Pháp hỷ, pháp lạc - niềm vui trong chánh pháp
Đạo Phật không phải là tôn giáo bi quan tránh đời, trái lại, người học đạo, thâm nhập được pháp vị sẽ cảm nhận được niềm vui chân chính trong chánh pháp.
Dẫu rằng người uống nước nóng lạnh tự biết, nhưng người viết may mắn chạm được niềm an vui tươi mát này, cảm xúc dâng tràn, xin được vài dòng chia sẻ cùng bạn đạo để cho nhau thêm động lực bơi trong biển trí tuệ của Phật.
Đức Phật dạy niềm vui thế gian tạm bợ hư dối như phù vân qua núi, thấy đó lại mất đó. Khói lửa nhân gian muôn hồng nghìn tía, đèn phố đêm trăng hào nhoáng nhộn nhịp nhưng chóng tan và để lại dư vị quạnh quẽ khi đêm tàn ngày lên. Những bữa tiệc sa sỉ ngập trời, hỉ hả ăn uống thường làm người ta mệt mỏi và trống rỗng sau những nói cười vô vị trôi tuột theo cơn say.
Ta sung sướng có khi vì giành được một dự án lớn, thăng hạng sự nghiệp, được công nhận, tung hô, được rạng rỡ thành danh. Đi kèm niềm vui ấy là một chặng dài những đêm ngày căng thẳng vì công việc. Cảm xúc trong ta như chiếc nỏ, bị kéo căng bởi áp lực rồi bật tung khi đạt được thắng lợi, ta phấn khích rần rật trong người như kẻ đi săn hạ được con mồi. Nhưng không có nhiều thời gian thưởng thức tâm trạng lâu, vì ta tiếp tục bị lôi kéo vào những bận rộn mới của công việc, cứ thế xoay vòng, lò xo cảm xúc liên tục bị co giãn, không một giây nào thật sự tìm thấy điểm quân bình trong tâm lí.
Niềm vui trong Pháp vốn không giống niềm vui của thế gian.
Quy y Tam Bảo, ta thấy mình như trẻ thơ trở về vòng tay dịu dàng của mẹ, như người con đường xa phủ bụi trở về căn nhà năm xưa. Chân bước vào cửa Không thì vạn dặm năm tháng biến mất đâu còn dấu vết. Ngay khi thân ta quỳ xuống đảnh lễ chư Phật, nghe tim mình mềm dịu lại sau bao vấp ngã cuộc đời, một niềm pháp hỷ nhẹ nhàng thắp lên sưởi ấm ta, từ nay, ta được tái sinh trong ngôi nhà của Phật, trong vòng tay mẹ hiền Quan Âm.
Trong không gian u tịch của bình minh và hoàng hôn, sự chuyển giao của hai thời ngày đêm, tâm trạng con người cùng vạn loại chúng sinh cũng chập chùng mông lung, ngay đó tiếng hồng chung vang lên giữa tinh không, thấu suốt tam thiên, nhắc nhở ta thâu nhiếp thân tâm mà hướng về chánh niệm, kéo những linh hồn bơ vơ về nương cửa từ bi
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi
Không còn loạn niệm, dứt tạm vọng động, trong thời khắc nghe chuông, tâm buông bỏ chấp niệm, ta chạm được pháp hỷ an lạc của sự tịch tịnh:
Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Khi sám hối lạy Phật, ta biết ta không chỉ có ta, còn có cả ông bà, cha mẹ, tổ tiên, oán thân nhiều đời cùng hội tụ với ta nơi đạo tràng. Mỗi cái đảnh lễ thành tâm ta đổi lấy niềm hỷ lạc cho chính mình và cho hữu tình trong pháp giới, vơi được một chút đau khổ, thêm được một chút an vui trong Pháp.
Đọc tụng nghiên cứu giáo điển, từ sâu thẳm chợt vỡ ra ý nghĩa một câu kinh, trong ta như có luồng sáng rọi vào, hân hoan, mầu nhiệm, một niềm hoan hỉ chảy tràn khắp thân tâm, ta biết rằng mình vừa được nếm cảm được mùi vị pháp hỷ. Cảm giác lâng lâng như mình được gần hơn với trí tuệ thâm sâu của Phật, như mở ra một vườn hoa ngập nắng gió lùa, lùa cả vào lòng ta hương thơm của Bát Nhã. Niềm an lạc trong thinh lặng. Chỉ mình ta biết, lại không chỉ mình ta biết, chư Phật mười phương, hết thảy tam Bảo đều thấu.
Thực tập chánh niệm, không phải chỉ là ngồi thiền hay đi kinh hành, một sớm mai ra ban công lặng ngắm vườn cây, nhận ra một chồi non đang hé, một nụ hoa vừa nở, tươi mát, một sự sống mới bắt đầu. Niềm vui trong veo thuần khiết ấy là một dạng hoá thân của pháp hỷ.
Cũng như chư hiền thánh vào đời độ sinh, pháp hỷ luôn thường tại ta bà. Khi chưa nếm vị đạo, ta thường bị niềm vui mong manh trần thế níu giữ, làm mơ hồ tâm trí. Đến khi học Phật, tập theo lời dạy, bản tâm mới dần lắng đọng, trí tuệ mới dần sáng tỏ để thấy hoa nở hoa tàn đều mang theo thiền ý.
Người viết vẫn là phàm phu, còn đắm mình trong vui buồn nhân sinh, đi qua pháo hoa rực rỡ lại chẳng thể nắm được tiếng pháo trong tay, lại may mắn được nếm niềm an vui tĩnh lặng của Phật pháp, nguyện cho mọi người đến đúng thời điểm đều có thể tự pha cho mình li trà ngon, lật giở trang kinh, huân mình trong hương xông, ngoài kia gió mây thời cuộc, vui buồn biến động hết thảy đều dừng lại nơi cửa nhà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm