Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 04/12/2023, 12:26 PM

Oán gia là gì?

Oán gia hay oan gia là kẻ thù của mình, của gia đình mình. Oán gia trái chủ là kẻ chủ món nợ hận thù. Những người hay gặp tai nạn, khổ đau dai dẳng từ tháng này qua năm nọ họ thường nghĩ rằng mình bị oán gia truyền kiếp đòi nợ.

Theo nguyên lý nhân quả thì cách suy nghĩ như vậy cũng phù hợp, bởi có gieo nhân thì phải gặt quả, bằng hình thức này hay hình thức khác.

Truyện Kiều có câu “Làm chi tội báo oan gia/ Thiệt mình mà hại đến ta hay gì”, nghĩa là khi mình gây thù chuốc oán với người thì thiệt hại bản thân mình thôi, chẳng hay ho gì hết.

Oán gia như vậy được hiểu là kẻ thù ở bên ngoài, là người khác, người mà mình đã gây thù chuốc oán với họ, đã gây khổ đau cho họ, giờ họ đến đòi nợ. Nhưng kinh Oán gia (số 129,Trung A-hàm), Đức Phật nói oán gia trái chủ của mình chính là… bản thân mình, nằm ngay trong mình chứ không phải ở bên ngoài. Đức Phật cho biết kẻ oán gia đó chính là ba độc tham, sân, si. Khi tham, sân, si nổi lên thì tạo thành kẻ thù, được kẻ thù yêu thích. Kinh nêu lên bảy trường hợp ‘oán gia truyền kiếp’.

Oán gia thì cứ theo oán gia đời này qua đời khác, để làm khổ nhau

Oán gia thì cứ theo oán gia đời này qua đời khác, để làm khổ nhau

Thứ nhất là “oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp”. Nó tìm cách làm cho mình muối mặt, làm cho mình xấu đi. Như vậy, sự xấu xí là một ‘kẻ thù’, là một ‘oán gia’. Có không ít người, nhất là người phụ nữ, từng tuyên bố rằng, kẻ thù lớn nhất của mình chính là ‘khuôn mặt xấu xí’ của mình, cho nên nhiều khi họ không muốn soi gương, không muốn nhìn thấy khuôn mặt của mình. Có người đã ghê sợ với chính sự xấu xí của mình. Mình cố gắng trang điểm, mặc đồ đẹp và sử dụng những loại nước hoa đắt tiền, nhưng sắc thân của mình vẫn cứ xấu. Vì sao như vậy? Kinh nói: “Bởi vì mình bị chi phối bởi giận hờn, sân si. Tâm giận hờn, si mê không bỏ thì dù mình trang điểm cách mấy cũng không đẹp. Đó là oán gia thứ nhất gây thành oán gia khi mình nổi lên giận hờn”. Thì ra cái làm cho mình xấu, ‘kẻ thù’ xấu xí truyền kiếp của mình chính là tâm giận hờn, tâm ganh tị, tâm đố kỵ của mình. Tâm giận hờn không trút bỏ đi thì cho dù có đeo tràng hoa lên người cũng không thấy đẹp.

Kinh Phân biệt nghiệp ghi: “Người nào tính nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp thì sẽ tạo nghiệp đưa đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, mãn địa ngục sanh làm người có hình thể không xinh đẹp”. Như vậy, có thân hình không xinh đẹp là do sân hận.

Thứ hai là “oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành”. Tuy mình nằm trên giường vua, phủ bằng gấm vóc lụa là... nhưng vẫn không ngủ được, mình cứ nằm trăn qua trở lại, ngủ không ngon giấc, vẫn âu lo, đau khổ. Mình than thở, trời ơi không biết mình mắc cái bệnh gì mà không thể nào ngủ được? Có người vì không ngủ được đã phải dùng đến thuốc an thần, thuốc ngủ mà nếu sử dụng nhiều sẽ làm giảm trí nhớ, trị bệnh mà thêm bệnh. Cho nên, ngủ nghỉ không được là một ‘oán gia’. Kinh nói: “Vì bị chi phối bởi sân hận, tâm không bỏ sân hận. Đó là pháp oán gia thứ hai để gây thành oán gia khi mà mình nổi lên sân hận”. Thì ra, ngủ nghỉ không được cũng có nguyên do từ sân hận mà ra.

Chất chứa sân hận trong lòng thì đi đâu, ở đâu, nằm đâu cũng thấy nóng như lửa đốt. Có một lần nọ Đức Thế Tôn cư ngụ gần miếu thờ Aggàlva, cách thành Vương-xá không xa. Lúc bấy giờ vào mùa đông, trời rất lạnh, cây cối xác xơ, trơ trụi. Khi ấy, có một thanh niên vào buổi sáng sớm đến thăm Thế Tôn và hỏi thăm :

- Trong đêm hôm qua không rõ Thế Tôn ngủ có được ngon không?

Thế Tôn trả lời :

- Ta ngủ thật ngon!

Thanh niên thắc mắc :

- Hôm nay trời lạnh quá, muôn vật xác xơ, trơ trụi. Song, Thế Tôn lại dùng đệm cỏ để ngồi, mặc y áo rất là mỏng manh. Sao Thế Tôn nói ‘Ta ngủ thật ngon’ được?

Khi ấy Đức Phật hỏi:

- Giống như nhà một trưởng giả giàu có, nhà cao cửa rộng, phòng ốc tiện nghi, giường êm nệm ấm, mọi thứ đầy đủ, lại có người hầu kẻ hạ, vậy trưởng giả kia có ngủ ngon được không?

Thanh niên trả lời :

- Thưa Thế Tôn! Sẽ ngủ được ngon.

 Đức Phật lại hỏi:

- Nếu khi đang ngủ ngon mà có ý dục nổi lên, duyên bởi ý dục này, thì trưởng giả còn ngủ ngon được không?

Thanh niên bạch Phật :

- Bạch Thế Tôn! Nếu người kia ý dục nổi lên thì sẽ không ngủ ngon được.

Đức Phật dạy :

- Nếu một người mà trong tâm tham dục, sân hận, ngu si khởi lên thì không thể nào ngủ ngon giấc được, vì do trong tâm có ba độc. Như Lai do ngồi chỗ bốn thần túc nên được ngủ ngon. Ở đó không khởi dâm, nộ, si. Đã không khởi tâm ba độc này bèn ở trong vô dư Niết-bàn.

Như vậy, nơi mà mình nằm ngủ được an lành không phải là chỗ tiện nghi mà là nơi mình không còn tham, sân, si. Ở nơi chỗ không có tam độc, khi nào mình cũng được bình an.

Thứ ba là “oán gia thì không muốn oán gia có lợi lớn”. Kinh ghi: “Người hay sân hận bị tác động bởi sân hận, bị chi phối bởi sân hận, tâm không bỏ sân hận thì người ấy gặp bất lợi lớn”. Trong cuộc sống, trong công việc làm ăn, trong quan hệ bạn bè, và cả trong tình yêu, hôn nhân gia đình... khi nào mình cũng gặp điều không may mắn, luôn gặp rủi ro và bất lợi. Những khi ấy mình nghĩ chắc bị oán gia trái chủ gì đây, khiến cho mình luôn bị thiệt thòi. Sự thật thì cũng có oán gia, nhưng oán gia đó chính là... tâm sân hận. Khi sân hận nổi lên, mình nói lời không dễ thương, hành động nóng nảy, gây nghiệp thân và nghiệp khẩu; tâm ý bị sân hận chế ngự rồi thì mất tất cả tài sản, gặp bất lợi lớn. Tài sản thì có tài sản vật chất và tài sản nghĩa tình. Tình nghĩa gia đình, cha con, anh em... quý hơn cả vàng bạc, nhưng khi sân hận nổi lên thì quên hết nghĩa tình, hại cả người thân. Vậy thì, cái món nợ oán gia này quá nặng nề, nó không muốn mình có lợi về tài sản mà cũng chẳng muốn mình có lợi về tình cảm.

Thứ tư là “oán gia thì không muốn oán gia có bằng hữu”. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Sống không có bạn như sống thiếu mặt trời”. Con người nếu thiếu bạn bè sẽ yếu đuối hoặc sống gần như chết, chắc chắn sẽ buồn và cô đơn. Có một người bạn để chia sẻ, để tâm sự vui buồn thì cuộc sống sẽ bớt buồn tẻ hơn. Không ai muốn mình cô đơn và buồn tẻ. Ai cũng muốn có bạn bè. Nhưng nếu một người “hay sân hận, bị tác động bởi tâm sân hận, bị chi phối bởi tâm sân hận, tâm không bỏ sân hận, người ấy nếu có bằng hữu thân thiết, họ cũng tìm cách lánh mặt bỏ đi”. Đức Phật nói đó là pháp tạo oán gia thứ tư. Khi mình sân hận, mình sẽ đánh mất bằng hữu và tạo ra kẻ thù.

Thứ năm là “oán gia thì không muốn oán gia có sự khen ngợi”. Người ta thường khen ngợi người hiền lành chất phác chứ không ai khen ngợi người nóng nảy sân si. Người ta có khen Trương Phi là anh hùng, trọng nghĩa tình nhưng cũng chê ông nóng nảy. Vì nóng nảy mà hỏng đại sự. Kinh nói: “Người bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì danh ô tiếng xấu đồn khắp”.

Thứ sáu là “oán gia thì không muốn oán gia quá giàu sang”. Giặc cướp mất tài sản, phá hoại sự giàu sang của mình không chi hơn sân hận. Kinh ghi: “Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế; người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật”. “Nhất niệm sân tâm khởi, thiêu vạn công đức lâm”, nghĩa là một niệm sân hận khởi lên đã đốt cháy hết vạn khu rừng công đức. Có người suốt đời chưa chắc tạo được một vài việc công đức, lấy đâu ra cả vạn rừng công đức để đốt cháy? Vậy mà ngày nào cũng nổi cơn thịnh nộ với cha mẹ, vợ con, bạn bè, trời đất... thì thử hỏi làm sao người ấy giàu sang được? Cho nên, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, bố thí, cúng dường... mỗi một việc làm đều tạo thành công đức, mà khổ cực lắm mình mới có cơ hội để tạo dựng được, nhưng nếu không biết giữ gìn thì sẽ bị lửa sân hận đốt cháy hết trong một tích tắc.

Thứ bảy là “oán gia thì không muốn để oán gia khi thân hoại mạng chung được đến chỗ an lành, sanh ở cõi trời”. Kinh cho biết, có người suốt đời làm thiện tích đức mà đến khi chết vẫn bị tái sanh vào đường ác. Vì sao vậy? Vì trước khi chết, cận tử nghiệp, sanh tâm và tâm sở bất thiện, tương ưng với tà kiến. Tâm và tâm sở bất thiện ở đây có thể là một niệm sân hận. Suốt đời tu hành mà trước khi chết vì bị một niệm sân hận chi phối đã khiến sanh vào đường ác, huống nữa là những người suốt đời không biết tu tập?

Như vậy, luôn khởi tâm sân hận, bị tác động bởi sân hận, bị chi phối bởi sân hận, tâm không bỏ sân hận sẽ tạo ra bảy oán gia. Oán gia thì cứ theo oán gia đời này qua đời khác, để làm khổ nhau. Cho nên, Phật tử phải cố gắng tu tập để chuyển hóa những phiền não, những tập khí gây tạo thành những oán gia ấy đi. Phương pháp để tu tập nhằm chuyển hóa tâm sân hận là quán từ bi, rải tâm từ bi; tập ăn chay, niệm Phật để nuôi dưỡng lòng từ bi.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?

Kiến thức 10:35 05/11/2024

Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?

Đi về phía an lạc hạnh phúc

Kiến thức 09:20 05/11/2024

Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?

Muốn mau lành bệnh

Kiến thức 07:03 05/11/2024

Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.

Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp

Kiến thức 19:30 04/11/2024

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Xem thêm