Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 27/07/2024, 11:48 AM

Nữ thương binh bán vé số tu sửa nghĩa trang liệt sĩ

Suốt 12 năm qua, bà Đặng Thị Bảy, 82 tuổi, bán vé số dạo quanh chợ Nước Xoáy, gom tiền tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, hoàn thành lời hứa với những đồng đội năm xưa.

Bà Bảy ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi với biệt danh Bảy Đẹt, do người thấp bé nhẹ cân nhưng lanh lợi và gan lì. Bà được giao nhiệm vụ giao liên cho những chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch.

Năm 22 tuổi, bà được cử đi học một khóa y sĩ, một mặt giúp người dân trong vùng chiến sinh nở, mặt khác cứu chữa chiến sĩ bị thương. Trong lễ kết nạp Đảng năm 1965, bà cùng những đồng đội ngoéo tay, lập lời hứa: "Chúng ta trải qua sinh tử, đã như anh em ruột thịt nên người còn sống sẽ lo cho người hy sinh mồ yên mả đẹp".

Bà Bảy trên chiếc xe điện ba bánh, ngày ngày bán vé số dạo ở chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Ảnh: Ngọc Tài

Bà Bảy trên chiếc xe điện ba bánh, ngày ngày bán vé số dạo ở chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Ảnh: Ngọc Tài

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà Bảy cùng các đồng đội tham gia trận đánh chiếm Đồn Gò Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò. Khi rút quân, đơn vị của bà bị địch tập kích, nhiều đồng đội hy sinh. Bà bị thương ở đầu, cận kề cái chết.

Sau một năm dưỡng thương, dù đi lại khó khăn do di chứng các mảnh đạn găm vào đầu, song nữ chiến sĩ Bảy Đẹt vẫn xin ra trận và tham gia chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất. "Đồng đội hy sinh trên tay mình, dặn dò phải tiến lên, không được lùi bước, tôi đâu thể phụ sự hy sinh của họ", bà kể.

Hòa bình lập lại, nữ chiến sĩ được giao làm trưởng ban Y tế xã Long Hưng nay là xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Thời gian sau, vì vết thương cũ tái phát, bà xin nghỉ rồi gắn bó với công việc bán vé số dạo.

"Lúc đó Bảy nhận nuôi mấy đứa cháu ruột, chúng ăn học toàn bằng tiền bán vé số", bà cho biết. Hễ có dư đồng nào, nữ thương binh lại nhét vào heo đất, tích góp để thực hiện lời hứa năm nào.

Năm 2010, sau 12 năm dành dụm, bà nghe tin xã Long Hưng A chuẩn bị tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, liền mổ heo đất, gom được hơn 110 triệu đồng. Cầm số tiền trong tay bà ngỏ ý cùng chính quyền sửa sang các phần mộ. Lãnh đạo xã vừa bất ngờ vừa cảm động, khuyên bà giữ lại tiền, dùng khi tuổi cao sức yếu.

"Không được cậu Năm. Chị đã hứa với đồng đội, không làm chị chết không nhắm mắt", bà trả lời lãnh đạo xã.

144 mộ phần các liệt sĩ xã được tôn tạo lên gạch tráng men, các lối đi cũng được lát đan mới. Ngày hoàn công, bà nghẹn ngào đến từng ngôi mộ, thắp nén nhang cho đồng đội rồi thủ thỉ: "Bảy Đẹt đã giữ lời hứa".

Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A, nơi bà Bảy góp tiền tu sửa. Ảnh: Ngọc Tài

Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A, nơi bà Bảy góp tiền tu sửa. Ảnh: Ngọc Tài

Kể từ đó, trừ những hôm mưa bão, ốm đau, ngày nào bà cũng đến thắp nhang cho các liệt sĩ, có khi nán lại cả giờ mới về. Cứ vài tháng, bà gom góp tiền, mua các chậu hoa trồng ven các lối đi, thường xuyên chăm sóc để chúng khoe sắc.

Dù có tiền trợ cấp thương binh hơn 9 triệu đồng mỗi tháng, các cháu đã trưởng thành và có công việc ổn định, bà Bảy vẫn bán vé số mỗi ngày. Người thân khuyên can, bà đều gạt đi với lý do "đi bán cho khỏe người".

"Ở ru rú trong nhà bệnh còn nhiều hơn", bà nói khi cầm xấp vé số trên chiếc xe điện ba bánh. Hơn một năm qua, phương tiện mới giúp bà đỡ vất vả, song vì tuổi cao bà chỉ bán quanh chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, mỗi ngày bán 250-300 tờ.

Thấy bà sống có nghĩa tình, người dân thường xuyên mua vé số ủng hộ. Hôm nào bán hết sớm bà lại đến nghĩa trang thắp nhang, chăm sóc cây kiểng. Nhiều đoàn viên xã thấy vậy thường xuyên phụ bà một tay.

Anh Trần Thanh Trường, Bí thư đoàn xã Long Hưng A, chia sẻ rất cảm phục tấm lòng của bà Bảy với đồng đội. "Bà đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục phấn đấu, góp sức mình xây dựng quê hương thêm giàu mạnh", anh nói.

Bà Bảy thắp nhang cho đồng đội trong một ngày cuối tháng 7. Ảnh: Ngọc Tài

Bà Bảy thắp nhang cho đồng đội trong một ngày cuối tháng 7. Ảnh: Ngọc Tài

Gần đến ngày 27/7, như thói quen hàng chục năm nay, bà Bảy mang túi vé số cùng lỉnh kỉnh các vỉ thuốc trị đau nhức, cảm, ho vào nghĩa trang liệt sĩ. Bà cùng các bạn đoàn viên thắp nhang, quét dọn.

Người thương binh tuổi ngoài 80 tóc bạc trắng, da đen vì dầm mưa dãi nắng. Bà khoe đã ươm được vài chục giỏ hoa, định vài hôm sẽ nhờ các bạn đoàn viên trồng vào các chậu bông.

"Dù hơi cực nhưng vui lắm", bà nói.

Nguồn: Báo VnExpress

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cô gái 22 tuổi hiến máu 20 lần: Hiến tặng là hạnh phúc

Gieo mầm thiện 17:12 04/09/2024

Tôi, một cô gái 22 tuổi với hơn 20 lần hiến máu và tiểu cầu tình nguyện, hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Tôi cũng đã quyết định đăng ký hiến tạng sau khi mất... 

Phật tử làm 30.000 bánh trung thu tặng trẻ em khó khăn

Gieo mầm thiện 13:12 04/09/2024

Những ngày này, nhiều Phật tử đến chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) làm bánh trung thu tặng trẻ em khó khăn. Có cụ bà đã hơn 80 tuổi nhưng luôn có mặt thái lá chanh phụ mọi người làm nhân bánh.

Tiền Giang: Chùa Linh Phước tặng quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Vu lan

Gieo mầm thiện 18:00 31/08/2024

Sáng ngày 31/8/2024 (nhằm ngày 28/7 năm Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Đức Thắng – UVTT BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng BTS Phật giáo huyện Tân Phước, Trụ trì chùa Linh Phước (Phật Đá), TT.Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức trao 100 phần quà hỗ trợ người Khiếm thị và các hoàn cảnh khó khăn trong huyện.

Ni trưởng Chứng Nghiêm - Người dành cả cuộc đời cống hiến cho Phật pháp và chúng sinh

Gieo mầm thiện 16:26 31/08/2024

Ni trưởng Chứng Nghiêm sinh năm 1937, tại thị trấn Thanh Thủy - Đài Trung - Đài Loan. Năm 1963, Ni trưởng được Hòa thượng Ấn Thuận nhận làm đệ tử xuất gia khi 26 tuổi.

Xem thêm