Phương tiện cầu siêu trong mùa dịch
Việc thân nhân lo cúng cơm và tụng kinh, niệm Phật để hồi hướng cho người chết, nếu đủ duyên, nên thực hiện liên tục cho đến 49 ngày. Trong trường hợp thiếu duyên thì gia đình tập trung cúng kính, cầu siêu chủ yếu vào các ngày tuần thất.
Hỏi: Vì hoàn cảnh dịch bệnh nên người thân của tôi đã mất sau một thời gian nhập viện. Những người có trách nhiệm ở bệnh viện đã báo tử rồi tiến hành hỏa táng, thu giữ tro cốt để trao lại cho thân nhân vào một dịp thích hợp. Xin hỏi trong trường hợp này thì gia đình chúng tôi, những Phật tử, tổ chức tang lễ - cầu siêu cho người mất như thế nào?
Trả lời:
Với một tang lễ bình thường, ngoài các lễ nghi thuộc về phong tục, văn hóa của quê hương, dòng tộc, còn có các lễ nghi thuộc về tôn giáo tâm linh. Đối với tín đồ Phật tử, lễ nghi tôn giáo tâm linh trong tang lễ Phật giáo chính là cầu siêu; cầu nguyện cho hương linh người chết được siêu thoát, sinh về cõi lành.
Trường hợp vì dịch bệnh không thuận duyên để tổ chức tang lễ như bình thường, trong tinh thần phương tiện, việc cầu siêu cho người chết vẫn có thể tiến hành, mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho hương linh.
Tụng kinh cầu siêu thì có siêu được không?
Trước tiên nếu được, thân nhân tùy nghi thiết một bàn thờ hương linh (phụng thờ di ảnh người chết, hoa, trái, hương, đèn, cơm, nước…) ngay nơi mình đang ở. Mỗi ngày, vào bữa chính (thường là bữa trưa hoặc chiều) dâng cơm nước cúng hương linh. Có gì cúng nấy, lễ bạc mà lòng thành, tâm của chúng ta nghĩ như thế nào thì ta cứ khấn nguyện thỉnh mời, dâng cơm, rót nước. Nếu Phật tử biết nghi lễ, cúng cơm theo nghi thức cúng tiến hương linh thì càng tốt.
Kế đến, thân nhân phát nguyện tu tập như tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, lễ Phật, sám hối, bố thí, cúng dường… để hồi hướng công đức phước báo đến hương linh. Đây là việc cực kỳ quan trọng, hương linh người chết rất mong mỏi thân nhân làm những việc này. Tụng kinh, lệ thường Phật tử Bắc tông thường tụng kinh A Di Đà hay kinh Địa Tạng để cầu siêu. Cũng có thể tụng bất cứ kinh điển nào trong truyền thống Nguyên thủy hay Đại thừa để hồi hướng cầu siêu.
Niệm Phật cũng vậy, có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm danh hiệu Phật Thích Ca, niệm ân đức Phật bảo, niệm danh hiệu chư vị Bồ-tát và Thánh chúng. Niệm càng lâu và nhất tâm thì càng tốt, sau khi niệm Phật xong thì hồi hướng công đức cho hương linh. Các pháp tu khác như tọa thiền, lễ Phật, sám hối… đều có công đức đem hồi hướng, mong cho hương linh được sinh về cõi lành.
Việc thân nhân lo cúng cơm và tụng kinh, niệm Phật để hồi hướng cho người chết, nếu đủ duyên, nên thực hiện liên tục cho đến 49 ngày. Trong trường hợp thiếu duyên thì gia đình tập trung cúng kính, cầu siêu chủ yếu vào các ngày tuần thất.
Tìm hiểu về nghi thức cầu siêu
Cầu siêu và tạo phước để hồi hướng cho hương linh
Nếu gia đình có kết duyên với chùa, thiền viện thì cầu thỉnh chư tôn đức Tăng Ni tại các trụ xứ phục nguyện hồi hướng cầu siêu cho hương linh. Tất cả những tâm nguyện chí thành, những công đức phước báo, những năng lượng thiện lành của thân nhân, của chư tôn đức Tăng Ni, của các bạn đạo được gửi đến cho hương linh sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực, giúp hương linh được nhờ nương phước báo mà sinh về cõi lành.
Theo quan điểm của Phật giáo, khi một người mất đi thì thân thể trở về với tứ đại (đất, nước, lửa, gió), thần thức hay thức tái sinh thì theo nghiệp mà thọ sinh vào cảnh giới tương ứng. Do đó, nếu đủ nhân duyên thì tổ chức một tang lễ bình thường với đầy đủ các lễ tiết, còn thiếu duyên (do thiên tai, giặc giã, dịch bệnh) thì tang lễ có thể giản lược, đơn giản hoặc tối giản.
Đến thời điểm thích hợp, khi tro cốt được trao cho thân nhân, con cháu và người thân có thể gửi tro cốt vào chùa (có nghi thức cầu siêu-thỉnh linh nhập tự), hoặc có thể gửi tro cốt vào nghĩa trang. Có thể xem đây là hình thức “tâm tang”, để tang cho người chết ở trong lòng, không có các nghi thức tang lễ như bình thường. Tuy tối giản, nhưng nếu thân nhân biết tu tập phước huệ để hồi hướng thì hương linh vẫn được lợi ích vô lượng.
Theo: Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học cách Phật dạy con
Kiến thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Kiến thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Nói về mười điều thiện
Kiến thức 10:15 01/11/2024Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.
Ngũ căn - ngũ lực: Năm cội rễ, sức mạnh đưa đến an vui giải thoát
Kiến thức 08:30 01/11/2024Ngũ căn, ngũ lực là nền tảng sức mạnh thúc đẩy tu tập các thiện pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi khổ đau bất tận.
Xem thêm