Triết lý tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua bài thơ Xuân muộn
Triết lý tu hành của Vua Trần Nhân Tông là triết lý tu hành nhưng vẫn nhập thế; tu hành nhưng vẫn quan tâm đến đời sống con người, không tách rời thế sự nước non.
Bài thơ “Xuân vãn” (Xuân muộn) của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khá nhiều người dịch. Tôi xin giới thiệu 2 bản dịch theo 2 thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt của Ngô Tất Tố và lục bát của Đỗ Thanh Dương.Đây là nguyên văn bài thơ:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
Như kim kham phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Đây là bản dịch của Ngô Tất Tố:
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng.
Và đây là bản dịch của Đỗ Thanh Dương:
Tuổi thơ nào hiểu sắc không
Xuân sang náo nức trong lòng trăm hoa
Chúa xuân nay đã biết mà,
Ngồi yên chiếu Phật ngó ra rụng hồng.

Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Do khuôn khổ bài viết và tôn trọng thể thơ của bài thơ gốc nguyên văn bằng chữ Hán của Trần Nhân Tông, tôi xin được bình theo bài thơ dịch của Ngô Tất Tố.
Đúng như tên gọi, bài thơ được viết vào một ngày xuân khi Trần Nhân Tông đã rời bỏ vị thế của một thái thượng hoàng để xuất gia tu Phật. Đó chính là mùa xuân muộn trong quãng đời của Người. Bài thơ như sự tổng kết nhận thức của Trần Nhân Tông về cõi đời – cõi Phật.
Mở đầu bài thơ là câu thơ:
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không
Câu thơ dịch của Ngô Tất tố sát nguyên văn (Niên thiếu hà tằng liễu sắc không) có hai từ không cần dịch nhưng những ai hiểu biết về Phật giáo đều có thể lĩnh hội được: sắc không. Nói đến sắc không là nói đến triết lý của Phật giáo (sắc tức thị không, không tức thị sắc). Câu thơ của Trần Nhân Tông nói về thời trẻ của mình: Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ “sắc” với “không”, chính vì thế mà khi xuân đến thì: “Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng” (nguyên văn: “Nhất xuân tâm tại bách hoa trung”). Câu thơ thứ hai trong bài thơ như tái hiện lại tâm hồn tuổi trẻ của Trần Nhân Tông. Đó là một con người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp; con người tuổi trẻ khi xuân đến rộn tơ lòng để thưởng thức vẻ đẹp của muôn hoa, vẻ đẹp mà đất trời ban tặng cho con người.

Bài thơ “Xuân vãn” (Xuân muộn) của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khá nhiều người dịch.
Như trên đã giới thiệu, dựa vào nội dung bài thơ, ta có thể khẳng định, Trần Nhân Tông viết bài thơ này khi đã thành chân sư – tuổi đời không còn trẻ, nên nhà thơ đã viết: “Chúa xuân nay đã thành quen mặt” (nguyên văn: “Như kim kham phá đông hoàng diện”).
Câu thơ giản dị, tình ý chân thực khi nói đến cảm nhận của Trần Nhân Tông về mùa xuân: Trải qua bao nhiêu xuân nên “Chúa xuân nay đã thành quen mặt”. Trần Nhân Tông đã biết xuân, đã hiểu xuân, đã quen quá với xuân. Cái tài của thi sĩ Trần Nhân Tông khi dẫn dắt người đọc theo diễn biến lôgíc của tâm lý để rồi bất ngờ hạ câu kết: “Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng” (nguyên văn: “Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”).

Triết lý tu hành của Vua Trần Nhân Tông là triết lý tu hành nhưng vẫn nhập thế.
Câu kết hiện lên một chân sư đang ngồi thiền – chân sư ấy sau này được người đời tôn vinh là Phật hoàng vì Người là một trong tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hiện lên ở cuối bài thơ thật đẹp. Người ngồi thiền trên nệm cỏ, nhưng vẫn ngắm những cánh hoa đang rụng. Cảnh vật thanh bình nhưng lòng người còn đó những âu lo. Người ngắm hoa rụng… Phải chăng Người ngắm cái đẹp và nghĩ đến nhân sinh, bởi xót xa khi cái đẹp rơi rụng cũng chính là lúc khát vọng cái đẹp đem lại cho đời niềm vui, khát vọng về cuộc sống thanh bình của đất nước được dựng xây giữ gìn.
Triết lý tu hành của Vua Trần Nhân Tông là triết lý tu hành nhưng vẫn nhập thế; tu hành nhưng vẫn quan tâm đến đời sống con người, không tách rời thế sự nước non. Hình tượng Trần Nhân Tông ở cuối bài thơ nhất quán với cốt cách thanh cao, tâm hồn nhân văn, trí tuệ trác việt của vị vua tài ba nhân hậu. Trần Nhân Tông xứng đáng là một danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới
TIN LIÊN QUAN


Top 6 tượng gỗ phong thủy đẹp Hà Nội cho năm Tân Sửu 2021
HomeAZ
Những pho tượng gỗ phong thủy đẹp Hà Nội cho năm Tân Sửu 2021 được giới thiệu dưới đây sẽ đáp ứng nhu cầu chi phối, cân bằng nguyên lý Âm Dương, từ đó củng cố các mối quan hệ của gia ch sao cho tích cực nhất.

Ý nghĩa và giá trị tinh thần cao quý của Y Bát Khất sĩ
Góc nhìn Phật tử
Sau khi thành lập Tăng đoàn, Đức Phật mới chính thức ban hành pháp phục cho chư Tăng. Đức Phật dạy Ananda nên may pháp phục cho chư Tỳ-khưu hình thức như những thửa ruộng… Như vậy trước khi ban hành pháp phục, Đức Phật đi giáo hóa chúng sanh mặc Y hình thức như thế nào?

Giáo dục Phật giáo chú trọng đến xây dựng nền tảng đạo đức
Góc nhìn Phật tử
Giáo dục Phật giáo đặc biệt chú trọng đến nền tảng đạo đức. Một thường dân có đạo đức thì người đó là một công dân hữu ích, ngược lại, một vị quan không có đạo đức lại là đại họa cho lê dân bá tánh, là mối hiểm nguy cho giang sơn xã tắc.

Chín bậc phù đồ là gì?
Góc nhìn Phật tử
Hỏi: Tôi đọc sách thấy câu “Dẫu xây chín bậc Phù đồ, chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”. Vậy phù đồ là gì? Ý nghĩa của câu này thế nào?

Thoát nạn đánh bom ở Ai Cập nhờ trì Chú Đại Bi
Góc nhìn Phật tử
Suốt cả tháng nay, ngày nào cũng 4 giờ sáng là tôi không ngủ được nữa. Bước lên lầu, thắp nén nhang trên bàn thờ Phật, tôi trì Chú Đại Bi.

Top 6 tượng gỗ phong thủy đẹp Hà Nội cho năm Tân Sửu 2021
Những pho tượng gỗ phong thủy đẹp Hà Nội cho năm Tân Sửu 2021 được giới thiệu dưới đây...
