Quặn đau khúc ruột miền Trung...
Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ, để sẻ chia cùng những nỗi buồn, lau khô những giọt nước mắt và xoa dịu đi những nỗi đau. Để những cơn mưa xối xả kia không còn nhuốm một màu xám xịt, để tình thương chan hòa vào dòng nước đục ngàu, để biết rằng cuộc sống luôn còn đó những ý nghĩa nhân sinh...
Lũ lụt tại Quảng Bình: Hàng trăm ngôi nhà ở vùng rốn lũ ngập tới nóc
Mưa!
Tiếng mưa rơi ngày càng thêm mạnh, vồn vã, dữ dội và hung tàn như muốn nuốt chửng cả vũ trụ.
Nước cứ thế dâng cao, dân miền Trung quê tôi đã mấy đêm ròng không ngủ.
Khắp nơi chỉ thấy nước, dòng nước đục ngàu lạnh lùng và cả những dòng nước mắt bất lực nhìn bao mồ hôi, công sức của mình cứ thế bị cuốn trôi.
Thế là lũ tràn về, mưa không ngừng rơi, gió thì vẫn rít lên những tiếng điên cuồng, mặt biển cũng vì thế mà dậy sóng giận dữ. Lạnh. Buốt. Tiếng người vẫn í ới gọi nhau trong cơn gió cuồn cuộn. Tiếng được. Tiếng mất.
Dân miền Trung quê tôi nghèo, thế nên họ cần cù, chịu thương chịu khó hơn bất cứ ai trên mảnh đất hình chữ S này, thế nhưng thiên tai chưa bao giờ rủ lòng thương với họ. Người ta nói: chạy nắng, chạy gió, điều đó không thấm gì so với việc “chạy lũ” ở quê tôi. Lũ cứ lên, nước cứ dâng, mọi thứ cứ thế chìm dần trong nước. Người ta lại chậc lưỡi mà nói với nhau “Thôi! Còn người là còn của”.
Nếu bạn ở miền Trung giờ này, bạn sẽ thấy đau lòng biết bao nhiêu. Nhìn những đứa trẻ trong ngày mưa rét muốt, thèm có một giấc ngủ ngon, một giọt sữa ấm, một bữa ăn đủ đầy trong vòng tay ba mẹ thì giờ đây theo dòng nước xiết, ba em đi mãi không về. Bạn sẽ thấy một màu tang tóc trùm lên mọi nẻo đường. “Ba đi đâu, ba về đâu, con…cũng không biết rõ”. Đau thương, mất mát, chia ly...
Người ta cứ cố gắng gồng mình mà chống chọi rồi đôi khi cũng cảm thấy bất lực trước trời đất bao la. Sẽ đau đớn lắm khi nhìn cảnh người thân của mình bị cuốn theo dòng nước mà bất lực, tay chẳng kịp nắm chặt tay, môi chẳng kịp mấp máy để nói lời chia ly cuối cùng với người ở lại. Bạn sẽ thấy những chuyến đò đưa thi thể người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng, dòng nước lũ vô tình chia cắt để rồi người thân, bạn bè bằng hữu chỉ có thể đứng ở bờ bên kia mà khóc thét, cúi chào và thì thầm nói với nhau lời vĩnh biệt, giữa dòng nước lênh đênh, thân xác ấy sao cô quạnh đến thế.
Tôi rất sợ khi phải nhắc đến những con số trong những ngày như thế. Người chết, người mất tích, hàng trăm hộ gia đình đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất…Oằn oại, chực hờ, sợ hãi,…đó là những gì đã và đang hiện hữu nơi mảnh đất miền Trung cằn cỗi quê tôi. Thương! Thương đến nghẹn ngào.
Nhà chống lũ giúp dân thoát lũ dữ
Nếu bạn ở miền Trung giờ này, bạn sẽ thấy cảnh những cụ già ngồi co ro trên nóc nhà, nhìn con nhìn cháu tất tưởi thu ghém, giữ được cái gì thì mừng cái nấy mà lòng không khỏi ngậm ngùi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, người ta chỉ mong an yên thì với họ hai từ đó sao khó đến như vậy. Xót con, xót của, họ như thấy mình là gánh nặng, là một phần của những mệt nhọc mà con cháu phải mang, có lẽ vì thế mà ánh mắt xa xăm kia càng trở nên u buồn và khắc khoải.
Bạn sẽ thấy thương hơn khi những đứa con với niềm vui trong ngày đầu tại giảng đường ĐH, niềm vui ấy còn chưa kịp dứt thì giờ đây, mọi âu lo và gánh nặng lại quàng thêm lên trên đôi vai gầy guộc của mẹ nơi quê hương. Nước ngập, lúa mất, đàn heo đã mấy ngày nay ngâm mình trong nước lũ, đàn gà lao nhao tìm sự sống rồi cuối cùng cũng để mặc dòng nước cuốn trôi.
“Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên,
Miền Trung lũ lụt suốt đêm không ngủ
Chúng tôi vào đại học, niềm vui chưa dứt, bao nỗi âu lo
Dáng mẹ gầy hơn trước, tóc bà thêm sợi bạc
Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót
Con chưa về chưa về lòng thắt cơn đau…”
Nếu bạn ở miền Trung giờ này, bạn sẽ thấy những đôi trai gái vì bão lũ mà gác lại chuyện trăm năm, giống như cô Phật tử của tôi, đã ba lần hủy cưới. Lần một vì dịch Covid, lần hai cũng vì dịch Covid còn lần ba thì vì lũ. Nỗi buồn ấy hiện lên trong từng lời nói, như cái cách cô tâm sự với tôi: “Ước muốn khoác lên mình chiếc váy cô dâu bước vào lễ đường cùng với chàng trai mà con yêu thương chắc không thành sự thật nữa rồi. Chẳng ai hủy cưới đến ba lần, Thầy ạ!”
Bạn ơi! Nếu bạn ở miền Trung giờ này, bạn sẽ thấy mình còn hạnh phúc lắm, đủ đầy lắm khi nơi đây, dưới mái nhà lụp xụp, những đứa trẻ vùng lũ đang phải chia nhau gói mì tôm mà gặm cho qua cơn đói. Bạn sẽ thấy mình may mắn khi được sống ở nơi, nắng chẳng tới đầu, mưa chẳng kịp tới chân, còn người dân quê tôi, một năm dăm ba lần phải oằn mình lên mà chống lại những khắc nghiệt của đất trời.
Bạn sẽ hiểu được thế nào là khổ đau khi phải đứng đó chứng kiến cảnh những gì mình nhọc nhằn vun đắp, căn nhà gắng dành dụm để xây cất, những ruộng lúa, nương khoai chưa kịp thu hoạch đã bị nhấn chìm, con trâu, con bò là thứ tài sản giá trị nhất trong nhà cũng đang phải gồng lên hếch cái mũi thở ngoi ngóp trong biển nước, đàn gà vừa độ lớn, đàn lợn đã đến độ xuất chuồng, mọi thứ ngỡ rằng sẽ tốt đẹp khi tháng này mẹ có thứ đem bán để gửi tiền cho con ăn học, thế nhưng lũ đi qua, vô tình cuốn trôi tất cả.
Bạn sẽ thấy xót xa khi dưới mái nhà kia, trước lũ vẫn là nơi ngập tràn hạnh phúc, nơi có những bữa cơm gia đình ấm áp buổi ban chiều, những tiếng cười trong veo của lũ trẻ, tiếng vợ, tiếng chồng bàn chuyện tương lai, thế nhưng giờ đây nó đã bị chìm trong màn nước thăm thẳm. Để rồi nước rút, người ra đi, kẻ ở lại, chia ly…
Thế nhưng,
Bạn ơi! Nếu bạn ở miền Trung giờ này bạn cũng sẽ bắt gặp được những nụ cười, những nụ cười của niềm lạc quan, của một niềm tin rằng mưa sẽ ngừng, nước sẽ rút và chúng ta sẽ bắt đầu trở lại. Bạn sẽ biết thế nào là kiên cường, khi mảnh đất đầy nắng, đầy gió, đầy mưa bão ấy luôn là nơi sản sinh ra những anh hùng, trong thời chiến lẫn thời bình, người miền Trung quê tôi bao giờ cũng cần cù, chịu thương chịu khó, tiết kiệm và hiếu học. Những con người ấy, họ hồn hậu, bao dung, bao dung với hết thảy những thiệt thòi, hết thảy những nghiệt ngã của đất trời, để rồi tấm lưng miền Trung bao đời nay cứ mãi oằn cong đỡ cho hai đầu đất nước. Thế mới thấy, sức chịu đựng của người miền Trung quả thật phi thường.
Nếu ở miền Trung giờ này, bạn sẽ thấy tấm lòng, sẽ thấy tình thương của con người, sẽ nghe được những tiếng ghe cứu trợ mang theo sự sống đến từng nhà. Bạn sẽ thấy những anh bộ đội xắn tay áo, tay quần cùng góp sức mình vào chiến dịch “chạy lũ”. Và bạn sẽ thấy miền Trung quê tôi chưa bao giờ đơn độc.
Bởi mỗi lần mưa lũ tràn về, cả đất nước lại hướng về miền Trung, yêu thương, bao bọc và san sẻ. Rồi những cuộc quyên góp lại diễn ra. Mạnh thường quân ở khắp nơi xuất hiện, dang đôi tay của mình để góp thành vòng tròn lớn mà ôm cho hết thảy mảnh đất miền Trung. Mỗi người đóng góp một ít sức mình, sức của, gói mì tôm, manh chiếu lành hay đôi ba bộ quần áo cũ.
Ca sĩ Thủy Tiên nhận được hơn 60 tỷ đồng giúp bà con miền Trung
Tôi đã rất xúc động khi biết rằng, từ phương xa, có những đứa trẻ sẵn sàng đập cả ống heo mà mình dành dụm bấy lâu, sẵn sàng hi sinh những ước muốn của bản thân chỉ để gửi chút yêu thương ra miền Trung xa xôi. Một miền Trung mà có lẽ chúng chỉ được nghe qua sách báo chứ chưa bao giờ chúng được đặt chân đến.
Thế nhưng chúng vẫn yêu, vẫn thương bởi có lẽ chúng hiểu, miền Trung là một phần đất nước, là một phần máu thịt của Việt Nam, và những con người đang lam lũ ngoài kia chính là anh em, là những người thân, người thương, là ruột rà máu mủ để rồi dù đi đâu trong tim vẫn vang lên hai tiếng: Đồng bào.
Một chút hi sinh, một chút sự giúp đỡ, hay đơn giản là một lời động viên, một sự đồng cảm, tuy không nhiều để xóa sạch những khó khăn trước mắt nhưng là những điều thiêng liêng, ấm áp, bởi trong đó luôn có tình thương. Thế nên tình thương ở thời đại nào đi chăng nữa, nó là thứ không bao giờ mua được bằng tiền, nó được đo bằng cả tấm lòng.
Và bạn ơi!
Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Chúng ta, dẫu có bận rộn, dẫu có đang bị cuốn vào dòng xoáy của những lo toan cơm áo, dẫu cuộc sống bộn bề và lắm bon chen nhưng tôi tin rằng sâu thẳm trong mỗi người sẽ luôn còn đó tình thương và lòng nhân ái. Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ, để sẻ chia cùng những nỗi buồn, lau khô những giọt nước mắt và xoa dịu đi những nỗi đau.
Để những cơn mưa xối xả kia không còn nhuốm một màu xám xịt, để tình thương chan hòa vào dòng nước đục ngàu, để biết rằng cuộc sống luôn còn đó những ý nghĩa nhân sinh, để miền Trung ruột thịt vươn lên trong kham khổ và lại thấy ánh mặt trời.
Miền Trung ơi! Rồi ngày mai nắng sẽ lên và một cuộc hồi sinh lại bắt đầu, ngay trên chính mảnh đất ấy, sự sống rồi sẽ lại mạnh mẽ hơn. Giống như cái cách mà người mẹ trẻ sinh ra một thiên thần ngay trên ghe, giữa dòng nước lũ. Chúng ta rồi sẽ đúng dậy và sẽ lại tự hào mà cất lên hai tiếng miền Trung – mộc mạc mà thân thương, giản dị mà phi thường, kiên cường và không bao giờ khuất phục.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm