Nụ cười trẻ thơ nơi cửa thiền
Mộc mạc, bình yên, thiền vị và an lành là điều mà bất cứ ai cũng sẽ tìm thấy, dù chỉ xem qua những bức ảnh trẻ thơ vui chơi, tu học ở chùa Tường Vân, thôn Thanh Hạ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Hạnh phúc của trẻ thơ
Không cần ngôn từ hay chú thích, những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc các em thiếu nhi về chùa vui chơi, hành thiền, quấn quýt cùng Sư cô tổ chức sinh nhật Đức Phật giữa thiên nhiên, thực tập bài học yêu thương, thắp nến cầu nguyện, cũng đủ để thấy được sự thực tập tinh tấn, niềm hạnh phúc tỏa ra từ ánh mắt của các em.
Khi được chúng tôi đặt câu hỏi rằng “bí quyết để các em về chùa sinh hoạt vui vẻ, hạnh phúc và quấn quýt bên quý sư như người thân trong nhà”, Sư cô Thường Minh - vị thầy hướng dẫn các em tu học cho biết: “Là tình yêu thương và gần gũi, quý sư vừa chơi với các em, vừa dạy cho các em học”..
Sư cô Thường Minh chia sẻ, ở chùa các bé thường sinh hoạt đầy đủ vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Sư cô luôn đồng hành và chơi cùng các em. Cách hoằng pháp của Sư cô Thường Minh đưa các em gần gũi với thiên nhiên, nuôi dưỡng tâm từ, lòng biết ơn ngay ở từng góc nhỏ trong khuôn viên nhà chùa. Một chiếc hoa nở, chiếc lá rụng cũng là một bài pháp sinh động cho các em về nâng niu sự sống, tình yêu thương.
“Đức Phật gần gũi với các em, các em vui chơi, ôm Bụt của em, chơi cả ngày trong vườn mà không chán”, Sư cô cho biết.
Các bộ truyện tranh đạo đức của Phật giáo, Đức Phật với trẻ thơ, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, Tam bảo.., được chia sẻ nhẹ nhàng, nhờ vậy mà các bé thích thú và đi vào tâm thức, thực hành hàng ngày như một thói quen.
Sự “kiến tạo” của nhà sư
Mùa Phật đản, các loại hoa trong vườn chùa thi nhau đua nở, Sư cô thiết trí những lễ đài tắm Phật nhỏ ngay giữa vườn. Tại đây, các em được Sư cô dạy bài học sinh động về lịch sử của Đức Phật, ý nghĩa của ngày Phật đản sanh và các em thực tập về lòng biết ơn, trong không gian thảnh thơi, mát mẻ.
Trong sự kiện đặc biệt này, các em hân hoan rước kiệu mừng Phật đản sanh, tham gia vào nghi thức tắm Phật ngay giữa vườn thiền. Trong các chương trình nhà chùa tổ chức: rung chuông chùa, vẽ tranh, hát, kể chuyện, các khóa tu ngắn, cuộc thi nét đẹp màu lam (thi áo dài), các em hào hứng, đạo Bụt đến với các em nhẹ nhàng, tìm thấy nhiều hạnh phúc và đạo Phật ngày càng trở nên gần gũi với các em như thế.
Bởi vì có quý sư dìu dắt như thế, mà hình ảnh mái chùa ngày càng trở nên gần gũi với người dân, nhiều người định nghĩa một cách chân thật, hiểu đúng hơn về đạo Phật - là nơi để trở về, là nơi tìm thấy bình an, là nơi mà bất cứ ai cũng có thể cảm thấy ấm áp.
“Mái chùa và quý sư cũng nhờ vậy mà giúp người trong làng có góc nhìn khác hơn. Thấy quý sư là thấy sự an vui, chứ không phải như trước đây, một số người họ sợ vì nghĩ sư xuất hiện khi đưa tang, là đám; và với người trẻ, chùa không phải là nơi chán, ai thất tình mới đi tu hay chùa là nơi già nua”, Sư cô Thường Minh trải lòng.
Trong bất kỳ khoảnh khắc nào, các bức ảnh tu học và trải nghiệm được ghi lại ngẫu nhiên về quý Sư cô và các em thiếu nhi bên cửa thiền, đều cho người hữu duyên hiểu hơn về triết lý: Hạnh phúc không phải là đích đến mà là con đường chúng ta đang đi, là sự nuôi dưỡng và an lạc ngay trong giây phút hiện tại.
Khi xem qua những hình ảnh quý sư và các em thiếu nhi của chùa Tường Vân tu học, Giáo sư - Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan xúc động, chia sẻ:
“Tôi thật sự xúc động và hoan hỷ. Nụ cười an nhiên của Đức Phật ngồi trên đài sen, và sự gần gũi ấm áp tự nhiên của các sư thầy sư cô, sự hồn nhiên bình đẳng không phân biệt của các thiện nam thiện nữ, và có lẽ sự thanh tịnh của cảnh chùa, tạo nên một thế giới che chở, đem đến sự bình an trong sáng cho trẻ thơ.
Kỷ niệm đầu đời “đi chùa” lễ Phật, luôn là kỷ niệm đẹp và thân thương nhất. Hình ảnh các em chắp tay trước Đức Phật bên cạnh nhà sư là hình ảnh đẹp nhất trên thế gian, bởi vì hình ảnh ấy thật sự làm đẹp thế giới chung quanh, trong lành và an tịnh như bảy bước nở đóa sen tịnh lạc mà Đức Phật Cồ Đàm ghi dấu thông điệp cao quý cứu khổ chúng sanh. Chính những kỷ niệm đơn sơ “đứng chắp tay dưới đài sen bên cạnh bổn sư” là kỷ niệm đẹp nhất đầu đời, chính nó đã cho ta hiểu về sau, ý nghĩa của câu thơ của Thiền sư Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc”.
“Nhà chùa” đối với tôi lúc còn trẻ thơ, là sân chơi rộng nhất. “Rộng” ở đây không chỉ có nghĩa to lớn mà trong nghĩa thảnh thơi, vượt mọi quy tắc nghiêm cấm mà vẫn có sự tin yêu bình an, rộng có nghĩa tự do tự tại, vượt khỏi bốn bức tường ngột ngạt, trẻ em được chơi trong không gian an lành, một sân chơi “thả lỏng” nhưng đầy tin yêu thầm lặng. Sân chơi ấy cần thiết cho trẻ em hôm nay, đang bị ảnh hưởng “stress” dồn dập chung quanh.
Chỉ mong quý Thầy, quý Sư cô, quý Tăng Ni theo chân sen bảy bước của Đức Phật, thực hành đúng lời dạy của Đức Phật “đem an lành đến thế gian”, với “tâm từ thương chúng sanh”, theo tôi đó là điều kiện tiên quyết, làm đẹp thế gian bằng hình ảnh của những người con Như Lai”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm