhất đối với mỗi tín đồ. Nó không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống, lòng yêu thương con người, niềm hi vọng vào những gì tốt đẹp nhất mà còn là nền tảng của mọi thành công. Trong Phật giáo, niềm tin này thể hiện trên hai khía cạnh:

Một là, tin mình có khả năng tạo ra đời sống vật chất, tinh thần đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội mà không lệ thuộc về bất kì lực lượng siêu nhiên nào. Trong đạo Phật, con người được đặt vào vị trí cao nhất với đầy đủ khả năng và quyền quyết định số phận, vì thế con người phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình theo luật nhân quả. Cho nên, thay vì cung phụng tâng bốc một thế lực siêu nhiên để cầu xin an lạc, hạnh phúc; tín đồ đặt trọn niềm tin nơi ý chí, nghị lực, sự tinh tấn của mình để không ngừng học tập, làm việc, cải thiện bản thân theo tinh thần bát chính đạo (thấy nhìn đúng đắn, suy nghĩ đúng đắn, nói lời chân chính, hành động đúng đắn, lối sống đúng đắn, nỗ lực đúng, nhớ nghĩ đúng, giữa tâm an trụ đúng đắn).

Hai là, tin mình có khả năng giác ngộ tức thay đổi hoặc chuyển hóa những hành động xấu ác trở thành những hành động thiện lành, tốt đẹp, có lợi ích cho mình cho mọi người trong hiện tại cũng như tương lai. Vì sao tin như vậy, vì “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” [1]. Có thể hiểu Phật tính như là một năng lực giác ngộ tiềm tàng sẵn có nơi mỗi người, nhưng không phải tự nhiên có thể nhận thấy được mà cần phải quyết tâm tu tập mới có thể đạt đến sự giác ngộ, tức là thấy được Phật tính và thành Phật.

Khi đã có niềm tin vào chính mình, tín đồ thực tập đời sống trong sạch, lành mạnh, cao thượng. Họ phát nguyện Quy y Tam bảo, giữ gìn năm điều giới: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện. Họ lựa chọn nghề nghiệp lương thiện để mưu sinh, tạo ra của cải vật chất bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Bên cạnh việc giữ giới, tín đồ học hỏi giáo lý, thực tập lòng từ bi diệt trừ tâm ích kỷ, bỏn xẻn, mở rộng lòng thương, bố thí, cúng dường, ăn chay, niệm Phật, tham thiền, phóng sinh, làm các việc phước thiện xã hội,… để tạo nhân duyên, phước đức tốt đẹp hằng mang đến an vui, hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và tiến dần trên lộ trình giác ngộ, giải thoát ở tương lai.

Tóm lại, bốn mặt biểu hiện niềm tin này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, tác động qua lại và quy định lẫn nhau tạo thành niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo. Niềm tin vào Tam bảo (đức Phật, giáo lý, Tăng đoàn) giúp tín đồ kiên định lập trường, không lay chuyển, phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất mà Phật đã dạy để đạt được mục tiêu an lạc hạnh phúc.

Khi các niềm tin trên đã hình thành nơi tín đồ, nó sẽ tác động và chi phối đến đời sống tâm tư, tình cảm, thế giới quan, hành động của tín đồ theo phương hướng nhất định nhằm phù hợp với chủ trương, tôn chỉ đạo Phật. Cụ thể, các niềm tin đó định hướng và chi phối đời sống tâm lý tín đồ Phật giáo như sau:

– Nhờ tin hiểu Phật pháp mà tín đồ tìm thấy ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống. Phật giáo không chỉ là chỗ dựa tinh thần, không chỉ là nguyên tắc đạo đức để sống tốt, Phật giáo còn là hệ thống triết lý về nhân sinh, vũ trụ mà đức Phật đã chỉ dạy trong hơn 45 năm thuyết pháp. Giữa dòng đời biến động và đầy sóng gió hiểu quy luật vạn vật và thực hành Phật pháp giúp tín đồ có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Từ đó, thực tập buông xả, hóa giải những tâm trạng tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, tham lam, ích kỷ để đạt được cảm giác bình an, hạnh phúc, lạc quan, yêu đời.

Niềm tin tôn giáo còn giúp tín đồ thay đổi một số sinh hoạt như hạn chế sát sinh, bói toán,..

Niềm tin tôn giáo còn giúp tín đồ thay đổi một số sinh hoạt như hạn chế sát sinh, bói toán,..

Đạo đức người thầy trụ trì – niềm tin Phật tử

– Nhờ hiểu được cách thức thiết lập niềm tin theo lời Phật dạy mà tín đồ trước khi tin tưởng và làm bất kỳ điều gì phải kiểm chứng. Một tín đồ thuần thành trước khi làm việc gì, hay tin vào việc gì đều phải tìm hiểu vấn đề đó có giúp ích gì cho cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội không, nếu có ích lợi thì đó là việc cần phải làm và cần được tin tưởng. Ngược lại, nếu nó không giúp ích gì cho bản thân, còn cản trở cho công việc hàng ngày, gây phiền não cho gia đình và xã hội, thì đó là việc mà phật tử không nên làm, không nên tin tưởng. Điều này giúp tín đồ rèn luyện và nêu cao ý thức, trách nhiệm, bổn phận đối với bản thân, gia đình, xã hội trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động của mình.

– Nói đến Phật giáo là nói đến tâm từ bi. Từ bi là một cách sống đẹp, cao thượng và không vị kỷ. Nhờ tiếp nhận tâm từ bi trong đạo Phật mà tín đồ biết cảm thông trước nỗi khổ niềm vui của mọi người, mọi loài; xem sự vui khổ của người như vui khổ của mình. Từ đó, họ dễ dàng tha thứ cho các lỗi lầm của người khác, đồng thời gắn kết các mối quan hệ trong xã hội, thực hiện nếp sống chan hòa, đoàn kết, chung vui sớt khổ với mọi người trên tinh thần vô ngã, vị tha. Có thể nói, từ bi là nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, rất có ích cho việc duy trì đạo đức xã hội hiện nay.

– Niềm tin vào giáo lý giúp tín đồ giữ vững tâm bước đi trên con đường trung đạo. Trung đạo tức là phương pháp thực hành đem lại an vui, hạnh phúc bằng sự dung hòa giữa đời sống tinh thần và vật chất (ngày nay người ta gọi đó là phát triển xã hội bền vững). Hiểu được tư tưởng trung đạo tín đồ đề cao đời sống hài hòa giữa tinh thần và vật chất. Họ vẫn luôn hướng đến một đời sống vật chất đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn, nhưng có sự dung hòa với đời sống tinh thần để tâm được thanh thản, an lạc; không bị lôi cuốn vào những trạng thái vì quá đam mê vật chất mà bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức, luân lý, sức khỏe, hạnh phúc gia đình,…

– Nhờ tin vào bản thân, tín đồ hiểu rằng khổ đau hay hạnh phúc là do chính mình tạo ra bằng suy nghĩ, hành vi thiện hay bất thiện. Ngoài mình ra, không một ai hay một thần linh nào có khả năng đưa mình lên thiên đường hay đặt mình xuống địa ngục. Niềm tin đó giúp tín đồ tự tin hơn vào ý chí, nghị lực của mình; nêu cao tinh thần giáo lý nhân quả. Vững tin thực hiện các dự định, theo đuổi các ước mơ và mạnh dạn từ bỏ các thói quen, tật xấu để hoàn thiện nhân cách, làm sao cho mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.

– Sự tin tưởng vào khả năng giác ngộ, vào tâm Phật sẵn có nơi mỗi con người là một niềm tin tạo ra động lực rất lớn trên con đường tu tập của tín đồ. Mặc dù biết rằng đạt đến quả vị Phật là một hành trình gian nan, khó nhọc, lâu dài; nhưng nếu có thể tin chắc rằng mình sẵn có tâm Phật, sẵn có khả năng giác ngộ cũng giống như đức Phật thì quyết tâm tu tập sẽ mạnh mẽ, kiên cố và không thể thối chuyển.

– Ngoài ra, niềm tin tôn giáo còn giúp tín đồ thay đổi một số sinh hoạt như hạn chế sát sinh, bói toán,.. thực hiện ăn chay, niệm Phật, từ thiện… Họ cũng ý thức hơn bổn phận của mình đối với quê hương, đất nước, các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc. Họ yêu đạo gắn liền với yêu quê hương, đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phật giáo với dân tộc Việt Nam như hình với bóng, tuy hai mà một”.

Sự tin tưởng vào khả năng giác ngộ, vào tâm Phật sẵn có nơi mỗi con người là một niềm tin tạo ra động lực rất lớn trên con đường tu tập của tín đồ.

Sự tin tưởng vào khả năng giác ngộ, vào tâm Phật sẵn có nơi mỗi con người là một niềm tin tạo ra động lực rất lớn trên con đường tu tập của tín đồ.

Niềm tin trong cuộc sống

Từ nỗ lực chuyển hóa thân tâm bằng niềm tin chính tín, vững chắc vào Tam bảo, bản thân hằng mang lại nhiều lợi lạc cho mình và cho mọi người. Niềm tin tôn giáo là yếu tố thiêng liêng trong trái tim mỗi người phật tử, hơn thế, niềm tin ấy còn phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật nhằm xây dựng một cuộc sống bình an, một gia đình hạnh phúc, một xã hội hòa bình, phát triển trên căn bản tình thương và sự hiểu biết. Những trình bày về các biểu hiện và vai trò của niềm tin trong đời sống tín đồ Phật giáo như trên giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, thấu đấu hơn về một lĩnh vực tương đối phức tạp nhưng lại rất thiết yếu trong đời sống tâm lý người phật tử”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm