Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 11/04/2015, 14:23 PM

Phật tử Diệu Dần - người mang trái tim của mẹ

Nằm sau ngôi Tam Bảo của chùa Tứ Kỳ tại số 8 đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, Hà Nội dưới sự trụ trì của sư cụ Thích Đàm Vĩnh là đạo tràng niệm Phật của cô Dần – mái ấm tình thương của hơn bốn trăm cụ già trong suốt sáu năm qua. 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp cô là một giọng nói ấm áp, nụ cười trìu mến và một đôi mắt rất sáng. Khi hẹn gặp cô để phỏng vấn lấy tư liệu cho bài viết cô đã nói nhỏ với tôi rằng: “Ngoài kia còn biết bao người đang âm thầm cống hiến cho xã hội. Mấy việc nhỏ nhặt cô đã làm có là gì đâu mà lại đi phỏng vấn.” Cô luôn giữ cách nói chuyện khiêm nhường, luôn tự hạ thấp bản thân và ngợi ca về người khác.
 
Dưới ánh nắng nhẹ hanh của buổi chiều chớm hè, cô bắt đầu kể về cuộc đời của mình: “cô tên là Trần Đặng Thị Dần sinh năm 1962. Tuổi thơ của cô rất vất vả. Từ bé cô đã mồ côi mẹ. Mẹ cô sinh cô ra được một tuổi thì mất. Mẹ cô mất trong một cơn mưa, bà đi làm đồng rồi bị sét đánh chết. Sau đó, gia đình cha cô đùm bọc nuôi cô và xung quanh hàng xóm, gia đình chú bác cho cô ăn sữa để thay sữa mẹ.  

Sau một thời gian khi cô được ba, bốn tuổi thì bác họ đằng ngoại có đón cô về và nuôi giúp. Thấy cô dễ nhìn và cũng ngoan ngoãn ông bà nhận làm con nuôi luôn. Lớn lên cuộc đời cô cũng rất cơ cực. Khi đó bố mẹ nuôi cô thường khổ tâm rất nhiều vì hầu như đẻ được bận nào con cũng đều mất. Nhưng từ khi đón cô về thì ông bà cũng sinh được ba, bốn người con. Tất nhiên có anh, em trong gia đình thì mình càng thêm vất vả. Lúc nào cô cũng cảm thấy tủi thân vì mình còn bé quá mà gia đình thì lại đông con. Dù bố mẹ nuôi rất yêu thương cô nhưng lúc nào cô cũng thèm khát tình cảm của mẹ mà không thể nói lên được”. Tôi cảm nhận được sự nghẹn ngào trong lời nói của cô, chắc cô phải cố lắm mới kìm được những giọt nước mắt khi nhắc tới mẹ, về thời thơ ấu của mình. 

“Những tưởng khi lập gia đình cô đỡ vất vả hơn nhưng vào thời kì bao cấp nào có ai sống được sung sướng. Sau khi lấy chồng cô đi làm ở một cơ quan xí nghiệp. Được mọi người yêu quý lại làm việc chăm chỉ cô sắp được lên chức thì buộc phải nghỉ việc. Vì thời bao cấp nuôi con rất vất vả mà chồng cô làm giáo viên ở xa nên chồng cô có nói thôi thì một người ở cơ quan, còn một người ở nhà để còn chăm con. Thế rổi cô về nhà, tích góp từng đồng để nuôi con khôn lớn”. 

Tuy gặp nhiều nỗi khó khăn, cơ cực nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được sự lạc quan trong cô khi tôi hỏi nhân duyên giúp cô tìm đến với đạo Phật và vì sao cô lại muốn thành lập đạo tràng.

Cô đã nói: “Cuộc đời của cô cũng đã bừng sáng khi cô gặp được Phật pháp. Lúc đầu cô cũng chỉ theo chân các bạn đến chùa Trấn Quốc để tham gia vào đạo tràng ở đây. Khi được nghe tiếng chuông, tiếng mõ của các quý Thầy cô thấy hay một cách kì lạ. Trong tâm cô luôn thầm nghĩ ước rằng sau này mình cũng tự tay đánh những tiếng mõ, tiếng chuông kêu như vậy. Nhưng cô còn khao khát những âm thanh cô đánh ra làm sao phải thấu tận những cõi khác, cảm tưởng như có thể cứu được một con người. Từ đó, cô bắt đầu thâu lại những âm thanh ấy vào trong tâm và về nhà tự tập một mình.” 

Với cô chưa bao giờ danh lợi hay vật chất là mối quan tâm mà lúc nào cô cũng có một tình thương vô hạn với các cụ già. Dân gian có câu: “Trẻ thì vui nhà – Già thì vui chùa”. Hầu như các cụ già nếu được đến chùa thì tâm vô cùng an lạc, gia đình nếu có khúc mắc nào thì khi đến chùa cũng cảm tưởng như được rũ bỏ. Cô luôn nghĩ các cụ cũng như cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của mình vậy. Chính vì tình thương ấy mà cô quyết định thành lập đạo tràng để có thể trở thành chỗ dựa cho các cụ, mong sao nơi đây sẽ là mái ấm che chở cho những cụ già neo đơn. Và đạo tràng của cô Dần đã ra đời vào tháng 10 năm 2009. 
 
Ban đầu cô định lấy tên là đạo tràng trợ niệm Hà Nội nhưng cô trêu tên ấy nghe “hoành tráng” quá nên quyết định đổi lại, lấy cái tên nào đơn giản thôi để còn ở ẩn nên quyết định chọn tên là đạo tràng trợ niệm, niệm Phật chùa Pháp Vân. Sau vì một số lý do khách quan mà năm 2013 đạo tràng cô chuyển sang chùa Tứ Kỳ và tên gọi cũng thay đổi theo là đạo tràng trợ niêm, niệm Phật chùa Tứ Kỳ.

Niệm Phật là niệm danh hiệu Phật A Di Đà ,còn trợ niệm có nghĩa là khuyên các cụ tu để sau này các cụ có mệnh hệ gì thì mọi người trong đạo tràng hợp lại lo cho các cụ. Để khi các cụ ra đi có 1 đoàn phật tử tiễn đưa các cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Cuộc đời ấy là sung sướng, hạnh phúc khi được làm điều thiện lương. 

Thời điểm ban đầu đạo tràng có 15 tới 20 phật tử. Còn hiện tại con số đã lên 400 người. Thế nhưng đến đạo tràng để tu tập thì chỉ có hơn 100 người. Bởi theo cô chia sẻ thì tu tập chiếm nhiều thời gian nên các cụ không đi đầy đủ được. Thứ bảy, Chủ nhật tuần nào cũng như vậy, một tháng có bao nhiêu ngày như vậy gia đình các cụ còn nhiều việc cho nên các cụ đành nghỉ. Cụ nào đi được thì đi còn không đi được thì thôi, tùy duyên mà đến chùa. Tuy nhiên lúc nào đến đạo tràng cô cũng nghiêm giọng nói các cụ phải đi tu thật đông đủ, đừng ở nhà đi chơi rong nhan với hàng xóm. Có đi đầy đủ thì mai sau mới có người lo cho các cụ lúc lâm chung chứ. Nói là vậy nhưng đằng sau cô vẫn luôn phải mở cho các cụ một con đường, một cách đi riêng. Cô luôn nói phải “tùy thuận chúng sinh”.
Đạo tràng trợ niệm, niệm Phật chùa Tứ Kỳ
Cô hướng dẫn các cụ tu rất đơn giản và ân cần. Tu thứ nhất là các cụ phải buông xả, không nóng giận, phải nói năng hòa nhã với gia đình, với con cái phải hòa thuận. Cô luôn khuyên các cụ là người mẹ, ta càng nhẫn bao nhiêu thì các con mình càng kính phục bấy nhiêu. Đó là cách đối nhân xử ở nhà với từng cụ già, từng bà mẹ. Có những cụ đi chùa gia đình thấy rất hạnh phúc và hoan hỉ. Họ thường nói từ khi đi chùa tính nết các bà, các mẹ thay đổi thật, không còn nóng giận hay so đo với hàng xóm láng giềng nữa.  

Tiếp đó tôi được nghe cô chia sẻ về gia cảnh các cụ. Chăm chú nghe từng lời của cô mà trái tim tôi cảm giác như bị ai đó bóp nghẹn. Cô kể có cụ bà nghèo lắm, sống một mình con cái đi làm biệt xứ mấy năm không về mà cụ lại bị ung thu vú giai đoạn cuối. Lúc ấy cô và mọi người trong đạo tràng phải tích góp để giúp đỡ tiền đi trị xạ gần chục triệu cho cụ. Thế rồi cụ mất, chẳng ai đến nhận, cô thương cụ quá nên lại lo hậu sự cho cụ chu toàn. Có cụ ông thì bị mảnh đạn găm vào đầu hồi chiến tranh nay nó phát bệnh mủ hôi cứ rỉ ra ở mũi và tai. Vợ con không chịu được bắt ông ở dưới gầm cầu thang. May thay nhân duyên tình cờ ông tìm được đạo tràng rồi từ đó đi tu thường xuyên. Đã có lần ông khóc rồi bảo cô nếu không gặp được đạo tràng, không gặp được những người bạn đồng tu luôn chia sẻ, cảm thông với căn bệnh của mình thì chắc ông đã chết lâu rồi.  

Khi tôi hỏi cô về những thay đổi của mọi người trong đạo tràng ánh mắt và giọng nói cô không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào: “Đạo tràng cô thì tuyệt vời lắm. Đi đến đạo tràng gặp ai các cụ cũng cúi đầu, vái một cái kèm theo câu A Di Đà Phật. Các cụ vái như vái một quý thầy, một vị Phật tương lai vậy. Nếu nhìn thấy hình ảnh ấy chắc cháu không nghĩ trước đây các cụ là những người thế nào đâu. Hồi chưa tu các cụ ghê lắm, ai chửi một các cụ phải chửi lại mười. Với người đời các cụ không hề kém cạnh câu nào. Vậy mà giờ lúc nào đi đâu các cụ cũng chỉ lần tràng hạt rồi niệm Phật, không quan tâm đến chuyện phiền não của thế gian”. 
Cô Dần cùng các phật tử trong chuyến đi phóng sinh trên sông Hồng 
Ở bên cạnh cô tôi có một cảm giác ấm áp và thân thương vô cùng. Giọng cô cứ nhè nhẹ, không gợn chút ưu phiền gợi cho người đối diện một sự an tâm và tin tưởng. Quãng thời gian sáu năm không hề ngắn, chắc một người phụ nữ như cô tự đứng ra lập đạo tràng và có được thành công như hôm nay thật sự phải gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà cô vẫn luôn đứng vững, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các cụ già. 
 
Nhìn cô giản dị trong tấm áo nâu sòng, mái tóc cắt ngắn lộ ra mái tóc đã bạc màu thời gian chắc không ai nghĩ cô sẽ đảm đương được những công việc như vậy. Nếu nhìn thấy cô đi cọ nhà vệ sinh hay đi đun từng ấm nước, mua từng cái chăn, cái chiếu cho các cụ khi đông sang thì chắc ai cũng nghĩ cô là người giúp việc trong chùa mất. Tôi thắc mắc nên liền hỏi cô: “Đạo tràng giờ cũng có nhiều phật tử trẻ sao cô không để mọi người làm những công việc ấy mà đi nằm nghỉ không mệt ạ?”. Cô lúc nào cũng chỉ cười, vẫn nụ cười hiền hậu và ánh mắt từ bi ấy cô nói: “Mình vẫn còn có sức khỏe sao phải nhờ đến ai hả con. Việc gì mình làm được thì phải gắng làm. Đừng làm phiền đến người khác con à”. 

Càng tiếp xúc và được nói chuyện lâu với cô tôi càng thấy khâm phục người phụ nữ ấy. Có một bác đi theo cô từ khi đạo tràng thành lập đã kể cho tôi nghe chuyện hai năm trước cô có đi trợ niệm cho một bạn đồng tu bị tai nạn vào một đêm đông mưa phùn rét buốt. Cô đã thức ba ngày ba đêm không ngủ để trợ niệm cho người bạn ấy. Gia đình bác ấy nghèo, nhà lại nhỏ nên chỉ trải mỗi cái tấm nilon cho cô ngủ mà trời thì rét cắt da cắt thịt. Có đôi ủng cô cứ đi từ ngày đầu trợ niệm đến tận hôm thứ tư xong việc về chùa trời nắng chang chang mà cô vẫn đi. Tất bên trong thì ướt sũng. Cô bảo lúc ấy chả nghĩ gì tới xấu hay đẹp nữa, chả nghĩ mình phải tháo ra thay đôi khác mà nghĩ cho người nằm kia thôi. 

Nắng cũng đã nhạt dần, hoàng hôn dần buông xuống vì không muốn làm mất nhiều thời gian tu tập của cô nữa nên tôi xin phép cô ra về. Trước khi đi cô còn gói cho tôi chút bánh kẹo, hoa quả bảo là lộc Phật rồi dặn: “Gắng sống tốt con nhé, phải tập nhu hòa với nói lời từ ái với mọi người, đừng bao giờ viết xấu hay nghĩ tới việc thù ghét ai nghe con.” 

Tạm biệt cô và các cụ, trên đường về nhà tôi bỗng nhớ lại lời sư trụ trì chùa Tứ Kỳ khi tôi hỏi cụ về cô Dần. Cụ nói: “Bà Dần có cái tâm đúng như tâm Phật. Bà có thể hết mình vì phật tử, hết mình vì mọi người, tìm được một người như bà không phải dễ”. 

Lúc này trong đầu tôi cứ vang vọng tiếng niệm Phật của đạo tràng, tiếng chuông chùa trầm ấm cùng những lời thơ của một tu sĩ mà tôi không còn nhớ tên nữa:
“Quay lưng bỏ lại bao phiền não
Tham giận kiêu căng với ghét ganh
Đời giả tạo như lữ hành gác trọ
Chợt đến rồi đi chớ bận lòng
Giấc mộng đêm qua vừa chợt tỉnh
Khách trần ơi đã tỉnh hay chưa...?”

Nguyễn Linh Chi  - sinh viên Khoa Quan hệ Công chúng & Quảng cáo, Học viện Báo chí & Tuyên truyền
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phiên chợ 0 đồng tại Điểm an sinh xã hội chùa Thiền Giác (TP.Thủ Đức)

Gieo mầm thiện 15:20 26/04/2024

Sáng ngày 26/4/2024 (nhằm ngày 18/3 ÂL), Thượng tọa Thích Đạo Phước, Ủy viên HĐTS, Phó ban - Chánh Thư ký Ban TTTT TƯGH, trụ trì chùa Thiền Giác (phường Phú Hữu, Tp.Thủ Đức, TP.HCM) kết hợp cùng Uỷ ban MTTQVN phường Phú Hữu tổ chức Phiên chợ 0 đồng chủ đề "Phú Hữu nghĩa tình - Kết nối chia sẻ yêu thương”.

Thấy chú rùa bị bán ở ven đường, cô gái đã vận động giải cứu thành công

Gieo mầm thiện 14:50 26/04/2024

Hôm qua, 25/4 là ngày đặc biệt của Phật tử Giác Sen (quê Nông Sơn, Quảng Nam, đang làm việc tại TP.Đà Nẵng) vì đã cùng những người bạn giải cứu thành công "bạn rùa" đang bị bán để lấy thịt.

Nước ngọt về xã đảo ở Giồng Trôm

Gieo mầm thiện 17:54 24/04/2024

Bà con xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ngày 23/4 đã nhận được nước ngọt và thùng nhựa từ một hoạt động từ thiện mang tên "Giọt nước nghĩa tình".

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Gieo mầm thiện 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Xem thêm