Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Con người và thời đại
Phật Hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 năm 1258, tuổi thơ của ngài được giáo dưỡng trong một môi trường cực kì thuận lợi. Mặc dù khí chất bẩm sinh và có chí hướng xuất gia tu Phật từ bé nhưng ngài phải tạm gác sang một bên, vì trách nhiệm trước tổ tông và xã tắc.
Từ một bộ lạc du mục, tới thế kỉ thứ XIII đã hình thành một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Vó ngựa quân Nguyên Mông tung hoành khắp các lục địa Á – Âu. Đế quốc Nguyên Mông rộng lớn, vắt ngang từ đông sang tây: phía tây, kị binh Nguyên Mông đã vượt sông Von-ga, người dân chỉ còn biết vào nhà thờ cầu nguyện “Cầu Chúa cho chúng con thoát khỏi nạn Tác-ta”; phía đông, nhà Đại Tống từng bước khuất phục dưới vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn, tháng 5 năm 1279 đại thần Lục Tú Phu cùng đường đành ôm ấu chúa Triệu Bính nhảy xuống biển tự vẫn … Nhưng cả ba lần, kị binh thiện chiến và chiến thuyền hung hãn của đế quốc Nguyên Mông đều bị quân dân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của các quí tộc Trần chặn đứng.
Vương triều Trần (1226 – 1400) xứng đáng được đánh giá là vương triều đã ghi lại mốc son sáng chói nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, kể cả về võ công và văn trị. Đó là thời đại của những anh hùng đánh giặc, của những anh hùng văn hoá: những Thiền sư – Hoàng đế, Thiền sư – Thi sĩ, Phật tử – Danh tướng, Gia nô – Tì tướng, Tam bảo nô – Tịnh nhân v.v… xả thân vì nước trong lúc nguy nan, giặc tan lại ung dung lên núi tu thiền, nghiền ngẫm Phật lí, làm thơ ca mai vịnh trúc, ngâm thơ Nôm đuổi cá sấu bên bờ sông Lô, mở mang bờ cõi, củng cố biên cương, mở trường Quốc học thi tuyển nhân tài, phục hoá khẩn hoang phát triển kinh tế điền trang thái ấp v.v… Trong thời đại Anh hùng của những người anh hùng đó, Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là đại biểu xuất sắc nhất: không những là vị Hoàng Đế anh minh gương mẫu, nhà chính trị – quân sự – ngoại giáo kiệt xuất, người chiến sĩ đích thực trong hai cuộc kháng chiến, mà còn là vị Thiền sư Tổ phái tiêu biểu trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nhà văn hoá lỗi lạc, một thi sĩ tài hoa trong lịch sử văn hoá nước nhà.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu của giới sử học trong và ngoài nước về thời Trần, về cá nhân Trần Nhân Tông, ở đây, trong bài viết nhỏ này, tôi xuất phát từ một góc nhìn mới nhằm góp phần tìm hiểu đâu là cội nguồn sức mạnh vật chất, nền tảng tinh thần đạo lí – ý thức hệ đã tạo nên “Hào khí Đông A” nói chung và hiện tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói riêng. Bởi vì, tôi rất tâm đắc với luận điểm của C.Mác trong luận văn Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte, khi bàn về mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử, rằng “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tuỳ tiện của mình, trong những điều kiện tự chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn, và do quá khứ để lại” (1).
Phim Phật giáo “Vua Bụt” – Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Bối cảnh lịch sử
Truyện sư Pháp Thuận (? – 990) trong sách Thiền uyển tập anh có chép, vào những năm cuối đời Lê Hoàn ngày càng bất lực trước nạn tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử, nôi chiến liên miên, nền thống nhất quốc gia mới được hình thành bị đe doạ nghiêm trọng. Vua hỏi Sư về vận nước, về kế sách trị nước an dân. Thiền sư đã trả lời vua bằng một bài kệ:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
(Vận nước đang lên như dây cuốn; Trời Nam đã mở ra một vận hội thái bình mới; Hãy dùng đạo Vô vi để trị nước; Thì nơi nơi sẽ chấm dứt chiến tranh). Đây là một nhận định sâu sắc, thể hiện nhãn quan chính trị sâu rộng của một Thiền sư – nhà chính trị lỗi lạc. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, sự toả sáng rực rỡ của nền Văn hoá Thăng Long – Văn minh Đại Việt dưới hai triều đại Lí – Trần đã chứng minh nhận định đó.
Thời đại Lí – Trần, từ thế kỉ thứ XI đến thế kỉ XIV là thời kì lứa tuổi thanh xuân, là thời kì vàng son của giai cấp địa chủ phong kiến dân tộc. Nhà nước phong kiến độc lập dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển trên nền tảng của quan hệ kinh tế địa chủ – tiểu nông ngày càng được xác lập một cách vững chắc. Mặc dù trên nguyên tắc đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước, mà đại diện là một ông vua (Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ – Khắp dưới gầm trời này, không đâu không phải là đất của nhà vua), nhưng trên thực tế xu hướng tư hữu hoá ruộng đất ngày càng phát triển (Trống làng ai nện thì thùng, Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng), hình thành tầng lớp địa chủ dân tộc là cơ sở kinh tế – xã hội đích thực của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Sự suy vong của nhà Lí chỉ là sự suy vong của một vương triều, là sự hư hỏng và bất lực của tầng lớp quan liêu quí tộc Lí chứ không phải là sự suy vong của chế độ phong kiến nói chung. Hơn nữa, khách quan đưa lại, những biến động xã hội cuối thời Lí đã hình thành những thế lực địa chủ quân sự địa phương, về thực chất nó đã đẩy nhanh quá trình phong kiến hoá, trong đó nổi bật lên là thế lực họ Trần ở vùng duyên hải Thái Bình – Nam Định.
Bằng vào sức mạnh kinh tế và quân sự, thông qua con đường hôn nhân, năm 1226 Trần Cảnh (1218 – 1277) lên ngôi êm thấm, với hiệu là Thái Tông.
Buổi dầu triều Trần ghi đậm công lao đóng góp của Phụ quốc Thái sư Trần Thủ Độ, một địa chủ – quân sự giầu cá tính, tuy ít học nhưng đầy mưu lược và quyết đoán, nêu gương mẫu cho các quí tộc Trần noi theo. Rút kinh nghiệm từ việc mất ngôi của nhà Lí, và đáp ứng yêu cầu trước mắt cần phải xây dựng khối thống nhất ý chí của toàn dân (mà trước hết là trong tầng lớp quí tộc Trần) để có đủ sức mạnh tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông đang cận kề, Trần Thủ Độ chủ trương xây dựng nhà nước tập quyền tuyệt đối, dựa trên nền tảng của thể chế “Phong kiến quan liêu quí tộc đồng tộc”, trên tinh thần “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông con cháu nhà Trần”. Ngôi vị trọng yếu ở triều đình hay nơi phên dậu quan yếu của quốc gia đều do quí tộc Trần nắm giữ. Người thuộc tôn thất đều được cấp thái ấp hoặc được phép thu nạp dân lưu tán tổ chức khai hoang phục hoá lập các điền trang. Chính sách kinh tế điền trang thái ấp đã góp phần tích cực bảo vệ lực lượng sản xuất, khôi phục và phát triển nền kinh tế nông nghiệp bị sa sút nghiêm trọng vào cuối thời Lí, đồng thời vẫn duy trì được lực lượng quân đội tại chỗ để thực hiện cuộc chiến tranh du kích, toàn dân toàn diện.
Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lãnh đạo và phát triển xã hội Việt Nam
Về chính trị, để củng cố ý thức trung quân của thần dân trăm họ và trách nhiệm của bách quan, ngay sau khi lên ngôi, Trần Thái Tông đã buộc các quan trong triều phải đến đề Đồng Cổ “minh thệ theo lệ cũ nhà Lí: Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết” (Đại Việt sử kí toàn thư). Năm Canh Dần, Kiến Trung thứ VI (1230) vua cho soạn Quốc triều thông chế (Sửa đổi hình luật, lễ nghi, gồm 20 quyển), Quốc triều thường lễ (Công việc của triều đình, gồm 20 quyển). Để tăng cường tính chất tập quyền, khả năng kiểm soát và giám sát của trung ương đối với địa phương, Trần Thái Tông xây dựng một hệ thống hành chính chặt chẽ từ trung ương xuống lộ, phủ/châu và xã. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đơn vị hành chính cấp xã được nhắc đén với tư cách là đơn vị hành chính cấp cơ sở, và người đứng đầu do trung ương trực tiếp bổ nhiệm.
Như vậy, chỉ trên 30 năm, bằng một loạt những chính sách kinh tế, hành chính, quân sự v.v…, trước ngưỡng cửa của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) chúng ta đã có một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, quân dân Đại Việt một lòng dưới ngọn cờ lãnh đạo của những người con ưu tú trong quí tộc Trần. Đó là tiền đề vật chất quyết định để quân dân Đại Việt làm nên những võ công lẫy lừng trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1258, 1285, 1288) và sáng tạo nên những thành tựu văn hoá rạng rỡ trong kỉ nguyên Đại Việt.
Tiền đề văn hoá, tư tưởng
Do những điều kiện địa tự nhiên và địa chính trị qui định, vào những thế kỉ thứ nhất trước và sau công nguyên ba hệ tư tưởng tôn giáo – triết học Nho, Phật và Đạo gần như đồng thời có mặt trên đất Giao Châu. Trong quá trình tiếp – biến, bản thân mỗi tôn giáo từng bước được bản địa hoá và thâm nhập lẫn nhau ngày càng sâu sắc. Cho đến thời Lí, cơ cấu dung thông Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) đã được xác lập, và trở thành trụ cột của hệ tư tưởng phong kiến Việt Nam nói chung. Xét trên bình diện ý thức hệ, ở Việt Nam không có hiện tượng độc tôn tôn giáo, tuỳ theo yêu cầu của lịch sử mà ở mỗi thời kì vai trò của mỗi tôn giáo có khác nhau. Hiện tượng đồng thời tồn tại và cùng phát huy tác dụng của ba hệ thống tư tưởng tôn giáo này là phổ biến trong lịch sử Trung Quốc nhưng với cơ chế chức năng rõ ràng là “dĩ Phật trị tâm, dĩ Đạo trị thân, dĩ Nho trị thế” (lời của Tống Hiến Tông, 1163 – 1190). Ở Việt Nam có khác, những thiền sư cao tăng đồng thời là những người uyên thâm Nho giáo, thấu đạo “tu, tề, trị, bình”, đề cao Nho học, phong cách “dĩ Nho nhập Thích, dĩ Nho khu Thích” (dùng Nho giáo đi vào giải thích, tìm hiểu Phật giáo) vốn không xa lạ gì đối với các nhà Nho Việt Nam.
Ngay trong nội bộ Phật giáo, từ thời Lí đã tồn tại ba dòng thiền lớn là Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường nhưng cũng không có sự chia tách rõ ràng giữa các tông phái, các yếu tố Thiền – Tịnh – Mật quyện chặt trong hành trạng, nội dung trước tác của mỗi cá nhân, tông phái. Sách Thiền uyển tập anh chép, hai thiền sư là Giác Hải và Thông Huyền (thuộc phái Vô Ngôn Thông) vào cung làm nhiều phép lạ, được Lí Nhân Tông (1072 – 1128) ban thơ khen:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền
Thần thông kiêm biến hoá
Nhất Phật, nhất thần tiên
(Giác Hải lòng như biển
Thông huyền đạo rất huyền
Thần thông kiêm biến hoá
Một Phật, một thần tiên) ((2)
Hành trình Phật hoàng Trần Nhân Tông đánh đuổi giặc Tàu
Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận đã có nhận xét rất sâu sắc rằng, với sự xuất hiện của thiền phái Thảo Đường dưới thời Lí Thánh Tông (1054 – 1072), chuyên dùng Tuyết Đậu ngữ lục, đề cao tri thức và văn học, đã đẩy nhanh quá trình dung thông giữa hai thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông, giữa Nho và Phật (3). Kiến thức Nho học được vận dụng theo tinh thần Phật giáo đã đóng góp nhiều cho nội dung học thuật, cho đường lối trị nước an dân thời Lí – Trần, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và bản sắc đặc hữu của nền văn minh Đại Việt.
Tiếp tục phong cách thời Lí, xu hướng dung thông Nho – Phật – Đạo càng được thể hiện rõ nét, là trụ cột của hệ tư tưởng của nền văn hoá Đại Việt dưới thời Trần. Trần Thái Tông bỏ ngôi báu, trốn triều đình, “trèo núi hiểm, lội suối sâu”, tìm vào núi Yên Tử xin với Quốc sư Viên Chứng được xuất gia. Quốc sư giảng giải: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật” (4). Khi Trần Thủ Độ dẫn các quan trong triều đến mời Thái Tông trở lại ngôi báu, Thái Tông còn phân vân chưa quyết, Quốc sư lại nói rõ về nguyên tắc hành xử trên cương vị của một vị Vua – Phật tử: “Phàm là đấng quân nhân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên” (5).
Sau này, nhân đọc kinh Kim cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” vua hoát nhiên tự ngộ đạo, viết sách Khoá hư lục đặt nền móng tư tưởng cho phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính vị Hoàng đế – Thiền sư này đã nêu một tấm gương sáng cho các thế hệ Hoàng đế – Thiền sư thời Trần sau này, hoằng pháp trong sự nghiệp đế vương, lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn vào năm Nguyên Phong thứ VII (1258). Đích thân Hoàng đé – Thiền sư – Chiến tướng Trần Thái tông áo bào đẫm máu cùng Lê Phụ Trần một ngày (12 tháng 12 năm Nguyên Phong thứ VII, 1258) tử chiến trong trận Bình Lệ Nguyên, cầm chân cuộc tập kích bất ngờ vào kinh đô Thăng Long của hơn 5.000 kị binh giặc, tạo thời gian cho Linh Từ Quốc Mẫu tổ chức cho quan dân kinh thành sơ tán (6).
Đến thế kỉ XIII Phật giáo đã có trên một nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, trở thành tôn giáo dân tộc, xứng đáng đóng vai trò trụ cột của ý thức hệ, của nền văn hoá Đại Việt – đề cao tinh thần tự cường, ý thức độc lập dân tộc. Sử ghi, năm Kiến Trung thứ VII (1231) vua xuống chiếu “trong nước hễ nơi nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ”, như vậy Phật giáo đã được chính thức hoá phổ biến trong cả nước (7).
Hạnh Đại dũng – Đại trí – Đại từ – Đại bi của Phật giáo đã thấm sâu vào tình cảm, nhận thức và cách hành xử của ông vua đầu triều và các quí tộc Trần: có cái trí dũng của ông vua thân cầm quân đánh Chiêm Thành giữ yên biên giới phía nam, đánh Vĩnh Bình, Vĩnh An, tiến sâu vào châu Khâm châu Liêm đất Tống v.v… nhưng cũng thấm đẫm hạnh từ hạnh bi dám lấy thân che trở cho anh, rồi anh em ôm nhau mà khóc trước hoàn cảnh éo le của thân phận; có cái hồn nhiên thượng võ của các vương hầu, lấy việc vật nhau với thanh niên ngoài bãi Cửa Đông làm khoái chí, “coi việc đánh nhau bằng tay không, đi ăn cướp” là dũng cảm v.v… nhưng cũng có sử gia Lê Văn Hưu cặm cụi viết bộ Sử kí, có Đặng Lộ soạn lịch Hiệp kỉ được cho là chính xác hơn lịch Thụ thời của Quách Thủ Kính nhà Nguyên, có trí thức/thi nhân Nguyễn/Hàn Thuyên ngâm thơ Nôm/Quốc ngữ đuổi cá sấu bên dòng Lô giang v.v… Trần Dụ Tông (1341 – 1369) là ông vua có nhiều điểm đáng chê trách về tác phong đạo đức, về trách nhiệm trước đất nước nhưng ông đã để lại bài thơ ca ngợi Trần Thái Tông, được coi như một bản tuyên ngôn văn hoá, khẳng định sự khu biệt văn hoá Nam – Bắc, văn hoá Việt – Hoa:
Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Đường xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong
Kiến Thành chu tử, An Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng
(Hai vua mở đầu của nhà Đường và nước Đại Việt đều lấy miếu hiệu là Thái Tông; Nhưng nhà Đường lấy niên hiệu là Trinh Quán (chỉ sự cứng rắn, xuyên suốt), còn ta lấy niên hiệu là Nguyên Phong (cầu sự tốt lành, phong thịnh); Tội giống nhau mà thái tử Kiến Thành bị giết, còn Trần Liễu không những không bị giết mà còn được phong là An Sinh vương; Như vậy đủ biết, tên miếu hiệu tuy giống nhau nhưng đức thì lại khác nhau).
Theo tư tưởng Nho gia và Đạo gia, “đạo” là tự nhiên, “đức” là văn hoá. Như vậy, giữa Đại Việt và Trung Hoa, có khi tên (hình thức) giống nhau nhưng văn hoá (nội dung) lại khác nhau.
Triết lý tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua bài thơ Xuân muộn
Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308)
Phật Hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 năm 1258, khi đất nước vừa sạch bóng quân thù, quân dân Đại Việt hân hoan mừng đại thắng và khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến. Có thể nói, tuổi thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông được giáo dưỡng trong một môi trường cực kì thuận lợi. Mặc dù khí chất bẩm sinh và có chí hướng xuất gia tu Phật từ bé nhưng Ngài phải tạm gác sang một bên, vì trách nhiệm trước tổ tông và xã tắc. Là hoàng thái tử, được xác định là người sẽ nối ngôi vua, từ nhỏ Ông đã được sự rèn cặp của ông chú (Trần Thủ Độ) nghiêm khắc mà can trường mưu lược, của người cha (Thánh Tông) thông tuệ mà từng trải. Sử ghi, Hoàng thái tử được thụ hưởng một chế độ giáo dục dặc biệt, với nội dung phong phú, ngoài kinh điển Tam giáo Ông còn được học cả thơ ca âm nhạc, thiên văn lịch số, binh pháp y thuật v.v…
Ngày 22 tháng 10 niên hiệu Bảo Phù thứ VI (1278), Hoàng thái tử 21 tuổi được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi. Nhân Tông lên ngôi trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: tuy đất nước được sống trong hoà bình hơn 20 năm nhưng thực chất cả hai bên đều ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh không tránh khỏi, với qui mô lớn hơn, tính chất khốc liệt hơn nhiều. Mùa hạ năm 1279 nhà Nguyên đã hoàn tất việc chinh phục Trung nguyên. Qua 20 năm ngoại giao, thăm dò, gián điệp và chuẩn bị lực lượng, Hốt Tất Liệt quyết tâm phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên qui mô lớn, với lực lượng kị binh và chiến thuyền trội vượt, nhằm bóp nát Đại Việt trong thời gian ngắn nhất. Trên nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh, một nhà nước tập quyền chặt chẽ được lãnh dạo bởi tầng lớp quí tộc gương mẫu, trên dưới một lòng, vua tôi nhà Trần và quân dân Đại Việt đã sẵn sàng với tâm thái bình tĩnh và tự tin sục sôi quyết chiến.
Tuy là hoàng tử, lớn lên trong cảnh thái bình nhưng niềm tự hào về tổ tông xã tắc và trách nhiệm luôn cháy bỏng trong con tim của chàng trai trẻ – Hoàng đế Trần Nhân Tông, và Ông đã thốt lên vần thơ chắc khoẻ, tự nhắc mình về trách nhiệm đó:
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
(Người lính già đầu bạc còn kể mãi chuyện đánh giặc năm Nguyên Phong).
Là người được giáo dục đào tạo toàn diện, Trần Nhân Tông có đủ trí lực và thể lực đảm lãnh vai trò là tổng chỉ huy cả hai cuộc kháng chiến, trực tiếp vạch ra chiến lược và sách lược quân sự, trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến đấu như một chiến binh thực thụ, “Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn” (ĐVSKTT). Việc tổ chức Hội nghị quân sự Bình Than (tháng 10 năm 1282), Hội nghị bô lão Diên Hồng (tháng 12 năm 1284) và phong chức Phó tướng cho viên tướng “lắm tài nhiều tật” Trần Khánh Dư v.v… thể hiện tầm nhìn của một nhà quân sự chiến lược, nhãn quan sâu sắc của một nhà chính trị, con mắt tinh tường của một vị chủ tướng.
Sau chiến thắng kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1288) Trần Nhân Tông còn ở ngôi 5 năm chăm lo việc củng cố đất nước và vương triều, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, năm 1290 vua còn thân cầm quân đi đánh Ai Lao, ổn định biên giới. Theo lệ nhà Trần, tháng 5 năm 1293, vua nhường ngôi cho thái tử đã trưởng thành, lên làm Thái thượng hoàng. Là người thông tuệ và từng trải, Thái thượng hoàng hiểu sâu sắc rằng giành được thắng lợi trong chiến tranh đã khó, chăm lo sức dân, xây dựng đất nước sau chiến tranh lại càng khó hơn. Do vậy, tuy Thái thượng hoàng thường ở hành cung Thiên Trường quê nhà nhưng Ngài vẫn dõi theo việc nước, kiểm sát công việc trị nước của vua con Trần Anh Tông. Ở Thiên Trường, trong dịp xem sổ bổ nhiệm quan chức, Thái thượng hoàng nghiêm khắc nhắc nhở: “Sao nước nhỏ bằng bàn tay mà lắm quan lại thế!” (ĐVSKTT).
Tháng 5 Ngài bất ngờ xa giá về kinh sư, thấy vua tôi uống rượu say khướt, quá giờ thìn (hơn 9 giờ sáng) mà vẫn chưa dậy, bèn lập tức trở về hành cung Thiên Trường triệu tập các quan trong triều, chỉ mặt Anh Tông mắng: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn như vậy, huống chi sau này” (ĐVSKTT). Nhờ có bài tấu/tự kiểm điểm khẩn thiết do học trò Đoàn Nhữ Hài viết hộ và sự can xin của các quan mà Anh Tông thoát bị trừng phạt nhưng từ đó không dám biếng nhác việc nước. Mười bốn năm trên ngôi vị Hoàng đế, 5 năm trên cương vị Thái thượng hoàng, Trần Nhân Tông hiện lên sừng sững hình ảnh một bậc minh quân – dũng tướng, sáng ngời võ công văn trị mà không ai sánh kịp.
Dù ở cương vị Hoàng thái tử hay Hoàng đế, Thái thượng hoàng, giữa bộn bề công việc quốc gia, Trần Nhân Tông vẫn một lòng tiến tu đạo Phật, quyết chí xuất gia. Sách Tam tổ Trúc Lâm viết, “Năm 21 tuổi Ngài lên ngôi Hoàng đế. Tuy ở địa vị cửu trùng mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Hàng ngày Ngài đến chùa Tư Phúc trong đại nội tu tập”. Tri thức Phật học, tinh thần – lối sống – đạo đức Phật giáo đã chi phối chính sách an dân trị nước, trong hành xử của Ngài. Khi trách nhiệm trước tông miếu xã tắc đã trọn vẹn, năm 1299 Ngài mới có điều kiện thực hiện chí nguyện của minh, nhẹ nhàng trút hoàng bào lên núi Yên Tử tu đạo. Sử gia Ngô Thì Sĩ nhận xét việc này trong Việt sử tiêu án: “Tuy ý tứ gần với đạo Không tịch mà chí thì rộng xa, cao siêu, cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách vậy”.
Với trình độ Phật học căn bản thâm sâu lại được trải nghiệm qua 19 năm ở cương vị đứng đầu muôn dân trong thời kì cam go của đất nước, trên cương vị Phật Hoàng, Ngài nhanh chóng hoàn thành Phật sự đặc hữu độc sáng trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Lần đầu tiên những người con Phật trên đất Việt có một Giáo hội chung, Phật giáo Việt Nam hoàn tất quá trình nhất tông hoá – Tông Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông đứng đầu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng
Tăng sĩ 10:27 06/11/2024Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.
Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức
Tăng sĩ 10:30 01/11/2024Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12/4/1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60
Tăng sĩ 09:39 07/10/2024Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)
Tăng sĩ 14:27 02/10/2024Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh nguy khốn...
Xem thêm