Nụ cười vô uý
Có những lúc tôi hạnh phúc, nhưng phần nhiều tôi mỉm cười với những suy nghĩ không ngừng khởi lên trong tâm. Tư duy của tôi có thể tích cực và vui vẻ, cũng có thể vớ vẩn, hỗn loạn, tiêu cực, xấu ác.
Thay vì ghét bỏ chính mình hay chối từ sự khiếm nhã đó, tôi học mỉm cười với nó, một nụ cười vô úy – không sợ hãi.
Bây giờ và ở đây
Một nhóm người Đại Hàn đến thăm tu viện Bích Nham trong vài giờ đồng hồ. Họ được hướng dẫn tổng quát, đi thiền hành với đại chúng và thực tập thiền buông thư. Sau đó, họ có một buổi vấn đáp với quý sư cô, trong đó có tôi.
Trước khi rời phòng để đến tham dự sinh hoạt này, tôi đã bị tiêu chảy rất nặng. Trong quá khứ tôi đã phải uống thuốc trụ sinh cả ba tháng để trị bệnh Lyme và đã một năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn bị tiêu chảy mỗi ngày, khiến cho phần hậu môn bị rát và đau đớn. Tôi phải ngồi yên trên bồn cầu thật lâu để thở và buông thư toàn thân. “Cảm ơn em chịu đựng nỗi đau này”, tôi thì thầm với hình hài của mình. Lòng biết ơn giúp tôi chịu đựng cơn đau mà không cảm thấy buồn phiền hay sợ hãi.
Trên đường đi đến thiền đường Đại Đồng, tôi đi mỗi bước với mỗi hơi thở vì sự co thắt và cơn đau vẫn còn. Đi trong chánh niệm, tôi để ý thấy nắng chiều rất nhẹ; những bông hoa vàng, tím trang điểm hai bên đường; một phụ nữ hối hả đi trước tôi. Thật là một ngày tuyệt đẹp!
Tôi đến thiền đường và thầm đọc câu kệ ở ngưỡng cửa trước khi bước vào:
Vào thiền đường thấy chân tâm,
Một ngồi xuống dứt trầm luân.
Mọi người đang ngồi yên trong hai vòng tròn lớn. Tôi đi thật chậm đến chiếc bồ đoàn trống dành cho tôi ngay kế bên chuông gia trì. Tôi đứng yên sau bồ đoàn, xá và đọc câu kệ:
Ngồi đây ngồi cội Bồ đề
Vững thân chánh niệm không hề lãng xao.
Ngồi xuống, lưng thẳng, tôi lập tức điều thân với hơi thở chánh niệm để toàn thân được thư giãn. Ánh mắt tôi nhìn xuống và nụ cười nhẹ nở trên môi.
Ngoài tôi, còn có ba sư cô khác. Quý sư cô đã bắt đầu buổi sinh hoạt, nên tôi ngồi im lặng để không làm động năng lượng của đại chúng vì sự đến trễ của mình. Sau vài câu hỏi, một ông lớn tuổi giơ tay xin phép hỏi tôi một câu. Ông ấy nói bằng tiếng Anh: “Thưa sư cô, con cảm nhận được rất nhiều bình an trong năng lượng của sư cô, và sư cô xinh đẹp như tài tử. Xin cho con hỏi sư cô đã có sự chứng đắc nào? Nếu sư cô đã đạt được thì xin chia sẻ với chúng con”.
Có những tiếng cười khúc khích trong khi câu hỏi của ông được dịch ra tiếng Đại Hàn. Tôi mỉm cười và chỉ có thể nghĩ đến cơn tiêu chảy vừa mới xảy ra. Chắc chắn mặt tôi tái xanh, làm sao tôi có thể tin rằng tôi xinh đẹp trong giây phút này!
Tôi thong thả trả lời: “Cả đời tôi không hề cảm thấy mình thuộc về bất cứ nơi nào. Ngay cả trong gia đình với mẹ và với bà con họ hàng của tôi. Ngay cả tại quê hương Việt Nam của tôi. Tôi có nhiều mặc cảm tự ti vì tôi là con lai Mỹ nên nhìn khác biệt với bọn trẻ, vì tôi mồ côi, vì tôi xuất thân từ một gia đình nghèo. Ở Hoa Kỳ, tôi cũng khác biệt như một loài hoa kiêu sa trong cái nhìn của người Mỹ. Tuy tôi rất cố gắng hội nhập vào văn hóa và nếp sống của người Mỹ, tôi vẫn biết rằng tôi sẽ không bao giờ có thể được nhìn nhận là người Mỹ hoàn toàn vì màu da và nét mặt Á châu của tôi tức khắc phản bội tôi.
Sau khi xuất gia một thời gian, tôi phát hiện rằng tôi thường có những giấc mơ được lặp lại, tuy bối cảnh thay đổi nhưng vẫn cùng một chủ đề. Trong các giấc mơ, tôi bỗng nhận ra mình đang bị lạc rất xa nhà và cần phải tìm cách trở về nhà. Mỗi lần thức dậy, tim tôi đập nhanh và cả người co cứng hoặc run rẩy. Những giấc mơ này tiếp tục xảy ra sau khi tôi xuất gia nhưng dần dần, nhận thức và phản ứng của tôi bắt đầu thay đổi. Khi phát hiện là mình đang bị lạc, tôi biết tự nói với mình: “Không sao đâu! Nếu cứ đi thẳng thì mình sẽ về đến nhà”. Sự định hướng giúp tôi cảm thấy tự tin và nhẹ nhõm hơn.
Trong một giấc mơ khác, tôi thấy mình đang cố gắng bắt kịp một nhóm quý thầy, quý sư cô đang trên đường đến một nơi để thọ trai. Khung cảnh chung quanh đông nghịt người và thật huyên náo khiến tôi bị mất dấu tích của quý thầy, quý sư cô. Tôi cảm thấy hoảng hốt, lo sợ bị bỏ rơi đằng sau. Rồi bỗng dưng tôi thầm nhủ: “Mình không thật sự cần phải đến nơi đó hay phải dự bữa ăn đó”. Ngay lập tức toàn thân tôi nhẹ tênh, mọi người đều biến mất, mọi tiếng ồn ào đều im bặt, chung quanh tôi và trong tôi tuyệt đối tĩnh lặng, an bình!
Trong giấc mơ gần đây nhất, tôi lại thấy mình bị lạc trong một khu siêu thị khổng lồ, nhưng tôi ý thức rằng mẹ đang đứng đợi tôi đâu đó, chỉ cần tìm ra cổng chính là tôi gặp mẹ .
U buồn và sợ hãi của đứa bé trong tôi biểu hiện qua những giấc mơ cứ lặp lại này nhiều năm qua dù tôi đã lớn lên và trưởng thành. Khi chưa biết tu tập, tôi đã không biết cách để nuôi dưỡng chánh niệm và sự trị liệu trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nên khi sự sợ hãi và những vết thương biểu hiện trong giấc mơ, đứa bé trong tôi lại thêm một lần đi qua cơn khủng hoảng. Thức dậy, tâm trí tôi tràn ngập lo âu và tuyệt vọng.
Qua nhiều năm tu tập, năng lượng chánh niệm giờ đây có thể biểu hiện trong giấc ngủ của tôi, soi sáng để tôi không tư duy và hành xử mù quáng như một nạn nhân nữa. Ánh sáng chánh niệm giúp tôi có khả năng phân tích tình huống một cách rõ ràng, giúp tôi thay đổi sự phản ứng của mình để có thể tìm hướng đi ra. Đây là thành quả của sự tu học, được gọi là chuyển y, sự chuyển hóa tận gốc trong tâm lý học Phật giáo.
Tôi đã nhận ra rằng nhà của tôi không phải là một nơi bằng gạch, hay xi măng, hay có mái ngói trên đầu. Nhà của tôi là giây phút hiện tại, là nơi này và ở đây. Bất cứ nơi nào tôi đến hay đi, tôi đều có thể tiếp xúc với ngôi nhà đích thực của mình trong hơi thở và trong bước chân. Tôi cũng thực tập về nhà với đất Mẹ. Điều này giúp tôi an trú sâu sắc hơn trong giây phút hiện tại và chữa lành những ám ảnh bị bỏ rơi, bị lạc lõng, hoang mang, chao đảo từ thời ấu thơ. Sự thực tập miên mật trong khi thức đã và đang giúp tôi chuyển hóa những tri giác và tập khí ngay cả trong giấc mơ. Vậy nên nếu tôi có chứng ngộ được điều gì thì đó là quê hương luôn có trong tôi, bây giờ và nơi đây”.
Nụ cười vô úy
Một người đàn ông Đại Hàn khác phát biểu: “Tôi thấy quý sư cô thường hay mỉm cười và xin phép được hỏi về ý nghĩa của nụ cười này”.
Nhiều người cũng đã từng hỏi tôi: “Có phải sư cô lúc nào cũng hạnh phúc nên cười tươi như vậy?”. Tôi trả lời rằng có những lúc tôi hạnh phúc, nhưng phần nhiều tôi mỉm cười với những suy nghĩ không ngừng khởi lên trong tâm. Tư duy của tôi có thể tích cực và vui vẻ, cũng có thể vớ vẩn, hỗn loạn, tiêu cực, xấu ác. Thay vì ghét bỏ chính mình hay chối từ sự khiếm nhã đó, tôi học mỉm cười với nó, một nụ cười vô úy – không sợ hãi.
Trên con đường tâm linh, ta học không sợ hãi bất cứ điều gì, nhất là khi nó phát sinh từ trong tự thân. Có thể ta ao ước mình được thánh thiện và toàn mỹ nhưng ta phải thực tâm công nhận ta không thánh thiện cũng không toàn mỹ. Bất cứ điều gì khởi lên từ ta – thánh thiện hay không thánh thiện, toàn mỹ hay không toàn mỹ – đều là một phần của ta, một phần của tâm thức tự muôn đời. Ta chỉ cần mỉm cười với ý nghĩ ganh tị, giận dữ, buồn bã, thèm khát, sợ hãi thì chúng sẽ lắng xuống, mất dần đi sức hút và quyền lực của chúng.
Khi các vị thiền sư nhập diệt, các ngài khác với người thường như thế nào? Họ có thể mỉm cười an nhiên để xả bỏ hình hài! Là những người có tu có học, ta cũng có thể thực tập mỉm cười với tất cả những gì đến đi trong cuộc sống hàng ngày để trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ta có thể buông xả hình hài mà không nuối tiếc hay hoảng sợ. Ra đi với nụ cười hàm tiếu và tiếp nối trong những hình thái khác. Vấn đề chính là ta có đủ thời gian và tình thương cho tự thân để luyện tập nụ cười vô úy này hay không?
Người tu mỉm cười vì mọi sự như áng mây trôi
Có những người nhìn khá căng thẳng trong khi ngồi thiền, trán nhăn thành nhiều lằn ngang, môi mím lại hoặc trễ xuống. Sư Ông Làng Mai có câu thư pháp Thở và Cười. Hãy ý thức các cơ mặt và thư giãn với một nụ cười nhẹ và bền để toàn thân cũng như các cảm thọ, tri giác, tư duy cũng được lắng dịu trong các buổi ngồi thiền.
Thông thường chúng ta cười khi có niềm vui hoặc khi cần phải cười xã giao, cười gượng gạo. Đó không hẳn là chức năng duy nhất của nụ cười. Ta có thể học cười trong khi nước mắt tuôn trào. Ta có thể học cười trong khi con sóng giận trồi lên hoặc một ý nghĩ bất thiện sôi sục bên trong. Chỉ cần ta nhớ để mỉm cười thì nó sẽ mất đà và lặn xuống chiều sâu tâm thức. Nụ cười cũng giúp ta không trở nên quá nghiêm trọng, không bị đắm chìm trong những tri giác và cảm thọ mà có sự sáng suốt, quảng đại để có thể thấy và chăm sóc tình huống một cách hữu hiệu, công bình. Nụ cười trượng phu đem đến tự do và hạnh phúc chân thật.
Chân Đẳng Nghiêm/Làng Mai
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng
Sống an vui 17:30 22/12/2024Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.
Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?
Sống an vui 16:03 22/12/2024Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.
Chuyển hóa năng lượng tắc nghẽn bằng trọn vẹn nhận biết
Sống an vui 07:45 22/12/2024Để chuyển hóa năng lượng, ta không cần phải làm điều gì quá lớn lao, ta chỉ cần thường xuyên trở về với sự nhận biết và an trú trong nó. Điều này có thể giống như một quá trình đơn giản, nhưng lại là chìa khóa để mở ra những thay đổi lớn lao.
Thân bệnh, tâm không bệnh
Sống an vui 07:40 22/12/2024Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà khổ...
Xem thêm