Đạo đức người thầy trụ trì – niềm tin Phật tử
Người trụ trì có đạo đức không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ chúng sinh là người có tấm gương sáng đi theo đường lối của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, khi mới vào đạo tu hành, đức Phật dạy năm giới và thường nhắc nhở: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.
Vai trò của thầy trụ trì trong thời hiện đại
Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng để chỉ một tính cách và giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện “chân, thiện, mỹ” thực hành các lời răn dạy về đạo đức, lối sống chuẩn mực và có đạo đức trong hoạt động đời sống và tâm hồn.
Trụ trì là người trực tiếp được Giáo hội tin tưởng, giao phó trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, bảo quản chùa, tự viện trang nghiêm, thanh tịnh; là niềm tin cho tăng ni, Phật tử, quần chúng nhân dân và phải có trách nhiệm hướng dẫn tăng ni, Phật tử cùng người dân nơi đó, chung sống an vui, hòa hợp theo chính pháp.
Ở bất kỳ đâu, người trụ trì biết lấy “Giới, Định, Tuệ” để trang nghiêm thân tâm, làm mục đích tu hành “giải thoát”, lấy hạnh Bồ tát làm việc, chắc chắn dễ cảm hóa người khác và được nhiều người đặt niềm tin, ngôi chùa đó sẽ an lạc và phát triển. Vị trụ trì có tâm an vui thì Phật tử tự tìm đến, vì đời đã quá khổ, họ mới tìm sự an lạc chốn thiền môn, nơi tấm lòng thanh thoát, hỉ lạc của người tu tự động cảm hóa chúng sinh.
Trụ trì trong thời đại 4.0 thật không đơn giản
Người trụ trì tu tập tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả” để phát triển đạo đức, giúp người trụ trì thành công lớn trong nhiều việc. Có thể nói, trang bị tứ vô lượng tâm là để cảm hóa người Phật tử mỗi khi đến chùa. Đa số Phật tử đến chùa nhờ sự giúp đỡ về tinh thần, xin lời khuyên cho cuộc sống, với sự hiểu biết về giáo lý Phật pháp, nhân quả, nghiệp báo mà cho lời khuyên để khuyến giáo họ có hướng đi tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Giáo dưỡng họ trở thành người Phật tử thuần thành, sống theo lời Phật dạy.
Bố thí là phương pháp để giáo hóa chúng sinh, bước đầu giúp họ mến mộ Phật pháp, từ đó dần dần cảm hóa họ mà ngày nay nhiều trụ trì “tích cực” hoạt động. Nhưng người trụ trì không làm ra của cải vật chất như người thế gian nên khi làm từ thiện, bố thí giúp người thì nêu rõ quan điểm: “Những thực phẩm này không phải của tôi, xin vui lòng nhận cho, tôi chỉ là người trao giúp quà của các tấm lòng thiện nguyện gửi gắm”. Bố thí như vậy mới đúng đạo đức người tu, bố thí theo tinh thần tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả”.
Người trụ trì là người tiếp nối mạng mạch Phật pháp để giảng dạy đạo đức làm người, giúp người Phật tử thông hiểu chính pháp, tránh những điều sai trái, mê tín, cuồng tín… Đạo đức người tu không phải được rao giảng qua lời nói, mà phải làm tấm gương cho Phật tử hiểu qua thân hành, khẩu hành. Ví dụ, đời sống của trụ trì càng hòa hợp càng tốt, không bắt người khác phải phục vụ mình, tài sản quý nhất là 3 y 1 bát, noi gương đức Phật, không nên chấp vào tài sản vật chất như người thế gian, con đường tối thượng là tìm cầu “giải thoát”. Một vị trụ trì có đạo đức thì hành đạo ở đâu cũng thành công, xứng đáng là đệ tử Như Lai, là người tiếp nối con đường của đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện hữu trên cuộc đời để mang hương vị an lạc, giải thoát cho khắp vạn loài chúng sinh.
Người trụ trì với công tác hoằng pháp
Ngôi chùa ngày nay được xem là trường học làm nơi truyền bá tư tưởng đạo đức, giảng dạy đạo đức nhân bản nhân quả, đạo đức làm người, đạo đức làm thánh… chứ không phải chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đa số người dân đến chùa để tìm sự bình an, giải thoát ở chốn thiền môn thanh tịnh, những người sơ cơ hay tin vào thần linh, tướng số, bước đầu họ đến chùa nhờ trụ trì tụng kinh cầu an, nhưng bước thứ hai, thứ ba vị trụ trì phải khuyên họ sống theo chân lý đạo đức, nhân bản nhân quả, để họ làm chủ cuộc sống, thì mới có an lạc, giải thoát thực sự, tức người trụ trì có nhiệm vụ khai thông lớp bụi vô minh cho hàng Phật tử để họ có “trí tuệ, từ bi” ngày càng được tăng trưởng.
Mặc dù người trụ trì mang đến lợi ích, an vui cho người, được nhiều người mến mộ, có nhiều của cải vật chất nhưng người trụ trì vẫn sống hài hòa và không bao giờ bắt Phật tử phải phục vụ ta. Đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội.
Người trụ trì có đạo đức không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ chúng sinh là người có tấm gương sáng đi theo đường lối của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, khi mới vào đạo tu hành, đức Phật dạy năm giới và thường nhắc nhở: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc khuyên răn: “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Những lời dạy trên đây là những lời dạy đạo đức nhân bản làm người, không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh; những lời dạy này quá thiết thực và cụ thể lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và cho loài người trên khắp hành tinh này; nó mang đến cho con người một cuộc sống hạnh phúc, an vui của kiếp sống làm người tuyệt vời, mà đức Phật gọi là “giải thoát”.
Giá trị cao quý của đạo Phật chính là vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn dựa trên nền tảng đạo đức nhân bản nhân quả, đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh vạn loài. Đó cũng chính là nền tảng đạo đức mà người trụ trì cần phải có để xây dựng niềm tin nơi Phật tử, dựng lại chính pháp Phật giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Khi lắng tâm, tĩnh trí, xã hội không nhìn chúng ta, không đánh giá chúng ta qua chùa to, tượng Phật lớn, kho tàng kinh điển đồ sộ mà nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua con người cụ thể, việc làm cụ thể, được thể hiện qua đạo đức thân hành, đạo đức khẩu hành, qua việc làm và lời nói có thể hiện “con người đạo đức” hay tương phản lại với lý tưởng “từ bi, trí tuệ” của đạo Phật.
>Xem thêm video: "Dạy con hành động thiện"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao con muốn tu tập?
Góc nhìn Phật tử 09:30 05/11/2024Thưa sư cô, con muốn tu tập, sư cô dạy cho con tu với được không ạ? Hằng ngày con nghe giảng pháp, niệm Phật và thỉnh thoảng con có ăn chay. Như vậy có phải tu không ạ?
Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con
Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Xem thêm