Là một phật tử nên mục đích của tôi khi hướng lên phương bắc, trực chỉ Chiang Mai - thành phố lớn thứ hai của Thái Lan, có vĩ tuyến tương đương với Tp.Vinh của Việt Nam là một trung tâm văn hóa lớn vẫn được mệnh danh là “Hòn ngọc của phương Bắc”.
Bạn sẽ không tin nổi khi biết rằng Chiang Mai sở hữu hơn 300 ngôi chùa rất cổ, rất đẹp, rất lạ. Tôi đã đi ngắm và có bộ ảnh sưu tập chùa khá ưng ý khắp đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới nhưng khi đặt chân đến Chiang Mai cũng phải giật mình trước vẻ đẹp đến lạ lùng của các ngôi chùa nơi đây.
Để thỏa tính tò mò tôi lang lang các ngôi chùa. Nghe đến ngôi chùa nào là tôi tìm đến.
Ngôi chùa đầu tiên chúng tôi có mặt là chùa Wat Phan Tao. Chùa nằm ngay trong khu phố cổ nên rất dễ và tiện đến cho bất cứ du khách nào, không phân biệt có phải là
phật tử hay không. Tôi mê nhất ở đây là căn phòng được làm bằng gỗ tếch – một loại gỗ rất quý và hiếm. Vẻ đẹp ở đây rất lạ. Mùi thơm lạ quyện giữa hương cây được thắp lên và hương tự nhiên từ gỗ cho tôi một cảm giác rất dễ chịu.
Tôi ngồi thiền chút lát và cầu nguyện cho những ngôi chùa quý của Việt Nam được bảo tồn như thế này, chứ không bị những con người “văn minh” mang đập hết đi để xây những ngôi chùa mới rất hoành tráng bằng gạch và bê tông cốt thép. Tôi nguyện cầu để đất nước Việt Nam ta có thể xây thêm chùa mới nhưng giữ lại được những vốn quý có từ cả trăm, cả ngàn năm nay. Đâu có phải vì hết đất nên chúng ta đập chùa cổ đi để xây chùa xi măng trộn cát.
Tôi lang thang thả bộ tiếp đến chùa Wat Chedi Luang. Đây là ngôi chùa không lớn nhưng rất cổ kính và đáng viếng thăm. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1441. Tại đây tôi may mắn được một quý thầy biết tiếng Anh hỏi chuyện. Sư thầy giảng cho tôi nghe về lịch sử ngôi chùa, về những ngôi chùa quý ở Chiang Mai, về cách tu tập theo
Nam tông, về con đường mà đức Phật Thích Ca Mâu ni đã tìm thấy và truyền trao lại cho hậu thế. Cũng nhờ thầy mà tôi biết thêm về lịch sử vùng đất Bắc Thái Lan này.
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Tôi biết rằng Chiang Mai từng là thủ đô của vương quốc Lanna, là nhân chứng lịch sử cho những thăng trầm của Lanna từ ngày được thành lập vào quãng năm 1254 cho đến khi phát triển huy hoàng rồi tàn lụi. Vương Quốc Lanna hùng mạnh của ngày xưa bị sức mạnh quân sự của các quốc gia láng giềng như Sukhithai, Ayutthaya và Myanma khống chế và thôn tính.
Tôi nghĩ đến sự vô thường, rằng dù mạnh đến đâu rồi cũng quay về với thực tại. Chỉ khi có mặt ở những nơi như đây, tôi mới ngộ, mới ngấm sâu sắc về VÔ THƯỜNG. Trải nghiệm luôn thật đáng quý và quá quan trọng trong tu tập! Nhưng may mắn thay, quốc gia Lanna thì không còn nhưng những di sản văn hoá, nhất là chùa chiền, thì vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Thật là quý!
Chiang Mai ngày xưa là thủ đô của một vương quốc. Thành phố này cũng án ngữ tuyến đường quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa từ phía Nam Trung Quốc sang các đất nước khác như Myanma, Ấn Độ, Tây Á nên rất được coi trọng. Chính vì vậy vùng đất này luôn được coi là trung tâm của phía Bắc Thái Lan.
Tuy nhiên trong con mắt của tôi, Chiang Mai có khả năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và du lịch tâm linh hơn hẳn Băng Cốc cũng như những nơi khác của đất nước này. Bởi không chỉ tôi, mà bất cứ ai đến đây đều mê mẩn với sự cổ kính khó tìm, với những bức tường thành cũ kỹ và kiên cố được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước.
Tôi lang thang đến thăm chùa U Mong, một ngôi chùa nằm phía Tây của thành phố. Tôi thẫn thờ trước vẻ đẹp của chùa Wat Chiang Man với những bức tượng và lối kiến trúc đặc biệt. Tôi bắt tuk tuk để đến viếng thăm Phra Sing - ngôi chùa được coi là cổ nhất Chiang Mai. Có đến mới biết có rất nhiều khách hành hương và khách du lịch đang ở đây. Ngôi chùa nổi tiếng đến mức, các bạn tây phương nào cũng nhớ tên và nói vanh vách về lịch sử và sự độc đáo. Thật ngạc nhiên. Vậy mà mình thì đến đây rồi mới bắt đầu tìm hiểu. Nghĩ cũng thấy xấu hổ. Bởi ngôi
chùa cổ này được xây từ năm 1345, tức cách đây đến 7 thế kỷ. Nói thật nhé, chỉ cần đến đây thôi bạn có thể hiểu về vương quốc Lanna của ngày xưa. Mấy người bạn đi cùng tôi thì mê mẩn với bức tượng Phật ở đây. Người thì thấy quá đẹp. Bạn thì bảo rằng linh thiêng lắm.
Tôi đến với chùa Wat Chiang Mai. Ngôi chùa này được đức Vua Mangrai xây dựng từ thời Ngài trú ngự ở đây. Bạn đến đây sẽ được chiêm bái 2 pho tượng Phật quý và rất cổ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết. Số người được chiêm bái không nhiều. Một pho tượng Phật được làm bằng pha lê cao 10 cm có từ thời Lamphun. Bức
tượng Phật thứ hai bằng đá chạm nổi có xuất xứ từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ VIII. Tôi nghe bạn Suthatip của tôi nói rằng, hai bức tượng này có năng lực tạo ra mưa để dập tắt lửa nếu có hỏa hoạn. Thật ngạc nhiên!
Có một ngôi chùa khác là chùa Wat Chang Lom. Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XV. Mái chùa hình vuông được trụ trên những hàng voi xây bằng vữa. Wat Chang Lom được coi là chùa đồ sộ nhất Chiang Mai và được xây dựng vào năm 1345.
Tôi lang thang đến chùa Wat Chet Yok, ngôi chùa được vua Trailokaraja xây dựng vào năm 1455. Chùa này có ý nghĩa là bảy chóp nhọn, được xây dựng khá giống với Đại Bảo Tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Tại sao lại là 7 chóp nhọn? Bởi ghi nhớ 7 tuần lễ mà đức Phật đã tọa thiền dước gốc cây Bồ Đề để đắc đạo và 7 tuần mà Ngài đã lưu lại trong khu rừng ở Gaya trước khi rời đi để chuyển bánh xe pháp luân. Bạn Suthatip nói thêm rằng những bức tường của ngôi chùa vốn xưa kia đẹp lắm, xứng đáng với gia đình nhà vua Trailokraija. Tuy nhiên quân Myanma đã phá hủy đi phần lớn di tích quý giá này.
Tôi cũng đến với chùa Wat Suan Dok được xây dựng vào thế kỷ XIV. Nghe nói trong ngôi chùa này có rất nhiều vật linh thiêng, có nhiều chuyện thần kỳ, có nhiều giai thoại bí hiểm. Tôi thì không quan tâm đến chuyện đó. Là phật tử và thích nghiên cứu, tôi muốn đến
lễ Phật rồi ngắm và thưởng thức những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ và độc đáo mà thôi. Thời gian dành cho việc đảnh lễ Phật và ngồi thiền là rất quan trọng nhất, tôi không đủ nhiều để làm nhiều việc khác.
Trong toàn bộ thời gian ở Chiang Mai, ngôi chùa mà tôi nhớ nhất lại là Wat Doi Suthep, về
ngôi chùa này tôi đã tìm hiểu thông tin từ trước khi rời Việt Nam. Chúng tôi phải đi 12 km từ chân núi Doi Suthep mới đến chùa. Chùa nổi tiếng nhất Chiang Mai. Bất cứ ai đến thành phố này cũng không thể không đến, giống như đến Huế mà chưa đến chùa Thiên Mụ vậy.
Trước khi vào chùa, bạn Suthatip của tôi thuyết minh khá lâu và tỷ mỷ về ngôi chùa. Rằng khu vực đất này được lựa chọn để xây chùa vào giữa thế kỷ XIII. Truyền thuyết kể rằng có một con voi không hề bị xích chân có mang theo xác của của một vị thánh tăng Phật giáo được buộc ở trên lưng. Voi đi đến đây và không thể đi được nữa. Thế là nơi đây được xây chùa. Đến tận ngày nay, ngôi chùa vẫn được coi là thiêng liêng nhất, được nhiều phật tử đến lễ lạy, có nhiều khách hành hương nhất.
Viết đến đây tôi nhớ đến câu nói “Chưa đến Saint Per Tecbourg, coi như chưa đến nước Nga”. Bạn Suthatip của toi thì bảo "Chưa đến chùa Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai". Bạn cũng kể, ngày xưa để lên được đến đây phải mất 5 giờ đồng hồ, và rằng hành hương là phải khó khăn, cách trở. Bạn cũng cho biết, con đường đẹp lên chùa mới được làm cách đây có mấy chục năm mà thôi.
Trong chùa Doi Suthep có một tháp lớn nằm ở trung tâm. Bạn tôi nói rằng trong tháp cất giữ mảnh xương vai của Phật tổ. Quanh tháp trung tâm có hai chiếc lọng bằng đồng rất sáng và đẹp. Rất nhiều bức tượng Phật nhỏ được bố trí khắp bốn phía của ngôi chùa.
Hai dãy chuông lớn bằng đồng được treo trên lối vào chùa thường xuyên phát ra những âm nhạc dễ chịu như một bản giao hưởng, như những bài kinh đang được tụng. Chùa xây trên núi cao nên luôn lộng gió. Không khí nơi đây luôn mát rượi, thích nhất là những ngày hè.
Tôi thong thả theo lối vào để lên chánh điện. Nơi đây có pho tượng
Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc bằng đồng khá lớn. Cảm giác của tôi ở đây là rất bình an và tinh khiết. Tôi nhẹ nhàng lễ Phật và tưởng nhớ đến công đức của Ngài, như một vị thầy đã tìm ra con đường để suốt hơn 25 thế kỷ qua, hàng triệu, hàng triệu người con Phật đã nương theo để tu tập, để có cuộc sống an lạc và thảnh thơi để có đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Lại nói về sự tích kỳ bí của chùa Doi Suthep, bạn Suthatip của tôi mở sách tiếng Thái ra đọc và dịch rồi giảng cho tôi rằng, có một nhà sư tên là Sumanathera nằm mơ thấy Đức Phật nói lại rằng ngài cần phải đi tìm di vật của Phật. Sư Sumanathera đến nơi Phật tổ đã chỉ và tìm thấy một mảnh xương vai của Phật tổ. Điều đặc biệt là mảnh xương vai này phát ra ánh sáng, có thể biến mất, có thể tự chuyển động và tự tái tạo. Sư Sumanathera đem di vật này dâng cho nhà vua Dhammaraja của vương quốc Sukhothai.
Nhà vua tiếp đón sư Sumanathera rất long trọng nhưng khi đón tiếp thì mảnh xương vai không thể hiện phép nhiệm mầu. Nhà vua nghi ngờ đó không phải là di vật của Phật tổ nên cho phép sư Sumanathera giữ lại. Tuy nhiên vua Nu Naone của vương quốc Lanna đã nghe được tin này và yêu cầu nhà sư đem đến cho ông.
Năm 1368, với sự cho phép của vua Dharammaraja, sư Sumanathera đã đưa mảnh xương vai tới vua Nu Naone. Ngay lập tức di vật tự phân chia thành hai phần: Một phần kích cỡ như cũ và một phần nhỏ hơn. Phần nhỏ hơn được cất giữ ở chùa Wat Suan Dok. Phần còn lại được nhà vua đặt lên con voi trắng để thả vào rừng. Con voi trắng đã trèo lên núi Doi Suthep, rống lên ba lần rồi lăn ra chết. Vua Nu Naone và các phật tử thời đó hiểu rằng, đây là nơi di vật quý – mảnh xương vai của Phật tổ muốn được cất giữ. Thế là nhà vua cho xây chùa nơi này.
Nếu bạn có cơ hội đến Chiang Mai, tôi rất khuyên bạn nên đến chùa Doi Suthep. Ở đây, bạn còn có cơ may được ngắm toàn cảnh của thành phố lớn thứ hai Thái Lan. Bạn cũng không quên sống trong chánh niệm để thưởng ngoạn khí hậu tuyệt vời ở trên cao. Nếu bạn tin tưởng, có thể cầu nguyện. Suthatip bảo rằng, học sinh và sinh viên hay lên đây để nguyện cầu khi mùa thi đến rất hiệu nghiệm. Tôi thì chỉ thấy rằng chùa rất cổ kính, rất đẹp, rất mát mẻ và tràn đầy năng lượng.
Máy bay đưa chúng tôi đến Băng Cốc để về lại Việt Nam, chúng tôi bay bằng hãng hàng không giá rẻ Air Asia, họ nghiêm khắc đến mức hành lý quá một kg, cũng bắt tháo thùng, bỏ ra.
Tôi từ đó không muốn bay hãng này nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn muốn quay lại Chiang Mai. Tôi thầm nhủ, lần tới khi quay lại tôi nhất định đi tàu. Một mặt muốn cỏ trải nghiệm khác.
Nhưng khi nào mới có đủ duyên?!
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng