Phụng sự chúng sinh, cúng dàng chư Phật trong thiên tai dịch họa
Năm 2020 mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài nước diễn biến rất phức tạp, thiên tai bão lũ triền miên, song Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đã không đứng ngoài cuộc mà tham gia tích cực sâu rộng vào đời sống chúng sinh.
PV: Thưa Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, được biết năm 2020 mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài nước diễn biến rất phức tạp, Đại Đức và nhà chùa đã không đứng ngoài cuộc mà tham gia tích cực sâu rộng vào đời sống chúng sinh. Vậy xin Đại Đức có thể điểm qua một số hoạt động đó được không?
- Năm 2020 đúng là năm khó khăn của toàn cầu khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ở Vũ Hán. Phải nói rằng, đây là điều thực sự lo ngại. Thầy nghĩ đất nước Việt Nam chúng ta, đặc biệt nhất, tỉnh Quảng Ninh là nơi có nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất thế giới; vì Quảng Ninh có đường biên với Trung Quốc rất dài, có nhiều cửa khẩu, còn có cả đường hàng không, đường biển, khách đi du lịch từ Trung Quốc sang Quảng Ninh rất đông. Cho nên, Thầy nói, tỉnh Quảng Ninh trong đất nước Việt Nam là nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nhiều nhất. Việt Nam chúng ta là một trong những nước sát bên cạnh Trung Quốc, cũng là nước có nguy cơ lây nhiễm. Với thực trạng như vậy, trên cương vị là một vị tu sĩ, đệ tử Phật, Thầy rất lo lắng cho sức khỏe của Phật tử, của nhân dân. Lo lắm! Cho nên lúc đó, Thầy tìm hết trong các kinh điển của Phật để xem Đức Phật có dạy những bài kinh nào có tính chất bảo hộ cho con người, mà có thể bảo hộ cho mình được trong những lúc dịch bệnh xảy ra như thế này. Rất may lúc ấy, Thầy tìm đọc được bài kinh Châu Báu, hay còn gọi là kinh Tam Bảo. Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh này khi thành phố Vesali thời Đức Phật còn tại thế, xảy ra đại dịch cũng giống như đại dịch của mình bây giờ, làm chết vô số dân chúng. Các vị vương tướng ở đó lúc ấy không biết làm thế nào nên đã tìm cách cho người đến gặp Phật để thỉnh Đức Phật và Tăng đoàn đến, giải cứu nạn dịch này. Khi Đức Phật và Tăng đoàn đến đó, Ngài đã cho 500 vị Tăng đọc tụng bài kinh Châu Báu (kinh Tam Bảo), vừa đọc vừa đi 3 vòng xung quanh thành phố Vesali. Quả nhiên có sự cảm ứng thực sự! Sau đó, trời đã đổ những trận mưa rất lớn, rửa sạch tất cả xú uế, ô nhiễm của môi trường kinh thành. Cuối cùng, nạn dịch dần dần được đẩy lui trong thời gian ngắn. Bài kinh này đã được xếp vào một trong những bài kinh Paritta - bài kinh có tính chất hộ trì an lành cho những ai trì tụng.
Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng với chủ đề "Hướng về miền Trung"
Khi Thầy tìm được bài kinh này, Thầy thấy hay quá. Thầy rất mừng, Thầy nghĩ đây cũng là một bảo bối quý báu để cho tất cả những người có tín tâm, những tín đồ theo đạo Phật tụng đọc. Bởi vậy sau đó, Thầy đã phổ biến cho tất cả Tăng Ni, Phật tử của chùa phát nguyện tụng trì bài kinh Paritta có tính chất hộ trì để an lành này, và chính bản thân Thầy cũng đích thân trì tụng. Có những khi trì tụng suốt cả đêm, đi kinh hành xung quanh chùa trong khi cả mưa, cả gió, cả bão để tụng bài kinh này cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện cho dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến Tăng Ni, Phật tử và đến với nhân dân của đất nước mình. Tất nhiên, Thầy cũng có tâm nguyện cầu rộng nhưng Thầy biết là cái đức của mình còn rất nhỏ, không thể nào lớn hết được, cho nên cũng chỉ dám cầu đến cho Tăng Ni, Phật tử, nhân dân Việt Nam. Mình cầu nguyện, có sức lan tỏa và Thầy rất tin lời Phật dạy, tin kinh Phật dạy. Đó là về mặt tâm linh, Thầy lo lắng điều đó để cho Phật tử, cho nhân dân. Và đến hiện tại, cả chùa vẫn đang tiếp tục cầu nguyện, trì tụng bài kinh này. Thầy cũng nghĩ rằng, chắc nó cũng có sự màu nhiệm. Đến nay, đối với hàng vạn Phật tử của chùa cũng chưa có một ai bị mắc nhiễm vào COVID-19. Thầy nghĩ đó là một điều rất may lành. Bên cạnh việc về tâm linh như vậy, Thầy vẫn hướng dẫn và nhắc nhở tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của nhà nước và chính quyền các cấp. Tại chùa, Thầy trang bị máy sát khuẩn cho du khách khi về thăm chùa, rồi phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay sát khuẩn,...
Đối với Tăng Ni, Phật tử thường trực ở chùa, Thầy hướng dẫn mọi người rèn luyện, tập thể thao, ăn uống, vệ sinh sinh hoạt,... để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch và không chủ quan, ỷ lại vào sự gia hộ của chư Phật dù biết khi mình trì tụng kinh Paritta có sự gia hộ.
Còn đối với xã hội, phải nói rằng trong năm 2020, lo lắng về nạn dịch là nỗi lo lắng chung của cả xã hội, của cả thế giới. Thầy cũng vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện đối với xã hội: Thầy tổ chức phát khẩu trang, phát nước sát khuẩn miễn phí ở rất nhiều nơi trong các tỉnh thành trên cả nước, cứ nơi nào có Phật tử của chùa thì Thầy đều vận động Phật tử cùng nhau tổ chức phát tâm để phát khẩu trang miễn phí cho bà con nhân dân. Bên cạnh đó, các đạo tràng Phật tử của chùa lại cùng nhau ủng hộ gạo, ủng hộ thực phẩm cho những vùng khó khăn trong đại dịch COVID-19 này. Còn phía chùa, Thầy cũng đã tham gia đóng góp và ủng hộ rất nhiều cho các đơn vị vũ trang, lực lượng vũ trang biên phòng, cụ thể là đi ra tận biên giới động viên các chiến sĩ biên phòng, rồi mang khẩu trang, nước sát khuẩn, mang gạo, mang mỳ, mang thực phẩm, thức ăn,... lên đó để động viên các chiến sĩ giữ vững biên giới Tổ quốc, đặc biệt là ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19. Chùa tham gia với sự kêu gọi của Mặt trận Tổ Quốc các cấp, cũng đóng góp ủng hộ Mặt trận Tổ Quốc các cấp trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19. Chùa còn ủng hộ Trung tâm Truyền Thông của tỉnh Quảng Ninh, rồi các nhà trường, các bệnh viện của tỉnh,... Và các Phật tử của chùa, các đạo tràng đều đứng ra phát tâm để đi ủng hộ phát khẩu trang miễn phí.
Phật tử chùa Ba Vàng phát tâm Bồ đề nhân kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo
Đến cuối năm, khi xảy ra mưa lũ ở đồng bào miền Trung, chùa cũng tham gia ủng hộ rất tích cực. Thầy đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ Quốc của tỉnh Quảng Ninh, và thành phố Uông Bí để đóng góp, ủng hộ cho Mặt trận Tổ quốc phần ủng hộ cho đồng bào bão lũ. Chùa cũng tham gia với Ban Trị sự Phật giáo của tỉnh để ủng hộ xây dựng những phòng áp lực âm cho bệnh nhân COVID tham gia. Chùa vận động bà con ủng hộ từ thiện, đi trực tiếp vào các vùng đồng bào bị bão lũ. Bản thân Thầy đã đi trực tiếp 2 lần vào vùng bão lũ Quảng Bình và Quảng Trị để ủng hộ bà con nhân dân. Nhân Lễ hội Hoa Cúc của chùa, Thầy vận động mọi người phát tâm ủng hộ cho đồng bào bão lũ miền Trung. Trong cuộc vận động hôm ấy, tất cả mọi người đóng góp ủng hộ được gần 1 tỷ đồng.
Có thể nói, trong năm 2020, tất cả Tăng Ni và các đạo tràng Phật tử, các câu lạc bộ của chùa đóng góp, ủng hộ kinh phí cùng với xã hội để tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19 rồi ủng hộ từ thiện cho đồng bào bão lũ miền Trung, Thầy nghĩ kinh phí cũng khá nhiều, đến khoảng 6, 7 tỷ đồng. Đó là những hoạt động mà chùa tham gia cùng với xã hội.
Bên cạnh đó, trong khi giảng bài trên truyền thông, Thầy cũng đều khuyến khích các Phật tử phải thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch, về vệ sinh, giãn cách,... và luôn luôn cảnh giác cao độ, khuyến khích mọi người phải cùng với nhà nước để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch này. Thầy nghĩ đó là đóng góp nhỏ bé của Thầy đối với xã hội, đối với đất nước để giữ cho dịch không bùng phát.
PV: Có lẽ thời gian Đại Đức dành nhiều nhất là cho việc tu tập hướng đến đời sống chúng sinh, nhất là những người nghèo, yếu thế trong xã hội. Vậy điều Đại Đức tâm đắc nhất cho đến nay là gì?
- Đúng là khi Thầy từ người trí thức, một cán bộ nhà nước phát nguyện đi xuất gia, Thầy thấy lý tưởng xuất gia là lý tưởng rất cao quý, có thể nói đó không những là lý tưởng, mà cũng là hoài bão bao nhiêu năm của Thầy khi Thầy tìm hiểu, tiếp cận với giáo lý của nhà Phật. Cho nên, Thầy đi xuất gia là một điều gì đó rất lớn lao, rất cao quý, Thầy nghĩ không có một cái gì có thể đánh đổi được lý tưởng này của Thầy. Cho nên với đạo Phật, khi Thầy phát nguyện xuất gia thì Thầy học, Thầy hiểu được giáo lý Phật dạy, biết được Đức Phật dạy đời là biển khổ, tất cả chúng sinh chìm đắm trong biển khổ này. Với tư duy của mình, Thầy cũng cảm nhận điều đó rất rõ. Cho nên, khi Thầy phát nguyện xuất gia cũng tâm nguyện làm sao cứu khổ chúng sinh, đem ánh sáng Phật Pháp đến với tất cả mọi người. Mọi người mà được tiếp cận với ánh sáng, với giáo lý của Phật Pháp thì chắc rằng sẽ vơi đi rất nhiều những nỗi khổ, niềm đau. Cho nên, tâm nguyện của Thầy đối với chùa Ba Vàng này cũng phải đi đúng hướng ấy, để phục vụ chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh, đem lại những giá trị chân thật cho mọi người. Và việc Thầy rèn giũa Tăng chúng đi sâu vào việc tu tập, thành tựu được đạo quả, chí nguyện là mục đích rất quan trọng đối với Thầy. Tăng chúng phải tu tập được, phải thành tựu được đạo nghiệp, rồi mới có thể làm lợi ích cho chúng sinh.
ĐĐ. Thích Trúc Thái Minh ủng hộ 500 triệu giúp trẻ em mồ côi
Bên cạnh đó, mặt thứ hai là đóng góp của chùa đối với xã hội. Đức Phật đã gọi đời là biển khổ, mà trong biển khổ đó lại có những người rất khổ, có những người ở hoàn cảnh cực kỳ éo le, nghèo đói, vô cùng túng thiếu, rồi tật nguyền, bệnh tật; đó là về thân. Về tâm, người ta cũng rất nhiều nỗi khổ, có khi là thất tình, thất trí, chán đời, tuyệt vọng, bế tắc, rồi oán hận, thù đời, điên khùng, đam mê nghiện ngập, cờ bạc, hút sách, lo lắng, sợ hãi, ma hành quỷ ám cũng có,... Cho nên, Thầy nói rằng, “đi tu ở chùa là làm dâu trăm họ”, đủ hết các thành phần đến đây. Buồn chán họ cũng đến chùa, thất tình cũng đến chùa,... Thầy nghĩ, Thầy ở chùa là phải “làm dâu trăm họ” rất đúng, lo lắng những việc đó.
Thực sự mà nói, Thầy thấy con người quá nhiều nỗi khổ - khổ về thể chất, lẫn khổ về tinh thần. Với những đối tượng như vậy và nói chung với tất cả, Thầy đều dùng Pháp của Phật để hướng dẫn cho họ tu tập, để họ được chuyển hóa những nghiệp chướng, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của mình. Đó là sự thật. Và khi áp dụng Phật Pháp, Thầy thấy có sự chuyển hóa thật sự tích cực, kể cả về thân lẫn về tâm của người ta, hoàn cảnh sống của người ta cũng được chuyển hóa, không nhiều thì ít đều có chuyển hóa. Có những người có thể không hết ngay được bệnh nhưng tâm họ lại được thư thái. Rồi có những gia đình sau khi gặp Phật Pháp, vợ chồng trở nên hòa thuận, hạnh phúc hơn, con cái trở nên tốt hơn, ngoan ngoãn hơn. Và có nhiều câu chuyện rất cảm động về sự nhiệm màu Phật Pháp, nhiều lắm, có thể Thầy không thể nhớ hết được.
PV: Ngoài những hoạt động được tổ chức thường quy hàng năm thì sang năm Tân Sửu và năm tiếp theo, Đại Đức và nhà chùa sẽ có những hoạt động gì mới?
- Kể ra bây giờ nói đến 5 năm tiếp theo thì hơi dài. Nhưng trước mắt, Thầy nghĩ sang năm 2021, nếu đầy đủ nhân duyên, Thầy sẽ tổ chức khánh thành công trình đại giảng đường, công trình phục vụ cho Phật tử như nhà ăn, nhà bếp Phật tử, khu sinh hoạt của Phật tử. Đó cũng là một trong những công trình lớn của chùa mà trong năm 2020 nhà chùa đã gấp rút hoàn thành để sang năm 2021 có thể được làm lễ khánh thành. Nếu đủ duyên nữa, năm 2021, chùa sẽ khởi công xây dựng đại bảo tháp. Đây là một điểm nhấn về du lịch tâm linh của chùa và có những giá trị đặc biệt về tâm linh đối với chùa, Thầy nghĩ cũng có giá trị đối với tâm linh chung của cộng đồng.
Đối với việc tu học của Tăng chúng, thời gian tới, Thầy càng đẩy mạnh hơn nữa. Với tâm nguyện của Thầy, những người tu học Phật phải có những thành tựu nhất định, đó mới là lợi ích thiết thực cho họ. Vì Phật Pháp không phải chỉ cứu một đời này mà sẽ cứu cho con người muôn đời về sau. Cho nên, ai đến với Phật Pháp, Thầy nghĩ dù sớm hay dù muộn cũng đều được lợi ích. Nhưng muốn được lợi ích thì ngoài việc học ra, người đó phải chân thật thực hành Phật Pháp. Cho nên, Thầy cũng đẩy mạnh việc tu học của Tăng Ni, của Phật tử.
ĐĐ. Thích Trúc Thái Minh chung tay ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19
Và trong tình hình COVID-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, chùa cũng tiếp tục triển khai chương trình tu học trực tuyến. Trong năm 2020 này, chùa đã tổ chức các chương trình tu học, sinh hoạt, các nghi lễ rất tốt. Và các đạo tràng Phật tử của chùa Thầy cũng cho sinh hoạt trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin mới và áp dụng cả kỹ thuật số vào trong công tác quản lý của chùa. Thầy nghĩ, trong thời đại bây giờ cũng phải vận dụng những tiến bộ của khoa học vào trong các công việc quản lý của chùa, trong việc sắp xếp các phận sự.
Tiếp nữa, năm 2021, Thầy nghĩ nhà chùa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, với Ban Trị sự để triển khai các công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; vì chùa luôn luôn có hoạt động từ thiện xã hội và cùng với chính quyền làm sao giữ được an ninh trật tự của địa phương cũng như thúc đẩy, phát triển văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Thực sự mà nói, chùa Ba Vàng là điểm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh, du khách về chùa đông, điều đó góp phần thêm vào sự phát triển kinh tế du lịch cho tỉnh.
Bên cạnh đó, một điều Thầy nhắm tới thúc đẩy là việc hoằng pháp của chùa; vì việc hoằng pháp rất quan trọng. “Hoằng pháp” tức là đem được giáo lý, những điều Phật dạy đến mọi người. Và trong điều này chính là giáo dục nếp sống đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc cho nhân dân. Đó là điều rất quan trọng. Vì thực sự, khi nền kinh tế phát triển thì mặt vật chất được đẩy lên, nhưng nhiều khi tinh thần, đạo đức con người lại đi xuống. Hai điều này rất dễ trái chiều với nhau. Khi vật chất quá sung mãn, con người thỏa mãn rất nhiều các giá trị vật chất thì lại xem nhẹ giá trị tinh thần; cho nên đạo đức nhiều khi bị xuống cấp và bị mất gốc. Cho nên ở chùa, trong những năm qua, Thầy đã hết sức cố gắng làm sao đưa được những lời Phật dạy vào trong cuộc sống cho Phật tử thực hiện, rồi đem những nét đẹp của văn hóa truyền thống, tinh hoa của dân tộc vào trong cuộc sống cho Phật tử, cho nhân dân. Nhất là đối với thế hệ trẻ, Thầy đặc biệt quan tâm, vì thế hệ trẻ rất cần thiết phải được lớn lên, được phát triển trong một môi trường lành mạnh, môi trường ấy là môi trường giáo dục đạo đức, gọi là “tiên học lễ, hậu học văn”. Ở chùa cũng thế, các Thầy cũng dạy các cháu từ những đạo đức làm người rất căn bản, để sau này các cháu trưởng thành sẽ là những người có đức và có tài thì mới có thể là chủ nhân của đất nước, giúp cho đất nước được phát triển phồn vinh, thịnh vượng được.
Đó là những điều Thầy nhắm tới, không phải kế hoạch 1 năm, 5 năm mà có lẽ chương trình lâu dài của chùa sẽ là như vậy: Tăng Ni tu học cho thật tốt, thành tựu được đạo quả; Phật tử và quần chúng nhân dân phải được học giáo lý của Phật, trau dồi đạo đức, biết sống nhớ ơn, đền ơn, rồi quay về với cội nguồn, với những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có quay về những điều đó, chúng ta mới yêu quê hương, yêu đất nước để xây dựng đất nước được; còn chúng ta hoàn toàn quên mất hết rồi thì làm sao có thể giữ gìn và phát triển đất nước tốt đẹp được. Đó là điều Thầy mong muốn, Thầy nghĩ đấy là một chương trình lâu dài của chùa.
Xin cảm ơn Đại đức!
Theo: Chất lượng và Cuộc sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm