Thứ năm, 23/05/2024, 08:10 AM

Nuôi dưỡng lòng biết ơn mỗi ngày

Lòng biết ơn hay lòng từ bi ở cấp độ căn bản mang lại niềm hạnh phúc vô biên cho cá nhân...

Cuộc sống hôm nay thiếu những lời cảm ơn

Chúng ta vẫn thường nghe người lớn nói với nhau rằng đám trẻ bây giờ thiếu lễ phép, cụ thể là chúng không biết cảm ơn mỗi khi nhận được quà, tiền hay được người khác làm giúp việc gì đó.

Thật vậy chăng? Còn người lớn thì sao? Liệu rằng họ cũng biết nói lời cảm ơn hay cũng “trơ trơ” mắt ếch nhìn người khác khi nhờ vả chuyện gì đó. Ở bưu điện, có người mượn viết xong rồi đưa lại, lạnh lùng, có khi còn “cầm nhầm” bỏ túi mình… Đến các cơ quan công sở cũng vậy, ít khi ta nghe họ cảm ơn nhau, thường xong việc là đứng lên ra về. Phải chăng thói quen không cảm ơn hay xin lỗi đã trở thành quán tính bởi có một thời chúng ta đánh giá đó là biểu hiện của giai cấp “tiểu tư sản”, yếu đuối, giả dối... Chúng ta đã hiểu lầm tai hại!

Khi nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tâm sự trong Chút lời thở than, ông đã viết:

Mỗi ngày cúi xuống hạt cơm

Anh nghe thấu một mùi thơm lạ lùng

Cắn đôi hạt muối thường dùng

 Biết ơn trời đất vô cùng em ơi!

Vì ông hiểu được:

Hai tay bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Chén cơm chúng ta ăn gồm bao nhiêu hạt gạo, bao nhiêu mồ hôi một nắng hai sương của bao nông dân phơi mình trên đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt bao ngày mới được. Cũng như để có hạt muối, biết bao diêm dân đã không quản thời gian, công sức trên ruộng muối, tính toán lo lắng về thời tiết để thu hoạch đúng ngày.

Một thiền sư có lần nói khi chúng ta viết lên tờ giấy, hãy nhớ trong tờ giấy đó có cả cánh rừng, cả mặt trời, cả những tia nắng, có cả những cơn mưa, cả mồ hôi những người trồng rừng, đốn cây, trước những công đoạn chặt, sấy, tẩm của người thợ giấy. Chúng ta sống trong thế giới tương tức, tương sinh, “có cái này mới có cái kia”, nên thọ ơn rất nhiều người, nhiều nguồn… Nhưng mấy ai hiểu được, nhìn thấu được ý nghĩa ấy? Thậm chí, ta còn chưa cảm tạ cái ơn gần gũi nhất mà ta thọ nhận trực tiếp từ cha mẹ, thầy cô. Chúng ta nghĩ sao những hiện tượng bất hiếu năm nào tháng nào cũng xuất hiện đến mức không cần phải lấy những ví dụ cũ, cứ đọc báo là thấy... đắng lòng!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Giáo dục lòng biết ơn

Nên chăng, phải giáo dục lại lòng biết ơn từ tấm bé, từ ý thức đầu đời: “Cơm cha, áo mẹ, công thầy”. Nghĩa là bắt đầu từ chữ Hiếu. Phải dạy con trẻ phạm trù rộng hơn của lòng biết ơn khi còn ở trong gia đình. Tránh cho  con cái suy nghĩ rằng các tiện nghi vật chất trong nhà dành cho mình là một điều dĩ nhiên không cần cám ơn!

Nhà Phật dạy trong trăm hạnh, hạnh Hiếu làm đầu. Nếu không thương yêu cha mẹ mình thì thử hỏi còn có thể yêu thương ai hơn được. Vì như các nhà giáo dục lý luận, con trẻ phải biết yêu cha mẹ chúng, những người gần gũi nhất, rồi mới đến thầy cô, bè bạn, chòm xóm, căn nhà mà nó sinh ra và khu phố cư ngụ, sau cùng mới là lòng yêu nước. Nếu ai đó nói yêu nước mà không yêu cha mẹ mình thì đó chỉ là “ngụy ngữ, ngoa ngôn” mà thôi!

Đạo lý này là chân lý vĩnh hằng, là mục tiêu và nội dung của mọi nền giáo dục. Phong hóa xã hội sẽ suy đồi, đạo đức sẽ xuống cấp, lý tưởng rệu rã là những hệ quả tất yếu nếu chúng ta không vun đắp nền tảng gia đình và đạo đức cá nhân bắt đầu từ chữ Hiếu. Hãy chấn hưng đạo Hiếu ngay từ hôm nay trước khi quá muộn.

Rồi khi đến trường, các em xem thầy cô như những người nhận thù lao phải dạy mình đến nơi đến chốn. Muốn điểm cao thì học thêm như một cuộc “trao đổi tiền - chữ”, sao lại phải cảm ơn (?). Các cô chú lao công trong trường thì phải lo vệ sinh, mình có bày ra thì nhiệm vụ của họ là dọn dẹp! Chúng ta hãy đọc lại tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” để nghe ông bố dạy con mình về lòng biết ơn với thầy:

... “Con ơi! Phải kính yêu thầy giáo con. Hãy yêu thầy vì cha yêu thầy và trọng thầy. Hãy yêu thầy, vì thầy đã hy sinh đời thầy để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thầy. Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hóa tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thầy cùng cha sẽ không còn ở trên đời này nữa, lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thầy thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thầy làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã không yêu người và trái đạo với người”...

(Trích Chương 23 - Những tấm lòng cao cả - Edmundo de Amicis, bản Việt dịch: Hoàng Thiếu Sơn)

Nói như người xưa, hiếu kính cha mẹ, thầy cô là nền tảng cho những tình cảm cộng đồng đối với đồng bào, đất nước. Khi có lòng biết ơn, chúng ta làm việc, phụng sự mà không đòi hỏi sự đáp trả. Chỉ những người biết ơn mới có thể mở rộng tâm hồn và vòng tay đón chào tha nhân. Đó cũng là ý nghĩa của “tương tức” (inter-being) mở ra những  nhịp cầu nối lòng người với nhau.

Một gia đình hay xã hội gồm những người biết ơn sẽ chan hòa yêu thương, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ. Văn hóa biết ơn là nền tảng cho một xã hội văn minh, nơi mọi người biết cảm ơn hay xin lỗi từ những điều hết sức nhỏ trong quan hệ ứng xử như nhường ghế trên xe buýt, chỉ đường, xếp hàng… Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ, vợ chồng, anh chị em với lòng biết ơn. Sau đó nghĩ đến những đồng sự hay đồng nghiệp, những bạn hàng đối tác, thân chủ mà chúng ta cùng giao dịch, làm việc với họ, bảo vệ hay chăm sóc họ, không chỉ vì họ đem lại lợi nhuận cho ta mà họ cùng chúng ta tạo nên một môi trường hoạt động, có thể là trong kinh doanh, trong bệnh viện, công sở, trường học… cùng chúng ta tương tác.

Lòng biết ơn hay lòng từ bi ở cấp độ căn bản mang lại niềm hạnh phúc vô biên cho cá nhân những thành viên trong gia đình, còn mang đến sự bình an cho cộng đồng giúp chúng ta tăng cường sức đề kháng với cái xấu, cái ác.

Một người con hiếu thảo, một học sinh biết lễ nghĩa sẽ khó bị cám dỗ bởi những tệ đoan ngoài xã hội. Mỗi công dân trưởng dưỡng lòng biết ơn sẽ xây dựng nên một quốc gia yên bình, có nền văn hóa cộng đồng hài hòa, và một xã hội đáng sống, một đất nước mạnh mẽ bởi lẽ không có những người con hiếu thảo lấy đâu ra một đạo quân trung thành?

Thế nên, hãy tập quán chiếu và biết ơn tất cả. Nói theo ngôn ngữ các thiền sư, như ngài Sayadaw U Jotika, chúng ta hãy biết ơn không chỉ bà mẹ sinh ra ta, tảo tần nuôi ta khôn lớn mà cả bà mẹ Thiên nhiên, từ cỏ cây hoa lá, từ tiếng chim hót ban mai, mặt trời tỏ rạng đến cả hoàng hôn tĩnh mịch, mặt trăng ảo huyền.

“Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bi bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử. Hãy cám ơn cây đa đã cho ta bóng mát, là nơi dừng chân trên con đường làng dài mệt mỏi. Hãy cám ơn cả cái đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn. Hãy cám ơn cả cái miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta. Hãy cám ơn mái chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc… (Đào Văn Bình - Hãy sống với lòng biết ơn - Phật giáo Việt Nam 7-12-2009)

Hãy cùng trẻ tập biết ơn cha mẹ, thầy cô, bác lao công trong trường, bạn bè cùng lớp đến bác nông dân, anh thợ bánh mì, bà bán xôi, người phu quét đường, anh diễn viên trong rạp hát cho đến người chiến sĩ hải đảo xa xôi,… Họ cung cấp  thực phẩm nuôi ta, làm sạch con đường ta đi, mở mang trí tuệ ta, đem lại tiếng cười cho ta, bảo vệ sự bình yên cho ta…

Rồi lớn lên chúng ta được huân tập tâm linh. Chúng ta phải tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật, dành thời gian để quán chiếu sâu sắc về giáo pháp của Ngài, về tấm gương của Ngài để lại, về vô lượng những vị Thầy đã để lại những kinh nghiệm thực hành tâm linh quý giá, nhờ đó mà chúng ta thay đổi tâm trí, chuyển hóa được cuộc đời.

Điều tuyệt vời là chúng ta còn sống và tỉnh táo để có thể biểu hiện lòng biết ơn, lời cảm ơn. Được biết, trong một số khóa tu có nội dung hướng dẫn về cách nuôi dưỡng lòng biết ơn một cách sâu sắc. Ở đó, các học viên bắt đầu cuộc hành trình tìm lại chính mình, họ phải trải nghiệm lòng biết ơn thực sự, vốn dĩ đơn giản, nhẹ nhàng, gần như vô điều kiện, nhưng chứa chan tình yêu. Bắt đầu với những suy nghĩ về mọi người và mọi thứ quanh mình, hãy cảm ơn tất cả.

Nói như Kahil Gibran:

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm