Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Giáo sư Trần Thạc Ðức vốn không phải là người xa lạ – và sách này là sách nhiều giá trị, cố nhiên. Cũng xin thưa thêm là sự nghiệp văn học của Ông không phải chỉ có một cuốn này.
Tôi đã được đọc cuốn “Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực” của ông Trần Thạc Ðức và có cái hân hạnh được giới thiệu tác giả, một giáo sư Ðại học Phật giáo nhiều uy tín. Lòng tôi nghĩ rằng ai đã ở trong khí hậu Phật giáo thì xin vào thêm một lần, ai chưa vào thì xin vào thêm một lần, ai chưa vào thì xin vào để thưởng ngoạn… Giáo sư Trần Thạc Ðức vốn không phải là người xa lạ – và sách này là sách nhiều giá trị, cố nhiên. Cũng xin thưa thêm là sự nghiệp văn học của Ông không phải chỉ có một cuốn này.
Lời tựa của ông Tam Ích
Thưa…
1- Không gian vô-cùng theo bề ngang. Thời gian vô-cùng theo bề dọc. Vì vô-cùng cho nên không thời gian có vị-trí cho chúng sinh – hãy nói tới con người mà thôi… Mỗi một con người đều có một vị-trí khác nhau trong không gian và thời gian cho nên khi phát sinh, họ có mặt một cách khác nhau, và khi trưởng thành để mà đi đến cuối cuộc “hành trình” ba vạn sáu ngàn ngày là bịnh và tử, họ lại cũng có mặt một cách khác nhau. Ðã khác nhau như vậy thì, nếu theo lời dạy của Phật tổ để đi bến Giác, họ lại cũng, khi đi thì cùng theo ngón tay chỉ mặt trăng mà cùng đi một đường, nhưng về vấn-đề hành trang thì lại khác; khác nhau cả cái đi cái đứng, khác nhau cả nếp thấy nếp nghe… cả nếp dò đường đất, cả việc dừng chân nghỉ hay định tốc lực cho đường trường còn dài tăm tắp kia… Tác phong chung của thị giác chung vẫn chỉ là một mà thôi: theo ngón tay chỉ mặt trăng…
Ðồng thời mỗi một người đem theo với mình một nghiệp quả – tùy mà dày tùy mà mỏng tùy mà nặng tùy mà nhẹ, màu sắc khác nhau và dung tích khác nhau… Tô Tần và Trương Nghi đời Xuân Thu chẳng hạn… tuy không bao giờ tự tay sát phạt lẽ hiếu sinh nơi những cơ thể của những tha nhân, nhưng về tư duy về tinh tiến của Bát Chánh Ðạo… chung quy cũng chỉ vì lòng dục của nhà du thuyết mà thiên hạ luôn luôn nuôi ý chiến tranh bằng bá đạo… Còn Quan Vân Trường đời nhà Hán thì lại khác: đó là người có tư-cách và khí phách làm người, nhưng thanh long đao đã chém bằng hà vô số người: ông sẽ nhẹ về nghiệp kiến và tư duy… của tám con đường chính, nhưng về tang tóc ông đã gieo… chẳng hạn.
Cái phần “Sinh tố” bến giác dành cho mỗi cá nhân đương đi trên cuộc hành trình và đương cạn nhắc cái nghiệp, cũng tùy mà lớn, tùy mà nhỏ, mà ít, mà nhiều… vậy.
Ðó là Phật giáo trên phương diện cá nhân
2- Chuyện cá nhạn là thế, chuyện đoàn thể, chuyện dân tộc lại cũng vậy – nhưng có khác. Cũng vậy, là vì chuyện nhân quả của ít người hay nhiều người, hệ thống nhân duyên cũng chỉ theo một hướng định chuyển biến. Còn khác ấy là khác ở tác dụng về phương diện tôn giáo và triết học. Phật giáo là một hệ thống tôn giáo và triết-học phát sinh và trưởng thành trong lịch sử – trong không gian và thời gian. Trong không gian vì vượt biên giới đẻ bành trướng và nối biên giới để hòa đồng. Trong thời gian vì lịch sử loài người càng tiến hóa, Phật giáo càng có bề cao và bề sâu… Trong khi vượt biên giới và nối liền biên giới, tạo bề cao và bề sâu trên cuộc hành trình dài vô cùng, Phật giáo, dừng lại trước khi lên đường, đều để lại ở mỗi dân tộc một dung tích về “sinh tố” thích nghi với truyền thống, phối hợp với hiện tại, hòa đồng với tương lai.. của dân tộc ấy, để cùng với tương lai… của dân tộc ấy, để cùng với hoàn cảnh riêng về văn hóa; kinh tế, chính trị, văn hóa trí thức… của dân tộc ấy, duy dưỡng đường hướng thượng của họ trong lịch sử riêng của họ – trên bối cảnh văn-hóa chung.
Chính vì vậy mà có nền Phật giáo Việt Nam – chính vì vậy mà nền Phật giáo Việt Nam khác với Phật giáo Tây Tạng chẳng hạn, khác Phật giáo Phù Tang chẳng hạn… Vạn nhất có đem Phật giáo chốn này trồng vào đất chốn kia… sự thực nghĩ sẽ vất vả lắm lắm: cây sẽ cằn trên đất lạ và hoa sẽ héo trên khí hậu chẳng phải của hoa lá chính truyền … Việc ấy, ai cũng hiểu: giá có ai nghĩ rằng chẳng phải thế, ấy là người ấy đi ngược lý dịch của Nho giáo, lý duyên của nhà Phật vậy.
Nói một cách khác, nói cho rõ và cho đầy đủ và nói tóm lại, thì Phật giáo có mầm có mống, có cây có lá phổ biến cho toàn diện chúng sinh năm châu và năm đại dương – nhưng cũng có những thực-thể riêng biệt cho mỗi chốn mỗi cõi trong không thời gian vậy.
Ðó là Phật giáo trên phương diện dân tộc và đối với chúng ta là dân tộc Việt Nam, và đã như vậy bắt đầu từ Lý Trần
3- Bây giờ, từ những luận cứ ấy, chúng ta suy diễn ra: Phật giáo dạy lý hướng thượng cho cá nhân, Phật giáo dạy lý hướng thượng riêng cho từng dân tộc, tức là… Phật giáo dạy Nhân Bản vậy. Dạy Nhân Bản vì Nhân Bản dạy con người cá nhân phát huy giá trị của con người đê tự thực hiện và dạy dân tộc gây đất đứng phì nhiêu trong không thời gian để tạo vị-trí xứng đáng cho dân tộc trong lịch sử riêng – trên bối cảnh lịch sử chung. Nói khác đi, Phật giáo dạy nhân bản riêng cho mỗi cá nhân, và dạy nhân bản chung (humanisme collectif) cho từng dân tộc. Mỗi cá thể lớn nhỏ nhiều ít đều có tự do lựa chọn đường thoát nghiệp, đều tự gánh lấy trách nhiệm của chính mình – về biệt nghiệp hay cộng nghiệp, thì cũng đều xây đắp trên yếu lý của tự do và trên ý thức của trách nhiệm.
Ngón tay chỉ mặt trăng: tự giác nhi giác tha – nếu ai cũng tự giác thì vấn đề giác tha tự nó nó đặt lấy và nếu vấn đề giác tha đặt rồi thì vấn đề tự giác nó được sự giác tha lôi kéo trên hành trình. Hai vấn đề duyên và giác đặt ra như vậy.
Nhân bản của Phật giáo là nhân bản đích thực, và nhân bản của Phật giáo Việt Nam đích thực cho riêng dân tộc Việt Nam – là vì thế, là do thế, là bởi như vậy. Và nhân bản Phật giáo không đặt vấn đề xuất thế hay nhập thế riêng biệt – nói một cách khác, vấn đề xuất nhập đặt ra thế này: Con Người theo ngón tay nhìn mặt trăng tìm Giác trong đời sống, với đời sống, cùng đời sống, giữa đời sống… Nói khác đi nữa, không có sự đắc đạo ngoài đời sống. Nói như thế để cho hợp với yếu lý “Bất ly thế gian giác” của Phật giáo, để thích nghi một cách hợp lý (conséquent) với duy thức luận và thích nghi với một số yếu lý Ấn Ðộ giáo, cùng chủ trương tại thế và siêu thế của Ưu Bà Na giáo vậy.
4- Cái sở trường của Phật giáo trên phương diện cá nhân, trên phương diện dân tộc, và trên phương diện Nhân Bản bao trùm cả hai ý niệm cá nhân và dân tộc, là Phật giáo là một cái vạn hoa kính: xoay một vòng, hiện ra một đóa hoa nhiều màu, xoay thêm một vòng, hiện ra một đóa hoa nhiều mầu hoa khác… xoay đến vô cùng, hoa hiện ra vô cùng đóa, vô cùng mầu, vô cùng hoa…
Nhưng nếu ai gán cho Phật giáo một tĩnh từ, một trạng từ,… về tôn giáo hay về triết học thì Phật giáo từ chối: Phật giáo chỉ nhìn nhận một danh từ: chủ thuyết nhân bản đích thực… như giáo sư Trần Thạc Ðức nói trong sách này.
Nói thế vì cần phải nhìn Phật giáo như Phật giáo. Ngày xưa kia, Ngài A Nan mỗi khi nói, đều đặt lên trên mỗi mệnh đề mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi thiên, mỗi chương, mỗi cuốn sách, thành ngữ “Như Thị Ngã Văn” là để nói cái ý ấy. “Như Thị” nghĩa là phải nhìn phải nghe theo Yếu Tính của sự vật, của thực thể (entité) – kể cả cái thực thể lớn bát ngát, rộng bát ngát, cao vun vút là Phật giáo, cố nhiên.
Chú thích:
Tam Ích * Bút danh của Thiền sư Nhất Hạnh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc
Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.
Tu không phải để thành tiên, thành Phật
Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.
Thiền như một Phật tử
Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.
Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo
Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.
Xem thêm