Qua cửa phù vân
Mỗi con người đều cần có những “cửa phù vân” cho riêng mình. Cuộc sống méo mó, cuộc sống gian khó, cuộc sống cơ cực,... cuộc sống có muôn hình vạn trạng.
Hồi còn đi học, em nổi tiếng học giỏi. Chỉ có điều, gia đình chẳng được ấm êm. Trong không khí cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, có lẽ cô bé ngày ấy cũng thấm thía nỗi bơ vơ trong chính ngôi nhà mình. Mênh mang là cô độc.
Những năm sau này khi cô gái trưởng thành, hoàn cảnh xô đẩy, cô gái ấy còn thanh xuân nhưng mặc, không quan tâm đồ đẹp, ăn chẳng dám lựa miếng ngon.
Rồi đến khi bè bạn đã yên bề gia thất, cô lại thiếu thốn bàn tay người bạn đời bên cạnh để sẻ chia những riêng tư. Cuộc sống những tưởng là triền miên trong khốn khó, day dứt, lo toan... mênh mông là tủi phận, là cơ cực. Mà cô gái vốn hiền và đẹp như một buổi sớm mùa xuân trong lành.
Có cậu bé nghịch ngợm từng nhiều đêm úp mặt khóc vì những lằn roi. Hiểu được tình thương của thầy nhưng cái khí chất ngút trời luôn muốn vượt qua những giới hạn, những quy tắc giam hãm sự tò mò muốn khám phá, muốn tìm hiểu và thử thách khiến cậu bé thường xuyên chịu sự trừng phạt. Có những trận đòn tóe máu, có những vết thương mà cậu đã mang theo từ thuở ấu thơ mãi mãi không lành lại được, trái gió trở trời lại âm ỉ nhức nhối.
Cậu bé lớn lên, trở thành người có tấm lòng nhân hậu, có lý tưởng và tư chất hơn người. Nhưng những màn lưới sắt của định kiến và giới hạn trong đời vẫn không giam hãm được chàng trai ấy. Cậu đi trong cuộc đời một cách hồn nhiên và đầy nhiệt huyết. Dĩ nhiên, chàng trai có vụng về và cũng lại bị những lằn roi trừng phạt từ cuộc đời.
Tôi có những người bạn, người học trò như vậy. Họ vô tư, lành lẽ và tràn đầy lạc quan, đầy nhiệt huyết. Họ yêu đời, yêu người nhưng lại quá đỗi đơn sơ. Họ dường như được sinh ra với nội tâm rỗng lặng, không một kỹ năng, không một lắt léo để bước vào cuộc đời. Cuộc đời thiếu cảm thông, thiếu thấu hiểu và yêu thương. Cuộc đời dường như dành cho một vài người đặc biệt phần nhiều hơn những rủi ro và gian khó.
Có những niềm riêng người ta có thể viết ra, nói ra, có thể chia sẻ với mọi người. Nhưng cũng có những nỗi niềm lắng lại. Cô gái hồn nhiên ngày nào, cậu chàng nghịch ngợm ngày nào dần trở nên trầm lắng hơn. Tôi nhớ từng đọc đâu đó câu thơ:
“Người về qua cửa phù vân
Nghiêng vai rũ bụi phong trần đổ đi”
Mỗi con người đều cần có những “cửa phù vân” cho riêng mình. Cuộc sống méo mó, cuộc sống gian khó, cuộc sống cơ cực,... cuộc sống có muôn hình vạn trạng. Nhưng đối diện với những tác nhân ấy thế nào để làm ra phẩm chất đời sống của mình thì lại phụ thuộc vào sự lựa chọn chủ quan của mỗi cá nhân. Quan trọng nhất là từ những khó khăn và khổ đau ấy, họ thấy ra được sự thật gì của đời sống và bài học gì cho chính mình.
Chúng ta thường có thói quen phán xét hành động đúng sai tốt xấu của một người bằng những hiểu biết hạn hẹp của mình. Nhưng điều hệ trọng hơn là gốc rễ, hoàn cảnh và tâm thế của người trong hoàn cảnh đó như thế nào thì chúng ta không để tâm mà suy xét cho thấu đáo. Điều ấy có nghĩa là, chúng ta chưa hề nhìn lại xem bản thân mình đã đủ từ tâm hay chưa, đủ rộng lòng và trầm tĩnh, đủ thấu đáo chưa trước khi đánh giá người khác hay chưa.
Tôi cũng như bạn, như cậu bé và cô bé trên kia, cũng có những vụng về, khó khăn riêng phải đối diện và bước qua. Chúng ta là ai mà không sai lầm? Ai cũng từng có một góc khuất, một kỷ niệm hay một “vài” những sai lầm vụng dại. Điều quan trọng là ta biết khiêm nhường hơn thế nào sau đó.
Như hai người học trò của tôi đã kể, họ gặp nhiều rủi ro nhưng họ sống lành thiện, lạc quan và tặng lại cho cuộc đời những hiểu biết đáng trân quý và nếp sống đầy hòa ái. Chúng ta không phải chỉ quan sát xem cuộc đời có tròn trịa hay không mà là nên nghĩ xem, mình đang dùng tâm thế nào để sống với cuộc đời.
Tôi thường quán chiếu mỗi khi gặp những trường hợp trái ngang trong cuộc sống. Đặt mình vào hoàn cảnh ấy, thấy được nỗi khổ niềm đau ấy là của mình, khó khăn ấy là mình đang đối mặt để từ đó học hiểu về những bài học mà người kia đã phải trả giá bằng rất nhiều gian nan mới có được.
Cuộc sống luôn là những bình diện đa chiều. Chúng ta sống không phải chỉ để đạt được điều này hay điều khác. Tôi ngồi viết những dòng này khi trời chiều lại hửng nắng sau mưa, thấy mưa đẹp và nắng cũng thật đáng quý, đáng yêu. Giống như thành công với thất bại - hạnh phúc hay khổ đau, giống như hai mặt Đúng và Sai trong quan niệm của người.
Mục đích sống của chúng ta không phải ở đúng - sai. Không ai có thể luôn đúng mà không đi qua sai lầm. Sai lầm cũng có giá trị vô cùng to lớn trong mỗi giai đoạn của đời người. Mục đích sống của chúng ta cũng không phải thành công hay hạnh phúc. Mục đích sống của chúng ta hãy đơn thuần là thấy ra được mình và sống ung dung, tự tại, sống có khiêm nhường, có từ tâm trong những thăng trầm ấy.
Bởi rồi ai cũng sẽ về... “qua cửa phù vân”!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm