Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 06/11/2020, 08:25 AM

Phương pháp sống hòa với thiên nhiên

“Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thế nào là thuận thiên? Thuận thiên là thuận thiên nhiên, là hòa thiên nhiên. Định lý của thiên nhiên vốn là như thế!

'Thái độ sống bảo vệ môi sinh' dưới quan điểm của Phật giáo

Muôn loài, trong đó có loài người, nếu hòa nhịp với thiên nhiên thì tồn tại lâu dài, bằng nghịch định lý thiên nhiên thì mất vậy! Những chất sống trong con người, bị thoái hóa bởi con người hủy diệt từng tế bào của chính mình, cho nên con người đang sống nghịch thiên nhiên. Phạm vi bài này còn ở phần thấp và đang ở thời kỳ đầu “Luyện thân lực theå”, nên chỉ nêu mười phương pháp tập luyện sống thuận thiên nhiên.

Thứ nhất: Luyện cách đi 

phuong-phap-song-hoa-thien-nhien 1

Con người mới sinh ra chưa biết đi, sau một năm và nhờ có người lớn tập đi từng bước. Nhưng khổ nỗi, gặp phải toàn các vị “Huấn luyện viên” không hiểu gì là đạo thiên nhiên, nên đã tập đứa bé đi sai phương pháp. Phải tập đúng:

Nhẹ nhàng vững bước khoan thai

Bước đi quý tướng trong ngoài bình yên

Mỗi nhịp bước theo dòng thiền

Sáu căn tám thức đồng duyên mới là…

Hãy tập, hãy luyện và hãy đi rất nhẹ nhàng, nhưng rất vững chắc và rất khoan thai. Bước đi thế nào là quý tướng, bước đi thế nào là tiện tướng. Xin mời quý vị chiêm ngưỡng hai lối đi của hai hạng người: Hạng hiền nhân quý phái và hạng tiểu nhân hạ tiện thì rõ. Bậc hiền triết, đạo sĩ chân bước đi không chỉ bình yên ở bề ngoài, mà bình yên từ ở chính trong lòng. Mỗi bước đi hòa nhịp theo hơi thở, mỗi bước đi giữ chánh niệm, mỗi bước đi là mỗi định lực toát ra sự bình lặng và hiền dịu khác thường. Khi chân giở lên, tám thức sáu căn đều rõ biết. Khi chân chạm đất, cả sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân miệng và ý đều biết rõ ràng chân đã chạm đất một cách khoan thai, nhẹ nhàng, vững chắc và bình yên. Chẳng những sáu căn mà cả tám thức, trong đó có cả Mạt-na thức và A-lại-da thức, cũng đều rõ biết. Đọc đến đây, có nhiều vị bi quan; mình lớn tuổi làm sao tập, mình nghèo có thời giờ đâu mà tập? Lại có một số vị khác trề môi chê bai rằng; đi mà cũng tập. Vâng! Chẳng những tập mà cần phải khổ luyện! Ngày xưa, các vị Thánh Tăng siêu quần, bạt chúng như Ngài Xá Lợi Phất, như Ngài Mục Kiền Liên, như Ngài A Nan và hàng ngàn vị siêu việt khác, vậy mà hàng ngày vẫn phải đi theo Đức Phật Thích Ca để tập luyện từng bước đi. Còn nhiều vị gánh phân, buôn bán, làm ruộng thuộc giai cấp cùng khổ tại xứ Ấn, nhưng khi theo Đức Phật tập luyện bước đi, chẳng bao lâu khi bước đi thuần thục, hợp thiên nhiên, các Ngài liền đắc Thánh quả. Ông Thuần Đà theo Đức Phật luyện cách đi, lúc đó đã ngoài 70 tuổi, vậy mà khi bước đi đúng quy cách cũng được đắc Thánh quả.

WildAct, tổ chức bảo tồn thiên nhiên và các loài động vật bạn trẻ nên tham gia

Thứ hai: Luyện cách đứng

Đi tuy khó, nhưng dễ luyện hơn đứng. Muốn làm một người lính, việc trước nhất là phải tập đi, tập đứng (Bước đều bước - Đứng lại đứng). Huống gì muốn làm bậc Thánh triết, muốn làm thầy thiên hạ, muốn làm đệ tử của Phật mà tại sao chẳng chịu tập đi, tập đứng. Cho nên cái muốn vẫn ở địa hạt lý thuyết, địa hạt ảo tưởng, nó sẽ tan biến như bọt xà phòng. Luyện đứng đúng:

Đứng vững trên hai chân

Trụ chịu cả toàn thân

Hùng vĩ như hộ pháp

Khoan thai tợ tiên thần

Thần và Tiên ở trên trời, ở trên núi, ta chưa được mục kích. Nhưng tối thiểu mỗi chúng ta ai ai cũng được diện kiến một lần đối với các vị giả thần tiên nơi sân khấu, nơi phim ảnh. Cũng là đứng, nhưng tại sao các vị nghệ sĩ giả thần tiên đứng thì ai cũng muốn xem, ai cũng phải mất tiền để được xem cái bộ đứng khoan thai ấy. Còn ta, cũng là người như họ, vậy tại sao ta đứng chẳng ai chịu xem? Chẳng những không chịu xem, mà đôi lúc thấy ta đứng còn có người ghét, có khi còn chửi mắng; đồ đứng vô duyên, đứng thù lù một đống…. Đứng khoan thai tựa tiên thần thì dễ hiểu, còn đứng hùng vĩ như Hộ pháp thì chúng ta hãy nhìn kỹ tượng Đức Hộ Pháp các chùa, chùa nào cũng có thờ. Tượng mặc dù không cử động vì bằng cốt gỗ, hoặc xi măng hoặc bằng đồng…. nhưng khi nhìn thấy thì ai ai cũng kính nể, có khi phải khiếp phục bởi bộ đứng uy nghi, hùng vĩ. Muốn tư thế đứng được hùng vĩ, được khoan thai, nhờ gì? Nhờ đứng vững trên hai chân và trụ chịu cả toàn thân. Ai muốn làm đệ tử đức Phật, nói cách khác, ai muốn đủ tư cách làm một con người, thì điều tiên quyết là phải tập đứng đúng cách.

phuong-phap-song-hoa-thien-nhien 4

Thứ ba: Luyện cách nằm 

Nằm lại còn khó hơn đứng. Có nhiều con vật vừa mới sanh đã biết đi. Con người tuy là hơn loài vật, nhưng điểm này lại thua xa. Sanh ra phải nằm gần cả năm. Vì nằm lâu quá, nên người lớn chẳng bận tâm chăm sóc, mà có quan tâm, cũng chẳng biết tập nằm cách nào cho hợp thiên nhiên.

Nằm sấp loài súc sanh

Co ro là tôm tép

Nghiêng phải thế tuyệt đẹp

Thoải mái tròn tinh anh

Tại sao không nằm nghiêng phía trái, mà bắt buộc phải nằm nghiêng phía phải? Vì quả tim con người nằm ở phía trái, nếu nằm nghiêng trái, khi ngủ quên, làm nghẽn tim, trở ngại sự tuần hoàn; nhiều bệnh phát sinh vì do ngủ nghiêng trái. Nằm nghiêng phía trái đã nguy hiểm như thế, thì việc nằm sấp hoặc nằm cong, co ro cuốn tròn người, nhất là ở những xứ lạnh, thiếu chăn mền nên phải nằm cuốn tròn - hai cách nằm này vô cùng nguy hiểm. Chẳng những nghịch thiên nhiên, mà còn tự hại mình. Và chẳng những cách nằm nghiêng phải giữ thế tuyệt đẹp, mà còn đòi hỏi lúc ngủ phải nằm ngủ cho thoải mái. Ngủ thoải mái tuy khó, nhưng cũng nhiều người tập luyện được. Ngủ giữ cho tròn tinh anh mới khó luyện tập. Đức Phật lúc nào cũng nằm nghiêng phía phải, rất thoải mái. Nhìn thấy Đức Phật nằm như mỉm cười, tròn tinh anh. Lúc ngủ, kể cả lúc nhập diệt, Đức Phật cũng nằm nghiêng phải, thoải mái và như mỉm cười.

Thứ tư: Luyện cách ngồi

Nằm khó tập luyện, ngồi lại còn khó hơn. Theo tài liệu Cơ thể học và Y học diễn tả cách ngồi đúng quy pháp giúp ích con người, chẳng những khỏe mạnh mà lại còn thông minh. Chào đời, con người nằm lâu quá, cho nên khi mới tập ngồi, cha mẹ và mọi người quá vui mừng, nên chẳng ai để ý đến việc tập luyện cho bé hài nhi ngồi đúng quy pháp. Vì thế, từ đó quen ngồi theo thế trần tục, nghịch thiên nhiên. Muốn thành bậc hiền triết, thánh triết, kể cả muốn tròn tư cách con người, một con người đủ tư cách thì phải tập luyện rất nhiều, hằng vạn pháp, trong đó có pháp tập ngồi.

Thoáng trông như tượng đá

Nhìn kỹ sang tợ vua

Tư thế ngồi thong thả

Lưng thẳng, hai mông vừa.

phuong-phap-song-hoa-thien-nhien 3

Không những trong giờ tịnh niệm, mà bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, gặp trường hợp nào, khi ngồi bắt buộc phải tập luyện đúng quy pháp “lưng thẳng, hai mông bằng nhau”, nghĩa là không nặng, nghiêng lệch mông trái hoặc mông phải. Khi hai mông ngồi bằng nhau, việc tiếp theo là giữ tư thế ngồi rất thong thả, không gượng ép, không vội vàng, không nhúc nhích, không nhí nha nhí nhổm, nghiêng ngả bên phải, bên trái hoặc chồm về phía trước, tréo ngoảy về sau. Phải ngồi đúng tư thế “bắt buộc”: lưng thẳng. Thẳng đến mức độ người khác nhìn vào tưởng pho tượng đá, chẳng những thế mà phải ngồi trong tư thế sang trọng, linh động, uy nghiêm như tư thế của một vị vua ngồi. Điểm ngồi này rất cần cho các bậc thầy cô giáo khi ngồi trước mặt học sinh, sinh viên. Nhất là các vị trụ trì, chủ tọa các buổi hội, các buổi họp. Và rất ư cần cho các vị Phật tử chơn chánh, các nhà lãnh đạo thế quyền, cùng các nhà lãnh đạo tinh thần của các Tôn giáo. Nhìn tư thế ngồi, ai tinh mắt là có thể đánh giá phẩm cách của người đang ngồi trước mặt mình.

Thứ năm: Luyện cách ngủ

Ngủ lại khó hơn ngồi. Có nhiều người chế giễu rằng: “Phàm làm người ai mà không biết ngủ, sao lại bảo rằng khó?”. Vâng! Nếu ngủ thông thường như tất cả mọi người thì quá dễ. Còn đã tự xưng là đệ tử Đức Phật, thì phải ngủ giống như Phật. Ngủ như Phật khó lắm, phải dày công tập luyện mới được. Ngủ như các hàng yếu nhân, vĩ nhân, siêu nhân, hiền nhân, thánh nhân đã quá khó, cho nên rất ít người áp dụng. Nếu áp dụng được thì loài người đâu còn hạng phàm phu đông hơn hàng thánh triết.

Ngủ đúng quy pháp như giới hiền nhân, siêu nhân còn quá khó. Vậy thì ngủ đúng pháp như Phật còn khó biết dường nào!

Lúc ngủ y như tham thiền

Sáu căn, tám thức bình yên hiệp hòa

Ngủ tuy ít từ trường xa

Nghiến răng, mế, ngáy, mớ, la xin đừng!

Lúc ngủ chẳng những nằm nghiêng phía mặt, mà phài ngủ như trạng thái lúc đang tham thiền. Chẳng những chỉ có sáu căn là mắt tai mũi lưỡi thân miệng và ý, mà phải cả tám thức - tức là sáu căn hòa nhập sáu trần thành sáu thức, cộng thêm Mạt-na thức (thức thứ bảy) và A-lại-da thức (thức thứ tám), cả tám thức đều bình yên. Và chẳng những chỉ bình yên, chỉ hợp với nhau, mà cần phải hòa. Giấc ngủ bình yên, hợp sáu căn, hòa tám thức, cho nên không bị rơi vào trạng thái nghiến răng, mế (tức là đái dầm, đái mế), ngáy, mớ la… Một giấc ngủ yên lành gọi là giấc ngủ ngon. “Chúc bạn ngủ ngon” hoặc “Chúc bạn ngủ ngon giấc”, đó là lời chúc tụng rất đạo vị, rất cao thượng. Nhờ ngủ ngon, nhờ ngủ yên giấc, cho nên người tu luyện mỗi đêm ngủ rất ít giờ, vậy mà vẫn minh mẫn, vẫn thông thái, vẫn khỏe vui, ấy là nhờ khi ngủ từ trường phóng xa. “Ngủ tuy ít, từ trường xa”. Đây chỉ mới ghi đại cương về cách tập ngủ. Nếu nói cho đủ về sự an lành cho một giấc ngủ, đòi hỏi phải hội đủ rất nhiều nhân tố; nào là nơi chỗ, màu sắc, không khí, âm thanh, ánh sáng, phương hướng, mùi vị, những vật dụng cần trước khi ngủ, trong giấc ngủ, sau giấc ngủ, sự bảo vệ an toàn cho giấc ngủ, những hình ảnh, những gợi ý, kể cả sự ăn uống, quần áo, chăn mền, nụ cười, niềm khích lệ… Nghĩa là còn nhiều nhân tố để trợ duyên cho một giấc ngủ tốt. Giấc ngủ lý tưởng nhất của người đệ tử Đức Phật.

“Lúc ngủ y như tham thiền”

Thứ sáu: Luyện cách thức giấc 

Tắt đèn, mở nhẹ ngọn đèn ngủ, vào mùng. Sau khóa lễ ngắn tại giường ngủ, hoặc sau giờ tịnh niệm, xoa nắn và điều luyện một số động tác, thông huyết mạch, lau khô mồ hôi, thay quần áo ngủ, đầu đặt xuống gối, miệng thầm đếm một - hai - ba - bốn … đếm tới số 10 là ngủ. Điều khiển giấc ngủ như thế, tuy là rất khó, nhưng có nhiều người đã đạt đến thành công rất mỹ mãn. Việc điều khiển thức giấc, muốn thức mấy giờ thì thức đúng. Bấy giờ, không cần đồng hồ báo thức, đó mới là việc khó. Nhưng nếu không tập luyện để điều khiển sự thức ngủ của chính mình, thì xin bạn đừng tu theo Đức Phật. Trước khi muốn làm một đệ tử xuất gia của đức Phật, là mình phải tự điều khiển được chính mình. Mà việc điều khiển sự thức ngủ không được, thì không mong gì tu luyện các pháp môn khác, các phương pháp khác. Muốn đóng mở các giác quan hữu hiệu thì việc điều khiển sự thức ngủ phải hữu hiệu. Muốn “Mạt-na thức” nhớ, để rồi đến giai đoạn kế tiếp là đưa về “Tạng thức”. Tập Tạng thức quên để trí nhớ. Trí nhớ lửng lơ để bừng Tuệ, người tu luyện phải trải qua từng giai đoạn như thế, mà giai đoạn đầu tiên là phải tập luyện Biết Cách Thức giấc.

Thức giấc trước ánh bình minh

Nửa khuya tỉnh tọa tâm linh mới tròn

Thức - thức nhạy, ngủ - ngủ ngon

Chính mình khai mở điểm son cho mình

Người tu luyện mà không thức giấc trước mặt trời mọc thì tất cả các pháp khác coi như vứt đi. Các chùa các nhà thờ, các thánh thất đều thức giấc công phu, tu niệm vào lúc 4 giờ sáng. Các nơi công tư sở, các ngành thương mại, học sinh, sinh viên cũng thức giấc vào buổi sáng sớm, nên việc thức giấc trước ánh bình minh đa phần thực hiện rất dễ dàng. Việc nửa khuya tỉnh tọa, ấy mới thực là khó!

Có người thức đến 11 giờ khuya, rồi tiếp tục tỉnh tọa. Thức như vậy là sai phương pháp. Phải ngủ từ 9 hoặc 10 giờ, đến 12 giờ, hoặc 1 giờ sáng mới thức dậy tỉnh tọa. Nếu từ 8 - 9 giờ còn ồn ào, nóng nực chưa ngủ được, thì 10 giờ hoặc 10 giờ 30 phải ngủ, để đến 12 giờ 30, trễ lắm là 1 giờ thức giấc tỉnh tọa. Giờ này trời đất trong lành, khí hậu tốt, từ trường tốt, áp suất không khí tốt (nhất điểm dương sanh). Tỉnh tọa 1 tiếng đồng hồ vào giữa khuya, kết quả bằng 4 tiếng đồng hồ vào những giờ khác. Nhạy thức, ngủ ngon; tức là rất dễ thức, rất tỉnh, ngủ rất say, rất bình lặng. Nếu ai đã tập luyện điều khiển được sự thức ngủ của chính mình, thì khi tu luyện đến trình độ cao hơn, sẽ dễ bừng khai một điểm sáng hồng, nơi đỉnh đầu của chính mình.

Thứ bảy: Luyện cách ăn

phuong-phap-song-hoa-thien-nhien 5

Khi còn bé, lúc ăn phải có người đút mớm, dần dần ăn bốc. Lớn biết đi biết chạy, ăn bằng muỗng nĩa. Mãi đến lúc biết nói mới dùng cả đũa lẫn muỗng nĩa. Tuy đã biết cách cầm đũa, gắp thức ăn đưa vào miệng, nhưng kỳ thực cũng ít ai ăn đúng cách.

Hãy ăn như thức uống

Và uống như thức ăn

Bớt dùng hương động vật

Âm dương mới quân bằng.

Loài người đa phần quan niệm sai lầm rằng ăn nhiều thịt loài động vật bốn chân, tức là loài động vật có vú là tốt. Ngày xưa, Đức Phật đã mở khai nền văn minh cho nhân loại, Ngài dặn chớ ăn thịt hoặc bớt ăn thịt. Mãi đến nay, giới Khoa học và Y học mới phát hiện rằng: Trong thịt loài động vật bốn chân chứa nhiều độc tố, nói rõ cách khác là chứa nhiều âm tử.

Giáo sư Michio Kushi phát minh phương pháp chữa bệnh ung thư, phương pháp này gọi là Macrobiotique. Người mắc bệnh ung thư nặng, giới Y khoa đã khoanh tay, nếu chịu chữa trị theo phương pháp Macrobiotique là nhịn ăn thịt loài động vật có vú thì bệnh ung thư tự nhiên lành, bất cứ loại ung thư gì. Một phương pháp hiệu nghiệm như thần. Sự việc này làm điên đầu giới Y khoa Âu Mỹ. Tháng 8 năm 1982, báo chí và các đài phát thanh khắp thế giới đã phổ biến sâu rộng, trong đó có đài BBC, sự kiện đã làm sôi động dư luận khắp thế giới kéo dài ba bốn tháng. Có những tờ báo đăng cả tám trang như tờ LIFE. Ngày nay, các nước Âu Mỹ đang thẩm sâu phương pháp bớt ăn thịt loài động vật có vú để tránh bệnh ung thư. Và ai có bệnh ung thư, bác sĩ (đa phần) khuyên không nên ăn thịt loài động vật có vú (4 chân). Phương pháp này cho phép ăn thịt các loài 2 chân có cánh, có lông như: Chim, gà vịt và các loài cá.

“Bớt dùng hương động vật

Âm dương mới quân bằng”

Ngoài sự cữ hoặc bớt ăn thịt loài động vật có vú, thì việc ăn như thức uống cũng không phải là không quan trọng. Nếu không quan trọng thì Thánh Ghandi không nêu pháp này vào nội quy nhập môn của Người: “Hãy nhai nhuyễn thành nước rồi mới nuốt”. Nhai kỹ, nhai nhỏ, nhai nhuyễn vẫn chưa đúng pháp, mà cần phải nhai thức ăn thành nước rồi mới nuốt. “Ăn như thức uống!” trái lại, lúc uống thì phải nhào luyện nhiều lần cho nước trong miệng quyện lẫn với nước miếng hơi đặc mới nuốt. Ngoài sự luyện tập ăn như thức uống, người tu luyện cần phải luyện tập về ăn rất nhiều cách như là: khi ăn không được nói chuyện, không được nhai ngồm ngoàm, không ăn bốc, ăn tham, ăn ngốn, không gây thành tiếng nhai, cũng không được húp canh sồn sột. Khi ăn không được đùa cợt hoặc tranh cãi, nhất là không được ẩu đả nhau trong giờ ăn. Chúng ta đã là người, không bao giờ đánh nhau giữa mâm ăn: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Những người ăn uống đúng nếp văn minh, ăn uống đúng văn hóa, nhìn thấy đã lịch duyệt, huống gì người tu luyện. Nếu có chuyện gì không ổn định, thì chờ ăn xong sẽ giải quyết. Không nên dằn mâm ném bát, không được đá đổ mâm ăn, đập bát, đập tô, cãi vã, chửi bới, mắng nhiếc, chê dở, chê hôi trong lúc đang ăn. Lại một điều tối kỵ ngăn cấm người tu luyện, không được vừa ăn vừa thảo luận việc đã làm, việc sắp làm. Không được vừa ăn vừa lo nghĩ tính toán công kia việc nọ. Nhất là không được chan lệ (chan nước mắt) thay canh. Nơi dành riêng dọn bữa ăn phải trang trọng, hợp vệ sinh, thoáng khí, phải có mâm hoặc bàn, có ghế hoặc đòn ngồi. Các bữa tiệc vui, giỗ chạp lại càng phải chu đáo và trịnh trọng. Trước khi ăn phải rửa tay, ăn xong phải chờ người bên cạnh đứng dậy. Nếu có việc cần đi trước, thì phải xin lỗi người còn lại. Trước khi sắp ăn, bưng bát cơm dâng ngang trán, tưởng niệm 5 điều:

Thứ nhất: Nghĩ công khó nhọc thành tựu bữa cơm nàyThứ hai: Tự xét chính mình, rồi mới ngồi ăn.Thứ ba: Ngăn ngừa ba độc, nuôi lớn thân tâm.Thứ tư: Cơm là thuốc hay, chữa khỏi thân gầy.Thứ năm: Lợi mình ích người, nhiếp tâm dùng bữa.

Nói chung về luyện tập cách ăn đúng quy pháp thì còn nhiều lắm. Lớp học này chưa đủ thời giờ, nên chỉ nêu mấy nét đại cương. Điều quan trọng là người tu học có thực hành, có tập luyện hay không. Hiểu biết nhiều, không chịu tập luyện, cũng chẳng ích lợi bao nhiêu. Rất mong người tu phải học hiểu, để hành, học hiểu, để tập luyện, hầu sớm đạt ngộ pháp mầu vi diệu về cách ăn đúng quy pháp.

Thứ tám: Luyện cách uống

Nhiều người nói rằng: Ăn đúng cách rất khó, cần phải tập luyện, còn uống thì cần gì phải tập luyện. Quan niệm như thế rất sai lầm, bởi vì trong phép xử thế, chỉ nhìn thấy người đối diện bưng tách nước uống, ta đã đánh giá được phẩm cách người ấy thuộc hạng nào. Cũng thì uống nhiều, nhưng người đời tặng cho danh từ rất thanh lịch: “Uống như rồng lấy nước”, và cũng thì uống nhiều lại bị người đời giáng cho một câu: “Uống như trâu uống” (ngưu ẩm). Vậy thì uống khó hơn ăn. Khỏi cần nghiên cứu Sử học, Cổ học, Văn học mất nhiều công sức, ta chỉ đi vào cửa hàng ăn uống hoặc nhìn vào các chai thức uống, ta đã hiểu trình độ dân trí của quốc gia ấy, của tỉnh huyện ấy, biết luôn cả khả năng giáo dục của nơi ấy. Đứng về mặt Y học và Đạo học, thì cách uống rất nhiều công phu tập luyện, nhưng muốn luyện đến phần cao, thì trước nhất phải tập luyện phần cơ bản.

Ai ơi chớ uống vội vàng

Nuốt nhanh thiếu chất cường toan hại tỳ

Hớp từng hớp nhỏ tí ti

Háu ăn, gấp uống hiểm nguy khôn lường.

Uống như thức ăn là ngậm nước chớ nuốt liền, phải chuyển xoay miệng hoặc súc súc để chờ nước miếng ra nhiều, hòa lẫn nước miếng và nước, khiến cho ngụm nước hơi quánh đặc rồi mới nuốt. Chất “cường toan” tức là nước miếng. Muốn nước miếng đủ hòa với nước thì phải hớp từng hớp nước rất ít. Tập luyện giai đoạn đầu thành công sẽ chuyển luyện uống các giai đoạn tiếp theo.

Thứ chín: Luyện cách rửa

Rửa gồm có rửa mặt, rửa chân, rửa tay, rửa các phần sau khi tiêu tiểu. Nghe qua rất dễ, nhưng thực hành rất khó. Trước nhất, tập luyện rửa mặt. Đa phần sáng dậy hoặc trưa, chỉ xối nước vào tay rồi rửa lên mặt. Người nào kỹ thì nhúng khăn lau chà xát vào mặt. Rửa như thế là sai phương pháp.

Sáng sớm ngâm mặt thau, bồnTrước khi đi ngủ nước hôn chân mìnhGiữ đều: “Thân thể đẹp xinh”Tiểu, tiêu rửa sạch lợi mình xiết bao.

Phải có một cái thau múc gần đầy nước, ngụp mặt vào thau, khiến cho nước “ngâm” đầy ngập cả mặt, đầy đến giáp tai (đến Thùy châu), nín hơi ngâm mặt vào thau nước, nín hơi như vậy ít nhất ba lần, sau đó mới dùng khăn chà rửa. Trước khi đi ngủ phải rửa chân. Không phải xối nước lấy lệ, xối nước cho mát chân, mà phải ngồi lên đòn ngồi, ngâm chân vào chậu hoặc vào bồn, dùng khăn chà xát toàn bàn chân, các kẽ ngón chân, nhất là nơi lòng bàn chân. Tại huyệt Dũng tuyền lại cần phải chà kỹ, chà “thật sạch” . Ngâm chân vào chậu ngập nước, cho nên gọi là “nước hôn chân mình”. Giữ đều rửa chân mỗi tối, ngâm mặt rửa mặt mỗi sáng, một thời gian không lâu, thân thể tự nhiên hảo tướng, “đẹp xinh”

Chẳng những chỉ giữ rửa mặt, rửa tay chân mà việc quan trọng nhất là sau khi đi tiêu hoặc đi tiểu, phải dùng xà phòng và nước sạch rửa kỹ toàn bộ phận tiêu hoặc tiểu. Không nên sử dụng giấy bẩn mà dùng vào việc tiêu tiểu sẽ nhiễm trùng. Khi đi vệ sinh, tức là tiêu xong, phải rửa thật sạch, tiểu xong phải lau thì sự lợi ích cho chính mình không thể kể hết - nhất là trừ được bệnh nhiễm trùng đường ruột và bệnh ung thư đường tiểu. Nữ giới nên thận trọng và không quên điểm này.

An lạc từng phút giây mùa Phật đản tại chùa Địa Tạng Phi Lai

Thứ mười: Luyện cách tắm 

phuong-phap-song-hoa-thien-nhien 2

Loài người sỡ dĩ thông minh hơn loài vật có nhiều điểm, trong đó có điểm biết cách tắm. Và giữa người này với người khác, hơn nhau cũng do nơi biết cách tắm. Cây cỏ bị bụi bám, cây cỏ không phát triển. Vùng nào môi sinh xấu, thì chim muông côn trùng không phát triển được. Người nào không biết cách tắm, các lỗ chân lông không khai mở, thì cũng ví như cây cỏ bị bụi bám, cho nên chẳng những khó phát triển về nọi mặt, mà lẽ sống thường hay bực dọc, cáu gắt, có lắm lúc đổ quạu hoặc sân giận.

Con người chủ yếu huyết mạch thông

Sạch sẽ khí truyền khắp chân lông

Khi tắm nhớ luôn luôn ngậm nước

Ngày nào quên tắm thân chẳng hồng.

Tắm nước lạnh, nước nóng, bất cứ tắm ở nơi nào cũng nên nhớ ngậm một ngụm nước suốt thời gian tắm. Khi tắm xong, lau khô, mặc quần áo xong mới nuốt hết ngụm nước này. Nửa chừng nếu nước miếng ra nhiều, đầy miệng thì hãy nuốt bớt một ít. Buổi sáng nên tắm nước lạnh, buổi chiều hay buổi tối mà gặp mùa lạnh thì nên tắm nước nóng. Ngoại trừ những lúc tắm ở biển, sông, suối, hồ, giếng thì khỏi tránh gió. Còn tắm ở nhà, nên tắm chỗ khuất gió. Mỗi nhà nên có một phòng tắm. Lúc đang có mồ hôi, phải chờ khô mồ hôi mới được tắm. Nếu không có nước lá thì phải có xà phòng tắm. Lúc tắm phải có một khăn ướt hoặc bàn chải mềm để chà xát cho sạch đất. Khi tắm xong, phải có một khăn khô lau sạch. Lau thật khô nước mới mặc quần áo. Bậc làm cha mẹ phải tập cho con trẻ dày dạn phong sương, quen nước, quen nắng. Chớ cưng chiều công tử bột, hoặc quá nhiều kiêng dè, đến khi gặp nước trúng nước, ra nắng trúng nắng. Dày dạn khác với sai phương pháp tắm. Ngoại trừ khi đau bệnh cảm cúm, bình thường mỗi ngày nên tắm một lần. Ngày nào quên tắm, đất bám các lỗ chân lông nên thân không được tươi nhuận (thân chẳng hồng). Lên cấp cao, sẽ thẩm sâu thêm về pháp tắm.

Kết luận

Con người là một tiểu vũ trụ, vì thân thể con người cũng đủ bốn chất: Đặc lỏng nóng hơi. Tức là đất nước gió lửa. Muốn tiểu vũ trụ hòa với đại vũ trụ đất trời “thuận thiên giả tồn” thì phải luyện tập. Đức Phật dạy chúng sanh hơn tám vạn pháp môn, chủ đích là hướng dẫn chúng sanh giải thoát. Muốn dung thông chứng đắc các pháp thì trước nhất người tu luyện phải thông đạt về phần Sự Tướng, phải tuần tự từ dễ đến khó. Tham tu nhảy vọt lên chót vót, những phần cơ bản không chịu tập luyện, nên đa phần những người đệ tử của Đức Phật thường bị chới với giữa dòng.

Khóa học này nói chung, bài học hôm nay nói riêng, chủ đích chung trình bày một số nét cơ bản, hầu giúp người tu học Thực Hành những điều cần thiết, thực dụng hằng ngày.

Trong sông có núi, trong núi có sông, vì núi chính là sông và sông chính là núi. Nhưng thực dụng là khi cần Tắm thì phải xuống sông, chứ không thể lên núi. Người tu học Phật, trước tiên phải thông đạt, đắc pháp thực dụng. Sau đó mới thẩm sâu vào pháp tương tức, tương nhập. Khi nào hòa nhập thiên nhiên, lúc ấy liền hiểu rõ tương tức tương nhập. Hiện tại đang luyện tập theo phương pháp Sống Hòa Thiên Nhiên. Vậy hãy thực sự ăn mới no, phải thực sự tu luyện mới đắc. Không nên quá thiên lệch về mặt lý, bỏ sự. Không khéo sẽ rơi vào tình trạng lý thuyết suông, tình trạng “ngoan không”, xa lìa đạo giải thoát.

Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả những ai phát tâm tinh tấn tu luyện cần cầu giải thoát.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bố tát, tác đại chứng minh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm