Phật dạy tỳ kheo Uttiga chỉ giữ một giới: "Dứt ác, làm lành"
Tinh thần của giới luật không ngoài hai điểm: “Dứt ác, làm lành.” Ðó chính là giới răn mà đấng đạo sư đã tóm tắt cho thầy Uttiga
Uttiga là một thanh niên Bà La Môn ở kinh thành Xá Vệ. Sau khi làm đầy đủ bổn phận của một cư sĩ tại gia như bố thí cúng dường. Uttiga đến yết kiến Phật và xin được xuất gia. Ðức đạo sư chấp nhận cho chàng được toại nguyện.
Sau ngày xuất gia và thọ tỳ khưu giới, Uttiga đâm hoảng chàng tự nghĩ: “Không ngờ muốn làm một sa môn phải giữ đến 250 giới… chỉ nhớ thôi cũng đã đủ mệt rồi… Nói gì đến thọ trì… Thôi chết rồi!”
Và thầy tỳ kheo Uttiga đâm ra lúng túng vì thầy không tài nào nhớ nổi 250 giới cấm. Uttiga đến gặp Phật và xin hoàn tục vì chàng không tài nào xoay sở với ngần ấy giới luật phải giữ.
Ðức đạo sư ân cần khuyên hỏi: – Này tỳ kheo! Con xin hoàn tục vì các điều giới quá nhiều khiến con không nhớ nổi, chứ không phải vì con nuối tiếc dục lạc thế gian, có phải thế không?
– Bạch Thế Tôn! Ðúng như vậy! Con nghĩ rằng khi sống đời cư sĩ, chỉ phải giữ có năm giới cấm… là những điều mà con có thể thi hành được. Còn hôm nay, 250 giới của tỳ kheo, con không tài nào nhớ hết thì làm sao mà vâng giữ chi bằng con xin hoàn tục để khỏi vi phạm đến giới pháp cao sâu vi diệu của tăng đoàn.
– Này tỳ kheo! Nếu Như Lai rút 250 giới lại thật tóm tắt, chỉ còn một vài điều giới thôi, thì con có thể tiếp tục đời sống xuất gia hay không?
– Bạch Thế Tôn, được như thế thì còn gì bằng.
– Này tỳ kheo bắt đầu từ hôm nay, con chỉ giữ có một giới này thôi. Ðó là canh chừng thật chặt chẽ những móng tâm động niệm của con, biết rõ từng ý nghĩ khởi lên là thiện hay ác. Này tỳ kheo! Làm sao biết đó là ý tưởng thiện hay ác? Ý tưởng ác là những ý tưởng mà nếu đem ra nói hay làm, sẽ gây tai hại cho mình cho người hoặc cả hai. Ðối với những ý tưởng như thế, con phải canh chừng theo dõi nó từ lúc mới sanh khởi, lan rộng cho đến khi diệt mất. Này tỳ kheo! Thế nào là những ý tưởng thiện. Ðó là những ý tưởng mà khi đem ra thi hành sẽ không làm hại mình, hại người hoặc hại cả hai… Ðối với những ý tưởng loại này con cũng phải theo dõi từ lúc chúng sanh khởi, lan rộng cho đến khi hoại diệt mất. Này tỳ kheo! Với một điều giới như thế, con có thể giữ được hay không?
Thầy tỳ kheo Uttiga cung kính thưa: – Bạch Thế Tôn, con có thể giữ được và con xin Thế Tôn cho phép con ở lại tịnh xá tu học.
Rồi thầy tỳ kheo Uttiga với một điều giới duy nhất như thế tinh cần tu tập. Không may cho thầy một cơn bệnh nặng chợt đến khiến thầy phải gián đoạn công phu. Cơn bệnh này tiếp nối cơn bệnh khác, không dứt khiến thầy Uttiga vô cùng sầu khổ.
Một hôm trên giường bệnh thầy chợt nghĩ: “Trong khi ta lâm bệnh khổ, thân thể khó chịu vô vàn như thế này, các ý tưởng sinh khởi liên miên không bao giờ dứt. Nếu cái thân xác thịt này không được tiếp tế thức ăn, nước uống và không khí thì có lẽ nó đã chết từ lâu. Còn cái vọng tâm của ta, nếu không được tiếp tế bằng những ý niệm thì có lẽ nó cũng đã chết từ lâu lắm rồi. Thân ta tuy hiện đang bị bệnh khổ bức bách nhưng nó không phải là một cái cớ để ta buông lung. Huống chi đấng đạo sư đã thương tình tóm tắt 250 điều giới trong chỉ mỗi một giới mà ta còn lơ là thì thật là đáng trách”.
Nghĩ như thế tỳ kheo Uttiga tinh cần tu tập. Chẳng bao lâu thầy đắc A La Hán ngay khi còn nằm trên giường bệnh. Người ta còn ghi lại được một bài kệ đơn giản của vị La Hán này như sau:
“Trong khi ta lâm bệnh
Niệm khởi lên nơi ta
Trong khi ta lâm bệnh
Không phải thời phóng dật.”
Trường hợp của thầy tỳ kheo Uttiga cũng là trường hợp của em và tôi. Dù đã thọ năm giới, 10 giới, 250 giới hay 348 giới đi nữa, tuy số lượng có sai biệt nhưng tinh thần của giới luật không ngoài hai điểm: “Dứt ác, làm lành.” Ðó chính là giới răn mà đấng đạo sư đã tóm tắt cho thầy Uttiga. Giữ gìn giới đạo này, nhà thiền gọi là “chăn trâu” đó em.
Thử thời thuyết đạo hãn tri âm
Chỉ vị như tư tán đạo tâm
Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm
Thính lai nhất đạt Bá Nha cầm.
(Thiền sư Tịnh Giới)
Ðời nay hiếm kẻ tri ân
Ðến nghe thuyết giảng đạo tâm mơ màng
Tử Kỳ lòng quả chư nhàn
Thoảng nghe đã hiểu cung đàn Bá Nha.
Ôi dư cốt dốt độc hoàng chương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ ba suy thương hòa mộc dạc
Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang.
[Thiền sư Huyền Quang (VN)]
Củi hết lò còn vương vấn khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặt tình.
Song triêu nguyệt đáo thiền sàng mất
Tùng thiếu phong xuy tỉnh khách miên…
Ðầu giường trăng rọi song thưa
Gió ru thông hát khách đưa giấc nồng.
Trích “Hư Hư Lục”
Thích Nữ Như Thủy
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phước điền nên cất vào đâu?
Phật giáo thường thức 16:04 20/12/2024Phước điền có ba loại, ba loại này đều sanh phước, sanh vô lượng vô biên phước báu.
Người Phật tử nên cúng chay để hương linh được lợi ích?
Phật giáo thường thức 13:57 20/12/2024Hỏi: Chúng tôi được biết, việc giết thịt gà, vịt v.v… để làm cỗ dâng cúng trong các ngày lễ Tết, giỗ chạp là góp phần làm cho nghiệp báo của những người quá cố thêm nặng nề, khó được siêu thoát, không phải là sự báo hiếu đúng Chánh pháp. Như thế, có phải hàng Phật tử chúng tôi nên cúng chay để hương linh được lợi ích?
10 điều lợi ích khi thờ phụng và cúng dường Bồ tát Địa Tạng
Phật giáo thường thức 12:32 20/12/2024Địa Tạng Bồ Tát có mối nhân duyên lớn với chúng sinh, đã có nhân duyên lớn như vậy, thì thờ phụng, cúng dường Bồ Tát và đọc tụng Kinh Địa Tạng sẽ được công đức, lợi ích gì?
Làm sao để kiểm soát tâm?
Phật giáo thường thức 11:44 20/12/2024“Cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ - Tâm được kiểm soát mang lại hạnh phúc” là một giáo lý cốt lõi trong Phật giáo, nhấn mạnh vai trò của tâm trí trong việc tạo ra hạnh phúc hay khổ đau
Xem thêm