Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 28/03/2017, 10:48 AM

Phật học vấn đáp (P.7)

Hỏi: Những giai đoạn dạy đạo nào của đức Thế Tôn, có thể làm nguyên nhân phân chia hai phái Tiểu thừa và Đại thừa. - Nguyên nhân sâu xa chia ra Tiểu thừa và Đại thừa là tại trình độ bất đồng, do căn cơ khác nhau. Vì lẽ đó, thế hệ truyền giáo của đức Thế tôn chia hẳn làm hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, gần bốn chục năm, Phật dạy Tiểu thừa. Thời kỳ thứ nhì, gần mười năm, Phật dạy Đại thừa. Do theo thời gian ấy, non bốn chục năm, đại đa số Tỳ kheo chỉ biết có giáo lý Tiểu thừa mà không hề biết giáo lý Đại thừa ra làm sao. Trái lại, non mười năm sau, phần nhiều các vị Tỳ kheo chỉ biết có Đại thừa, mà không rõ Tiểu thừa là gì.

Chương VIII: Nguyên nhân phân phái

296. Do nguyên nhân nào mà có sự phân biệt hai phái Tiểu thừa và Đại thừa?

- Đại đa số người tu Phật, ai ai cũng cho rằng: tại hai phái có một chủ trương trái ngược nhau, do sự giải thích giới luật sau khi đức Thế Tôn nhập diệt. Đối với giới luật, Tiểu thừa thì chủ trương bảo thủ, giữ nguyên vẹn phép tắc y như Phật lúc sinh tiền. Phái này chủ trương rằng: nếu phải chịu sự khắc khổ, hoặc thiệt mất tính mạng trong khi giữ giới, cũng vui lòng chịu.

Trái lại, Đại thừa chủ trương giải thích giới luật một cách rộng rãi hơn, lấy khoan dung độ lượng làm nguyên tắc cải cách trong khi giữ giới. Đại thừa xét rằng, giữ khổ hạnh theo tập quán cổ truyền, thì không thể nào tồn tại đối với sự tiến bộ hiện nay của xã hội được.

Thật vậy, trước mắt chúng ta thấy biết bao nhiêu những sự chướng ngại trong khi giữ y thủ tục cổ truyền, để hoằng hóa mối đạo qua các nước khác. Bởi vì, các nước trên thế giới, nước nào lại không có những tập quán sinh hoạt riêng?

Hai chủ trương, hai sự trái ngược, một đàng thì bảo thủ, một đàng tân tiến, vì vậy ai ai cũng nhìn nhận: đó là nguyên động lực phát sinh sự phân biệt giáo phái giữa Tiểu thừa và Đại thừa.

297. Ý kiến của đa số người tu Phật, nhìn nhận sự phân chia giữa Tiểu thừa và Đại thừa như vậy, ông có đồng ý chăng?

- Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý. Đại phàm chuyện gì cũng phải có nhân rồi mới có quả. Nghiên cứu về Phật học, chúng ta được thấy mỗi sự kết quả, bất cứ sự vật nào, đều phải trải qua nhiều nguyên nhân. Không bao giờ có độc nhân mà thành ra quả được. Nghĩa là, nó phải có nhiều trợ duyên phối hợp, mới kết thành cái quả.

Ví dụ như hột lúa là nhân, muốn cho nó thành cơm là quả, chẳng phải đem đi nấu là xong chuyện, nó cần phải trải qua nhiều việc: nào là xay, giã, dần, sàng, lọc lựa phân tách những tấm, cám, trấu, v.v... rồi mới đem đi nấu. Đó là chưa kể tới nhân công, chuyên chở, buôn bán, tiền bạc. Trong lúc nấu, cũng chẳng phải bắc đại lên trên lửa, cũng phải có nhiều món trợ duyên khác nữa, v.v...

Cái kết quả phân phái giữa Tiểu thừa và Đại thừa cũng thế, chẳng phải chỉ có nội một chuyện giải thích trái ngược về giới luật mà nảy sinh sự phân lập môn phái. Bởi vậy cho nên, nếu không có nhiều nguyên nhân sâu xa về trước, trong lúc đức Thế tôn còn sinh tiền, thì làm gì có cái hậu quả phân chia sau khi đức Thế tôn nhập diệt.

Chúng ta cần phải tìm hiểu thêm rằng: Sự giải thích trái ngược giới luật giữa hai phái, chỉ là một nguyên nhân trong các nguyên nhân, hay là một sự kết quả trong các sự kết quả. Bởi vì nhân tạo ra quả, đồng thời cái quả ấy trở thành cái nhân; nhân và quả cứ tiếp tục nhau mãi, đó là chưa kể tới những món duyên phù trợ, mới đủ sức kết quả. Nếu không có các trợ duyên, dù có nhân cũng không thành quả.

298. Xin nhắc lại những giai đoạn dạy đạo nào của đức Thế Tôn, có thể làm nguyên nhân phân chia hai phái Tiểu thừa và Đại thừa.

- Nguyên nhân sâu xa chia ra Tiểu thừa và Đại thừa là tại trình độ bất đồng, do căn cơ khác nhau. Vì lẽ đó, thế hệ truyền giáo của đức Thế tôn chia hẳn làm hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, gần bốn chục năm, Phật dạy Tiểu thừa. Thời kỳ thứ nhì, gần mười năm, Phật dạy Đại thừa. Do theo thời gian ấy, non bốn chục năm, đại đa số Tỳ kheo chỉ biết có giáo lý Tiểu thừa mà không hề biết giáo lý Đại thừa ra làm sao. Trái lại, non mười năm sau, phần nhiều các vị Tỳ kheo chỉ biết có Đại thừa, mà không rõ Tiểu thừa là gì.

299. Do nguyên nhân nào mà đức Thế tôn truyền dạy Tiểu thừa trước?

- Xem lịch sử Phật, thấy nói rằng: Thái tử sau khi đắc Đạo vô thượng bồ đề, Ngài thấy rằng cái Đạo của Ngài quá cao siêu, huyền diệu, sở dĩ Ngài đạt được một nền giáo lý thâm sâu như thế, là nhờ lịch kiếp tu hành. Nay chúng sinh căn cơ trình độ thấp kém, không thể nào học được đạo mầu của Ngài, vì lẽ ấy, Ngài muốn nhập Niết bàn, chớ không muốn mở đạo dạy đời. Khi đó, Phạm Thiên hiện xuống tha thiết yêu cầu Ngài trụ thế đặng mở đạo dạy đời, dìu dắt quần sinh thoát khỏi sông mê bể khổ. Đức Thế tôn xét lại lời yêu cầu ấy và suy nghĩ rằng: "Ta phải giấu pháp thật mà mở pháp quyền, phải tuỳ theo căn cơ mà độ sinh. Lần lần thành thục, chừng đó Ta sẽ nói pháp viên đốn độ chúng sinh, đến chỗ đạo mầu của chư Phật cũng chẳng muộn.”

Vì lý do trên đây, trong bốn mươi lăm năm dạy đạo, gần bốn mươi năm dạy Tiểu thừa. Trong khoảng thời gian ấy, các hàng Nhị thừa (Thinh văn, Duyên giác), kẻ thì theo Phật 5 năm, 10 năm, người thì 15 năm, 20 năm, 25 năm, nhiều lắm là 30 năm, rồi cũng rời đức Phật mà đi tứ phương, sống đời truyền giáo.

Xem thế thì biết rằng, nhiều vị học Tiểu thừa mà không biết Đại thừa là gì. Trái lại, cũng có những vị sa môn, vì lợi căn, nên tuy mới vô, nhưng nhằm thời kỳ Phật dạy Đại thừa, nên không biết Tiểu thừa ra sao. Nhưng lý do ấy, theo thiển kiến của chúng tôi, cũng chưa đủ kết quả phân chia lưỡng phái, bất quá là một nguyên nhân trong các nguyên nhân mà thôi. Chúng ta cần phải tìm nhiều lý do khác nữa, mới rõ sự thật một cách chắc chắn hơn. Xem trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì thấy nó phù hợp với lời nói của Phật: "Ta phải giấu pháp thật, tạm mở pháp quyền.” Kinh Pháp Hoa cho chúng ta biết rằng: Tam thừa (Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát thừa) là giả lập trong buổi đầu dạy đạo, làm như thế, trước là khế cơ, sau là khế lý. Phải biết rằng: Đạo pháp của Như Lai, chỉ có Nhứt thừa, chớ không có hai hay ba. Sở dĩ có tam thừa là quyền biến nhất thời, sau đó sẽ phế tam quy nhất (bỏ tam thừa, trở về Nhứt thừa hay Phật thừa).

Cả tam thừa đều là con đường đi lên Nhứt thừa, chớ chẳng phải mỗi thừa mỗi biệt lập. Hễ ai chứng quả A la hán, đều kham nghe, kham học chân lý Đại thừa. Trái lại, nếu chưa có trình độ A la hán thì khó thể nghe nổi pháp Đại thừa.

300. Còn nguyên nhân nào khác nữa, làm cho phân chia hai phái Tiểu thừa và Đại thừa?

- Còn rất nhiều. Trước xin nói về nguyên nhân đức Thế tôn lập ra "Hoá thành,” mà chưa vội chỉ ra "Bảo sở,” nghĩa là đức Thế tôn trình bày Niết bàn Tiểu thừa, chưa tiện chỉ dạy Niết bàn Đại thừa, bởi lý do trình độ chung của giáo đồ lúc bấy giờ còn thấp kém quá. Vì vậy cho nên, đa số hàng Tỳ kheo sau khi chứng quả Niết bàn Tiểu thừa, không còn muốn nghe đức Thế tôn nói pháp nữa.

Chẳng phải các hàng Tỳ kheo ấy thối chuyển hay có tính tự đắc, bởi khi bày ra Niết bàn Tiểu thừa, đức Thế tôn phương tiện mà nói rằng: "Đây là cái Niết bàn cùng tột cao viễn nhất, hoàn toàn rốt ráo, không còn cái pháp nào cao hơn nữa.” Do theo lời phương tiện ấy, các vị Tỳ kheo chứng quả Tiểu thừa lầm tưởng thật sự y như lời của đức Thế tôn, chớ không dè đó là tuỳ duyên mà Phật nói. Vì lẽ ấy, các vị Tỳ kheo tin chắc rằng mình đã đạt được mục đích cuối cùng trên con đường tu học Phật pháp, tức là đã phá tan cái vòng sinh tử luân hồi trong vô lượng kiếp, dầu có học cái gì nữa cũng là thừa. Nhưng, không dè đó là lượm gạch ao xuân, chớ chẳng phải là ngọc báu Ma ni.

301. Hóa thành, Bảo sở là gì? Xin cho thí dụ?

- Hóa thành là cái thành do đức Thế tôn biến hóa mà hiện ra. Hóa thành có ý nghĩa là một phương tiện, chẳng phải là một cứu cánh. Hễ phương tiện, thì là một việc lâm thời trong khi còn đương mê mà thôi. Hóa thành có thể thí dụ như vầy cho dễ hiểu:

Đại ý nói những người tu hành trải bước trên con đường đạo, cũng như người lữ hành đã lâu ngày đi trên con đường sa mạc, rất vất vả và cực khổ. Dọc đường, nào là nóng nực, nào là bão cát, nào là khát nước, nào là đói bụng, v.v... Những chuyện như thế làm cho đa số người trong đoàn lữ hành đều thối chí, ai cũng muốn trở lại chớ không muốn đi nữa, bởi không đủ năng lực, không đủ can đảm lướt qua biển cát ấy.

Thấy vậy, người dẫn đàng (Phật) bèn dụng quyền biến, lập ra một Hóa thành hiện rõ trước mắt mà khuyên nhủ rằng: Ớ các bạn đồng hành (các vị Tỳ kheo)! Đã gần đến nơi đến chốn rồi. Kia kìa, đằng kia, chỗ ấy là nơi chúng ta an nghỉ một cách vui vẻ và vĩnh viễn, không còn phải đi đâu nữa cho mệt nhọc. Các người hãy cố gắng lên, chỗ ấy là mục tiêu cuối cùng, là nơi cứu cánh trên con đường rất cực khổ này. Đây là một phần thưởng rất xứng đáng: đến đó rồi, chúng ta mặc sức thọ hưởng những sự vui vẻ khoái lạc nhất đời. Trong thế gian không còn chỗ nào thảnh thơi, sung sướng và tốt đẹp hơn chỗ chúng ta sắp đến (không có pháp tu nào kết quả cao hơn nữa).

Đoàn lữ hành nghe nói, ngước mặt lên xem, thấy Hóa thành gần kề, biết mình sắp đến nơi đến chốn, ai nấy đều mừng rỡ vô hạn, trong lòng phấn khởi, không còn thối chí ngã lòng nữa. Đoàn lữ hành ai nấy đều vui mừng nhảy nhót, nhiều kẻ chảy nước mắt vì quá cảm động.
Sau khi đoàn lữ hành tới Hóa thành rồi, ai nấy đều vui vẻ, nghỉ ngơi cho bỏ lúc cực khổ, và tin chắc lời Đoàn trưởng (Phật) nói đấy là chỗ cứu cánh, nên không còn tính chuyện đi tìm tòi nơi đâu nữa (không còn tu học pháp nào nữa).

Nhưng, sự thật thì con đường còn rất xa, xa lắm. Phải đi, đi mãi, tới cái chỗ gọi là vô lượng vô biên, vô cùng vô tận của Đạo vô thượng chính đẳng chính giác, mới đúng với cái bổn nguyện, mới đúng với đại sự nhân duyên xuất thế của đức Thế tôn mà Ngài đã diễn giảng trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa rằng: "Chỉ có một Phật thừa, chớ không có hai hay ba thừa.”

Đoàn lữ hành ví như các vị Tỳ kheo trên con đường tu học Phật pháp của Tiểu thừa, vì tiểu căn tiểu lực, nên chưa đủ sức lướt lên Đại thừa mà hoàn thành Đạo vô thượng chính đẳng chính giác, nghĩa là chưa đủ sức đi đến mục tiêu cuối cùng gọi là Bảo sở. Vì lẽ đó, đức Thế tôn mới tùy thời tùy cảnh, tùy khả năng của đại đa số giáo đồ lúc bấy giờ, mà phương tiện lập ra Hóa thành (tức Niết bàn của Tiểu thừa). Trong khi dùng phương tiện lập ra Hóa thành, đức Thế tôn cũng dùng phương tiện mà nói rằng: Đó là nơi cuối cùng, đó là chỗ cứu cánh cao viễn nhất của sự đắc đạo thành chính quả.

Tới một ngày kia, đức Thế tôn thấy rằng, đã đến thời kỳ bỏ quyền mà trở về thật, nghĩa là đến lúc cần phải bỏ Hóa thành để đi đến Bảo sở, nên đức Thế tôn dự định cho các hàng Nhị thừa (Thinh văn, Duyên giác) biết rằng: Hóa thành có tính cách tạm thời, để nghỉ chân trong lúc mệt mỏi, chớ không phải mục tiêu cuối cùng như lời đã tuyên bố trước kia. Như vậy, cần phải đi đến Bảo sở (Niết bàn của chư Phật). Tới đó, mới là đúng với cái Đạo của Ngài lập ra và mới là hợp với cái bổn nguyện độ tận chúng sinh tổng giai thành Phật đạo. Đây mới thật là chỗ an lạc vĩnh viễn của chư Phật trong ba đời mười phương.

Ý tứ dạy Đạo của đức Thế tôn như vậy, nhưng mà một số Tỳ kheo trong hàng Nhị thừa vì mê chấp nên không biết, chỉ giữ chặt Hóa thành mà thôi, chẳng chịu tiến bước, nên không hiểu Đại thừa là gì. Đây cũng là một lý do trong các lý do của sự phân chia giáo phái.

302. Lượm gạch ao xuân là gì?

- Đó là một thí dụ hết sức hay, rất có ý nghĩa như vầy:

Có nhiều người thấy trăng thanh mát mẻ, bèn bơi thuyền du ngoạn trên mặt hồ. Bóng trăng sáng bạc, nhấp nhô trên mặt nước hồ xuân. Tình này, cảnh ấy làm cho những người du hồ thưởng nguyệt vui say thích chí, quên cả thân tâm, nên cả thảy đều đánh rơi ngọc báu Ma ni.(1)

Chừng tỉnh lại, mạnh ai nấy xúm nhau lặn mò tìm kiếm,(2) làm cho mặt nước càng xao động.(3) Sau một thời gian cực khổ não nề trong sự trồi lên hụp xuống dưới đáy hồ, mỗi người bèn lượm lên một cục đá mà không biết, lầm tưởng là ngọc thật,(4) bèn vui vẻ nghỉ ngơi.

Trong những người bị mất ngọc ấy, nhiều kẻ có đại trí,(5) nên để cho ai nấy đi hết, bền chí ở lại, chờ cho sóng lặng trăng tỏ,(6) dưới đáy hồ ngọc Ma ni chiếu lên,(7) bèn lẳng lặng trở xuống, lấy được ngọc báu một cách dễ dàng.

1. Ý nói vì mê nhiễm trần thế, nên quên mất Phật tính.

2. Ý nói ăn năn hồi đầu hướng thiện, ra công tu hành cực khổ.

3. Ý nói tu hành mà ép xác thái quá, nên bị phản động lực của sinh lý, làm cho lòng càng đau khổ, không được sáng suốt. Lại cũng có ý nói rằng: tu hành mà lập khổ hạnh, thì bị cái khổ trói buộc, làm cho thân tâm đều xao động.

4. Ý nói hàng Nhị thừa chỉ đạt được Hoá thành mà không biết, lại lầm cho rằng mình đã tới Bảo sở.

5. Những bậc sáng suốt tỏ thông mối Đạo.

6. Lòng thanh tịnh do công phu thuần thục.

7. Khi lòng thanh tịnh, thì Phật tính hiển hiện.

8. Bậc thượng căn đại trí, tu hành đắc Đạo một cách nhẹ nhàng thong thả.

303. Có bằng cớ nào trong lịch sử Phật, nói rằng hàng Nhị thừa sau khi tới hóa thành, nghĩa là sau khi chứng quả Niết bàn, lấy làm đủ không còn tu tấn nữa chăng?

- Có. Đến cái lúc cần phải bỏ pháp quyền, quy về pháp thật, nghĩa là hội ba thừa gom làm Nhứt thừa thật tướng (Phật thừa), đức Thế tôn sửa soạn nói pháp lớn (tức là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh), hàng Nhị thừa rùng rùng bỏ ra ngoài pháp hội, không chịu ngồi đó nghe đức Thế tôn sắp sửa nói pháp.

Với cái pháp lớn này, đại ý Phật nói:

"Này các vị Tỳ kheo! Tất cả nước biển chỉ có một mùi, là mùi muối. Đạo của Ta cũng thế, chỉ có một mùi, là mùi giải thoát. Thật vậy, chỉ có một Phật thừa mà thôi, dầu Ta có lập ra hai, ba thừa cũng chỉ giả tạm trong nhất thời.”

304. Khi đức Thế tôn còn sinh tiền, giữa các vị Tỳ kheo đi truyền giáo, có nghịch ý kiến về Đại thừa và Tiểu thừa chăng?

- Có. Trong kinh Duy Ma có nói một đoạn như vầy:

Một buổi kia, ông Phú Lâu Na đi đến một cái rừng nọ, nói pháp Tiểu thừa cho các vị Tỳ kheo mới tu nghe. Khi đó Ngài cư sĩ Duy Ma Cật thấy vậy bảo rằng:

- Này ông Phú Lâu Na, muốn nói pháp cho người khác nghe, trước hết ông phải nhập định, rồi dùng trí huệ quán xét, mà tìm hiểu căn cơ trình độ của người nghe pháp như thế nào, nhiên hậu mới khởi sự nói pháp. Bằng ông không dè đặt như thế, mà vội nói pháp, thì có khác nào ông đem món ăn dơ để trong bát báu của người ta. Như vậy, té ra ông xem ngọc lưu ly đồng với chất thủy tinh ư?

Này ông Phú Lâu Na! Ông không rõ biết căn cơ cội nguồn của chúng sinh, thì hãy dè dặt trong khi nói pháp. Ông đừng vội đem pháp Tiểu thừa mà trình bày với người nghe pháp. Ông nên biết rằng, những vị Tỳ kheo này, tâm địa của họ như ngọc lưu ly, không tỳ không vít. Mấy vị này đáng đi con đường lớn (Đại thừa), ông chớ khá chỉ nẻo nhỏ (pháp Tiểu thừa). Ông chớ đem bể cả mà đổ vào lỗ chân trâu, ông chớ cho ánh sáng mặt trời đồng với lửa đom đóm.

Này ông Phú Lâu Na! Những vị Tỳ kheo đây, đã phát tâm Đại thừa ở nhiều kiếp trước, nhưng vì nửa chừng xao lãng. Thế thì, tại làm sao ông lại dùng pháp Tiểu thừa mà giảng nói cho mấy ổng nghe?…

305. Ông Phú Lâu Na có gây lý sự lại chăng? Và ông Duy Ma Cật có bằng cớ gì để cho ông Phú Lâu Na thấy rằng, mấy vị ấy tiền căn của họ đã từng tu tập giáo pháp Đại thừa?

- Ông Phú Lâu Na làm thinh không nói gì cả. Khi đó ngài Duy Ma Cật nhập hỏa quang tam muội, khiến cho các vị Tỳ kheo ấy, bỗng dưng nhớ lại tiền kiếp của mình, cùng nhau sụp lạy ngài Duy Ma Cật, mà phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác.

Vì duyên cớ như vậy, nên về sau đức Thế tôn sai ông Phú Lâu Na đi thăm bịnh ngài Duy Ma Cật, ông Phú Lâu Na bèn từ chối.

306. Nãy giờ ông chỉ rõ nhiều nguyên nhân phân chia giữa Tiểu thừa và Đại thừa, bây giờ ông nên thuật cái kết quả phân phái, sau khi đức Thế tôn nhập diệt.

- Một trăm năm sau khi đức Thế tôn nhập diệt, có một số Tỳ kheo, đề xướng nhiều sự cải cách về giới luật. Thượng toạ Gia Xá nghe thế, mới đến Tỳ Xá Ly, bố cáo cho quần chúng biết rằng: "Đó là một việc làm bất hợp pháp.” Nhân lời tuyên bố ấy, mới có sự tranh luận sôi nổi giữa hai phái.

Không thể giải quyết bằng sự tranh luận, hai bên đề nghị mỗi phái cử bốn vị chuyên môn về luật, đứng ra khảo xét và biên chép để tránh sự tranh biện. Nhưng hội nghị ấy cũng không có kết quả tốt. Trong khi ấy, chư tăng miền Đông Ấn Độ lại khai tụng Luật tạng riêng biệt, không giống ai cả, mà cũng không tham gia trong cuộc hội nghị ấy.

Đến đời vua A Dục, năm 231 trước Tây lịch kỷ nguyên, hai phái cũng không dung hoà được, mặc dầu hai bên đã từng tiếp xúc với nhau nhiều lần bằng cách lập ra hội nghị. Vua A Dục thấy thế, bèn xuất của kho, triệu tập một cuộc Đại hội nghị tại thành Hoa Thị, trong cảnh Kê Viên. Bao nhiêu chi phí ăn uống, đi lại, tất cả đều xuất của kho nhà vua, để cung ứng cho một ngàn vị Tỳ kheo làm việc. Trong cuộc Đại hội nghị này, vua A Dục ráng hết sức mình, dùng lời lẽ chính đáng và thiết yếu để dung hoà hai phái, nhưng kết quả không được như ý muốn của nhà vua. Sự tranh chấp vẫn còn nguyên, thế là hội nghị phải tan rã.*

Còn nhiều lý do phân chia giáo phái Đại thừa và Tiểu thừa, không thể thuật hết được.

* Tham khảo tài liệu trong Tạp chí Liên Hoa.

Chương IX: Chân lý viên dung bình đẳng

307. Thế nào gọi là pháp Trung đạo của Tiểu thừa? Xin cho biết lịch sử mà đức Thế tôn khởi sự dạy pháp này?

- Ban sơ đức Thế Tôn độ năm anh em Kiều Trần Như, Ngài giảng giải đại ý rằng: Người tu hành phải tránh xa hai con đường hai bên, mà giữ mực chính giữa (chấp trung).

Hai con đường hai bên là gì? – Nghĩa là một đường thì giữ sắc thân cho sung sướng khoái lạc hơn hết. Còn một đường thì lập khổ hạnh quá lẽ, ép xác, hãm mình, nhịn đói không ăn, hoặc ngồi hoài không nằm, hoặc đứng mãi chẳng nghỉ, v.v... kỳ cho đến khi thành Đạo mới thôi. Như thế, một bên thì tấm thân sung sướng, còn một bên thì hình hài khổ cực. Hãy bỏ hai bên ấy đi, mà giữ lấy mực giữa, làm sao ứng dụng cho vừa phải, không sung sướng thái quá mà cũng không cực khổ đáo để, đó là Trung đạo (giữ mực trung bình). Người tu hành nào giữ được mực trung như vậy, thì tinh thần thơ thới, tâm trí sáng suốt, tu hành mau đắc Đạo. Phải biết rằng: nếu sung sướng thái quá, thì tinh thần truỵ lạc, còn khổ cực đáo để, thì hình xác nhọc nhằn, lẽ tất nhiên tinh thần bất an, tinh thần bất an thì tâm trí mờ mịt tối tăm, đâu còn sáng suốt mà mong giải thoát.

Ta bà là cõi khổ,* người tu hành dùng sự sung sướng khoái lạc để giải thoát cái khổ, là điều hết sức lầm lạc. Trái lại, dùng cái khổ để giải thoát cái khổ, lại là một điều càng lầm lạc hơn nữa. Bởi vì làm như vậy, thành ra khổ tăng gia khổ (đã khổ mà còn làm cho khổ thêm), chớ đâu phải là giải thoát cái khổ. Theo chân lý đã giải thích như thế, thì biết rằng, chỉ có giữ mực trung, mới chính là con đường giải thoát thuận tiện hơn hết, chắc chắn hơn hết.

* Tự nhân loại gây khổ, chẳng phải vô cớ mà có khổ.

308. Tại sao đức Thế tôn không chỉ Trung đạo Đại thừa (Tuyệt đãi trung đạo) mà lại dạy như thế?

- Đó là cái hay của sự tùy duyên hóa độ, nghĩa là nói pháp phải hợp với căn cơ trình độ của người đương tu hành. Chính đức Thế tôn nói cái pháp "chấp trung” như vậy đặng phá chỗ mê chấp của năm anh em Kiều Trần Như tu khổ hạnh.

Nên biết rằng, đối với năm vị tu sĩ này, đức Thế tôn chẳng cần phải dùng đến Phật huệ, cũng rõ biết căn cơ và bịnh chứng như thế nào rồi. Bởi vì, ban sơ Ngài ở chung một chỗ với họ, cùng nhau tu theo pháp khổ hạnh. Ngài nhịn đói đến nỗi còn da bọc xương. Thét rồi yếu quá, đứng không vững, té bất tỉnh. Sau đó Ngài biết rằng tu khổ hạnh là vô ích. Từ đó, Ngài ăn uống trở lại, năm anh em Kiều Trần Như thấy vậy, tưởng là người tham sống sợ chết, thích ăn uống cho sung sướng, nên không còn tin tưởng sùng bái nữa.

Vì cái cớ như thế, nên sau khi đắc Đạo, đức Thế tôn trở lại nói pháp Trung đạo để độ năm anh em, đặng phá chỗ mê chấp về sự lập khổ hạnh.

309. Còn Trung đạo của Đại thừa (Tuyệt đãi trung, hay Trung đạo đệ nhất nghĩa đế) như thế nào?

- Chúng tôi xin tóm tắt vài câu: bỏ tất cả những chỗ thiên chấp: hoặc chấp bên này, hoặc chấp bên kia, hoặc chấp hai bên biên kiến, và cũng không đặng chấp chính giữa như Tiểu thừa, khắp xem muôn sự, muôn vật đều là viên dung bình đẳng, đó là Trung đạo Đại thừa.

310. Xem lịch sử Phật, không thấy đức Thế tôn dạy pháp Tuyệt đãi Trung đạo. Hơn nữa, pháp ấy do Ngài Long Thọ Bồ tát (Nagarguna) làm thỉ tổ. Thế thì, mặc dầu Trung Đạo Tiểu thừa chân lý của nó thấp thỏi hơn của Đại thừa, nhưng không lẽ bỏ Phật mà học theo cái pháp của một vị Bồ tát?

- Nói như thế là còn chấp pháp. Nhất là chưa tỏ ngộ sâu xa rộng rãi chân lý Trung đạo Đại thừa của đức Thế tôn trong các khế kinh, mà Long Thọ Bồ tát dùng làm tài liệu sau này.

Mặc dầu đức Thế tôn không đưa ra cái nhan đề Tuyệt đãi Trung đạo, nhưng phải biết rằng, tất cả nghĩa lý trong các kinh luận Đại thừa, đều hướng về chân lý viên dung bình đẳng, thì đó là Trung đạo Đại thừa, chớ còn gì nữa.

Còn như nói bỏ Phật, mà học đạo với một vị Bồ tát, lại càng không nhằm nữa. Có nhiều vị Bồ tát, vì hy sinh ngôi chân phước Niết bàn, tuy chứng quả Phật đã lâu, mà không chịu làm Phật, như đức Văn Thù, đức Quán Thế Âm... Có lẽ đức Thế tôn hiểu rõ sau này, sẽ có sự hoài nghi như thế, nên Ngài nói trong kinh Lăng Già như vầy: "Bảy trăm năm sau khi Ta nhập diệt, sẽ có một vị Bồ tát tên là Long Thọ ra đời. Vị Bồ tát này sẽ phá tan những sự mê lầm của những người tu Phật: hoặc chấp có, hoặc chấp không. Vị Bồ tát này sẽ giáo hoá chúng sinh bằng cái pháp Nhất thừa của Ta (Phật thừa), nó cao viễn hơn tất cả trong Đại thừa. Vị Bồ tát này sẽ chứng quả an lạc tịch tịnh của Niết bàn (thành Phật trọn vẹn).”

Quả thật, bảy trăm năm sau, tất cả giáo đồ nhà Phật tại Thiên Trước, đều cho Long Thọ Bồ tát là Phật Thích Ca không có 32 tướng.

Cái đặc sắc của đức Long Thọ là, tuy thành lập một Tông, nhưng không hề dùng bộ kinh nào trong Tam tàng, để làm nền tảng cho lập trường giáo hóa của mình, mà lại tạo ra ra hai bộ luận: Luận Trung Quán (Madhyamaka çastra) và Luận Thập Nhị Môn (Dvâdaca nikhya çastra). Về sau Đề Bà nối tiếp, mà soạn ra một bộ nữa, gọi là Bách Luận (Çata çatra). Dùng ba bộ luận này để thành lập một Tông, gọi là Tam Luận Tông.

311. Xin cho biết những kinh nào, mà chân lý của nó nói về Trung đạo Đại thừa?

- Như kinh Kim Cang, là một quyển kinh phá chấp, trong ấy dạy phá tất cả hai bên biên kiến: nào là chấp có pháp, chấp không pháp; nào là chấp hữu vi, chấp vô vi; nào là chấp có tướng, chấp không tướng, v.v... đều bị chân lý viên dung bình đẳng phá mấy chỗ sai biệt chấp trước ấy cả. Theo đường lối phá chấp này, làm cho người tu tỏ ngộ được bổn lai diện dục, tức là tỏ ngộ cái bổn tính Như Lai của mình. Sau khi tỏ ngộ tự tính Như Lai, thì biết rằng lý tính ấy, cái nghĩa của nó là viên dung bình đẳng, tức sắc, tức không, tướng mà chẳng phải tướng, không mà chẳng phải không. Thể theo chân lý này, trong Kim Cang có câu: "Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng bổn tính Như Lai” (Nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai). Đó là chân lý của Tuyệt đãi trung đạo vậy. Cái chân lý này, hầu hết trong quyển Kim Cang, chỗ nào cũng có nói, nhưng chẳng qua, nếu ai chưa tỏ ngộ, hoặc còn chấp theo văn tự, thì không thấu được nghĩa lý viên dung của Trung đạo.

+ Còn như kinh Thủ Lăng Nghiêm, thì dạy cái Tâm (chân tâm), nếu ai chưa tỏ ngộ bổn tâm, tức là còn lưu lạc sông mê, bể khổ. Kẻ thì chấp bóng duyên sáu trần là tâm, người thì chấp cái tri giác biến chuyển theo vật dục gọi là tâm, kẻ thì chấp sự duyên lự là tâm, người thì chấp vọng niệm leo chuyền là tâm, v.v... Sau khi nghiên cứu kỹ càng kinh Thủ Lăng Nghiêm, bèn tỏ ngộ cái chân tâm của ta, chẳng những nó không có danh tướng, không có hình ảnh, không có xứ sở, mà cũng không có chỗ trụ nữa. Chân tâm không có ở đâu, mà ở đâu cũng có, để biểu hiện cái chân lý viên dung bình đẳng, đó là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế, mặc dầu nó không mệnh danh là Trung đạo.

+ Còn như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tuy là cao siêu huyền diệu khó hiểu, thật sự thì cũng hướng về chân lý duy nhất của Tuyệt đãi Trung đạo. Bởi vậy cho nên, kinh này mới nói rằng: Tất cả cái gì cũng là Phật cả, dù là ngói gạch chẳng hạn, để biểu dương cái chân lý thật tướng của vạn hữu mà chúng ta thường nghe nói "vạn vật đồng nhất thể” hay là "pháp tính duy nhất” như Đại thừa Khởi Tín Luận đã nói. Cái thật tướng này, nếu ai mở tỏ chỗ thấy biết của Phật (khai Phật tri kiến) thì mới rõ thật tướng là gì. Nói vạn vật đều là Phật, chắc nhiều người khó hiểu và không tin, còn như nói vạn vật là hiện thân của khí lực, hiện thân của nguyên tử thì ai cũng hiểu cả, đó là chân lý viên dung bình đẳng của nhất như, là Tuyệt đãi trung đạo vậy.

+ Còn như kinh Viên Giác, dạy về thể tính bình đẳng của chân như và vọng tưởng, giải quyết một vấn đề mà từ xưa tới nay, đại đa số người tu Phật trong khi nghiên cứu Đại thừa, ai ai cũng thắc mắc, cũng bị chặn đứng khó mà tiến tu được. Người ta thắc mắc rằng: Chân như tức là Phật, là chân, đã chân tại sao còn vọng tưởng? Nếu vậy, một ngày kia chúng sinh tu thành Phật, rồi Phật sẽ trở lộn lại làm chúng sinh, cũng như chân như sẽ sinh ra vọng tưởng nữa chăng? Thì đây, chúng tôi xin dùng lý luận giải quyết cái nghi án này trước, sau sẽ thuật bài kệ trong kinh Viên Giác do Phật phá nghi cho Kim Cang Tạng Bồ tát.

Tất cả 12 vị đại Bồ tát trong kinh Viên Giác, riêng chỉ có ông Kim Cang Tạng Bồ tát hỏi đức Thế tôn vấn đề trên đây mà thôi. Có lẽ Kim Cang Tạng Bồ tát vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh trong khi học Đạo mà hỏi Phật như vậy, chớ không lý nào một vị đại Bồ tát lại bất thông, còn nghi pháp.

Cái thể viên dung bình đẳng của chân như và vọng tưởng (cũng như phiền não và bồ đề), thể tính này, chân lý của nó cho chúng ta biết rằng: chúng sinh bổn lai là Phật. Chư Phật là những bậc đã thấy rõ tính chúng sinh, còn chúng sinh lại là kẻ mê tính Phật. Chúng sinh và Phật (chân như và vọng tưởng) viên dung, bình đẳng, không thể nói trước có Phật (chân như) rồi sau mới có chúng sinh (vọng tưởng), hay là nói trước có chúng sinh rồi sau mới có Phật. Nếu chúng sinh và Phật không trước không sau, thì là viên dung bình đẳng, chẳng phải hai. Tại chúng sinh nhận là có hai, nhận có trước có sau, cho nên không biết mình là Phật. Nếu biết mình là Phật, thì trong lúc đang tu hành đây, tức là dùng huyễn mà tu huyễn, các huyễn tuy dứt mà bổn tính không đoạn diệt. Bởi vậy cho nên, xa lìa các huyễn, đến chỗ không còn xa lìa được nữa, như vậy mới hết huyễn.

Do cái lẽ này mà biết rằng: vọng tưởng là như huyễn, khi vọng tưởng dứt, tạm gọi là thành Phật, vì chân như vốn là Phật mà nói thành Phật là thừa. Thế thì, nghi Phật trở lại làm chúng sinh là tại mê chấp sai biệt tính thể bất nhị, nhất là mê chấp thật có vọng tưởng vô minh, mê chấp thật có tu, có chứng, có đắc, có Niết bàn, ... mà thành ra chướng ngại. Nên biết rằng thỉ giác đồng với bất giác: (vô minh vọng tưởng) không riêng không khác, cũng như cái lý phiền não tức bồ đề. Khi mê thì bất giác, khi ngộ thì không có bổn giác diệu minh nào khác với thỉ giác. Cũng như nước, khi dậy muôn trùng thì kêu là sóng, đến lúc lặng yên thì gọi là nước.

Do chỗ hỏi của Kim Cang Tạng Bồ tát, đức Thế tôn trả lời như vầy:

Kim Cang Tạng phải biết:
Phật là thể tính tịch (tịnh),
Chưa từng có trước sau.
Nếu dùng tâm luân hồi,

Mà suy nghĩ quanh quẩn,
Chỉ đến chốn luân hồi,(1)
Không vào đặng biển giác.
Ví như nung quặng vàng,

Vàng không nung vẫn có.
Bởi bổn lai là vàng,
Nhưng, nhờ nung thành tựu.(2)
Khi thành hình vàng ròng,

Không trở lại làm quặng.(3)
Sinh tử với Niết bàn,
Phàm phu và chư Phật,
Đều là tướng hoa đốm (giả dối).(4)

Suy nghĩ là huyễn hoá,
Luống hỏi cõi hư dối.(5)
Biết được tâm này rồi,
Mới nên cầu viên giác.(6)

Còn rất nhiều kinh luận Đại thừa, mà cái nghĩa lý của nó toàn là Tuyệt đãi Trung đạo, không thể thuật hết ra đây được.

1. Dùng vọng tâm điên đảo mà suy nghĩ cái thể tính tịch tịnh, thì càng suy nghĩ, càng không vỡ lẽ.

2. Quặng vàng tuy là huỳnh kim, nhưng phải nung đãi tạp chất mới dùng được. Cũng như chúng sinh, tuy bản lai là Phật, nhưng phải trau dồi.

3. Phật không bao giờ lộn lại làm chúng sinh.

4. Sinh tử vốn không, Niết bàn như mộng.

5. Suy nghĩ còn không thật (vì tư tưởng là giả dối) lại đi hỏi những điều không thể có.

6. Nếu biết được chân tâm bản lai là Phật, mới cố thể tu chứng quả vị viên giác (viên minh diệu giác, Phật).
 
Còn nữa.....
-
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Hỏi - Đáp 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Xem thêm