Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 02/11/2020, 11:18 AM

Phóng sinh được phước báu

Đức Phật có trí tuệ vô thượng, trong kinh Phạm Võng đã có lời ân cần khẩn thiết khuyên răn chúng ta, giới sát phóng sinh thì tiêu trừ nghiệp chướng, lại trưởng dưỡng được tâm từ bi. Đức Phật còn nói rõ rằng: “Chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta, cứu vật sống được tức là cứu được cha mẹ ta.”

Tâm từ bi chuyển hóa côn trùng 

Để việc phóng sinh thực sự đúng với ý nghĩa của Phật giáo, chúng ta nên thực hiện nó một cách tự nhiên, xuất phát từ tâm của mỗi người.

Để việc phóng sinh thực sự đúng với ý nghĩa của Phật giáo, chúng ta nên thực hiện nó một cách tự nhiên, xuất phát từ tâm của mỗi người.

Câu chuyện sau đây được ghi lại theo lời kể của Đại đức Thích Nhuận Châu. Đại đức Thích Nhuận Châu từ khi mới xuất gia theo học với Thượng tọa Thích Quảng Hạnh, cùng với một số huynh đệ khác tu tập tại chùa Đức Sơn, thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vào những năm cuối thập niên 1980, chùa được xây dựng trong vùng dân mới lập nghiệp, điều kiện kinh tế nói chung còn rất khó khăn. Dân cư trong vùng đa số chỉ sống nhờ vào nông nghiệp. Nhà chùa cũng có được một khoảnh đất khá rộng để trồng tỉa, tự túc một phần lương thực cho đồ chúng.

Vụ mùa năm ấy, cũng như thường lệ, quý thầy trồng đậu phộng để ép dầu ăn quanh năm. Khi đậu vừa lên xanh tốt, bỗng thấy bắt đầu xuất hiện nạn sâu rầy ăn lá, khiến cho những cây đậu đang tươi tốt chẳng bao lâu trở thành vàng vọt, không phát triển. Những người nông dân quanh đó liền lập tức sử dụng thuốc trừ sâu phun xịt liên tục. Vì thế, đám đậu phộng của nhà chùa trở thành nơi trú ẩn của đám côn trùng. Trong khi những ruộng đậu chung quanh ngày càng xanh tốt trở lại thì ruộng đậu của chùa vẫn cứ vàng vọt, tưởng như sắp chết cả.

Kinh Phật và các nghi lễ: Nghi thức phóng sinh

Mấy chú tiểu trong chùa thấy vậy nóng lòng, muốn sử dụng thuốc trừ sâu để cứu lấy ruộng đậu, nhưng thầy Nhuận Châu và các thầy khác đều ngăn lại. Quý thầy nói: “Vì sự sống của mình mà diệt sự sống của muôn loài, như vậy đâu có hợp với lòng từ bi của nhà Phật? Huống chi, ruộng đậu này có mất sạch thì chúng ta cũng chưa đến nỗi phải chết, vậy sao lại nỡ dứt đi con đường sống của muôn vạn côn trùng?”

Tuy nói thì nói vậy, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn khi ấy, phần thu hoạch mỗi năm của đám đậu phộng này là một phần chính yếu cho sự sống của tăng chúng trong chùa, nên quý thầy cũng không khỏi lo lắng. Vì thế, mấy hôm sau thầy Nhuận Châu liền mời thêm mấy thầy nữa cùng đi lên đám đậu phộng. Thầy đứng ở đầu đám đậu phộng, lâm râm khấn nguyện rằng: “Hết thảy các chúng sinh côn trùng xin hãy nghe đây. Quý vị cũng vì sự sống mà nương náu nơi đây. Chúng tôi cũng vì sự sống mà phải gieo trồng đám đậu phộng này. Nay chúng tôi không đành lòng làm hại quý vị, chỉ mong quý vị hạn chế sự tàn phá, để tăng chúng trong chùa còn thu hoạch được đôi chút.” Khấn nguyện như vậy rồi, các thầy cùng nhau trì chú Đại bi ngay tại đám đậu phộng, cầu sức gia hộ của thần chú để chuyển hóa tình trạng bế tắc này.

Thật kỳ diệu! Khoảng vài tuần sau đó, khi ra thăm lại đám đậu phộng, quý thầy đều ngạc nhiên khi thấy sự tàn phá trên đám đậu phộng dường như không còn nữa. Đám đậu phộng tuy vẫn chưa hết màu vàng vọt nhưng đã thấy đâm lá non và phát triển đôi phần.

Kỳ lạ hơn nữa, đến vụ thu hoạch thì mỗi gốc đậu của nhà chùa đều sai trái, chắc hạt, dù cây đậu rất vàng vọt, ốm yếu. Trong khi đó, những đám đậu quanh đó tuy xanh tốt, rậm rạp nhưng khi nhổ lên lại chẳng được mấy trái! Năm ấy, chùa Đức Sơn được một mùa bội thu kỳ diệu, và cũng được một bài học thực tế vô cùng quý giá rằng lòng từ bi có thể chuyển hóa được tất cả.

Thực hành phóng sinh chuyển hóa được gia đình 

Là người Phật tử, chúng ta nên thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Ảnh: Internet.

Là người Phật tử, chúng ta nên thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Ảnh: Internet.

Cách đây ít lâu, tôi lại có dịp ghé thăm thầy Nhuận Châu và vô cùng ngạc nhiên khi thấy thầy đang sử dụng một chiếc máy tính xách tay đời mới nhất! Là những người làm công việc biên khảo và dịch thuật kinh điển, chúng tôi ai cũng ao ước có được một chiếc máy tính xách tay cấu hình mạnh, vì như vậy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc, nhất là những khi có việc phải đi lại nhiều nơi. Tuy nhiên, với một tăng sĩ sống đời đạm bạc như thầy Nhuận Châu mà có tiền để mua chiếc máy tính xách tay này thì quả là điều khác lạ. Dù được quen biết thầy đã lâu, nhưng tôi cũng thấy khó hiểu được sự kiện này.

Khi tôi đánh bạo thưa hỏi, thầy bật cười vui vẻ rồi nói: “Chuyện dài lắm, nhưng nói tóm một điều là tôi làm gì có tiền để ‘xài sang’ đến thế! Chiếc máy tính này là của một người Phật tử mua gửi cúng dường cho tôi. Còn nhân duyên vì sao mà có sự cúng dường này tôi sẽ kể cho anh nghe. Tôi nghĩ, khi nào có dịp anh cũng nên kể lại cho nhiều người cùng biết.”

Và rồi thầy chậm rãi kể lại cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện.

Số là, cách đây khoảng một năm, có một nữ Phật tử là Việt kiều về thăm quê, được một người đệ tử của thầy Nhuận Châu giới thiệu về thầy nên sau khi trở về nhà ở nước ngoài liền viết cho thầy một bức thư khá dài. Trong thư, bà than vãn về vô số những chuyện rắc rối gần đây liên tục xảy ra với gia đình bà, nhất là những bất đồng giữa mọi người trong gia đình mà hầu như chẳng bao giờ có thể thấy được nguyên nhân rõ ràng. Cuối cùng, bà khẩn thiết xin thầy một lời chỉ dạy, một lời khuyên bảo, rằng bà phải làm gì để có thể sớm giải tỏa được những khó khăn trong cuộc sống như thế này?

Thầy Nhuận Châu nói: “Thú thật, có lẽ đây là yêu cầu khó nhất đối với tôi từ xưa nay. Tôi chưa từng biết qua người nữ Phật tử này cũng như gia đình của bà, càng không thể hiểu được nội tình những sự rắc rối, khó khăn mà bà đang gánh chịu. Như vậy làm sao có thể giúp bà ấy một lời khuyên cụ thể? Nhưng bà cứ một mực đặt niềm tin nơi tôi, khẩn thiết cầu mong tôi chỉ giúp cho bà một lối thoát trong hoàn cảnh bế tắc hiện tại. Vì thế, tôi nghĩ chỉ có một phương pháp duy nhất là phải tạo phước đức để hóa giải những tội nghiệp từ trước. Mà muốn tạo phước đức một cách nhanh chóng nhất thì không gì bằng thực hành phóng sinh. Thế là tôi viết thư cho bà ấy, khuyên bà hãy kiên trì thực hành hạnh phóng sinh trong 6 tháng, sau đó hãy viết thư cho tôi biết kết quả. Ý tôi là sau thời gian này, với hạt giống thiện căn đã gieo trồng, hy vọng bà ta có thể sẽ sáng suốt hơn trong việc nhìn lại vấn đề. Và như vậy tôi mới có thể giúp bà đưa ra một lời khuyên, một giải pháp cụ thể nào đó...”

Sáu tháng sau, quả nhiên thầy nhận được thư trả lời của người nữ Phật tử này. Kết quả hoàn toàn bất ngờ. Thầy không cần phải đưa ra thêm bất cứ một lời khuyên nào khác, vì bà ta không còn đòi hỏi gì hơn nữa ngoài việc hết lời cảm ơn sự chỉ dạy của thầy. Mọi vấn đề đều đã được giải quyết một cách tốt đẹp đến không ngờ. Và hiện tại bà ta vẫn tiếp tục thực hành việc phóng sinh như một phần trong cuộc sống hằng ngày. Câu chuyện được bà kể lại như sau.

Với sự hướng dẫn chi tiết trong thư của thầy Nhuận Châu, người nữ Phật tử này lập tức kính cẩn làm theo. Bà dành nhiều thời gian và tiền bạc để tìm mua các loài vật như chim, cá... và thả cho chúng trở về với tự nhiên. Chồng bà là một người nước ngoài, thấy bà làm như vậy thì lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do. Theo lời dạy của thầy, bà nói rằng làm như vậy để được phước đức, cầu sự an ổn trong gia đình. Chồng bà không tin lắm, nhưng cũng không có ý cản trở. Không ngờ chỉ ít lâu sau đó, ông ta chợt nhận ra một điều lạ là mỗi khi họ dừng xe ở đâu đều có những bầy chim bay đến đậu quanh đó, cất tiếng kêu ríu rít. Khi xe lăn bánh rồi chúng vẫn còn bay theo một đoạn xa như tiễn biệt. Rồi ít lâu sau nữa, sáng nào khi họ chạy xe ra khỏi nhà cũng đều có những con chim bay đến chào mừng.

Phóng sinh giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi, yêu quý sự sống của các loài vật. Ảnh minh họa.

Phóng sinh giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi, yêu quý sự sống của các loài vật. Ảnh minh họa.

Người chồng bắt đầu tin rằng việc phóng sinh không phải là vô ích. Ông đã nhận ra rằng loài vật cũng có những tình cảm và sự biết ơn không khác loài người. Vì thế, ông cũng bắt đầu cùng tham gia vào việc mua chim phóng sinh với vợ mình. Khi cùng nhau làm việc này, tình cảm của họ đối với nhau bắt đầu thay đổi rõ rệt. Cả hai đều trở nên hòa nhã và biết lắng nghe, luôn tôn trọng và cảm thông với nhau. Những bất đồng giữa họ hóa ra chẳng có gì là phức tạp và khó giải quyết cả. Nhờ có dịp tìm đến tiếp xúc với những con vật trong điều kiện bị bắt nhốt, bị giam cầm, bị đe dọa mạng sống, nên họ mới nhận ra rằng cuộc sống tự do của họ là đáng trân quý biết bao nhiêu. Và những va chạm xích mích hằng ngày trước đây đều trở nên vụn vặt không đáng kể khi so với sự may mắn lớn lao là họ đang được sống khỏe mạnh và tự do, không bị giam cầm hay đe dọa đến mạng sống. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó thì hai người đã trở nên một cặp vợ chồng hạnh phúc, hòa thuận.

Dần dần, có những con chim tìm đến làm tổ quanh nhà họ, vì dường như chúng cảm thấy rằng sẽ được an ổn, được che chở. Thế là họ liền nghĩ đến việc mua thực phẩm để cho chúng ăn vào mỗi buổi sáng. Sân nhà của họ không bao lâu trở thành một sân chim vào mỗi sáng, và cả hai đều không ngờ rằng việc “nuôi chim” lại có thể mang đến cho họ niềm vui vô cùng lớn lao như vậy. Chỉ cần nhìn những con chim thật dễ thương nhảy nhót vui vẻ và vô tư trên sân, không một chút lo lắng hoảng hốt, họ cảm thấy như mọi sự mệt nhọc của công việc đều tan biến.

Phóng sinh để tái tạo hệ sinh thái

Một thời gian sau, công việc đòi hỏi họ phải chuyển đi một nơi xa, đành phải bán căn nhà đang ở. Lúc này, với tâm từ bi đã được nuôi dưỡng trong thời gian qua, họ thực sự lo lắng cho đàn chim khi không có họ nơi đây. Vì thế, họ đã đưa ra một điều kiện trước khi chấp nhận bán nhà là người chủ mới phải cam kết bảo vệ đàn chim quanh nhà. Ngoài ra, họ còn trích từ tiền bán nhà ra một số tiền lớn và để lại cho người chủ mới để mua thực phẩm cho chim ăn. Người mua nhà hết sức ngạc nhiên trước những yêu cầu của những người bán nhà mà ông ta cho là quá kỳ lạ, nên cố gạn hỏi nguyên do. Sau khi nghe hai vợ chồng người “nuôi chim” này kể lại cặn kẽ mọi việc xảy ra kể từ khi họ thực hành phóng sinh, thật bất ngờ là người mua nhà liền phát tâm sẽ bỏ tiền mua thực phẩm cho chim ăn mà không cần hai vợ chồng người kia phải để lại số tiền ấy.

Sau khi viết thư kể lại cho thầy Nhuận Châu nghe về mọi sự chuyển biến trong thời gian thực hành phóng sinh theo lời dạy của thầy, vị nữ Phật tử kia cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mong muốn được kính biếu thầy một món quà nhân dịp này. Được nghe nói về công việc biên khảo và dịch thuật của thầy, bà quyết định mua gửi tặng thầy một chiếc máy tính xách tay đời mới nhất.

Có một điều thú vị là, cho đến nay thầy Nhuận Châu vẫn chưa từng gặp mặt vị nữ thí chủ kia!

Trích "Công đức phóng sinh"

Pháp sư Viên Nhân 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời vô thường, bướm hoa chỉ là huyền ảo

Tư liệu 09:46 14/11/2024

Sự sống và cái chết, sinh lão bệnh tử là sự tuần hoàn không thể thay đổi được của quy luật tự nhiên, là lẽ thường ai cũng phải trải qua. Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa được đề cập tới trong bài kệ “Thị tật” - “Dạy khi có bệnh” của Thiền sư Giác Hải khi răn dạy đệ tử.

Tất cả các pháp đều từ tâm sinh

Tư liệu 13:19 13/11/2024

Trong bài kệ cho đệ tử Cảm Thành, Thiền sư Vô Ngôn Thông mong muốn đệ tử giác ngộ vô thường và nhận biết cái chân thật để từ đó tùy căn cơ mà chú tâm vào việc truyền dạy Phật pháp.

Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của Thiền sư Không Lộ

Tư liệu 09:36 13/11/2024

Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ.

Từ bi thôi chưa đủ, cần có trí tuệ dẫn dắt

Tư liệu 11:46 10/11/2024

Nếu Từ bi mà không có Trí tuệ thì sao? Từ Bi vô nguyên tắc và mù quáng thì chỉ đem lại những tác dụng tiêu cực. Cho nên nói, chỉ có Từ bi thôi thì chưa đủ mà cần phải có Trí tuệ để dẫn dắt.

Xem thêm