Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 02/04/2023, 16:00 PM

Phật giáo chủ trương độ tử hay độ sinh?

Tôi thường tham gia đi hộ niệm cầu siêu và gặp một số trở ngại vì có người nói: “Mình chưa siêu mà đòi cầu siêu cho người khác? Người được cầu làm sao siêu khi mình chẳng siêu? Tự độ mình chưa xong lại lo đi độ người khác? Đạo Phật là Đạo độ sanh chứ đâu phải Đạo độ tử?”.

Đáp:

Hộ niệm cầu siêu cho thân nhân, đạo hữu là một Phật sự phổ biến của chư Tăng và Phật tử. Khi một thành viên trong đạo tràng hoặc thân nhân của họ mất đi, đạo tràng thường tổ chức phúng viếng, cùng với chư Tăng hộ niệm cầu siêu. Đây là một việc làm đúng Chánh pháp, hợp với lời Phật dạy. Hộ niệm cầu siêu ngoài mục đích siêu độ cho hương linh còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị và lợi ích trong việc hoằng dương Phật pháp.

Cầu siêu, nếu đơn thuần chỉ xét về hình thức bên ngoài thì có vẻ như nặng về cầu nguyện, mong cầu và nương tựa hoàn toàn vào tha lực tiếp độ của chư Phật. Điều này đã khiến cho nhiều người ngộ nhận cầu siêu mang sắc thái của những tôn giáo hữu thần, thiên về cầu nguyện tha lực, thiếu tinh thần tự lực đồng thời nếu cầu siêu mà được siêu hết thảy thì phi nhân quả, không hợp Chánh pháp, chưa thực sự “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.

Nhìn nhận về Phật sự cầu siêu trong nhà Phật

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình”.Thực ra, cầu siêu là một trong nhiều phương tiện nhằm thức tỉnh hương linh, mang tính tự lực rất cao và nếu được ân triêm tha lực tiếp độ của chư Phật đi nữa cũng phải dựa trên nền tảng tự thức tỉnh, giác ngộ của chính hương linh. Nếu hương linh với một tâm thức đầy dẫy tà kiến, vô minh, chấp thủ nặng nề, không nhận thức được Chánh pháp để tỉnh thức thì chắc chắn sự siêu độ đối với hương linh ấy quyết không xảy ra. Vì thế, việc tập trung hộ niệm nhằm trợ giúp hương linh tỉnh thức, giác ngộ là tối cần thiết, nhất là trong giai đoạn đang còn mang thân Trung ấm chưa quyết định đầu thai, dao động trong khoảng thời gian từ một tuần đến bảy tuần.

Hộ niệm cầu siêu thực chất là cùng nhau chí thành, nhất tâm hợp lực đọc tụng, tuyên thuyết lời dạy của Phật. Chính lời Phật được tuyên thuyết do hộ niệm cùng với sự gia hộ của nguyện lực độ sanh từ chư Phật và Bồ tát thường trú khắp mười phương đã làm cho hương linh nhận thức được Chánh pháp đồng thời tự thức tỉnh để chuyển hoá và thăng hoa đời sống của mình. Tuỳ theo cấp độ thức tỉnh và chuyển hoá của hương linh mà quyết định các cấp độ cảnh giới thăng hoa. Vậy thì không nhất thiết những người tham gia hộ niệm đều đã “siêu”; chỉ cần chí thành, thanh tịnh trong lúc hộ niệm là đủ. Đối với hương linh, nhờ có nghiệp thông nên rất bén nhạy, có khả năng cơ cảm và nhận thức Chánh pháp nhanh. Cho nên nếu những người hộ niệm chí thành tuyên nói, tụng đọc giáo pháp để khai thị thì hương linh có cơ hội rất lớn trong việc lĩnh hội để thức tỉnh, chuyển hoá.Do vậy, dù quá trình tu học của một cá nhân chưa đạt đến trình độ giải thoát, giác ngộ, tức chưa “siêu” nhưng vẫn tham gia hộ niệm cầu siêu cho người khác một cách bình thường. Khi đặt ra vấn nạn “tự mình chưa siêu mà đòi cầu siêu cho người khác?” chứng tỏ người đặt vấn đề chưa thấu triệt bản chất của việc hộ niệm cầu siêu. Đồng thời, nếu vẫn chấp thủ quan điểm của mình thì không chỉ vấn đề cầu siêu mà cầu an, giác ngộ cũng bị nhận thức rập khuôn một cách lệch lạc: “mình chưa an mà đòi cầu an cho người khác?”, “mình chưa giác ngộ mà đòi giác ngộ cho người khác?” v.v và v.v. Nếu cứ duy trì nhận thức này một cách máy móc và khô cứng như đã nêu thì sẽ làm thui chột tâm từ bi và làm đông cứng Phật pháp. Cần phải khai phóng ngay những nhận thức làm đóng băng Phật pháp để Phật pháp luôn sinh động, linh hoạt, vị tha và phổ cập đại chúng.

Tự độ và độ tha là công hạnh của tất cả những người tôi Phật. Tự độ và độ tha phải song hành vì trong bản chất tự độ đã bao hàm độ tha và ngược lại. Tự độ và độ tha vốn tương tức, không tách rời nhau, sẽ không viên mãn tự độ nếu vắng mặt độ tha và ngược lại. Vì vậy, “tự độ mình chưa xong mà lại đi lo độ người khác” là một quan niệm thiển cận, ích kỷ và hẹp hòi. Ngay cả Đức Phật cũng trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu tập, vừa tự độ vừa độ tha cho đến ngày công viên quả mãn, thành bậc Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn.

Tuy vậy, trong trường hợp đối cơ, người Thầy có thể răn nhắc học trò: “tự độ mình chưa xong mà lại đi lo độ người khác” để răn dạy những học trò vì mê mải với chuyện “độ tha” mà quên mất tự độ. Tất nhiên, “độ tha” ở đây phải được hiểu là phóng tâm, hướng ngoại, lấy việc cầu cúng làm chính; chạy theo lợi dưỡng, danh vọng và cung kính… vốn hoàn toàn phi pháp.

Thật đúng khi nói “Đạo Phật là Đạo độ sanh”, tức độ thoát tất cả chúng sanh. Các hương linh chỉ là những người chết đối với người sống, thực chất họ cũng là những chúng sanh đang “sống” hoàn toàn, không có gì là chết cả. Vì thế, phát tâm độ thoát cho các chúng sanh ấy là độ sanh. Không hề có chuyện chết hoặc cõi chết mà chỉ có sự chuyển sanh, tái sanh vào các cảnh giới khác nhau trong ba cõi - sáu đường tương ứng với nghiệp nhân của họ mà thôi. Do vậy, trong Phật pháp không có vấn đề “độ tử”. Đặt vấn đề “độ sanh, độ tử” để xuyên tạc, làm méo mó ý nghĩa cầu siêu là một việc làm thiếu thành tâm và thiện ý, đồng thời chứng tỏ sự giới hạn trong việc nhận thức chánh pháp của người đặt vấn đề.

Mặt khác, việc hộ niệm cầu siêu ngoài mục đích siêu độ hương linh còn thể hiện tình cảm của những người tôi Phật; chia sẻ, động viên, an ủi pháp lữ trong lúc đau thương, mất mát đồng thời sự hộ niệm sẽ cảnh tỉnh, cảm hoá các thành viên trong gia đình, thân tộc hướng về Chánh pháp.

Tóm lại, trong quá trình tu học, tự độ phải song hành với độ tha, đây là lý tưởng và hạnh nguyện của Bồ tát. Bất cứ công việc nào nếu được thực thi với tâm nguyện chí thành, trong sáng và thanh tịnh với mục đích lợi mình và lợi người trong đời này và đời sau thì đó chính là Phật sự.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phải làm thế nào khi người đối xử không tốt với mình?

Hỏi - Đáp 16:00 30/04/2024

Hỏi: Khi người khác đối xử không tốt với mình thì mình phản ứng như thế nào?

Phát nguyện tụng kinh nên kiêng kị điều gì?

Hỏi - Đáp 14:00 29/04/2024

Hỏi: Tôi đang có ý định phát nguyện tụng kinh A Di Đà hoặc kinh Địa Tạng khoảng 21 ngày hoặc 49 ngày. Điều băn khoăn là tôi vẫn phải nấu thức ăn mặn cho cả gia đình (tôi chỉ đi chợ mua đồ mặn làm sẵn) và nếu quan hệ vợ chồng thì có được không?

Giải phóng chính mình khỏi mọi niềm tin giới hạn

Hỏi - Đáp 09:20 27/04/2024

Hỏi: Tại sao cùng một bài giảng, cùng một câu chuyện hay cùng một vấn đề mà những người nghe lại tiếp nhận chúng theo rất nhiều hướng khác nhau?

Làm sao con chuyển hóa được niềm đau trong con thành sự an lạc và tĩnh lặng?

Hỏi - Đáp 15:00 26/04/2024

Hỏi: Thưa Thầy, khi con nhìn thấy Thầy, con cảm nhận được sự định tĩnh và niềm an lạc nơi Thầy, nhưng đồng thời con lại thấy một niềm đau trong con…Con muốn được như Thầy. Làm sao con có thể chuyển hóa niềm đau trong con thành niềm vui, sự an lạc và tĩnh lặng như Thầy?

Xem thêm