Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 27/04/2015, 09:37 AM

Phật giáo trên đất xứ Nghệ

Phật giáo cũng được hưng phát tại đất Nghệ An. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu khảo cổ tại các ngôi chùa, tự viện hiện là phế tích cũng như trong tâm thức của người dân xứ Nghệ đã chứng minh Phật giáo đã có mặt tại Nghệ An cách đây hàng ngàn năm

"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, 
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ." 

Câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của xứ Nghệ không biết tự bao giờ đã trở nên quen thuộc đối với du khách bốn phương để ngợi ca một vùng quê non nước hữu tình, núi và sông, rừng và biển quấn quyện với nhau làm nên vẻ đẹp kỳ thú say đắm lòng người để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai đã từng đi qua và dừng chân ghé lại. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người và mảnh đất xứ Nghệ nhiều danh thắng có giá trị về văn hóa, du lịch như biển Cửa Lò, biển Cửa Hội, biển Nghi Thiết; rừng nguyên sinh Pù Mát với hệ thống thực vật phong phú như thác Khe Kẽm, thác Sao Va; di tích Phượng Hoàng Trung Đô; khu di tích Hoàng Trù - Kim Liên... Bên cạnh văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể - dân ca ví dặm Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization) công nhận là kiệt tác của nhân loại.

Nghệ an còn được biết đến là mảnh đất "địa linh nhân kiệt" nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt làm rạng danh non sông, đất nước như vua Mai Hắc Đế, Hoàng đế Quang Trung, thi sĩ Hồ Xuân Hương… Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Hòa cùng với dòng chảy lịch sử đó, Phật giáo cũng đã sớm có mặt tại Nghệ An cách đây hàng ngàn năm và có những ảnh hưởng quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa tâm linh của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hầu hết các ngôi chùa tại Nghệ An chỉ còn lại phế tích. Song, với cội nguồn truyền thừa từ ngàn đời, truyền thống văn hóa, yêu nước của người xứ Nghệ, Phật giáo Nghệ An đang từng bước được phục hồi và có sự phát triển mới.

I. Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Nghệ An
1. Phật giáo Nghệ An thời kỳ du nhập

Nghệ An hiện nay là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp nước bạn Lào. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Vinh. Trước đây, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh có cùng một tên chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc), Nghệ An Châu (đời nhà Lý, Trần), xứ Nghệ (năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông), rồi trấn Nghệ An. Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam). Năm 1976 đến 1991, Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành một tỉnh - Nghệ Tĩnh. Từ năm 1991, lại tách ra thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Phật giáo Nghệ An có những bước hình thành và phát triển gắn với sự hình thành và phát triển chung của lịch sử Phật giáo trong nước. Thời Lý và thời Trần phật giáo phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc đạo. Theo đó, Phật giáo cũng được hưng phát tại đất Nghệ An. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu khảo cổ tại các ngôi chùa, tự viện hiện là phế tích cũng như trong tâm thức của người dân xứ Nghệ đã chứng minh Phật giáo đã có mặt tại Nghệ An cách đây hàng ngàn năm. Có thể nói đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân xứ Nghệ, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật, đặc biệt khi vua Trần Nhân Tông về đây chiêu mộ binh sỹ đánh đuổi quân Nguyên Mông, thời kỳ này nhiều chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa. Trong thời gian vua Lê Lợi lập đại bản doanh cũng như thời kỳ vua Quang Trung tiến quân ra thành Thăng Long cũng đã dựa vào cơ sở chùa chiền để đóng quân và huấn luyện binh sỹ.

2. Phật giáo Nghệ An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ

Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu, các nhà Nho yêu nước tại Nghệ An, nhân dân đã đoàn kết tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa tích cực đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn này, nhiều chùa đã được các sỹ phu sử dụng là nơi tập hợp quần chúng, mở trường dạy học, luyện binh luyện tài để tổ chức các phong trào đấu tranh. Với tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”  (1) Tăng ni, phật tử đã hòa cùng với dòng chảy cách mạng, không ngại khó khăn, hiến cúng tài sản, đất đai, ruộng vườn, hương hỏa của chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.

Trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, các phong trào yêu nước đã phát triển sâu rộng trong đời sống quần chúng nhân dân, nhiều Tăng ni đã trực tiếp tham gia làm cách mạng, nhiều chùa chiền trở thành nơi nuôi dấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến, đồng thời cũng là để tránh quân xâm lược lợi dụng chiếm đóng lâu dài. Tất cả những đóng góp đó của giới tăng ni, phật tử Nghệ An đã góp phần vào những thắng lợi chung trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời chia cắt hai miền Bắc – Nam với hai chế độ chính trị khác nhau, Nghệ An cũng như các tỉnh miền Bắc bước vào giai đoạn thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng chung là: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Nhiều phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân tại Nghệ An đã được phát triển như phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, “lương không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “tất cả cho miền Nam ruột thịt”. Với hào khí đó, nhiều Tăng ni Phật tử đã tạm thời hạ bỏ cà sa, tạm gác câu kinh, tiếng chuông, tiếng mõ để trực tiếp tham gia các chiến trường cả ở hậu phương và ở ngoài chiến tuyến. Cũng trong thời gian này, chùa chiền đã trở thành những trường học giảng dạy cho trẻ thơ, rồi trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi làm việc của trụ sở chính quyền, bệnh xá nhà thương. Tất cả những hy sinh đó đã góp phần vào sự thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

3. Phật giáo Nghệ An trong thời kỳ thống nhất đất nước

Chiến tranh kết thúc, cũng như bao làng quê khác ở miền Bắc, Nghệ An còn là tuyến lửa trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và là cái nôi của nhiều phong trào yêu nước. Chính vì vậy, cơ sở vật chất của Nghệ An sau chiến tranh chỉ là còn là những ngổn ngang đổ vỡ, những vết bom còn hằn sâu trong lòng đất. Trong hoàn cảnh đó, các cơ sở thờ tự của Phật giáo tại Nghệ An cũng gần như không còn, tiếng chuông, tiếng mõ, hình dáng của tăng, ni, phật tử chỉ còn lại trong tâm thức của mỗi người dân.

Tưởng rằng đã mất hết dấu tích Phật giáo nơi xứ Nghệ, song cũng như sức sống bền bỉ của con người xứ Nghệ, chùa Cần Linh tại thành phố Vinh còn lại tương đối nguyên vẹn và là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì, tiếng chuông tiếng mõ đã vang khắp gần xa, phật tử xứ Nghệ lại vân tập tại đây để củng cố đạo lực sau bao năm chiến tranh gian khổ, từng bước khôi phục phát triển lan tỏa về những phế tích Phật giáo vùng quê.

Mặc dù đời sống của nhân dân, phật tử sau chiến tranh vô cùng khó khăn, song với truyền thống gắn bó đạo đời, bên cạnh đó được sự chỉ dẫn giúp đỡ của các cấp chính quyền, Phật tử Nghệ An đã từng bước khắc phục khó khăn, góp công góp của xây am làm thất để tôn trí thờ Phật, tiếp tục duy trì mạng mạch Phật pháp của Tổ tiên.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 09 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước. Ni trưởng trụ trì chùa Cần Linh đã được suy cử tham gia Uỷ viên HĐTS khóa I. Trong quá trình phát triển Phật giáo đàng Trong (từ Quảng Bình ra Thanh Hóa), chùa Cần Linh là điểm dừng chân của Chư tôn đức Trung ương Giáo hội trong mỗi chuyến hành hương Phật sự và là cầu nối đạo pháp với Phật giáo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Năm 2007, Ban Thường trực HĐTS đã có công văn gửi các cấp lãnh đạo và chính quyền tỉnh Nghệ An đề nghị quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho phép Giáo hội thành lập tỉnh hội Phật giáo Nghệ An. Sau một thời gian chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 17/6/2011 UBND tỉnh Nghệ An đã chính thức ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND-NC, về việc chấp thuận thành lập tỉnh hội Phật giáo Nghệ An. Căn cứ Quyết định nêu trên, Ban Thường trực HĐTS T.Ư GHPGVN đã ban hành Quyết định về việc thành lập Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An trực thuộc T.Ư GHPGVN.

Sau gần 40 năm đất nước hòa bình thống nhất, 30 năm giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và trưởng thành, Phật giáo Nghệ An mới ra đời. Tuy có muộn nhưng Phật giáo Nghệ An vẫn được xiển dương. Tuy có lúc ở cao trào phát triển, có lúc ở thời khắc khó khăn chiến tranh kéo dài hủy hoại văn hóa tâm linh nhưng nguồn mạch đạo pháp tại Nghệ An vẫn được nối liền. Đây chính là minh chứng hùng hồn để khẳng định sức sống của đạo pháp mãi mãi được tôn vinh trong đời sống xã hội.

II. Cội nguồn truyền thừa 

Thống kê gần đây cho thấy Nghệ An có khoảng hơn 300 ngôi chùa như chùa Diệc, chùa Đại Tuệ, chùa Cần Linh, chùa Phổ Nghiêm, chùa Chung Linh, chùa Cổ Am, chùa Ân Hậu, chùa Tập Phúc, chùa Phổ Môn, chùa Gám, chùa Đồng Bạc, chùa Cổ Sơn, chùa Viên Quang, chùa Ná, chùa Lụi...tuy nhiên điểm lại thì còn rất ít những ngôi chùa còn nguyên vẹn, hầu hết những ngôi chùa chỉ còn tồn tại trên những vết tích hoang phế còn lại của thời gian và chiến tranh tàn phá. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân trong vùng được nâng cao, sự đóng góp về vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân và được sự đồng thuận của các cơ quan Nhà nước hữu quan, phong trào phục dựng lại những ngôi chùa đã từng tồn tại trong lịch sử xứ Nghệ đã có những bước phát triển mới đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của nhân dân trên địa bàn.

1. Chùa Diệc: 

Chùa Diệc hay Diệc Cổ tự, tọa ở số 49 đường Quang Trung, phường Quang Trung, thuộc trung tâm thành phố Vinh. Chùa được khởi dựng từ cuối thời Trần, sau nhiều lần được trùng tu, kể từ cuối thế kỷ XIX, chùa Diệc đã trở thành trung tâm văn hóa - tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa dưới thời nhà Trần, khu vực chùa Diệc hiện nay chỉ là đồng ruộng có nhiều ao chuôm. Có một năm trời làm hạn kéo dài, ao chuôm khô sạch, dân không có nước tưới. Một hôm người ta thấy đàn chim Diệc từ đâu bay về đây và nằm chết la liệt, mọi người kéo ra xem thì trời bắt đầu đổ mưa to. Họ bảo nhau rằng những con Diệc này do trời phái xuống để giúp dân làm mưa, bèn nhặt xác Diệc lại và đắp thành một gò nhỏ. Ban đêm người ta lại thấy hàng trăm con Diệc bay lên trời... Từ đó người dân dựng lên nơi đây một ngôi chùa bằng tranh và đặt tên là chùa Diệc.

Theo như văn bia "Kỷ niệm chư công đức bi ký" tại chùa thì sau lần trùng tu năm Canh Ngọ (1930), chùa có điện Phật, lầu chuông, gác khánh; có pháp tượng, đồ thờ, nhà tổ 7 gian; có gác tam quan, trước hồ sau giếng, tường thành bao quanh, cỏ cây tươi tốt, tạo thành một cảnh quan lớn của đất nước, khiến du khách cứ ngỡ là cảnh Tây Thiên Cực Lạc, chùa Vàng chốn Đế đô.

Theo lời các phật tử cao niên, ngày trước dưới thời Pháp thuộc, trong các phong trào Cần Vương, Xô Viết - Nghệ Tĩnh, chùa Diệc đã từng là điểm liên lạc bí mật của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đội Cung… cùng với rất nhiều anh hùng chiến sĩ cách mạng khác. Chính lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh của học sinh trường Quốc học Vinh đã diễn ra tại ngôi chùa này. Đặc biệt, Cụ Lê Thước, người thi đỗ giải nguyên kì thi Hương cuối cùng ở trường Nghệ năm 1918, sáng lập Hội Hàn lâm Nghệ An, đã phát hiện ra bản gốc văn Chiêu Hồn (văn Tế Thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc vào năm 1926.

Tuy nhiên, kể từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, ngôi cổ tự một thời từng là niềm tự hào của người dân thành Vinh này chưa được đánh giá và bảo quản đúng theo giá trị của nó, hiện chỉ còn lại tam quan cùng hai tấm bia đá đang ngày đêm chống chọi với mưa nắng và bị một số người lấn chiếm đất chùa để ở, kinh doanh...
 Chùa Diệc (Ảnh tư liệu)
2. Chùa Đại Tuệ

Theo sách “Nghệ An cổ lục”: “Thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng láo, hình như sao chổi, sao hoá đá, đá ấy rất thiêng”.Thực tại: Sau lưng chùa là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ tiên bằng đá (Tương truyền đỉnh Thăng Thiên là nơi người hạ giới lên trời và nơi người trời xuống hạ giới). Cách chuông 100m về phía Tây có tảng đá lớn khoảng 5m3, khi dùng đá gõ vào phát ra âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là đá Mõ). Phía Đông chếch Bắc có tảng đá lớn tương tự nhưng khi gõ vào nghe như tiếng chuông đồng (nhân dân gọi là đá Chuông). Phía trước chùa có một tảng đá lớn giống như ngai vàng (nhân dân ta gọi là Thạch ngai, không ai dám ngồi vì tương truyền Thạch ngai này là nơi xưa kia Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Quang Trung Nguyễn Huệ từng ngồi chỉ huy tập trận). Phía trước chùa khoảng 400m có hai trụ đá lớn dựng đứng như cổng chùa thiên tạo. Cạnh chùa có một giếng nước cổ sâu chỉ hơn 2m, tuy giếng ở trên đỉnh núi nhưng không bao giờ cạn (nhân dân ở đây cho rằng nước giếng là nước của Phật, uống vào sẽ khỏi bệnh). Sườn núi hai bên chùa có khe Trúc, khe Mai, cạnh chùa còn có ao sen cổ... Trong nhân gian còn truyền tụng bài thơ cổ: “Ngai thạch vững chãi. Chuông đá ngân vang. Mõ đá vọng sang. Bàn tiên thượng đỉnh. Ao sen hương phảng phất. Giếng nước thánh tràn đầy. Ngôi chùa tận trên mây. Người xây, thiên tạo hoá”. 

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi lại thì nguồn nước trên đỉnh núi Đại Huệ chảy ra là một trong sáu nguồn nước thiêng của nước Việt mà từ thời Minh Thái Tổ (Trung Quốc) thể kỷ thứ 14 hàng năm đều sai sứ thần sang tận nơi để tế lễ.

Chùa có tên là chùa Đại Tuệ, thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Ngôi chùa này là nơi đại giác, đại trí, đại dũng, vô ngã, vị tha, hy sinh, tất cả để đem lòng bác ái từ bi vô hạn, cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Theo tài liệu Phật của giáo hội Phật giáo Việt Nam đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ.

Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thể kỷ thứ XV, ngôi chùa này được vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ, bởi Phật Bà Đại Tuệ đã giúp vua Hồ Quý Lý xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh

Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy vua Hồ Quý Ly cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, dân phu vất vả nhiều mà không xây được thành. Đêm năm mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành bao quanh. Từ đó, việc xây thành đắp luỹ rất thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, vua Hồ Quý Ly giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo, tu bổ thường xuyên, hương khói phụng thờ, đặng cầu cho quốc thái dân an...

Cho đến thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, khi trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh (1789) đã dừng chân ở đây chiêu tập mười vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa, nên bãi đất phẳng trước chùa hiện nay vẫn gọi là Bãi Tập. Vua được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Chiến thắng trở về, Hoàng Đế xuống chiếu cắt cho chùa 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm. Hiện nay cánh đồng dưới chân núi vẫn có tên là ruộng Chùa.

Hiện nay chùa đang được phục dựng lại để đáp ứng nguyện vọng thờ Phật, hướng thiện, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.
 Chùa Đại Tuệ
3. Chùa Cần Linh

Chùa Cần Linh (chùa Sư nữ) thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh, cách quốc lộ 46 khoảng 100m về phía trái, cách đền Hồng Sơn 1km theo hướng Vinh - Hưng Nguyên - Nam Đàn, còn gọi là chùa Sư Nữ vì các đời trụ trì đều là sư nữ. Chùa có sông Cồn Mộc, có hồ Cửa Nam bao quanh tô thêm vẻ hữu tình.

Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni - vị tổ của đạo Phật - và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5.208 m², gồm có các kiến trúc: Tam quan, bái đường, chính điện, tăng đường, nhà tả vu, hữu vu. Tương truyền, Cần Linh là ngôi chùa đã có hàng nghìn năm tuổi, được xây dựng vào thời tiền Lê (năm 886). Khi đó, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc là Cao Biền được cử sang Việt Nam làm tiết độ sứ và ông đã cho xây dựng chùa, đặt tên là Linh Vân Tự.

Theo sử sách còn lưu lại thì ngôi chùa này đã có sự ghé thăm của hai vị vua là Tự Đức và Bảo Đại. Trong đó Tự Đức được coi là người đã có ý tưởng đổi tên chùa như ngày nay. Với mong muốn đưa ngôi chùa linh thiêng này gần gũi hơn với người dân địa phương trong nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vua Tự Đức đã trao tặng nhà chùa bức trướng “Cần Linh”. Từ đó, Linh Vân Tự được đổi tên thành chùa Cần Linh. Chùa Cần Linh còn được người dân quanh vùng và du khách thập phương gọi bằng tên chùa "Sư Nữ" bởi các vị trụ trì ngôi chùa từ trước đến nay đều là nữ giới. Cùng với quả chuông cổ có tuổi thọ trên 300 năm, trước cổng tam quan ngôi chùa có một bức tượng Phật bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt. Qua quá trình trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ lại được nét cổ kính vốn có.
Đầm sen trước chùa Cần Linh
Ngoài ra, tại Nghệ An xưa còn có hàng trăm ngôi chùa khác có lịch sử lâu đời như chùa Cổ Am, chùa nằm trên địa bàn xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, chùa có niên đại 600 năm; chùa Phổ Nghiêm, chùa còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa lạc ở làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, Huyện Nghi Lộc, chùa được dựng vào thế kỷ XVII (1690); chùa Chung Linh chùa này đã có trên 500 năm, tọa lạc trên núi Chùa, xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương; Chùa Ân Hậu: thuộc xã Nghi Đức, thành phố Vinh được biết, ngôi chùa này đã có bề dảy lịch sử 700 năm...

Như vậy, có thể nói Nghệ An xưa đã từng có rất nhiều ngôi chùa tọa lạc là trung tâm của Phật giáo thời bấy giờ, những ngôi cổ tự còn in dấu trong tâm trí của những người dân cho đến ngày nay. Qua thời gian gian, sự vô thường của tạo hóa, sự tàn phá của chiến tranh những ngôi chùa ở Nghệ An đa phần chỉ còn lại phế tích, chỉ còn lại một số ít ngôi chùa có sư trụ trì (Chùa Cần Linh) là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân xứ Nghệ.

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lòng mong mến của nhân dân đối với một không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh chung và cũng là nơi tu tập của những nhà Sư, những Phật tử. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều quyết định phục dựng lại nhiều ngôi chùa. Cụ thể như ngày 20/12/2010 UBND  tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định  phục dựng lại ngôi chùa  Chung Linh, ngày 17/4/2011 đã làm lễ động thổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bổ nhiệm Đại Đức Thích Quảng Bảo đảm nhiệm chức trụ trì chùa Chung Linh; Năm 2010 UBND trỉnh Nghệ An ban hành quyết định  phục dựng chùa Cổ Am, ngày 30/6/2010 ra quyết định công nhận  trụ trì chùa Cổ Am cho Đại Đức Thích Tâm Thành; Ngày 27/10/2009 công bố Quyết định phục hồi và bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí trụ trì chùa Ân Hậu ...

Trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước một trong những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đó chính là "hòa nhập nhưng không hòa tan" việc giữ gìn những tài sản văn hóa tinh thần rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của dân tộc. Chính những ngôi chùa cổ hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi mang trong mình những giá trị lịch sử to lớn đối với đạo pháp - dân tộc, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả một vùng đã góp phần làm nên diện mạo cũng như bản sắc của người dân xứ Nghệ nói riêng cũng như cả nước nói chung. Nhìn lại lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, những triều đại hưng thịnh (Lý, Trần) đều lấy Phật giáo làm quốc giáo. Bên cạnh việc hướng dẫn cho chúng sinh phương pháp tu tập để đạt được sự an lạc và giải thoát thì Phật giáo còn là một bộ môn giáo dục con người phát triển lòng từ bi lấy nhân nghĩa, hiếu nghĩa, đạo đức làm đầu. Đây là một truyền thống quý báu từ ngàn xưa cần được gìn giữ và phát triển.

Trong Kinh Kim Kang đức Phật đã đúc kết 4 câu kệ rất sâu sắc về sự vô thường:

"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán."
Dịch nghĩa:
"Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như điện chớp
Nên quán tưởng như thế."

Vô thường là một đặc tính tự nhiên và cũng là một trong ba tam pháp ấn (2) của nhà Phật. Trong lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập niết bàn cũng có nói: “Tất cả vạn vật đều vô thường, vì không có cái gì bền vững mãi mãi, đó là lời dạy cuối cùng của Như-Lai mà các Thầy phải ghi nhớ” (3) Điều đó có nghĩa là tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường, không có gì có thể tồn tại mãi mãi. Nền kiến trúc văn hóa phật giáo cũng không ngoài dòng chảy khắc nghiệt đó. Quả thật, những gì còn lại của phật giáo Nghệ An hiện nay chỉ còn đọng ở những phế tích, những dấu ấn xưa tàn phai và trong hồi ức xa xôi của các thế hệ đi trước là "ngày xưa làng nào, xã nào cũng có chùa, là nơi sinh hoạt tâm linh cho cả làng..." Điều đó chứng tỏ giáo lý về sự vô thường của Phật là tuyệt đối. 

Tuy  nhiên, đạo pháp đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc nói chung và mỗi người dân xứ Nghệ nói riêng, được kế thừa qua các thế hệ, "tâm Phật sáng bừng đất Phật". Người dân Nghệ An luôn một lòng mong mến, khát ngưỡng đạo pháp. Từ bao đời nay hạt giống Phật luôn luôn âm thầm ngự trị trong Tâm của mỗi người dân nơi đây chỉ đợi duyên lành là nảy mầm sống lại. Câu niệm Phật, tiếng tụng kinh, tiếng chuông, tiếng mõ đã lại được khơi lên, dù chỉ như một cánh én nhỏ đợi chờ mùa xuân Phật pháp. Phật tử Nghệ An hàng ngày vẫn vân  tập về những ngôi chùa, những đạo tràng, tự viện tịnh tâm thanh tu, củng cố đạo lực, từng bước khôi phục và phát triển, lan tỏa bàng bạc trong tâm thức mỗi người dân xứ Nghệ.

Hồ Nguyễn Quân
-
- (1) Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn (Nguyên văn là: Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mích bồ đề. Kháp như tầm thố giác - Nghĩa là: Người đời thường nghĩ Phật pháp là chuyện trên trời dưới biển, xa vời đâu đâu, không có thực tế, hoặc chỉ dành cho phật tử hay người tu trong chùa mà thôi. Không ngờ rằng:  Phật pháp tràn đầy ngay tại thế gian này, ngay trước mắt, trong đời sống hàng ngày, áp dụng bình đẳng, đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt Phật tử hay không Phật tử.  Nếu sống cách ly thế gian, con người không thể giác ngộ chân lý, cho nên không giải thoát phiền não khổ đau được.  - Tại sao vậy? Bởi vì lìa thế gian thì mất sáng suốt.  Khác chi đi tìm sừng thỏ!)
- (2) (Tam Pháp Ấn: Vô thường, Khổ, Vô Ngã - là ba pháp ấn mang tính chất pháp định dùng để ấn chứng, chứng nhận tính xác định của Chánh pháp - ngoài ra Đức Phật cũng có dạy về Tứ pháp ấn là Khổ, Không, Vô thường, Vô Ngã) - Kinh Tạp A Hàm
- (3) Đức Phật Nhập Niết Bàn, quyển 1, từ trang 119-234
- Báo cáo tại đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2011-2016)
- Dương Kinh Thành "Phật giáo Nghệ An từ phế tích của quá khứ" (phatgiao.org.vn)
- Về "đất Phật" Nghệ An (giacngo.vn)
- dulichnghean.vn
- Kinh Kim Kang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Cả dãy phố cháy rụi chỉ trừ hai quán cơm chay

Tư liệu 16:30 08/05/2024

Sau trận hỏa hoạn, có một người phụ nữ sống gần đó đến hỏi bà chủ quán chay: Nhà bà thờ thần thánh gì mà được điều không thể nghĩ bàn này?

Chuyện ly kỳ về chú chó nghe Kinh

Tư liệu 09:45 07/05/2024

Tôi niệm Phật với nó một lúc, sau đó tôi vào nhà hỏi chú Tư về chuyện con chó. Chú bảo ba ngày nữa sẽ thịt nó để liên hoan, tôi nói sơ qua với chú về nhân quả tội phước, nhưng chú không chịu tin.

Hoài niệm Hòa thượng Thích Trí Thủ

Tư liệu 08:37 06/05/2024

Một buổi chiều xuân năm 1958, tôi lên núi Trại Thủy Nha Trang, thăm chùa Hải Đức. Tôi không vào chùa, tôi đi dạo chung quanh chùa nhìn tứ-vọng-cảnh, rồi ra sân xem những chậu hường, lấy giống từ Đà Lạt.

Niệm Phật vô cùng linh ứng, vô cùng kì diệu

Tư liệu 14:40 04/05/2024

Tôi đang thực tập tại khoa sản, một hôm gặp một phụ nữ vì thai nhi đã chết nên nhập khoa để phẫu thuật. Bà vốn đang buồn khổ vì đứa con đã chết, nay phải đối diện với sự mổ xẻ lại càng lo lắng đau khổ gấp bội, tinh thần rất rối loạn...Tôi đến thăm và khuyên bà niệm Phật.

Xem thêm